Vì sao có những lúc tôi tìm đến tâm linh để cảm thấy thanh thản nhưng rồi đâu đó trong lòng lại vẫn cảm thấy trống rỗng, khó khăn…?

Thực hành nghi thức tâm linh hay tôn giáo là một trong những hoạt động cổ xưa nhất của con người. Về mặt tâm lý, nó mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho sức khỏe tinh thần như giảm căng thẳng, cho ta cảm giác sống có mục đích, nâng cao lòng tự trọng và lòng trắc ẩn của bản thân…Mười phút thiền hay cầu nguyện vẫn luôn là những phương pháp được tìm đến nhằm giúp an tĩnh tâm hồn, và việc gặp gỡ với những người cùng tín ngưỡng, tôn giáo cũng giúp ta mở rộng vòng tròn xã hội của mình hơn. Có thể thấy, tâm linh, tín ngưỡng hay tôn giáo vẫn luôn đóng vai trò quan trọng như một “điểm tựa” về mặt tinh thần cho loài người. 

Tuy nhiên, có những lúc ta tìm đến tâm linh nhưng lại không tìm được sự thanh thản hay giảm bớt đau khổ, lo lắng nào như ta vẫn thường cảm nhận. Đôi lúc việc thực hành tâm linh lại đem đến tác dụng ngược cho sức khỏe của ta khi ta vô tình hoặc cố ý lạm dụng sai cách những thực hành, luân lý vốn giúp tín ngưỡng và tôn giáo đóng một vai trò tích cực đến con người, hoặc khi ta quá phụ thuộc và cậy nhờ vào chúng mà không tìm đến bất kỳ sự hỗ trợ nào khác như y tế, giáo dục hay trị liệu tâm lý… Hiện tượng này trong tâm lý học có tên gọi là Chạy trốn bằng tâm linh (Spiritual Bypassing).

Chạy trốn bằng tâm linh (Spiritual Bypassing) là một cơ chế phòng vệ (defense mechanism) bằng cách sử dụng các yếu tố tâm linh, những niềm tin tín ngưỡng và tôn giáo nhằm né tránh việc đối mặt với những cảm xúc khó chịu, những tổn thương chưa được giải quyết và những nhu cầu cần được đáp ứng của con người.  

Mỗi khi đương đầu với các tình huống trong cuộc sống, đặc biệt là những lúc thử thách, xung đột hoặc gặp phải đau khổ, khó khăn, vài người trong chúng ta thường có xu hướng sử dụng những luân lý, niềm tin của tín ngưỡng và tôn giáo mình nhằm giải thích cho những gì đang diễn ra. Tự bản chất việc này không tiêu cực, nhưng việc lạm dụng cách thức này quá mức, đặc biệt trong những tình huống đặc biệt nghiêm trọng có thể đem lại những hậu quả đáng kể. Nó không những không giải quyết được vấn đề đang được đặt ra, mà nó còn có thể vô tình làm tổn thương đến người khác, và ngăn cản quá trình phát triển về mặt cảm xúc, xã hội,…của chính ta hoặc những người liên quan.

“Về căn bản, chạy trốn bằng tâm linh đơn giản là một hình thức trốn tránh và kìm nén” – Diana Raab Ph.D.

“The foundation of spiritual bypassing is basically avoidance and repression” – Diana Raab Ph.D.

Trên thực tế, hiện tượng này xảy ra phổ biến đến mức người ta thường không dành nhiều sự chú ý về nó. Nó cũng tương tự như việc tránh né, kìm nén nỗi đau bằng cách làm việc quá sức hay chìm đắm vào game, mạng xã hội, thậm chí là phim ảnh đồi trụy, nhưng chạy trốn bằng tâm linh là một kiểu tránh né khó nhận ra hơn nhiều bởi lớp vỏ bề ngoài trông có vẻ vô hại của nó. Tuy nhiên, kết quả của những hành động ấy vẫn là một, những nỗi đau và thử thách sẽ không biến mất, mà chúng chỉ âm thầm đợi một ngày lại trồi lên trong lòng và cần ta phải đối mặt với chúng.

“Many of us know individuals who run away from problems by going on spiritual retreats. However, when these people return home, although they may feel enlightened for a short time, they are eventually triggered by the issues that sent them on their spiritual journeys in the first place. All the fear, confusion, and drama are still where they left them, and nothing has really been accomplished.” – Diana Raab Ph.D.

“Nhiều người trong chúng ta chạy trốn khỏi những rắc rối bằng cách tìm đến những hoạt động tâm linh. Tuy nhiên, khi trở về nhà, dù họ có cảm thấy được soi sáng trong một khoảng thời gian ngắn, họ cuối cùng sẽ lại đau nhói vì những vấn đề mà ban đầu vì chúng, họ đã tìm đến con đường tâm linh. Tất cả những nỗi sợ hãi, bối rối và những khúc mắc vẫn còn đó, cái ngày mà họ quyết định lờ chúng đi, và chưa cái nào thực sự được giải quyết cả.”

– Diana Raab Ph.D.

Một vài hình thức Chạy trốn bằng tâm linh mà chúng ta thường gặp bao gồm:

  • Gạt đi những cảm xúc khó chịu, tiêu cực

Có lẽ vì tôn giáo luôn được kỳ vọng làm cho con người trở nên hạnh phúc và tốt đẹp hơn, thế nên việc những tín đồ có những cảm xúc như buồn bã hoặc tức giận là một điều khó có thể được chấp nhận. Chính vì thế, những tín đồ tôn giáo thường rất dễ bị rơi vào hiệu ứng tích cực độc hại (toxic positivity), chỉ chấp nhận và lan tỏa những cảm xúc tích cực, còn những gì là tiêu cực thì nên cần được nhanh chóng đào thải, loại bỏ và lãng quên, dù cho vấn đề đằng sau đó vẫn chưa được giải quyết. 

Mỗi khi ta có những buồn phiền, đau khổ hay những chuyện làm ta tức tối và ta tìm đến những người này để tâm sự thì họ sẽ có xu hướng khuyên bảo ta rằng: 

“Cậu đừng buồn nữa mà. Nhìn xem, còn cả đống người còn khổ hơn cậu gấp mấy lần kìa”

“Thôi nào, ít ra nó đã không tệ đến thế”

“Đừng tức giận như thế làm gì, chỉ khổ cái thân thôi”

Cảm xúc đối với những người này bị xem là những điều xui rủi, rằng bạn chỉ đang phản ứng thái quá và không biết trân trọng hiện tại mà thôi. Chính vì vậy, những người tâm sự cùng họ hầu như không nhận được sự thấu hiểu và sẻ chia, từ đó không tạo được sự kết nối về mặt cảm xúc giữa mọi người với họ. Việc chối bỏ cảm xúc, nâng chúng lên với một ý nghĩa siêu việt hơn một cách thái quá trước khi kịp xử lý chúng là một cách không lành mạnh để ‘vượt qua’ những khó khăn trong cuộc sống.

  • Phủ nhận những khó khăn, bất công trong cuộc sống

Khi một cá nhân phải trải qua những tình huống gây đau khổ mà bản thân họ không thể thoát khỏi và họ tự nhủ rằng những đau khổ đó là cần thiết để họ đạt đến một mức phát triển cao hơn về mặt tâm linh, họ thậm chí có thể coi đó là một ân huệ, v,v,,, và những niềm tin này đã làm giảm động lực đi tìm giải pháp của họ cho những vấn đề của mình, làm họ trở nên thụ động hơn trước những thử thách, chông gai… thì có thể họ đang chạy trốn bằng tâm linh.

Tương tự, khi một cá nhân chứng kiến sự bất công diễn ra với người khác, thay vì thương xót, đồng cảm và cùng xã hội nỗ lực khắc phục, vài người lại cho rằng đó là do kiếp trước của người ta đã làm việc ác, hay là do ăn ở không tốt, v.v… Họ tin vào một thế giới bình đẳng và nhân quả quá mức, không chấp nhận rằng xã hội có thể bất công với một số nhóm người. Tệ hơn, họ thậm chí có thể chần chừ, do dự trước việc tham gia vào những nỗ lực nhằm cải thiện những khó khăn trong xã hội, họ né tránh trách nhiệm mang lại bình đẳng, nghĩ ra giải pháp giải quyết vấn đề của chính mình và những người xung quanh vì họ tin rằng: mọi việc xảy ra đều đã được định trước, ở hiền thì luôn gặp lành, ác giả tất bị ác áo.

Sự chối bỏ hiện thực bất công còn được thể hiện qua việc đổ lỗi cho người khác trong một tình huống bi kịch mà chính những người đó lại là nạn nhân. Chính vì tin rằng những điều xấu xa xảy đến là nhân quả, nghiệp báo, là cái giá phải trả cho tội lỗi của mình mà đôi khi, vài cá nhân lại chọn đứng về phe hiện thực tàn khốc để nói rằng: có lẽ những nạn nhân đã phạm tội tày đình nào đó, nên giờ họ đáng bị trừng phạt/ Đáng đời, ai bảo lại đi tạo cơ hội phạm tội cho người khác, không biết bảo vệ mình, v.v…Họ đổ lỗi cho nạn nhân (victim blaming) vì cho rằng chính họ đã tự chuốc lấy điều ấy cho mình.

  • Lòng tha thứ vô điều kiện

Điều này xuất phát từ việc cho rằng cãi vã, mâu thuẫn luôn tượng trưng cho sự bất hòa, vô phúc và sự vắng mặt của hồng ân. Vì vậy, dẫu cho là chuyện gì xảy ra, họ luôn khuyến khích sự tha thứ đến từ phía nạn nhân, thậm chí khi vết thương ấy vẫn còn rỉ máu tươi chưa lành. Họ luôn cố gắng để né tránh mâu thuẫn một cách quá mức, và hậu quả để lại đó là, nỗi đau của người bị hại không được quan tâm và xem trọng một cách xứng đáng với những gì họ phải trải qua, còn những hành vi độc hại, những tội ác thì lại được dung túng, và họ xóa nhòa đi trách nhiệm sửa đổi của kẻ phạm tội cùng việc gánh chịu lấy những hậu quả do hành vi của họ gây ra.

Đôi lúc, việc này có thể đi xa đến nỗi nạn nhân thậm chí bị ‘ép’ phải tha thứ cho đối phương, tựa như đó là một việc bắt buộc phải làm, tựa như nỗi đau ấy chẳng là gì cả, như chưa từng hiện diện, và “không đáng để đau”. Vì đó có thể là đạo lý được dạy, là làm vậy mới là tín đồ tốt….

“Chuyện bé tí mà sao mày tính toán thế nhỉ?”

“Nó chỉ là con nít thôi mà, nó có biết gì đâu”

  • Quan trọng hóa tôn giáo quá mức

Nếu như mỗi khi gặp khó khăn về mặt tâm lý, bạn chỉ tìm đến đọc kinh và cầu nguyện. Nếu như mối quan hệ bạn đang trục trặc, gặp mâu thuẫn, thử thách, bạn chỉ cầu nguyện và phó thác tương lai cho Chúa. Nếu như bạn không chủ động thay đổi điều gì cho hoàn cảnh hiện tại ngoài đi chùa để cầu mong hết khổ, thậm chí khi bệnh tật, bạn không đi bệnh viện mà chỉ chăm chú cầu xin Thượng Đế… thì có khả năng bạn đang chạy trốn bằng tâm linh.

Bạn hi vọng việc tìm đến các giải pháp ấy luôn hữu hiệu, rằng cầu nguyện sẽ luôn được đền đáp, đọc kinh, thiền định đầy đủ thì cuộc sống sẽ luôn được yên bình, ấm no. Bạn thậm chí coi giải pháp này là luôn hữu hiệu hơn bất kì con đường nào khác: kết nối xã hội, gặp bác sĩ, tìm kiếm sự hỗ trợ từ mọi người xung quanh… luôn là những giải pháp mà bạn cho là quá ‘trần tục’, ‘thế gian’ để có thể giải quyết được vấn đề linh thiêng cho linh hồn bạn.

Thật vậy, ta tìm đến tôn giáo để tìm kiếm sự an ủi, bảo bọc, chở che, để tin rằng ở hiền sẽ luôn được gặp lành. Nhưng có những khi, ta cảm thấy cầu nguyện bao nhiêu đi nữa cũng không đủ, đi chùa nhiều đến mấy cũng không qua được khổ đau, hoặc không phải tai ương nào cũng đều có nguyên nhân của nó…Những đứa trẻ có tội tình gì chăng mà lại bị chết trong chiến tranh, phải chịu đựng đói nghèo? Cô bạn hàng xóm mình quen biết xưa giờ cũng luôn là người tốt bụng, thế nhưng cô ấy cũng phải ra đi vì ung thư máu. Còn những kẻ chỉ biết lừa đảo, xem chừng lại vẫn đang sống dửng dưng, thậm chí là trường thọ… Bỗng một ngày, bạn lại cảm thấy, có lẽ nhân quả không phải lúc nào cũng đúng, hoặc ít nhất, là không thể trả hết được một lần ở đời này.

Sự tỉnh thức ấy, có lẽ chính là khi ta đã quá phụ thuộc vào góc nhìn tâm linh để nhìn rõ cuộc đời. Có lẽ đã đến lúc, ta cần cân nhắc thêm những góc nhìn khác, mở rộng tầm nhìn cho những chiêm nghiệm cuộc sống của ta.

Nếu như điều này đang ảnh hưởng đến bạn, đây là một số gợi ý để thay đổi:

Trân trọng mọi trải nghiệm, cảm xúc: không có cảm xúc nào là xấu hay cảm xúc nào là tốt hoàn toàn, cảm xúc đơn thuần chỉ là những tín hiệu cho ta hiểu hơn về những trải nghiệm của chính mình trong cuộc sống, từ đó ta có thể điều chỉnh, thay đổi hoặc giữ nguyên một điều gì đó.

Cho những giải pháp khác một cơ hội: thực hành tâm linh tự bản chất không phải là điều tiêu cực, chỉ là bên cạnh đó, hãy thử tìm đến những con đường khác song song với con đường để cùng giải quyết cho khó khăn của bạn một cách hiệu quả hơn

Hãy tha thứ chỉ khi điều đó giúp bạn nhẹ lòng hơn: tha thứ vô điều kiện không phải là một phẩm chất tốt đẹp mà ngược lại, đó có thể là sự dung túng cho những điều ác. Vì vậy, việc biết tha thứ và cổ vũ sự tha thứ đúng lúc, đúng thời điểm là một điều quan trọng và cần cân nhắc thật kĩ càng

Có những lúc, ở hiền lại không được gặp lành: chúng ta đều mong ước đến một thế giới công bằng, nhưng đôi lúc, việc quá tin vào niềm tin này có thể làm ta thờ ơ đến những bất công còn hiện diện trong cuộc sống. Thừa nhận rằng thế giới này đôi lúc sẽ bất công với những người tốt sẽ giúp ta có động lực để thay đổi nó hơn.

 

Nguồn tham khảo:

[1] Radhule B. Weininger M.D., Ph.D.(2023).What Is the Spiritual Bypass?. Psychology Today. https://www.psychologytoday.com/intl/blog/heart-medicine-for-a-changing-world/202302/what-is-the-spiritual-bypass

[2] Diana Raab Ph.D.(2019).What Is Spiritual Bypassing?.Psychology Today.https://www.psychologytoday.com/us/blog/the-empowerment-diary/201901/what-is-spiritual-bypassing

[3] Kendra Cherry, MSEd.(2023).Spiritual Bypassing as a Defense Mechanism.Verywellmind.https://www.verywellmind.com/what-is-spiritual-bypassing-5081640#:~:text=Spiritual%20bypassing%20is%20a%20way,Avoiding%20feelings%20of%20anger

Trả lời