Hành trình khám phá bản thân là hành trình như thế nào?

Hành trình khám phá bản thân là hành trình như thế nào?

(Series giúp mình hiểu mình)

Từ khóa: Bản thân, khám phá chính mình, hành trình khám phá, hiểu mình

Trào lưu khám phá bản thân trong thời gian gần đây

Dạo gần đây, khi lướt các trang mạng xã hội chúng ta rất dễ bắt gặp những cụm từ “khám phá bản thân, tìm hiểu về mình, hiểu chính mình, chữa lành đứa trẻ bên trong…” cùng những lợi ích của việc khám phá bản thân và hiểu chính mình mang lại cho mỗi người. Bên cạnh đó, là những kĩ thuật, phương pháp và công cụ để mỗi chúng ta có thể thực hiện hành trình đó. Thậm chí là cả những khóa học để chúng ta có thể khám phá, hiểu chính mình và chữa lành những tổn thương quá khứ. 

Dẫu vậy, việc có quá nhiều thông tin có thể khiến chúng ta trở nên rối bời, ngộp thở và đôi lúc không biết đâu là đúng, đâu là sai và nên có những lựa chọn như thế nào cho phù hợp. Trong “Bát chánh đạo” (tám con đường đường chính trực để rèn luyện  những đức tính tốt ở con người), Đức Phật có đề cập đến con đường chánh tư duy. Chánh tư duy là cách chúng ta tư duy có những hiểu biết sâu sắc về một vấn đề và nhìn nhận các vấn đề với bản chất nó vốn là. Tương đồng với quan điểm trên của Bát chánh đạo chính là quan điểm xem xét mọi vật một cách toàn diện và đúng bản chất của nó trong khoa học Macxit. Vậy nên, để mỗi chúng ta có thể hiểu được thực sự lợi ích của việc khám phá bản thân cũng như lựa chọn được các phương pháp hay khóa học phù hợp để hiểu bản thân, trước tiên, chúng ta cần hiểu được bản chất của việc khám phá bản thân là gì.

Đôi nét về “series giúp mình hiểu mình”

Trong “chuỗi bài viết (series) giúp mình hiểu mình”, chúng ta sẽ cùng Psyme tìm hiểu về bản chất của hành trình ấy – hành trình giúp mình hiểu mình – hành trình khám phá bản thân để nhận thức chúng ta là ai, nhận thức những lý do chúng ta có những quyết định, hành động và suy nghĩ ở hiện tại thông qua lăng kính của Tâm lý học. 

Các chủ đề trong series xoay quanh hành trình khám phá bản thân để chúng ta hiểu về bản thân tốt hơn. Thực chất đó là hành trình như thế nào,  làm cách nào chúng ta có thể khám phá chính mình? Liệu rằng chúng ta có thể hiểu được chúng ta là ai? Khi tìm thấy con người của mình, chúng ta có đủ dũng cảm để chấp nhận và yêu thương bản thân? Có những điều gì có thể thay đổi khi chúng ta thực hiện hành trình đó? …. 

Các chủ đề kết hợp giữa kiến thức tâm lý học và quan điểm mình đúc kết thông qua những trải nghiệm cá nhân. Mình mong những chia sẻ này sẽ phần nào giúp các bạn hiểu hơn về hành trình khám phá chính mình. 

Hành trình khám phá bản thân

Con người chúng ta không chỉ là một kiệt tác của tạo hóa mà còn là một hệ thống kì vĩ hơn bất kì một danh lam thám cảnh tự nhiên nào trên thế giới. Theo Grace J. Craig và Don Baucum (2002), con người không chỉ là thực thể sinh vật, tâm lý, xã hội, con người trước hết là một hệ thống. Trong một hệ thống lớn, chúng ta có vô vàn những hệ thống nhỏ như hệ thống tuần hoàn, hệ thống hô hấp, hệ thống tiêu hóa… Một trong những hệ thống nổi bật và quan trọng hàng đầu của con người chính là hệ thống tâm trí. 

Theo Hiệp hội tâm lý học Hoa Kỳ (APA), tâm trí (Mind) là tổng thể các quá trình tinh thần và tâm linh, là tất cả các hiện tượng trí tuệ và tâm lý của sinh vật, bao gồm hệ thống động lực, tình cảm, nhận thức, hành vi… Tất cả những hệ thống này với vấn đề nó quan tâm nhất sẽ được sắp xếp có tổ chức trong lược đồ cái Tôi (Self – schemas) (Larsen và Hảo, 2021). Mỗi một lược đồ có một khả năng tiếp cận khác nhau: lược đồ được sử dụng nhiều và gần nhất có khả năng bị kích hoạt nhanh và nhiều hơn (Ford và Kruglanski, 1995; Todorov và Bargh, 2002). Những điều này đồng nghĩa rằng lược đồ Cái Tôi với hệ thống giá trị riêng, niềm tin riêng cùng khả năng tiếp cận các vấn đề khác nhau sẽ tạo nên những quan điểm khác nhau ở mỗi người khi xem xét một sự vật, hiện tượng. Đồng thời lược đồ cũng giúp chúng ta có khả năng nhanh chóng phát hiện và nhận ra tình huống phù hợp với quan điểm và trải nghiệm của mình. Một ví dụ đơn giản đó là bạn rất yêu những chú cún thì lược đồ của bạn ghi nhớ một giá trị quan trọng là: những chú cún đáng yêu nhất. Tuy nhiên, người bạn thân của bạn rất yêu mèo và ghi nhớ một giá trị quan trọng không kém trong lược đồ là mèo đáng yêu nhất. Khi nhận được sự chia sẻ từ người bạn thân, bạn lập tức thấy khó chịu, muốn phản bác ngay và tìm mọi lý do để chứng minh chó đáng yêu nhất. Chính lúc này đây, lược đồ của bạn đã được kích hoạt để bảo vệ những quan điểm, giá trị và niềm tin mà bạn trân trọng nhất, lược đồ đã phát hiện ra quan điểm ngược mình, không đúng với trải nghiệm từng có và thúc đẩy hành vi để bác bỏ quan điểm trái ngược đó, bảo vệ quan điểm đã được ghi nhớ trong lược đồ. Dẫu vậy, bạn có biết rằng, cả những chú cún và những chú mèo đều rất đáng yêu không, mỗi một loài lại đáng yêu theo cách riêng của nó mà không thể so sánh được. Vậy nên, tâm trí có thể coi là một hệ thống vô cùng phức tạp, độc nhất vô nhị và chứa vô vàn điều kì thú về bản thân mỗi người. 

Bên cạnh đó, Sigmund Freud (1900) cho rằng: cấu trúc nhân cách của con người được xác định dựa trên ba phần: ý thức (The conscious) chiếm một phần nhỏ, là những điều chúng ta nhận thức được; tiền ý thức (the preconscious) là những ký ức, cảm giác, suy nghĩ không ý thức nhưng nhanh chóng được phục hồi; vô thức (The unconscious) chiếm phần lớn, là những điều chúng ta không nhận thức và không thể khơi gợi một cách kiểm soát nhưng lại một phần ảnh hưởng đến lời nói, hành vi, cảm giác của chúng ta (Randy. J. Larsen (2020). Có thể thấy thông qua cấu trúc nhân cách của con người, rất nhiều suy nghĩ, tình cảm, động lực… của chúng ta đang ẩn mình sâu dưới tầng vô thức mà chưa được biết đến. Do đó, hành trình khám phá bản thân là hành trình tự thân mỗi người tìm hiểu về hệ thống tâm trí của mình bao gồm đặc điểm nhân cách, tình cảm, hành vi và các quá trình tinh thần khác của mình… Đặc biệt là những đặc điểm tâm trí và những lý do cho mỗi hành vi của bản thân còn đang ẩn mình trong vô thức chưa được khai phá. 

Thêm vào đó, theo quan điểm của tâm lý học xã hội, mỗi người có một lược đồ và khả năng tiếp cận khác nhau nên khả năng nhận hiểu (Construal) khác nhau về những điều xảy ra với mình (Elliot Aronson và cộng sự, 2016). Do đó, chúng ta chính là những cá nhân độc lập, có suy nghĩ và cá tính riêng. Nói như Carl Roger trong cuốn “A becoming a Human A Therapist’s View of Psychotherapy – tiến trình thành nhân, quan điểm trị liệu tâm lý của nhà trị liệu”, chúng ta chính là người thầy thuốc tốt nhất của chính mình. Điều này ngụ ý rằng chúng ta sẽ là người có khả năng biết rõ về chính mình cũng như những vết thương và cách chữa lành nó. Mọi sự hướng dẫn bên ngoài chỉ là sự hỗ trợ, chính chúng ta mới là yếu tố quyết định. 

Bên cạnh đó, theo Alfred Adler (1927) con người luôn được thúc đẩy bởi sự liên hệ với xã hội bởi vì chúng ta sinh ra và trưởng thành trong môi trường xã hội. Đúng vậy, con người không sống cô lập mà sống với gia đình. Có lẽ chúng ta đã biết trong những năm đầu đời đặc biệt là từ 0- 2 tuổi là giai đoạn vô cùng quan trọng để trẻ hình thành nhân cách và nhận định về thế giới. Nhân cách và nhận định được phát triển trong thời gian này sẽ gần như được duy trì cố định hết một đời người và phụ thuộc rất nhiều vào gia đình. Lý do bởi vì môi trường chính trẻ tiếp xúc từ 0 đến 2 tuổi luôn xoay quanh gia đình. Nếu chúng được bố mẹ yêu thương, chăm sóc đầy đủ, trẻ sẽ nghĩ rằng thế giới thật tươi đẹp và mình thật xứng đáng. Ngược lại, nếu trẻ bị hắt hủi, bỏ rơi, mắng chửi, chúng có thể sẽ nghĩ rằng thế giới thật đáng sợ, thật kinh khủng, mình thật vô dụng, mình không đáng sống. Những suy nghĩ này được ghi nhớ sâu sắc trong lược đồ cái Tôi và theo trẻ phát triển theo năm tháng, thúc đẩy hành vi của trẻ. Vậy nên nói như tác giả Trần Đình Tuấn (2023), gia đình là nơi nảy sinh những tương tác có ảnh hưởng quan trọng của các thành viên, là nguồn lực tạo ra sự hạnh phúc nhưng cũng là nguồn lực tạo ra những vấn nạn.Theo nhận thức luận hệ thống, sự giao thoa giữa các tâm trí (tương tác giữa các cá nhân) sẽ tạo ra “không gian giữa” (space between) (Thornburn và cộng sự, 2016). Không gian giữa bao gồm khuôn mẫu, quy tắc, nơi hành vi liên quan và lồng ghép vào nhau. Không gian giữa là nơi định hình lên cảm xúc, ý nghĩa và giá trị của cá nhân, ảnh hưởng cụ thể đến hành vi… Vậy nên, hành trình khám bản thân không chỉ đơn giản là xem xét một cá nhân mà còn là xem xét mối quan hệ, bối cảnh của cá nhân và sự tương tác của cá nhân trong mối quan hệ và bối cảnh đó đặc biệt là trong bối cảnh và mối quan hệ gia đình. Thông qua việc xem xét bối cảnh và các mối quan hệ, hành trình khám phá bản thân của một cá nhân sẽ được xem một cách toàn diện và đầy đủ hơn. 

 

Lời kết

Tóm lại, nói một cách đơn giản, hành trình khám phá bản thân là hành trình tự thân khám phá và thấu hiểu về con người thực sự của mình cũng như những cơ chế phòng vệ của bản thân. Dữ liệu để đọc hiểu về bản thân chính là các quá trình nội tâm kết hợp với các quá trình xã hội hóa, đặt bản thân trong sự tương tác phức tạp của các mối quan hệ quan trọng và bối cảnh sống. 

Đồng thời đây hẳn là một hành trình dài và cần sự nỗ lực rất nhiều ở mỗi người. Đôi lúc chúng ta có thể tìm thấy những điều tuyệt vời nơi chúng ta, khiến chúng ta trở nên vui sướng và hạnh phúc; nhưng cũng có lúc chúng ta sẽ khám phá thấy những tính khí xấu xa mà chính chúng ta muốn từ chối. Dẫu vậy, dù là tính cách nào thì đó đều là chúng ta, của chúng ta, nó có lý do khi tồn tại và xuất hiện, nó xứng đáng được yêu thương, chấp nhận. Chắc hẳn đây là một hành trình tuyệt vời khi chúng ta biết chúng ta thực sự là ai, khi chúng ta có cơ hội để có thể sống thật với chính mình. 

 

Tài liệu tham khảo

[1] Hà, T. T. K. (2013). Giáo trình tâm lý học phát triển. NXB ĐHQGHN

[2] Larsen, R. J và cộng sự (2020).  Personality psychology: Domains of knowledge about human nature. McGraw Hill Education. 

[3]Larsen, K. S., Lê, V. H. (2021), Tâm lý học xã hội, Nhà xuất bản Từ điển Bách Khoa.

[4] Lauren Mackler (2009). Solemate. Master the Art of Aloneness & Transform Your Life. Nhà xuất bản Lao Động. 

[5] Adler, A. (1956). The Individual Psychology of Alfred Adler: A systematic presentation in selections from his writings (H. L Ansbacher & R. R. Ansbacher, Eds.). New York, NY:  Harper & Row.

[6] John, W., T. & Thomas, L. (2016), Family Psychology

[7] Trần Đình Tuấn, MSW, LCSW (2013). Tham vấn Tâm lý cá nhân và gia đình. NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.

[8] Carl R. Rogers (1995). On Becoming a Person: A Therapist’s View of Psychotherapy. Mariner Books.

Trả lời