Để có một công cụ sử dụng trong nghiên cứu, các nhà tâm lý đã “khổ tâm” như thế nào?

Để có một công cụ sử dụng trong nghiên cứu, các nhà tâm lý đã “khổ tâm” như thế nào? 

Từ khóa: Công cụ, thang đo, bài kiểm định, thích nghi, chuẩn hóa

Công việc đó là gì? 

Công cụ (Instrument) hay chính là thang đo (scale), bài khảo sát hay bảng hỏi (Survey/ questionnaire), bài kiểm định (Test) là những thành phần không thể thiếu trong một nghiên cứu nói chung, đặc biệt là tâm lý học. Công cụ giúp các nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu của vấn đề mà họ muốn nghiên cứu, xem xét, nhằm đáp ứng mục đích nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn và ý nghĩa khoa học.

Để có một công cụ sử dụng trong việc đo lường, các nhà nghiên cứu sẽ phải xây dựng các công cụ mới hoặc thích nghi công cụ có sẵn. Cả hai công việc trên đều khiến các nhà nghiên cứu “quằn quại” và vô cùng “khổ tâm” mỗi khi thực hiện. Trong bài viết này, Psyme sẽ chia sẻ với các bạn tập trung vào khía cạnh thích nghi công cụ có sẵn.

Thích nghi công cụ có sẵn 

Thích nghi công cụ có sẵn (Adapting Existing Instruments) có thể gọi với một tên khác là dịch xuyên văn hóa (Cross – Cultural Translation) là một nhiệm vụ chính trong các nghiên cứu đa văn hóa và nó trở nên thử thách hơn khi một công cụ sẽ được dịch sang hai hoặc nhiều ngôn ngữ khác (Trần, 2009). Nhẹ nhàng hơn với ngôn ngữ cuộc sống, thích nghi công cụ có sẵn là quá trình dịch thuật, nhưng không phải dịch “word by word” mà cần đảm bảo truyền tải được ý nghĩa của ngôn ngữ gốc và phù hợp với văn hóa, bối cảnh của nhóm người sẽ sử dụng công cụ trong hiện tại. 

Chẳng hạn khi bạn muốn nghiên cứu về trầm cảm. Sau khi tìm hiểu, bạn thấy tại Việt Nam chưa có một công cụ nào giúp thu thập các dữ liệu liên quan đến trầm cảm, nhưng nửa kia của quả địa cầu, tại đất nước Mỹ xa xôi và hào nhoáng, từ lâu đã xuất hiện một công cụ để đo trầm cảm được thiết kế bởi Aaron Temkin Beck. Để thực hiện nghiên cứu của mình, bạn sẽ phải thực hiện việc dịch công cụ của Beck từ ngôn ngữ Anh sang ngôn ngữ Việt với những yêu cầu cần tuân thủ và đảm bảo. 

Một số yêu cầu nhà nghiên cứu cần đảm bảo khi thích nghi công cụ có sẵn

Quá trình dịch thuật công cụ từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ thứ hai là thách thức với bất cứ một lĩnh vực nào và yêu cầu các nhà nghiên cứu vượt qua việc dịch về mặt từ ngữ, đảm bảo ngữ nghĩa của ngôn ngữ gốc và đạt được sự tương đồng về ý nghĩa, văn hóa giữa hai ngôn ngữ (Ljungberg và cộng sự, 2015). Đồng thời dịch thuật phải giảm thiểu tối đa sự khác biệt và nhầm lẫn dù chúng được tìm thấy ở nội dung, ngữ nghĩa, kỹ thuật, khái niệm, tiêu chuẩn của công cụ cũng như đảm bảo thích nghi với xu hướng văn hóa hiện tại.  Bên cạnh đó, công cụ chỉ được đưa vào sử dụng khi đảm bảo độ tin cậy và độ hiệu lực.

Độ tin cậy (Reliability) được đo lường bằng hệ số Cronbach Alpha (a). Đây là hệ số cho phép đánh giá, xem xét xem các biến quan sát (biến nhỏ) thuộc một biến nghiên cứu (biến tổng) có phù hợp không (Chi, 2023), tức là các khía cạnh của một vấn đề nghiên cứu có phù hợp với những câu hỏi xuất hiện trong công cụ hay không. Độ tin cậy yêu cầu sự tương đồng về chỉ số Alpha giữa các lần đo khác nhau và ổn định theo thời gian. Nói cách khác, độ tin cậy nhằm xem xét xem công cụ có đo đúng cái nó được thiết kế để đo hay không và có giống nhau ở các nghiên cứu khác nhau. Độ tin cậy trả lời cho câu hỏi “đo cái gì?”. Ví dụ, nếu là thang đo trầm cảm thì các câu hỏi trong thang đo, các mục có dùng được để đo các khía cạnh liên quan đến vấn đề trầm cảm hay để đo lường về căng thẳng. Độ tin cậy khi đo lường trầm cảm ở Mỹ và ở Việt Nam giống hay khác nhau. 

Độ hiệu lực (Validity) được hiểu là mức độ mà một công cụ có đo lường chính xác điều mà nó được thiết kế để do . Độ hiệu lực trả lời cho câu hỏi “Đo đúng không?” Trong độ hiệu lực còn được phân chia thành rất nhiều các kiểu hiệu lực khác như: 

Độ hiệu lực về lý thuyết (nội hiệu lực): Nội dung của công cụ, tức là công cụ phải đo được tất cả các khía cạnh của vấn đề nghiên cứu.

Độ hiệu lực về tiêu chuẩn: Đánh giá xem công cụ có phản ánh được tập hợp các khả năng của vấn đề nghiên cứu (đối tượng – biến) hay không, ví dụ mối quan hệ với đối tượng đồng nghiên cứu…

Độ hiệu lực về cấu trúc: thể hiện việc công cụ có đo đúng được mối quan hệ với các đối tượng khác hay không, đó là mối quan hệ hội tụ (có liên quan đến với các công cụ khác) hay phân biệt (tách biết giá trị giữa các công cụ khác) 

Độ hiệu lực về bề mặt: nói đến hình thức của một công cụ khi được trình bày có rõ ràng, mạch lạc hay không? 

 

Một số thách thức của việc thích nghi công cụ có sẵn
Theo K. Ljungberg và cộng sự (2015), quá trình thích nghi công cụ là một thách thức lớn do hạn chế về kỹ năng ngôn ngữ, sự đa dạng tồn tại trong cùng một nền văn hóa, vùng miền, tôn giáo, thể thao,.. sự thay đổi và hội nhập của các nền văn hóa. Thêm vào đó, quá trình dịch thuật vô cùng tốn kém cả về thời gian và chi phí, đòi hỏi sự bền bỉ cao từ nhà nghiên cứu. Sự thất bại về độ hiệu lực và độ tin cậy sau khi dịch và kiểm tra thí điểm, thiên kiến tồn tại trong các nền văn hóa. Quá trình tuyển dụng và đào tạo đội ngũ dịch viên cũng như người thực hiện phỏng vấn cũng gặp nhiều khó khăn…

Lắng nghe chia sẻ

Để hiểu hơn về quá trình thích nghi một công cụ, chúng ta cùng lắng nghe sự chia sẻ của một nhóm các bạn sinh viên khoa Tâm lý học, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG HCM trong quá trình chuẩn bị một quy trình dịch thuật trước khi nghiên cứu nhé!

“ Năm 2003, Harkness đã đề xuất một quy trình đảm bảo sự liên quan giữa người dịch, người đánh giá và đội nghiên cứu bao gồm dịch, đánh giá, điều chỉnh, kiểm tra thí điểm và xử lý tài liệu. Gần tương tự với  Harkness (2003) Guilemin và cộng sự (1993) đã đề xuất quy trình dịch thuật cần bao gồm các bước: dịch xuôi, dịch ngược,đánh giá, kiểm tra thí điểm và xử lý số liệu. Năm 2015, Ljungberg và cộng sự đã đề xuất một quy trình đầy đủ hơn để thích nghi văn hóa cho một công cụ trong nghiên cứu về mô hình FAMCARE – 2 bao gồm: dịch xuôi, chuyên gia đánh giá bản dịch xuôi, phỏng vấn nhận thức, đánh giá nội dung và bản đề xuất công cụ hoàn chỉnh. Trong suốt quá trình, nghiên cứu áp dụng phương pháp “Decentering stance” và “Negotiated Consensus” (tạm dịch: thay đổi quan điểm và đàm phán thương lượng). Điều này được thực hiện bởi sự kết hợp của người dịch, chuyên môn đánh giá và đội nghiên cứu trong suốt quá trình dịch. Tuy nhiên, nghiên cứu chưa đề cập đến sự đại diện của giới tính trong quá trình dịch. Khắc phục hạn chế này, nghiên cứu của Trần (2009) đề xuất quá trình dịch cần có sự đại diện của giới cũng như kiểm tra thực nghiệm (Pilot study). Bên cạnh đó, đội ngũ dịch và đánh giá sẽ cần được đảm bảo về chuyên môn, tức là họ được cung cấp đào tạo để hiểu về các thuật ngữ sẽ được dùng trong chủ đề nghiên cứu cũng như mục đích và chủ đề nghiên cứu, nhóm dân số nghiên cứu sẽ tiếp cận. Nhìn chung, các nghiên cứu đi trước đều chú trọng đến quá trình dịch xuôi và dịch ngược cũng như sự đánh giá và điều chỉnh nội dung để phù hợp với văn hóa và nhóm dân số sử dụng. Tuy nhiên các mỗi một nghiên cứu có một số thay đổi các bước làm và thường không đầy đủ. 

Trong nghiên cứu của chúng tôi, để đảm bảo độ tin cậy và độ hiệu lực, sự phù hợp và thích nghi của công cụ gốc với nhóm dân số nghiên cứu (sinh viên) cũng như văn hóa Việt Nam, chúng tôi tiến hành xây dựng quy trình nghiên cứu dựa trên các mô hình đã đã tìm hiểu và thực tiễn của nghiên cứu hiện tại.

Theo đó, quy trình dịch thuật sẽ bao gồm:

Sơ đồ mô tả quy trình dịch 

Bước 0 là đào tạo đội dịch. Đào tạo đội dịch là tìm và trao đổi về quá trình dịch với đội dịch và các chuyên gia đánh giá. Sau đó, đội nghiên cứu sẽ tổ chức một buổi gặp mặt nhỏ, chia sẻ về thông tin của chủ đề nghiên cứu, các khái niệm và thuật ngữ liên quan. Bước 0 nhằm giúp đội dịch và đội chuyên gia hiểu được những việc mình cần làm và hiểu về bối cảnh, vấn đề nghiên cứu. Chính những điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng bản dịch. 

Bước 1 là dịch xuôi, tức là dịch thang đo từ ngôn ngữ gốc sang ngôn ngữ mục tiêu. Đội dịch gồm hai người đều thạo cả ngôn ngữ gốc và ngôn ngữ mục tiêu, một người có chuyên môn tâm lý và một người không có chuyên môn tâm lý, một nam và một nữ, nhằm đảm bảo đại diện giới và đại diện văn hóa giữa nhóm ngành tâm lý và nhóm ngành khác. Đội dịch sẽ dịch độc lập. Các tiêu chí cần đảm bảo khi tiến hành dịch thuật (Flaherty và cộng sự, 1998):  

(1) Tương đồng về bối cảnh; (2) Tương đồng về ngữ nghĩa; (3) Tương đồng về kỹ thuật; (4) Tương đồng về tiêu chuẩn; (5) Tương đồng về khái niệm 

 

Bước 2 là đội chuyên gia sẽ tiến hành  đánh giá bản dịch xuôi. Trong bước này, phương pháp thay đổi quan điểm sẽ được thực hiện. Quan điểm của ngành tâm lý và ngành khác sẽ được kết hợp, tinh chỉnh và đề xuất một bản dịch phù hợp nhất. Đội ngũ chuyên gia sẽ tiến hành đánh giá bản dịch được đề xuất. Đội ngũ chuyên gia đánh giá gồm hai người thông hiểu cả hai ngôn ngữ, một chuyên gia có nền tảng tâm lý và một chuyên gia được đào tạo chuyên sâu về ngôn ngữ, các chuyên gia đồng thời thuộc nhóm mẫu nghiên cứu. Điều này được thực hiện nhằm đảm bảo sự phù hợp về ngôn từ và chính xác nhất của quá trình dịch xuôi và với nhóm mẫu nghiên cứu. Đội chuyên gia sẽ đánh giá dựa trên một số tiêu chí: (1) sự rõ ràng về ngôn ngữ, (2) Sự phù hợp về bối cảnh, văn hóa, (3) Độ khó để hiểu hoặc phản hồi, (4) sự liên quan giữa sự kiện với thực tế tại vùng nghiên cứu. 

Bước 3 là dịch ngược, tức là từ dịch từ ngôn ngữ mục tiêu về ngôn ngữ gốc. Các bước thực hiện tương tự bước dịch xuôi (bước 1) nhưng các bước được thực hiện bởi đội dịch khác. Đại diện giới cũng sẽ có sự thay đổi. Tức là nếu bước 1, người dịch giới tính nam có nền tảng tâm lý thì trong bước 3, người dịch giới tính nam sẽ không có nền tảng về tâm lý và thuộc chuyên ngành khác. Việc này nhằm kiểm soát các biến nhiễu “nhớ lại lần dịch đầu tiên” và đảm bảo đại diện giới cũng như nền tảng văn hóa.  Biến nhiễu là các biến có thể gây ảnh hưởng đến kết quả cuối cùng của nghiên cứu. 

Bước 4 là đánh giá bản dịch ngược. Các bước được đội chuyên gia tiến hành tương tự khi đánh giá bản dịch xuôi. 

Bước 5 là phỏng vấn nhận thức. Bước này được thực hiện bởi đội ngũ nghiên cứu theo phương pháp “Think aloud” của Ljungberg và cộng sự (2015). Phương pháp sẽ được áp dụng với câu hỏi là “bạn cảm thấy như thế nào khi nghe câu hỏi này?” Người trả lời sẽ nói to lên bất cứ cảm nhận xuất hiện trong suy nghĩ của họ khi nghe/đọc câu hỏi. Sau đó, đội nghiên cứu sẽ thăm dò thêm các tiêu được đề cập trong nghiên cứu của Trần (2009) gồm 4 lĩnh vực. Mẫu số dự kiến: 8- 10 người, ⅔ thuộc nhóm dân số mục tiêu và ⅓ thuộc các nhóm dân số khác. Hình thức tiến hành: trực tuyến với form khảo sát với hai phần được trình bày trong bảng sau: 

Bước 6 là xem xét và chỉnh sửa thang đo dựa vào dữ liệu thu được từ bảng phỏng vấn nhận thức. Bước này được thực hiện với sự kết hợp của nhóm nghiên cứu, đội ngũ dịch và đội ngũ chuyên gia.

Bước 7 là tiến hành nghiên cứu thử nghiệm công cụ trong một nhóm mẫu nhỏ hay còn gọi là pilot study. Nhóm mẫu tối thiểu mà nhóm nghiên cứu cần đảm bảo tuyển đủ là 30 người.

Bước 8 là tiến hành kiểm tra và phân tích dữ liệu trên phần mềm. Các phần mềm được sử dụng có thể là Jamovi, SPSS, R… Dựa vào tình hình thực tế nghiên cứu, đội nghiên cứu sẽ cùng đội chuyên gia, dịch thuật tiến hành chỉnh sửa thang đo nếu độ tin cậy không đạt. 

Bước 9 (nếu có): Nếu bước 8 độ tin cậy thang đo không đạt, sau khi tiến hành chỉnh sửa, nhóm nghiên cứu sẽ thực hiện kiểm tra thí điểm lần hai và tiếp tục cho đến khi độ tin cậy đạt chuẩn, sẽ tiến hành trên nhóm mẫu diện rộng. 

Trong toàn bộ quá trình, luôn có sự đảm bảo thương lượng và đàm phán dựa các bên và sự cố vấn từ giảng viên hướng dẫn.”

Cảm nhận của tác giả 

Chúng ta chỉ mất tầm khoảng 10 – 20 phút để đọc bài viết này và nắm bắt sơ khai được quy trình của công việc thích nghi công cụ có sẵn, nhưng để thực hiện được một quy trình này, các nhà nghiên cứu chắc hẳn phải bỏ ra một lượng thời gian gấp trăm thậm chí gấp nghìn lần chúng ta với bao đêm trằn trọc, “vò đầu bứt tóc” vì những vấn đề phát sinh trong quá trình dịch thuật và đảm bảo các yêu cầu của quá trình dịch thuật cũng như việc kết nối, sắp xếp các buổi trao đổi giữa chuyên gia, đội dịch và đội nghiên cứu. Hơn nữa, đây chỉ là một phần trong quá trình thực hiện một nghiên cứu về tâm lý con người. Ngoài ra còn rất nhiều các công đoạn và nhiệm vụ khác đòi hỏi nhà nghiên cứu phải thực hiện. Thông qua đó, chúng ta có thể thấy một công sức vô cùng lớn mà nhà nghiên cứu tâm lý nói riêng và một nhà nghiên cứu nói chung đã đầu tư cho một nghiên cứu để khám phá ra những vấn đề xung quanh con người, với hy vọng xây dựng một xã hội và một cuộc sống tuyệt vời hơn cho chúng ta. Dù khó khăn, dù “quằn quại”, dù “khổ tâm” họ vẫn miệt mài làm việc, cống hiến hết mình để đem đến những tri thức mới cho chúng ta học tập và tham khảo. 

Thật tuyệt vời phải không các bạn?

Cảm ơn các bạn đã ghé thăm Website nhà Psyme và nhẫn lại đọc đến những dòng chữ này.

 

 

Tài liệu tham khảo: 

Aaron Temkin Beck – Bách khoa Toàn thư Việt Nam. (n.d.). https://bktt.vn/Aaron_Temkin_Beck

Chi L. H. (2023). KIỂM ĐỊNH ĐỘ TIN CẬY THANG ĐO HỆ SỐ CRONBACH’S ALPHA. Luận Văn Việt. https://luanvanviet.com/kiem-dinh-do-tin-cay-thang-do-cronbachs-alpha/ 

hiệu lực của thang đo – ĐÁNH GIÁ ĐỘ HIỆU LƢ̣C CỦA BẢNG KIỂM HÀNH VI TRẺ EM ACHENBACH – -. (n.d.). https://123docz.net/trich-doan/794830-hieu-luc-cua-thang-do.htm

Klarare, A., Fossum, B., Fürst, C. J., & Hagelin, C. L. (2014). Translation and cultural adaptation of research instruments – guidelines and challenges: an example in FAMCARE-2 for use in Sweden. Informatics for Health & Social Care (Print), 40(1), 67–78. https://doi.org/10.3109/17538157.2013.872111

Tran, T. V. (2009). Adopting or adapting existing instruments Adopting or adapting existing instruments. In Oxford University Press eBooks (pp. 31–46). https://doi.org/10.1093/acprof:oso/9780195325089.003.0004 

Trả lời