Tác động của chánh niệm đối với phúc lợi và hiệu suất tại nơi làm việc: Một đánh giá có hệ thống toàn diện các nghiên cứu thực nghiệm.

By Du Long

Chánh niệm (mindfulness) thường được xem là có nguồn gốc từ bối cảnh Phật giáo vào khoảng năm 500 trước Công nguyên. Trong những thập kỷ gần đây, sự quan tâm đối với chánh niệm ở phương Tây đã ngày càng gia tăng. Một nghiên cứu của Prachi Jain và cộng sự (2022) mang tên “The Impact of Mindfulness-Based Interventions on Employee Well-Being and Performance in the Workplace” được công bố trên tạp chí Journal of Applied Psychology, trình bày một tổng quan nghiên cứu nhằm tổng hợp và đánh giá có hệ thống các tác động của các can thiệp dựa trên chánh niệm trong môi trường công sở. Tổng quan này dựa trên đánh giá tổng hợp của 153 nghiên cứu riêng lẻ (chất lượng nghiên cứu không đồng nhất), với tổng cộng 12.571 người tham gia.” (Jain et al., 2022, p. [638-658]).

Chánh niệm và các chương trình can thiệp dựa trên chánh niệm (MBI)

Theo Shapiro và cộng sự (2006), ý nghĩa chính của chánh niệm – với tư cách là một phẩm chất/trạng thái và một phương pháp thực hành – là việc liên hệ đến một siêu cơ chế được gọi là khả năng tiếp nhận. Ba thành phần của chánh niệm (ý định, sự chú ý và thái độ) kết hợp tạo ra một ‘sự thay đổi cơ bản trong quan điểm’, trong đó ‘thay vì đắm chìm trong bi kịch cá nhân hay câu chuyện kể về câu chuyện cuộc đời mình, chúng ta có thể đứng lại và chứng kiến nó.’

Kể từ cuối những năm 1990, các biện pháp can thiệp dựa trên chánh niệm  nhen nhóm trong bối cảnh áp lực nghề nghiệp ngày càng tăng, không chỉ đối với những nhân viên đang phải đối mặt với  căng thẳng và các vấn đề về sức khỏe tâm thần khác, mà còn đối với người lao động nói chung. MBI có thể xem như một phương tiện để cải thiện sức khỏe và hiệu suất, cũng như một biện pháp bảo vệ để xây dựng khả năng phục hồi chống lại căng thẳng và kiệt sức (Shapiro, Schwartz, & Bonner, 1998). Tác động của MBI trong môi trường làm việc cũng là đối tượng trọng tâm trong nghiên cứu tổng quan của Prachi Jain và cộng sự (2022).”

Phương pháp nghiên cứu của Prachi Jain và cộng sự (2022)

Các nhà nghiên cứu đã áp dụng phương pháp tổng quan hệ thống các nghiên cứu để thu thập và phân tích dữ liệu từ các nghiên cứu trước đó về MBI tại nơi làm việc. Các tiêu chí lựa chọn nghiên cứu để tổng hợp bao gồm các nghiên cứu định lượng về chánh niệm và công việc, nghề nghiệp, hoặc nhân viên.

Từ một cơ sở dữ liệu khổng lồ các bài báo nghiên cứu, các tác giả đã thực hiện sàng lọc ra 721 bài báo liên quan đến MBI trong môi trường làm việc, tìm thấy 153 nghiên cứu định lượng  đáp ứng các tiêu chí lựa chọn. Tiếp theo, các tác giả đã sử dụng các công cụ đánh giá chất lượng nghiên cứu định lượng (QATQS) để đánh giá lại độ tin cậy của các nghiên cứu. Kết quả cho thấy, 21 nghiên cứu có độ tin cậy rất cao. Do đó, các kết luận của báo cáo chủ yếu dựa trên kết quả tổng hợp của 21 nghiên cứu này.

Kết quả nghiên cứu 

Kết quả của tổng quan cho thấy rằng các chương trình MBI có tác động tích cực (theo thống kê) đến chánh niệm, sức khỏe tinh thần, sự an lạc/ hạnh phúc tổng thể (well-being) và hiệu suất công việc (performance). Cụ thể, MBI có thể giúp cải thiện các vấn đề sau:

  • Chánh niệm: Nhìn chung, các chương trình MBI trong các nghiên cứu được xem xét đã cho thấy có hiệu quả trong việc thúc đẩy phát triển, tăng cường chánh niệm, một trạng thái nhận thức trong đó con người chú ý đến hiện tại một cách có ý thức, không phán xét.
  • Sức khỏe tinh thần: Kết quả các nghiên cứu cho thấy MBI có tác động tích cực đến sức khỏe tinh thần như giảm lo lắng, căng thẳng và đau khổ/giận dữ. Tuy nhiên, kết quả về tác động của MBI đối với trầm cảm và kiệt sức trong công việc (burnout) chưa thật sự đồng nhất, đòi hỏi thêm nhiều nghiên cứu mở rộng để hiểu rõ hơn.
  • Sự an lạc/ hạnh phúc tổng thể: Có đến 31 thang đo khác nhau về sự an lạc/ hạnh phúc tổng thể đã được sử dụng trong các nghiên cứu được tổng hợp, đa số trong đó đều cho thấy kết quả tích cực liên quan đến MBI. Các nghiên cứu cho thấy rằng MBI có thể giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ, giảm đau và tăng cường sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên, không có sự nhất quán trong việc cải thiện mức độ tự cảm nhận hạnh phúc, lòng tự trọng và ý nghĩa cuộc sống.
  • Hiệu suất công việc: Mặc dù có các nghiên cứu cho thấy MBI có thể cải thiện sự chú ý, tập trung, khả năng ra quyết định và sức bền tâm lý, nhưng không có sự nhất quán trong các kết quả nghiên cứu về cải thiện hiệu suất công việc.

Cũng cần lưu ý rằng các phát hiện của công trình tổng quan này chỉ là sự tổng hợp dựa trên các bằng chứng hiện có. Vì vậy, chúng ta cần tránh đưa ra các tuyên bố chung chung rằng MBI cải thiện chánh niệm mà không làm rõ khía cạnh hoặc loại chánh niệm nào đang được đề cập đến. Ngoài ra, việc có thêm những nghiên cứu xa hơn để xác nhận những phát hiện này và để hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động của MBI là một điều vô cùng cần thiết.

Nhận định về nghiên cứu 

Báo cáo Prachi Jain và đồng nghiệp (2022) đóng góp quan trọng trong việc tổng hợp và đánh giá lại các bằng chứng định lượng về tác động của MBI tại nơi làm việc. Công trình không chỉ cung cấp một cái nhìn tổng quan về nghiên cứu tác động của MBI, mà còn xác định những giả thuyết chưa nhất quán trong các nghiên cứu trong lĩnh vực này cần tiếp tục được kiểm chứng.

Về ưu điểm, các tác giả đã chiết xuất nhiều thông tin từ các nghiên cứu riêng lẻ, bao gồm loại thiết kế nghiên cứu, nghề nghiệp của người tham gia, số lượng người tham gia, loại MBI, thời lượng MBI, điều kiện đối chứng (nếu có), kết quả chính về sức khỏe tinh thần và hiệu suất công việc, hiệu ứng kích thước (size effect) của các kết quả chính, và tầm quan trọng thống kê của các phát hiện. Các tác giả còn sử dụng công cụ đánh giá chất lượng nghiên cứu định lượng (QATQS) để đánh giá chất lượng của các nghiên cứu.

Ngoài ra, các kết luận trong nghiên cứu trong hợp này cũng được ủng hộ bởi một số lý thuyết về Tâm lý học như: 

  • MBI có thể giúp cải thiện sức khỏe tinh thần, hạnh phúc và hiệu suất công việc, từ đó góp phần nâng cao sức khỏe toàn diện của nhân viên. Theo Lý thuyết về sức khỏe toàn diện (Holistic health theory) (Stanton & Skovholt, 1993) thì sức khỏe là sự hòa hợp giữa thể chất, tinh thần và xã hội, nên MBI có thể cải thiện sức khỏe cho nhân viên từ đó giúp họ giảm thiểu nguy cơ kiệt sức và nghỉ ốm.
  • MBI có thể giúp cải thiện trí tuệ cảm xúc của nhân viên, từ đó giúp họ đối phó tốt hơn với căng thẳng, giải quyết xung đột và xây dựng các mối quan hệ tốt đẹp. Theo lý thuyết về trí tuệ cảm xúc (Emotional intelligence theory) (Mayer, Salovey, & Caruso, 2004) cho rằng trí tuệ cảm xúc là khả năng nhận thức, sử dụng , thấu hiểu và quản lý cảm xúc, nên MBI có thể giúp cải thiện sự gắn kết, và chất lượng giao tiếp nơi công sở.
  • MBI có thể giúp cải thiện sức bền tâm lý của nhân viên. Lý  thuyết về sức bền tâm lý (Resilience theory) (Masten, 2001) cho rằng sức bền tâm lý là khả năng của một cá nhân để đối phó với căng thẳng, khó khăn hoặc thách thức và duy trì chức năng và hạnh phúc. Việc cải thiện sức bền tâm lý giúp các cá nhân giảm thiểu nguy cơ căng thẳng và kiệt sức trong công việc.

Tính ứng dụng của nghiên cứu đối với các doanh nghiệp/tổ chức

Với những bằng chứng hiện tại, nhìn chung MBI có thể được coi là một công cụ giá trị để cải thiện một số khía cạnh của sức khỏe tinh thần và sự an ổn của nhân viên. Đồng thời, một số nghiên cứu được đánh giá có độ tin cậy cao cũng cho thấy MBI có khả năng ảnh hưởng lên hiệu suất công việc của nhân viên. Do đó, MBI có thể là một công cụ tiềm năng để các doanh nghiệp, tổ chức xem xét tích hợp trong các chương trình phát triển nhân lực và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho nhân viên. 

Cụ thể, những lợi ích tiềm năng mà các chương trình MBI hứa hẹn mang lại cho doanh nghiệp có thể kể đến:

  • Giảm thiểu chi phí liên quan đến sức khỏe và phúc lợi của nhân viên: Căng thẳng và lo lắng có thể dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe và tinh thần, làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cho nhân viên. MBI giúp giảm căng thẳng và lo lắng, từ đó giảm thiểu chi phí này.
  • Tăng cường năng suất và hiệu quả công việc: MBI giúp nhân viên tập trung, ra quyết định và giải quyết vấn đề tốt hơn. Điều này dẫn đến tăng năng suất và hiệu quả công việc của nhân viên.
  •  Tạo ra môi trường làm việc tích cực: MBI giúp nhân viên cảm thấy hạnh phúc và hài lòng hơn với công việc. Điều này dẫn đến việc tạo ra môi trường làm việc tích cực và hỗ trợ.

Tuy nhiên,công trình phân tích chi phí-lợi ích về MBI hiện nay khá khan hiếm, do đó cần có thêm nghiên cứu để chứng minh đầy đủ giá trị này của MBI. Trong khi đó, góc nhìn của các doanh nghiệp và tổ chức trong thực tế thường cân nhắc các phân tích chi phí-lợi ích. Điều này có nghĩa là các chương trình MBI cần được chứng minh là mang lại lợi nhuận ròng tổng thể (lợi ích cao hơn chi phí), để cung cấp động lực mạnh mẽ để triển khai chúng. Mặc dù có vài nghiên cứu đã kết luận rằng MBI có thể giúp tăng năng suất lao động lên tới 20% ở môi trường làm việc online (Aikens và cộng sự, 2014) hoặc giảm tỷ lệ luân chuyển nhân viên tới 13,6% ở môi trường bệnh viện (Vogus và cộng sự, 2014), nhưng không mang tính tổng quát và khó khái quát cho các môi trường khác.

Như vậy, các doanh nghiệp và tổ chức cần có nhận thức và tư duy khách quan về các chương trình MBI, dựa trên những dữ liệu nghiên cứu đã nói lên: MBI không phải là một giải pháp thần kỳ, nhưng nó có thể là một công cụ hiệu quả để cải thiện sức khỏe tinh thần và hiệu suất công việc của nhân viên. Đối với các doanh nghiệp và tổ chức đang coi trọng sức khỏe tinh thần của nhân viên, MBI có thể là một khoản đầu tư dài hạn mang lại lợi ích lâu dài cho cả doanh nghiệp và nhân viên. Các chương trình MBI hiện nay cũng rất đa dạng, do đó cần được lựa chọn kỹ lưỡng, tùy chỉnh, hoặc thiết kế cho phù hợp với văn hóa và nhu cầu của doanh nghiệp, và có tính đến các đặc điểm của nhóm đối tượng tham gia. 

Danh mục tài liệu tham khảo

Aikens, K. A., Astin, J., Pelletier, K. R., Levanovich, K., Baase, C. M., Park, Y. Y., & Bodnar, C. M. (2014). Mindfulness goes to work: Impact of an online workplace intervention. Journal of Occupational and Environmental Medicine, 56(7), 721-731. doi:10.1097/jom.0000000000000209

Jain, P., West, M. A., & Carpenter, B. S. (2022). The impact of mindfulness-based interventions on employee well-being and performance in the workplace. Journal of Applied Psychology, 107(3), 638-658.

Stanton, A. L., & Skovholt, T. M. (1993). The holistic health perspective: Implications for counseling. Journal of Counseling and Development, 72(2), 170-176.

Mayer, J. D., Salovey, P., & Caruso, D. R. (2004). Emotional intelligence: Theory, findings, and implications. Psychological Inquiry, 15(3), 197-215.

Masten, A. S. (2001). Ordinary magic: Resilience processes in development. American Psychologist, 56(3), 227-238.

Vogus, T. J., Cooil, B., Sitterding, M., & Everett, L. Q. (2014). Safety organizing, emotional exhaustion, and turnover in hospital nursing units. Medical Care Research and Review, 52(10), 870-876.

Trả lời