Có nên nghe theo trực giác của bạn

 

                                                                                                                                           Biên tập: Nguyễn Thảo

Bạn là người thường đưa ra quyết định dựa vào trực giác hay lý trí? Bạn có từng hối hận vì đưa ra quyết định dựa trên trực giác hay không?
Đa số chúng ta khi đứng trước những quyết định quan trọng thường sẽ sử dụng phương thức phân tích lý trí để tìm ra phương án tối ưu. Tuy nhiên trong những trường hợp mà thời gian suy nghĩ có hạn thì bạn sẽ quyết định dựa vào điều gì? Bạn đã từng được hướng dẫn bởi cái gọi là tiếng gọi bên trong hay chưa? Những giải pháp đến một cách nhanh chóng, không qua lý lẽ phân tích và đôi khi khá hiệu quả.

1, Trực giác là gì?
Trong tâm lý học xã hội, trực giác [intuition] không chỉ là một hiện tượng thú vị mà còn là một lĩnh vực nghiên cứu sâu rộng, được khám phá qua nhiều khía cạnh khác nhau. Daniel Kahneman, trong cuốn sách “Tư duy nhanh và chậm”, đã giới thiệu về hai hệ thống tư duy trong não bộ, trong đó trực giác là một phần của Hệ thống 1 – hệ thống tư duy nhanh, tự động và vô thức.
Trực giác được hiểu là khả năng nhận biết hay “cảm nhận” một cách tức thì mà không cần suy luận. Đó như một thông điệp từ vô thức, mách bảo chúng ta điều gì đó mà không cần giải thích theo logic thông thường và nằm ngoài tri giác hay nhận thức của chúng ta. [1] Trực giác phát triển từ kinh nghiệm, ký ức, cảm xúc và hiểu biết mà mỗi người tích lũy được, cũng như từ vô thức và bản năng.

2, Cơ chế của trực giác

Trong Hệ thống 1, trực giác hoạt động dựa trên việc nhận diện các mẫu và liên kết dựa trên kinh nghiệm trước đó. Điều này cho phép chúng ta phản ứng nhanh chóng trong các tình huống quen thuộc mà không cần suy nghĩ quá nhiều. Nếu có đủ kiến thức chuyên môn, mọi người có thể biết được câu trả lời cho một vấn đề bằng trực giác, được gọi là trực giác chuyên gia [Expertise-based Intuition], ví dụ một chuyên gia cờ vua có thể nhanh chóng nhận diện được một bước đi tốt mà không cần phân tích sâu về từng khả năng của mỗi thế cờ. Hay nhiều kỹ năng, từ chơi piano đến vung gậy đánh gôn, bắt đầu như một quá trình có chủ ý, được kiểm soát và dần dần trở thành kỹ năng tự động và tự nhiên (Kruglanski & Gigerenzer, 2011). Các nghiên cứu cũng đã chỉ ra rằng những chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm thường có khả năng đưa ra quyết định trực giác chính xác hơn. [2]

3, Những nguồn phát triển trực giác
Trực giác có thể phát triển dựa trên nhiều nguồn lực khác nhau:
– Kinh nghiệm cá nhân: Những kinh nghiệm, kỷ niệm, cảm xúc và hiểu biết mà mỗi người tích lũy được trong cuộc sống (trải nghiệm quá khứ). Kinh nghiệm là nguồn gốc chính của trực giác. Khi chúng ta liên tục đối mặt với các tình huống tương tự, não bộ của chúng ta học cách nhận diện mẫu và đưa ra quyết định nhanh chóng dựa trên kinh nghiệm đó. Nghiên cứu của Ericsson và cộng sự đã chỉ ra rằng việc luyện tập có chủ ý có thể cải thiện khả năng trực giác thông qua việc xây dựng kinh nghiệm chuyên môn. [3] – Vô thức: Theo định nghĩa thì trực giác là khả năng tiếp cận với dữ liệu và ký ức đã được lưu trữ trong vô thức. Chúng ta không ý thức được những thông tin này, nhưng chúng có thể nổi lên bề mặt dưới dạng cảm nhận trực quan.
– Cảm xúc: Cảm xúc cũng đóng một vai trò quan trọng trong hình thành trực giác. Những phản ứng cảm xúc tức thì có thể ảnh hưởng đến cách chúng ta nhận thức và phản ứng với một tình huống. Nghiên cứu của Bechara và Damasio về “somatic marker hypothesis” đã khám phá cách cảm xúc ảnh hưởng đến quyết định, cho thấy mối liên hệ giữa trực giác và cảm xúc [4]. Thứ nhất là vì cảm xúc và trực giác đều là những phản ứng nhanh, tự động của con người trước các tình huống. Chúng đều dựa trên cảm nhận ban đầu chứ không phải suy nghĩ logic. Thứ 2 là cảm xúc đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành trực giác. Các phản ứng sinh lý tạo ra cảm giác trên cơ thể (dấu hiệu thể chất), dẫn đến cảm xúc, từ đó hình thành trực giác. Giả sử khi bạn đang đi dạo trong công viên vào buổi tối. Bất ngờ, bạn nhìn thấy một bóng người đang tiến lại gần. Não bộ của bạn nhận định đây có thể là mối nguy hiểm tiềm ẩn. Ngay lập tức, cơ thể bạn phản ứng với những cảm giác như tim đập nhanh, hơi thở gấp gáp, cơ bắp căng cứng. Các phản ứng cơ thể này cùng với nhận thức để tạo ra cảm xúc lo âu, sợ hãi. Cuối cùng, cảm xúc sợ đó lập tức tạo ra trực giác rằng bạn đang gặp nguy hiểm và cần phải tránh xa khỏi tình huống đó.

Một ví dụ khác là khi bạn cần ra quyết định về việc có nên mua một cổ phiếu hay không. Bạn có thể đã nghiên cứu về cổ phiếu đó, nhưng bạn vẫn không chắc chắn nó sẽ tăng hay giảm giá. Khi bạn nhìn vào biểu đồ giá của cổ phiếu, bạn có thể cảm thấy hào hứng, lo lắng, hay thờ ơ, tùy thuộc vào xu hướng của nó. Những cảm xúc này được biểu hiện bằng những dấu hiệu thể chất, chẳng hạn như tim đập nhanh, đổ mồ hôi, hoặc thở dài. Những dấu hiệu thể chất này có thể giúp bạn đưa ra quyết định, bằng cách liên kết các lựa chọn với cảm giác tốt hoặc xấu. Ví dụ, nếu bạn cảm thấy hào hứng khi nhìn vào cổ phiếu, bạn có thể quyết định mua nó, vì bạn nghĩ rằng nó sẽ mang lại lợi nhuận cho bạn. Ngược lại, nếu bạn cảm thấy lo lắng khi nhìn vào cổ phiếu, bạn có thể quyết định bán nó, vì bạn nghĩ rằng nó sẽ gây thua lỗ cho bạn. Những quyết định này có thể không phải là quyết định tốt nhất dựa trên các phân tích kỹ thuật hay phân tích cơ bản, nhưng chúng được hướng dẫn bởi cảm xúc và trực giác của bạn.
Mọi thứ đều diễn ra thông qua hệ thống tự động nên rất nhanh, cần khả năng quan sát và nhận diện cùng một lúc từ cảm giác trên cơ thể, cảm xúc và suy nghĩ tự động thì bạn mới có thể hiểu và đưa mọi thứ từ vô thức lên bề mặt ý thức được.
– Bản năng: Loài người và nhiều loài động vật có những bản năng, phản xạ và cảm giác trực quan bẩm sinh giúp chúng thích nghi với môi trường (ví dụ cảm nhận nguy hiểm). Đó cũng là một dạng trực giác.
Trực giác là sự tổng hợp của nhiều yếu tố khác nhau, sự hiểu biết về các nguồn này không chỉ giúp chúng ta nhận thức rõ ràng về cách thức hoạt động của trực giác mà còn có thể giúp cải thiện khả năng sử dụng nó một cách hiệu quả hơn.

4, Giới hạn của trực giác
Trong khi trực giác đóng một vai trò quan trọng trong quyết định, chúng ta cũng cần phải nhận thức rõ ràng về các giới hạn và khả năng sai lầm tiềm ẩn của nó. Cụ thể:
– Chủ quan và định kiến: Một trong những hạn chế lớn nhất của trực giác là sự chủ quan và định kiến. Trực giác thường bị ảnh hưởng bởi những định kiến cá nhân và kinh nghiệm trước đây, dẫn đến quyết định không khách quan. Kahneman và Tversky trong nghiên cứu về “Phỏng đoán và thiên kiến’’ [Heuristics and Biases] đã chỉ ra rằng con người thường mắc phải các lỗi nhận thức do dựa vào trực giác và sự phỏng đoán, dẫn đến các quyết định sai lầm. [5] – Giới hạn về tri thức và kinh nghiệm: Trực giác còn bị giới hạn bởi tri thức và kinh nghiệm của cá nhân. Mặc dù kinh nghiệm cá nhân có thể hỗ trợ việc đưa ra quyết định trực giác, nhưng nó cũng có thể hạn chế sự hiểu biết và nhận thức về những tình huống ngoài kinh nghiệm của mỗi người. Do đó, trực giác có thể không phù hợp khi đối mặt với những tình huống mới mẻ hoặc phức tạp.
– Con người luôn có xu hướng tự tin thái quá [overconfidence] về nhận thức của mình và nhất là trực giác. Điều này khiến ta thường bỏ qua những bằng chứng trái chiều để duy trì niềm tin ban đầu – nên trực giác dễ dẫn tới sai lầm do hiện tượng tự tin thái quá này.
– Trực giác phát triển từ vô thức, mà vô thức có thể bị thao túng mà không thông qua ý thức của chúng ta. Trong tâm lý học xã hội có một hiện tượng gọi là hiện tượng mồi [priming] – có thể dùng một vài tác nhân để kích hoạt liên kết sẵn có trong não và gợi ra những ký ức trong vô thức, và tác động tới trực giác của con người. Và trong một thí nghiệm, việc tiếp xúc với mùi tanh khiến mọi người nghi ngờ lẫn nhau và ít hợp tác hơn—tạo ra khái niệm về một thỏa thuận mờ ám là “tanh” (Lee & Schwarz, 2012). Tất cả những hiệu ứng này xảy ra khi người tham gia không nhận biết một cách có ý thức được mùi hương và ảnh hưởng của nó và có thể suy diễn rằng đó là do “trực giác” mách bảo những người kia không đáng tin và quay ra nghi ngờ và bất hợp tác với nhau. Đây là một ví dụ đơn giản về việc vô thức của chúng ta có thể bị “thao túng” dễ dàng như thế nào.

5, Hạn chế sai lầm của trực giác bằng cách nào?
Nhìn chung, trực giác có những ưu điểm nhất định như giúp đưa ra quyết định nhanh chóng, một số trực giác bản năng giúp chúng ta sống sót. Tuy nhiên, việc lạm dụng trực giác, đặc biệt với người thiếu kinh nghiệm, rất dễ dẫn đến các sai lầm nghiêm trọng. Dưới đây là một vài gợi ý để bạn có thể tránh sai lầm của trực giác:
– Tự ý thức về giới hạn của trực giác: Trực giác là giúp hỗ trợ ra quyết định nhanh chóng và tiện lợi, nhưng nó không phải lúc nào cũng chính xác. Việc tự nhận thức này giúp chúng ta trở nên cẩn trọng hơn trong việc đưa ra quyết định dựa vào trực giác.
– Sử dụng dữ liệu và phân tích: Dữ liệu và phân tích khách quan có thể bổ sung cho trực giác. Trong quyết định kinh doanh, việc kết hợp dữ liệu và trực giác là quan trọng. Các tổ chức dựa vào dữ liệu có khả năng cải thiện quyết định gấp ba lần so với những tổ chức không làm như vậy. Dữ liệu giúp hiểu và lượng hóa vấn đề phức tạp, nhưng không phải lúc nào cũng đủ. Vì vậy cần kết hợp giữa trực giác và số liệu để đưa ra quyết định thông minh hơn. [6] – Luyện tập và học hỏi từ nhiều nguồn khác nhau: Theo nghiên cứu của Ericsson và các cộng sự năm 1993 trực giác có thể được cải thiện thông qua việc luyện tập và trau dồi kinh nghiệm. Quá trình này giúp tăng cường khả năng đánh giá và phản ứng nhanh chóng một cách chính xác hơn.

Trực giác không chỉ là một phần không thể thiếu trong quyết định của chúng ta mà còn là một khả năng tinh tế được rèn luyện qua năm tháng. Dù có những giới hạn, nhưng không thể phủ nhận vai trò và tầm quan trọng của trực giác, đặc biệt là trong những tình huống cần quyết định nhanh chóng. Tuy nhiên, để đảm bảo quyết định đưa ra là “tốt nhất”, việc kết hợp giữa trực giác và phân tích dữ liệu, lẫn trau dồi kinh nghiệm và kiến thức, là cần thiết. Như vậy, chúng ta không chỉ dựa vào “tiếng gọi bên trong” một cách mù quáng mà còn dùng nó như một công cụ hữu ích như là một trong những “kỹ năng” khác của của mình.

Nguồn tham khảo:
1, https://dictionary.apa.org/intuition
2, Salas, E., Rosen, M. A., & DiazGranados, D. (2010). Expertise-Based Intuition and Decision Making in Organizations. Journal of Management, 36(4), 941-973. https://doi.org/10.1177/0149206309350084
3, Ericsson, K. A., Krampe, R. T., & Tesch-Römer, C. (1993). The role of deliberate practice in the acquisition of expert performance. Psychological Review, 100(3), 363–406. https://doi.org/10.1037/0033-295X.100.3.363
4, Antoine Bechara, Antonio R. Damasio,
The somatic marker hypothesis: A neural theory of economic decision,
Games and Economic Behavior,Volume 52, Issue 2,2005,Pages 336-372,ISSN 0899-8256, https://doi.org/10.1016/j.geb.2004.06.010.
5,https://www2.psych.ubc.ca/~schaller/Psyc590Readings/TverskyKahneman1974.pdf
6, https://www.harvardbusiness.org/data-and-intuition-good-decisions-need-bot/

Trả lời