Điều gì xảy ra với quá trình ghi nhớ thông tin khi chúng ta buồn ngủ ?

Biên tập: Thu Hiền

Rất nhiều người trong số chúng ta có thói quen đọc sách trước khi ngủ, tuy nhiên đôi khi bạn thức dậy và nghi ngờ mình đánh dấu nhầm trang vì cảm thấy dường như mình chưa bao giờ đọc những trang đó. Hay có khi nào bạn tự hỏi “tại sao chúng ta không thể nhớ được khoảnh khắc ngay trước khi chìm vào giấc ngủ?”. Đừng lo lắng vì điều đó không chỉ xảy ra với một mình bạn. Ai trong số chúng ta cũng từng có những trải nghiệm tương tự. Để trả lời câu hỏi này chúng ta cần hiểu cách mà trí nhớ vận hành và việc chìm vào giấc ngủ ảnh hưởng đến quá trình ghi nhớ như thế nào.   

Một trong số những mô hình trí nhớ đầu tiên giải thích cách chúng ta tiếp nhận và ghi nhớ thông tin là “mô hình xử lý thông tin” của Atkinson và Shiffrin (1968). Theo mô hình này thông tin cần trải qua 3 bước xử lý để có thể gắn chặt vào trí nhớ của chúng ta. 

     

Trí nhớ cảm giác là nơi lưu trữ ngắn hạn những thông tin đến từ giác quan. Chúng ở dạng chưa được xử lý và được lưu lại trong một khoảng thời gian ngắn ngay cả khi nguồn kích thích đã kết thúc (Nhóm EzPsychology, 2017), ví dụ như trí nhớ thị giác và trí nhớ thính giác.

What Is Sensory Memory and Why Is It So Important?

  • Trí nhớ thị giác lưu trữ hình ảnh mà chúng ta nhìn thấy dưới 1 giây, giúp thông tin tồn tại lâu hơn kể cả khi nguồn kích thích đã kết thúc. Ví dụ khi bạn vẽ vòng tròn bằng 1 chiếc pháo sáng, bạn sẽ thấy như có một vòng tròn sáng trước mặt, nếu không có trí nhớ thị giác thứ bạn nhìn thấy có thể sẽ chỉ là những đốm sáng đơn độc. 
  • Trí nhớ thính giác lưu lại âm thanh trong khoảng thời gian từ 2-3 giây kể từ khi kích thích kết thúc. Ví dụ bạn đang không thật sự nghe người bạn của mình nói chuyện nhưng khi được hỏi lại bạn có khả năng vẫn có thể nhắc lại một vài từ cuối mà họ vừa nói. Điều này là nhờ trí nhớ thính giác của bạn.

Nguồn kích thích (a sensory stimulus): là bất kỳ một sự kiện hoặc sự vật được các giác quan tiếp nhận và gợi ra phản ứng ở một người. Kích thích có thể là ánh sáng, âm thanh, nhiệt độ, v..v….

Nếu thông tin ở trí nhớ cảm giác được chúng ta chú ý nó có thể di chuyển vào trí nhớ ngắn hạn (Nhóm EzPsychology, 2017). Tuy nhiên nếu các quá trình ôn tập không diễn ra, thông tin trong trí nhớ ngắn hạn cũng sẽ biến mất sau nhiều nhất là 20s. Nhưng nếu được xử lý và mã hoá tiếp thông tin sẽ chuyển sang trí nhớ dài hạn. 

Khi thông tin đã ở trong trí nhớ dài hạn, chúng có để được lưu giữ lâu dài trong một khoảng thời gian, và điều đó giúp bạn có thể nhớ lại những gì mình đã đọc hoặc đã nghe (Nhóm EzPsychology, 2017).

(nguồn: Psychological science)

Quay trở lại ví dụ của chúng ta, việc không nhớ được và tưởng rằng mình đánh dấu nhầm trang có thể là do một bước nào đó trong quá trình xử lý thông tin bị gián đoạn. 

Sự gián đoạn có thể xảy ra khi thông tin chuyển từ trí nhớ cảm giác sang trí nhớ ngắn hạn. Khi cơ thể chuyển từ trạng thái thức sang trạng thái ngủ, một số vùng trong não duy trì giữ sự tỉnh táo bị ức chế khiến cho mức độ nhận thức của chúng ta đối với môi trường xung quanh giảm dần. Do đó, khả năng chú ý của cũng suy giảm khiến cho thông tin mới có khả năng đã không được chú ý đầy đủ để chuyển sang trí nhớ ngắn hạn.

Sự gián đoạn cũng có thể diễn ra trong quá trình chuyển tiếp thông tin từ trí nhớ ngắn hạn sang trí nhớ dài hạn. Khi chúng ta dần chìm vào giấc ngủ não bộ sẽ ngừng các hoạt động xử lý thông tin để chuyển sang các hoạt động củng cố ký ức. Nếu đọc sách trong lúc này, thông tin thu được có thể chưa được xử lý và đưa tới trí nhớ dài hạn. Và do đó bạn có thể sẽ không nhớ rõ những gì mình đã đọc khi tỉnh dậy vào sáng hôm sau.   

Như vậy, khi bạn buồn ngủ đừng cố gắng đọc hay học một thứ gì đó vì có khả năng bạn sẽ không thể nhớ được chúng vào sáng hôm sau. Thay vì thế, hãy để cơ thể nghỉ ngơi và có một giấc ngủ chất lượng. Điều này sẽ giúp củng cố những kiến thức mới bạn đã học được vào ban ngày.    

Tài liệu tham khảo 

Gazzaniga, M.S., Heatherton, T.F. and Halpern, D.F. (2015) Psychological science. London: W.W. Norton & Co. 

Healthy Sleep. (không ngày). Under the Brain’s Control. Truy cập 18/12/2022, từ https://healthysleep.med.harvard.edu/healthy/science/how/neurophysiology

Magnin, M., Rey, M., Bastuji, H., Guillemant, P., Mauguière, F., & Garcia-Larrea, L. (2010). Thalamic deactivation at sleep onset precedes that of the cerebral cortex in humans. Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America, 107(8), 3829–3833. https://doi.org/10.1073/pnas.0909710107

MGP. (2020). What happens to our memories as we fall asleep?. Truy cập 18/12/2022, từ https://morrispsych.com/what-happens-to-our-memories-as-we-fall-asleep-by-dr-ashley-gorman/

Nhóm EzPsychology. (2017). Tâm lý học trong nháy mắt 3. Hà Nội. NXB Dân trí

U.S. Department of Health and Human Services. (không ngày). Brain basics: Understanding sleep. Truy cập 18/12/2022, từ https://www.ninds.nih.gov/health-information/public-education/brain-basics/brain-basics-understanding-sleep

Trả lời