Theo thống kê của UNESCO (2019), cho thấy:
– Cứ 3 học sinh thì sẽ có 1 học sinh bị bắt nạt và ⅓ trong số đó bị ảnh hưởng bởi bạo lực thể chất.
– Dữ liệu khảo sát từ 50 quốc gia và tất cả các vùng lãnh thổ trên tất cả các khu vực cho thấy 29% trẻ em từ 9-10 tuổi từng bị bắt nạt mỗi tháng và 14% đã bị bắt nạt mỗi tuần trong năm học vừa qua. (UNESCO. 2019)
Điều này cho thấy hành vi bắt nạt đã và đang diễn ra phổ biến và gây ảnh hưởng đến nhiều học sinh trên toàn thế giới.
1. Hành vi bắt nạt trong bối cảnh học đường
“Bạo lực học đường đề cập đến tất cả các hình thức bạo lực diễn ra trong và xung quanh trường học mà học sinh phải trải qua và do các học sinh, giáo viên và nhân viên khác của trường gây ra. Điều này bao gồm bắt nạt và bắt nạt trên mạng. Bắt nạt là một trong những hình thức bạo lực học đường phổ biến nhất, ảnh hưởng đến 1/3 thanh thiếu niên.” UNESCO. (20 April 2023).
Có 5 hình thức của bạo lực học đường được UNESCO công nhận:
(UNESCO. 20 April 2023)
Hành vi bắt nạt có thể xuất hiện ở đa dạng cái bối cảnh khác nhau và giữa những nhóm người khác nhau. Đối với bắt nạt học đường, việc bắt nạt không chỉ diễn ra giữa học sinh với nhau mà còn có thể diễn ra giữa giáo viên với học sinh, giữa giáo viên với giáo viên,…và trong các bối cảnh khác cũng có sự tương đồng (ví dụ: bắt nạt tại nơi làm việc).
Những người trực tiếp tham gia vào bắt nạt học đường được chia thành 3 nhóm:
- Kẻ bắt nạt thuần túy
- Nạn nhân thuần túy
- Vừa là kẻ bắt nạt vừa là nạn nhân
(Faris, R, W. & Felmlee, D. April 12, 2024).
Các định danh về “kẻ bắt nạt” và “nạn nhân” không phải là định danh cố định và bền vững. Nạn nhân có thể trở thành kẻ bắt nạt và ngược lại, kẻ bắt nạt cũng có thể trở thành nạn nhân. Vậy nên xuất hiện nhóm: “vừa là nạn nhân vừa là kẻ bắt nạt”.
Có một nhóm người nữa liên quan trong mối quan hệ này – “người chứng kiến”. Những người chứng kiến hoặc biết về những trường hợp bắt nạt học đường, các hành động của họ có sự đóng góp vào hướng phát triển của hành vi bắt nạt (ví dụ: người chứng kiến cỗ vũ, kích động, a dua → hành vi bắt nạt tiếp tục và trở nên hung hăng hơn; người chứng kiến thực hiện các biện pháp ngăn chặn/can thiệp phù hợp → dừng lại hành vi bắt nạt). Tuy nhiên, vì nhiều lý do (sợ liên lụy, sợ sẽ trở thành nạn nhân tiếp theo, không muốn phiền phức, tâm lý ỷ lại,…) mà có nhiều người chứng kiến sự việc chọn cách phớt lờ và không làm gì để can thiệp.
2. Hành vi bắt nạt & Các yếu tố ảnh hưởng
Có nhiều giả thuyết về những nguyên nhân của hành vi gây hấn nhằm giải thích tại sao một số người lại hung hăng hơn những người khác. Và tại sao một đứa trẻ thay vì sử dụng những cách thức lành mạnh hơn lại dùng bạo lực và bắt nạt trong bối cảnh học đường. Bài viết này sẽ đề cập đến 7 yếu tố có liên quan/ảnh hưởng đến việc hình thành tính hung hãn và sử dụng hành vi bắt nạt ở học sinh.
2.1 Thiếu kiến thức về hành vi bắt nạt
Trẻ thực hiện hành vi bắt nạt mà không ý thức được rằng đó là hành vi không phù hợp và những hậu quả nghiêm trọng của nó. Trẻ có khả năng bắt chước. Vì vậy, nếu gia đình trẻ thường xuyên xảy ra bạo lực, bạn bè xung quanh cũng sử dụng những cách thức hung hãn và gây hấn với nhau mỗi khi có mâu thuẫn xảy ra thì trẻ sẽ cho rằng đây là hành vi “phù hợp” để giải quyết các mâu thuẫn hay để giải tỏa sự khó chịu tức giận. Và trẻ sử dụng những cách thức hung hãn mà trẻ học được để ứng phó với các vấn đề khi nó xảy ra. Điều này sẽ dễ xuất hiện ở những hành vi thuộc nhóm bắt nạt tâm lý: đe dọa, tẩy chay, phớt lờ, tung tin đồn, lăng mạ, bịa đặt,… Hoặc ở những hành vi trẻ cho là “đùa giỡn”: giật tóc, xô đẩy, huých mạnh vào người khác,… Điều đáng lo ngại ở đây là, nếu như người lớn biết các việc làm của mình là sai trái thì sẽ có sự cẩn trọng hoặc không tham gia thực hiện hành vi đó, nhưng trẻ em, trong trường hợp này thì không. Vì thế nên những đứa trẻ đó “vô tư” thực hiện những hành vi gây tổn thương cho người khác mà không có ý định dừng lại, cẩn trọng hay “nương tay”.
2.2 Yếu tố sinh học & Môi trường
Một trong số các nguyên nhân quan trọng có thể kể đến là “Môi trường”. Việc chứng kiến, trải qua và tiếp xúc với các hành vi bạo lực (bị lạm dụng, trừng phạt, bạo lực gia đình) từ nhỏ có thể dẫn đến tính cách hung hãn ở tuổi vị thành niên và trưởng thành.
“Một nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn đã chỉ ra mối tương tác giữa gen và môi trường: một dạng gen MAO A (điều chỉnh mức độ dẫn truyền serotonin trong não) tương quan với việc gia tăng hành vi bạo lực, nhưng chỉ ở những người có tiền sử bị ngược đãi trong thời thơ ấu (Caspi và cộng sự, 2002).” (Kalat, J. W. 2017).
Bên cạnh đó, có một số yếu tố khác có mối quan hệ tương quan với hành vi bạo lực:
- Lớn lên trong một khu phố bạo lực
- Có cha mẹ với tiền sử hành vi chống đối xã hội
- Có mẹ hút thuốc lá hoặc uống rượu khi mang thai
- Thiếu dinh dưỡng hoặc tiếp xúc với chì, các chất độc hại khác trong đầu đời
- Tiền sử chấn thương đầu
- Không cảm thấy tội lỗi sau khi làm tổn thương ai đó
- Phản ứng của hệ thần kinh giao cảm yếu hơn bình thường (tương quan với việc không cảm thấy tồi tệ khi làm tổn thương ai đó)
- Mức testosterone cao cùng với mức cortisol thấp
- Tiền sử từng cố gắng tự sát
Ở độ tuổi vị thành niên, trong một số trường hợp, sự ảnh hưởng của nhóm bạn đồng trang lứa lớn hơn so với ảnh hưởng đến từ cha mẹ. Những kẻ bắt nạt có xu hướng tìm kiếm và kết bạn với những kẻ bắt nạt khác trong lớp. Việc này góp phần củng cố hơn cho hành vi bắt nạt và gây hấn ở trẻ. (Faris, R, W. & Felmlee, D. May 20, 2024).
2.3 Lòng tự trọng (Self-esteem)
Bên cạnh đó, có quan điểm cho rằng nhận thức về lòng tự trọng thấp (low self-esteem) có thể là nguyên nhân cho hành vi hung hãn (ví dụ: một người có lòng tự trọng thấp cố gắng gây dựng hình ảnh bản thân bằng cách hành hạ người khác). Tuy nhiên không có bằng chứng chỉ ra rằng lòng tự trọng thấp gây ra tính hung hãn hay mối liên hệ giữa hai điều này.
(Kalat, J. W. 2017)
Những nghiên cứu đưa ra các quan điểm khác nhau về mối liên hệ giữa Lòng tự trọng thấp với hành vi bắt nạt. Trong bài viết về “Bắt nạt” của Diane Felmlee và Robert W. Faris (2024) đã đề cập đến 2 mô hình sau:
Kẻ bắt nạt có lòng tự trọng thấp:
“Bắt nạt có thể phát sinh như một phản ứng đối với mức độ lòng tự trọng và sự đồng cảm thấp hoặc mức độ lo lắng, trầm cảm, tức giận tăng cao.” (Faris, R, W. & Felmlee, D. April 12, 2024).
Các nghiên cứu thường phát hiện ra rằng việc thường xuyên tiếp xúc với các cuộc xung đột và bạo lực sẽ gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần. Việc gặp khó khăn khi thích nghi với môi trường học tập hoặc gặp thất bại trong học tập có thể góp phần vào hành vi hung hăng của kẻ bắt nạt. Những phát hiện này cho thấy việc bắt nạt (hành vi hung hăng và xung đột) đến từ những thiếu sót về mặt tâm lý.
Kẻ bắt nạt có lòng tự trọng cao:
Trong trường hợp này, những kẻ bắt nạt được mô tả là những người có kỹ năng xã hội và lòng tự trọng cao. Những học sinh này thường ở vị trí trung tâm hoặc nổi tiếng trong nhóm bạn đồng trang lứa (dù có thể không được yêu mến). Và điều này dẫn đến việc kẻ bắt nạt cho phép mình hành hạ những người dễ bị tổn thương hơn (kể cả trong mối quan hệ đồng cấp) với mong muốn nâng cao địa vị xã hội của bản thân hơn giữa những người cùng lứa.
(Faris, R, W. & Felmlee, D. May 20, 2024).
2.4 Sự biện minh – Cách nhận thức ảnh hưởng đến hành vi bạo lực
“Bạo lực”, về mặt ý thức, phần lớn mọi người đều biết đây là hành vi hung hăng và gây tổn thương cho người khác, trong bối cảnh trường học thì đây là hành vi không được chấp nhận. Tuy nhiên, người sử dụng hành vi bạo lực và bắt nạt có những cách thức để biện minh cho hành vi của mình.
“Các nhà tâm lý học mô tả quá trình này với thuyết loại bỏ cá nhân (Deindividuation) (giảm nhận thức về trách nhiệm cá nhân khi ở trong đám đông) và sự khử nhân tính (Dehumanization) (coi người khác là thứ thấp kém hơn con người).” (Kalat, J. W. 2017).
Đây có thể là sự biện minh của (những) kẻ bắt nạt nhằm tự thuyết phục bản thân rằng người bị bắt nạt “thấp kém hơn” hoặc “không coi họ là con người” kèm với đó là việc cảm thấy bản thân “tốt đẹp” hơn người bị bắt nạt. Điều này làm kẻ bắt nạt cảm thấy hành động của mình hợp lý hơn và dễ được chấp nhận hơn. (Harris & Fiske, 2006)
Bên cạnh đó, khi bắt nạt theo quy mô nhóm, kẻ bắt nạt cũng có thể biện minh cho hành vi bạo lực của mình bằng cách “thu hẹp ý thức về bản dạng của bản thân” (Deindividuation)
. Nghĩa là, kẻ bắt nạt không cho rằng mình đang bắt nạt với danh nghĩa cá nhân mà là với danh nghĩa của “nhóm” hoặc “thực hiện nhiệm vụ” và ở đó cá nhân không đóng vai trò là người đưa ra quyết định. Việc này làm giảm ý thức trách nhiệm về hành vi của kẻ bắt nạt và tách “con người thật” ra khỏi “hành vi bạo lực”. (Kalat, J. W. 2017).
Ví dụ: khi một người ở trong đám đông đang chỉ trích và bạo lực tâm lý với một cá nhân, họ sẽ không cảm thấy bản thân làm gì quá đáng và nghiêm trọng (điển hình có thể kể đến bạo lực mạng), cho đến khi người bị bạo lực xảy ra chuyện không may, những người tham gia bắt nạt sẽ biện minh rằng:
“Tôi chỉ nói vài câu thôi mà, không cần phải làm nghiêm trọng vậy chứ? Có bao nhiêu người cũng tham gia đó thôi!”
2.5 Văn hóa
Có một nghiên cứu thú vị về ảnh hưởng của văn hóa đối với hành vi hung hăng của một nhóm khỉ đầu chó được quan sát trong 25 năm. Các nhà nghiên cứu đã quan sát được rằng những con khỉ hung hãn nhất sau khi cướp thức ăn bị ô nhiễm từ một nhóm khác thì đã chết do ngộ độc. Lúc này, trong nhóm chỉ còn lại những con khỉ đực ít hung hãn hơn, con cái và con non. Nhóm khỉ này sau đó sống hòa thuận với nhau, mức độ căng thẳng ít hơn và sức khỏe được cải thiện. Tình trạng này được duy trì qua nhiều năm, những con khỉ khác tham gia vào nhóm sẽ học cách thích nghi với tập tính của nhóm khỉ này. Cho đến khi những con khỉ đời đầu ra đi thì văn hóa hòa thuận vẫn được duy trì trong nhóm khỉ. (Sapolsky & Share, 2004)
Nghiên cứu trên cho thấy rằng việc thiết lập và duy trì một “truyền thống”, “văn hóa” hòa thuận, loại bỏ những hành vi hung hãn và gây hấn đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định lâu dài.
2.6 Văn hóa phẩm có tính chất bạo lực
Bạn có cho rằng các trò chơi điện tử, phim ảnh,…bạo lực là nguyên nhân của hành vi gây hấn, bạo lực ở học sinh?
Theo các nghiên cứu có tiếng thì các trò chơi này không mang lại hoặc rất ít tác động đến hành vi gây hấn và giảm tương tác xã hội (Ferguson, 2013).
“Chơi game bệnh lý — chơi game đến mức đẩy trừ các hoạt động khác — có thể liên quan đến hành vi chống đối xã hội, nhưng trong trường hợp này, lời giải thích có khả năng là: những người có hành vi chống đối xã hội thích game bạo lực hơn chứ không hẳn là game bạo lực khiến mọi người trở nên chống đối xã hội.” (Kalat, J. W. 2017).
Những người có hành vi chống đối xã hội có mối tương quan với việc sử dụng các văn hóa phẩm bạo lực nhưng không có nghĩa tiếp xúc với văn hóa phẩm bạo lực làm tăng hành vi gây hấn và giảm tương tác với xã hội. Đây không phải là một trong những nguyên nhân chính yếu ảnh hưởng đến hành vi bạo lực của trẻ.
Tuy nhiên, theo APA (2013) việc để trẻ tiếp xúc và sử dụng các văn hóa phẩm (phim ảnh, trò chơi điện tử,…) sẽ gây ra một số ảnh hưởng sau:
– Trẻ em có thể trở nên ít nhạy cảm hơn với nỗi đau và sự đau khổ của người khác.
– Trẻ em có thể sợ hãi hơn về thế giới xung quanh.
– Trẻ em có thể có nhiều khả năng cư xử theo cách hung hăng hoặc có hại đối với người khác.
(APA. 2013)
Tiếp xúc với văn hóa phẩm bạo lực cũng là một dạng tiếp xúc với “bạo lực”, dù không có nhiều tác động như những yếu tố khác và vẫn còn những quan điểm khác nhau về vấn đề này tuy nhiên việc hạn chế cho trẻ tiếp xúc với các văn hóa phẩm bạo lực vẫn là một sự cẩn trọng cần thiết để trẻ phát triển tính cách một cách lành mạnh hơn.
2.7 Tranh giành địa vị
Trong bài viết “Bắt nạt” (Bullying) của mình, Diane Felmlee và Robert W. Faris cho biết rằng: “hành vi bắt nạt thường xuất hiện để phản ứng lại những cuộc đấu tranh giành địa vị và quyền lực trong bối cảnh nhóm . Tùy thuộc vào tình huống, các cá nhân có thể tham gia vào hành vi bắt nạt có hại trong thời gian ngắn để đạt được lợi thế xã hội so với những người khác.”
Những ảnh hưởng từ nhóm bạn đồng trang lứa, sự cạnh tranh về quyền lực và tính bốc đồng của tuổi dậy thì là một những yếu tố gây ra đáng kể các vụ bắt nạt. Trong trường hợp này, việc bắt nạt nhằm mục đích nâng cao và tranh giành quyền lực, vậy nên khi một (một nhóm người) người nắm giữ được quyền lực ổn định ở mức cao thì các cách thức bắt nạt có thể không còn được sử dụng nữa. (Faris, R, W. & Felmlee, D. May 20, 2024).
3. Lời ngỏ
Phim ảnh, truyền thông và một số tác phẩm văn học, nghệ thuật đã lên tiếng phản ảnh vấn nạn này khi xã hội nhận ra những tác động và hậu quả nghiêm trọng của nó (những ảnh hưởng tiêu cực đến cả thể chất và tinh thần của nạn nhân, những người có liên quan và cả kẻ bắt nạt).
Ở phần 1, bài viết đề cập và làm rõ hơn một số yếu tố có liên quan đến hành vi gây hấn ở kẻ bắt nạt và những nguyên nhân góp phần ảnh hưởng đến tình trạng bắt nạt diễn ra trong bối cảnh học đường. Ở phần 2, bài viết sẽ làm rõ hơn về nạn nhân, một số mô tả về nạn nhân và những chia sẻ liên quan để chúng ta hiểu rõ hơn về những nhóm người có nguy cơ bị kẻ bắt nạt nhắm đến và tại sao lại như vậy. Những thông tin này nhằm làm rõ về cách thức và lý do tại sao những kẻ bắt nạt lại nhằm vào nhóm người nào đó, để những người không may trở thành nạn nhân của bắt nạt học đường hiểu rằng đó không phải là do lỗi hay là “vấn đề” của họ mà khi một người chọn thực hiện hành vi bắt nạt, đã sai rồi và đây là hành vi cần được làm rõ để góp phần ngăn chặn, can thiệp nó tốt hơn.
Tài liệu tham khảo:
- Council of Europe Porto. (n.d). Preventing bullying and violence. Council of Europe Porto. Truy xuất từ: https://www.coe.int/en/web/campaign-free-to-speak-safe-to-learn/preventing-bullying-and-violence#:~:text=What%20is%20violence%20and%20bullying,or%20perceived%20imbalance%20of%20power.
- UNESCO. (20 April 2023). What you need to know about school violence and bullying. UNESCO. Truy xuất từ: https://www.unesco.org/en/articles/what-you-need-know-about-school-violence-and-bullying
- Faris, R, W. & Felmlee, D. (May 20, 2024). Bullying. Britannica. Truy xuất từ: https://www.britannica.com/topic/bullying
- Kalat, J. W. (2017). Introduction to psychology (11ed). Boston, MA: Cengage Learning. (Bạn có thể tham khảo bản đọc tiếng Việt tại: https://psyme.org/hanh-vi-bao-luc-va-gay-han/ )
- UNESCO. (2019). Behind the numbers: ending school violence and bullying. UNESCO. Truy xuất từ: https://doi.org/10.54675/TRVR4270
- APA. (2013). Violence in the media: Psychologists study potential harmful effects. APA. Truy xuất từ: https://www.apa.org/topics/video-games/violence-harmful-effects