“Văn hoá” đổ thừa

Việc đổ lỗi, đổ thừa không phải là việc quá xa lạ với chúng ta. Chúng ta dễ dàng bắt gặp hiện tượng này ở nhiều dạng môi trường và ở những độ tuổi khác nhau. Khi một vấn đề xảy ra, có lẽ không ai muốn mình là nguyên nhân gây ra vấn đề vì họ sợ phải chịu trách nhiệm hoặc một ảnh hưởng tiêu cực từ nó. Đây thường bị coi là một “tật xấu” hoặc một sự “ác ý”. Điều gì khiến nhiều người, thay vì thừa nhận sai lầm của bản thân lại có xu hướng đổ lỗi cho người khác? Ai cũng có thể từng là “nạn nhân” của việc đổ lỗi. Hoặc không thiếu những người, vì một nguyên nhân nào đó, mà đổ lỗi cho người khác. Hãy cùng Psyme tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.  

 

1. Bạn biết gì về “đổ thừa”?

Theo từ điển Cambridge, từ Blame (đổ lỗi, đổ thừa) có nghĩa là: to say or think that someone or something did something wrong or is responsible for something bad happening. Nghĩa là: nói hoặc nghĩ rằng ai đó, điều gì đó đã làm sai (là nguyên nhân) hoặc phải chịu trách nhiệm cho việc tồi tệ đang xảy ra. 

“Đổ thừa” theo từ điển tiếng Việt Soha có nghĩa là quy lỗi của mình cho người khác để trốn tránh trách nhiệm. 

Qua 2 cách dịch nghĩa trên, chúng ta có thể hình dung được ngữ nghĩa của từ “đổ thừa”. Đây vốn là một từ quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày mà chúng ta dễ dàng bắt gặp. Tuy nhiên trong bài viết này, chúng ta sẽ xem xét cơ chế ‘đổ thừa’ dưới góc nhìn của Tâm lý học. 

2. Sự sợ hãi và cơ chế phòng vệ 

   Đổ lỗi cho người khác giống như một kiểu cơ chế phòng vệ, có thể trong vô thức hoặc ý thức, nhằm bảo vệ bản thân trước một nguy cơ nào đó. Một cách vô thức, chúng ta sợ hãi khi đứng trước một vấn đề nào đó – vấn đề càng nghiêm trọng và khó kiểm soát, chúng ta càng sợ hãi. Vậy nên, cách tốt nhất để khiến bản thân có cảm giác an toàn (tức thời) là đổ lỗi. Sau đây là một số cơ chế phòng vệ – theo trường phái Phân tâm – có khả năng liên đới đến vấn đề này:

  • Hợp lý hóa: Đưa ra những lời giải thích hợp lý, chính đáng nhằm bảo vệ cho cái tôi bị tổn thương. Thường sẽ quy chụp những kết quả tốt đẹp là do bản thân còn những gì không mong đợi là do người khác, ngoại cảnh,… (Corey, G. 2017)

   Ví dụ: Truyện ngụ ngôn “Con cáo và chùm nho”, vì không hái được chùm nho chín mọng nên cáo bỏ đi và tự an ủi rằng “Chùm nho đó còn xanh”.

Hợp lý hóa là một trong những cơ chế mà dễ dàng bắt gặp thông qua những biểu hiện khá rõ ràng. Một ví dụ điển hình ở học sinh/sinh viên: khi bạn đạt điểm cao – đó là do bạn chăm chỉ học tập, hoặc nếu do gian lận, bạn sẽ xem nhẹ việc gian lận là một điều sai quy định mà chỉ tập trung vào việc bạn được điểm cao dù không học gì; trái lại, nếu như bạn có kết quả thấp, nguyên nhân sẽ là do giáo viên giảng bài khó hiểu, bạn bè không giúp đỡ trong phòng thi, đề khó,… Bạn có thấy sự khác biệt không? Mọi kết quả tốt đẹp đều quy nguyên nhân về phía bạn nhưng nếu kết quả tồi tệ bạn có xu hướng đổ lỗi cho mọi thứ, trừ bản thân mình – đó là cơ chế hợp lý hóa.

Photo by Nathan Anderson on Unsplash
  • Chuyển di: chuyển hướng xung năng từ đối tượng đe dọa sang đối tượng “an toàn hơn”. (Corey, G. 2017)

   Ví dụ: Lấy một hình ảnh điển hình: “đá con chó”, đây là một chuỗi hình ảnh thể hiện rất rõ cơ chế phòng vệ chuyển di này. Sếp nổi giận với người đàn ông – người đàn ông nổi giận với vợ mình – người vợ nổi giận với đứa con – đứa con rất tức giận và đã đá con chó để giải tỏa sự giận dữ đó. Như một cách để phòng vệ, chúng ta không phản ứng lại trước những nguyên nhân thật sự khiến bản thân tức giận (hoặc là các trạng thái cảm xúc tiêu cực khác) mà sẽ chuyển di xung năng đó sang đối tượng mà ta cho rằng ít đe dọa đến ta hơn. Như tất cả những cơ chế phòng vệ khác của phân tâm, cơ chế này nhằm mục đích bảo vệ cái tôi trước sự tổn thương.

   Khi xuất hiện một sai lầm, nếu ta là người có nguy cơ liên can, và dẫn đến đến kết quả ta sẽ chịu trách nhiệm cho vấn đề trên. Chỉ riêng nguyên nhân trên thôi đã đủ để khiến ta cảm thấy sợ hãi, phiền phức và muốn tránh xa vấn đề càng sớm càng tốt rồi. Vậy nên, trong trường hợp vẫn chưa xác định rõ ai phải chịu trách nhiệm, ta có xu hướng tìm kiếm bằng chứng cho thấy trách nhiệm không thuộc về bản thân mình mà thuộc về người khác.  Còn trong trường hợp có nhiều người liên quan đến vấn đề đó, bao gồm cả bản thân, ta dễ quy trách nhiệm cho người còn lại đặc biệt khi họ là cấp dưới của ta, hoặc một người ta biết rõ là ít có khả năng đe dọa đến mình. 

  Khi ta nhận thức được rõ ràng lỗi sai của mình, hoặc trong trường hợp mà sự hiện diện của các bằng chứng chống lại lỗi sai là rõ ràng, cơ chế chuyển di vẫn có thể diễn ra. Nếu cơ chế chuyển di hoạt động, ta vẫn sẽ tìm đủ mọi lý do để trốn tránh. Một cách thức xử lý khác đó là chuyển hướng sự chú ý của mọi người. Để bảo vệ chính mình, ta sẽ chuyển hướng chủ đề từ quy trách nhiệm cho bản thân sang một chủ đề khác, có thể là giải pháp (hoặc một người nào đó phải cùng chịu trách nhiệm cho việc này,…). Thế là ta sẽ tạm thời tránh khỏi ánh mắt khó chịu, chỉ trích từ mọi người. 

Chúng ta có xu hướng bình thường hóa những sai lầm của bản thân, bên cạnh đó lại trở nên khắt khe đối với lỗi lầm của người khác, đặc biệt là những người ta cho rằng ít đe dọa đến ta kể cả khi ta gây hấn với họ. Vậy nên, khi xảy ra lỗi lầm, nếu đôi bên đều đều có trách nhiệm ngang nhau, một người sẽ có xu hướng cho rằng người còn lại là người chịu trách nhiệm nhiều hơn cho lỗi lầm và cố gắng chứng minh cho điều đó (bằng cách đổ lỗi). 

Quá lạm dụng (một cách không ý thức) một cơ chế phòng vệ nào đều sẽ kéo theo những hệ quả của nó – sự yếu đuối và dễ bị tổn thương của cái tôi. Như đã nói, tất cả các cơ chế phòng vệ trên đều để bảo vệ cái Tôi dễ bị tổn thương của chúng ta. Nó thường xảy ra một cách vô thức, từ trước khi chúng ta kịp nhận ra thì chúng ta đã có cho mình đủ mọi loại lý do để trốn tránh lỗi lầm có liên quan đến ta rồi. Tuy nhiên, nếu như là cố ý, nghĩa là chúng ta ý thức rõ việc bản thân muốn tìm một “người thế mạng” hoặc cố tình quy gán trách nhiệm cho người khác dù ta biết họ vô can, vậy thì đây là một sự toan tính có chủ đích, nhưng chúng ta sẽ chưa thảo luận điều đó tại bài việt này.

 

3. Khi đổ lỗi trở thành “văn hóa”

Hiện tượng này xảy ra khi việc đổ lỗi trở thành một việc thường xuyên diễn ra trong một nhóm cụ thể (ví dụ: đồng nghiệp, gia đình,…). Mọi thứ có thể chỉ bắt đầu từ một người, nhưng không có sự tác động hoặc điều chỉnh nào cho hành vi đổ lỗi, và rồi nó lan rộng ra trở thành hành vi của một nhóm người. Sau đây là một số yếu tố tác động đến vấn đề này:

  • Sợ hãi việc tổn thương hình ảnh bản thân

Con người là sinh vật xã hội, vậy nên chúng ta có nhu cầu được chấp nhận, tôn trọng và hòa nhập với một hoặc nhiều nhóm xã hội khác nhau (Larsen, K.S., & Lê Văn Hảo, 2021). 

Để được chấp nhận, chúng ta thường cố gắng thể hiện hình ảnh bản thân tốt nhất có thể và tránh dính líu đến những sai sót. Bởi đôi lúc ta sợ nếu mình làm sai hoặc thất bại trong một việc gì đó, hình ảnh của bản thân trong mắt người khác sẽ không còn đẹp đẽ và hoàn hảo nữa, tệ hơn, với người có sự tự tin thấp, họ sợ rằng người khác sẽ không chấp nhận, không tôn trọng họ khi họ làm sai. Vậy nên, họ sẽ tìm cách để để có thể tiếp tục giữ vững được vị trí của mình trong mắt người khác, để được chấp nhận trong nhóm. Đặc biệt, khi ở vị trí càng cao, họ càng e ngại việc bị phát hiện ra sai sót. Con người có nhu cầu được chấp nhận trong một tập thể, đây là một mong muốn bình thường. Tuy nhiên trong cuộc sống, lỗi lầm hay thiếu sót là điều khó tránh khỏi một cách hoàn toàn và người ta vẫn thường nói rằng: “chỉ những người không làm gì thì mới không mắc lỗi”. Nếu như bạn chưa bao giờ làm sai bất cứ điều gì nghĩa là bạn chưa từng cố gắng làm điều gì cả. 

Cơ chế đổ thừa phần nào cũng thể hiện sự tự tin về bản thân của mỗi cá nhân. Đối với những người có tự tin thấp, họ có xu hướng muốn được khẳng định cái Tôi bản thân bằng những thông tin tích cực từ người khác, dù thông tin đó có xác thực hay không. Vì vậy, họ có nhu cầu trở nên hoàn hảo và nhận được khen ngợi nhiều hơn những người khác. Còn đối với những người có sự tự tin cao, họ sẵn sàng chấp nhận cả những thông tin tích cực lẫn tiêu cực về mình, vì họ có thể tự khẳng định và chấp nhận chính mình (Bernichon, Cook, & Brown, 2003). Vậy nên ta có thể giả định rằng, những người tự tin sẽ có xu hướng đổ thừa thấp hơn.

  • Tính a dua 

   A Dua (conformity): khi đứng trước áp lực từ nhóm (người/những người) khác, cá nhân sẽ điều chỉnh, thay đổi hành vi của bản thân nhằm mục đích có thể hòa nhập vào nhóm (Larsen, K.S., & Lê Văn Hảo, 2021, tr 323). A dua là xu hướng điều chỉnh hành vi (niềm tin, tình cảm) của bản thân để phù hợp với (những) người khác (Cialdini & Goldstein, 2004).

   Chúng ta a dua để có thể được chấp nhận trong một nhóm (tập thể) nào đó. Và đôi khi, chúng ta a dua ngay cả với những hành vi lệch chuẩn vì sợ bị chối bỏ hoặc cô lập. (Kruglanski & Webster, 1991; Levine, 1989; 1999). 

Vậy tính a dua có ảnh hưởng thế nào đến “văn hóa” đổ lỗi. Tính a dua thể hiện rõ nét khi một hành vi nào đó được khởi xướng thực hiện của những người có tầm ảnh hưởng quan trọng trong nhóm (có thể là cấp trên ở chỗ làm, nhóm trưởng trong hội nhóm,…) và được sự chấp thuận của phần lớn các thành viên khác. Điều này góp phần xây dựng nên “văn hóa” nhóm. Tuy nhiên văn hóa nhóm không phải lúc nào cũng bao gồm những hành vi tốt đẹp và tích cực. Trong một số trường hợp, có những văn hóa nhóm gây ra sự tiêu cực, ví dụ như “văn hóa” đổ lỗi. Trong một nhóm mà phần lớn thành viên của nhóm, một phần đã chấp nhận hành vi do người có tầm ảnh hưởng đưa ra, một phần chưa đủ can đảm để phản đối hoặc cảm thấy không phản đối bản thân cũng không gặp rắc rối gì nhiều. Các thành viên trong nhóm có nhu cầu muốn hòa hợp và được nhóm chấp nhận, vậy nên họ cũng không muốn chống đối lại với người “lãnh đạo” nhóm, hoặc nhiều hơn là “văn hóa” mà trước đó chưa ai phản đối – được nhóm (ngầm) thừa nhận và tuân theo.

“Đổ thừa” là hành vi thoái thác trách nhiệm của bản thân trước những sai sót/lỗi lầm, đặc biệt càng dễ xảy ra khi không biết rõ đâu mới là nguyên nhân thật sự của vấn đề. Thông tin trong trường hợp này vô cùng quan trọng, càng thiếu rõ ràng hoặc thiếu hụt về mặt thông tin, càng dễ a dua và đổ thừa (bạn có thể tham khảo thêm bài viết của tôi về Sự thiếu hụt thông tin tại: https://psyme.org/su-thieu-hut-thong-tin-va-dinh-kien/ ). 

  • Tính lây lan

Nathanael J. Fast và Larissa Tiedens đã làm 4 thí nghiệm để chứng minh việc đổ lỗi có tính lây lan. Khi chúng ta thấy người khác bảo vệ hình ảnh cá nhân của họ bằng cách đổ lỗi cho người khác, điều này cũng khiến chúng ta muốn bảo vệ hình ảnh bản thân theo cách tương tự. Một trong số những thí nghiệm của ông được tiến hành như sau:

Bước 1: Nhóm nghiên cứu chia 133 sinh viên đại học thành 3 nhóm tiếp nhận mẫu thông tin có giá trị thông tin như nhau. Điểm khác biệt duy nhất là cách mà các mẫu thông tin này quy kết lỗi lầm. 

Mẫu thông tin: một số sinh viên từ trường Đại học của người tham gia gặp khó khăn trong việc tìm kiếm việc làm tốt sau khi tốt nghiệp.

– Nhóm 1: Thông tin thể hiện sự quy kết vấn đề thuộc về trách nhiệm bản thân sinh viên đó đã chưa có sự chuẩn bị tốt và tích cực trong quá trình học tập. 

– Nhóm 2: Không có sự quy kết về nguyên nhân gây ra vấn đề. 

– Nhóm 3: Thông tin thể hiện sự quy kết vấn đề thuộc về trách nhiệm của nhà trường đã không cung cấp đầy đủ sự hỗ trợ cho sinh viên như họ cần trong quá trình học tập.

Bước 2: Những nhà nghiên cứu sẽ cho sinh viên đọc về một công ty giả định và tưởng tượng rằng nhóm này đã đưa ra một dự án gây ra tổn thất nặng nề cho công ty. Sau đó những người tham gia được yêu cầu tưởng tượng về việc gặp người giám sát của mình và giải thích về thất bại trên. Kết quả:

– Nhóm 1: Có tỷ lệ đổ lỗi cho nguyên nhân bên ngoài thấp nhất.

– Nhóm 2: Có tỷ lệ đổ lỗi mức trung bình. 

– Nhóm 3: Có tỷ lệ đổ lỗi cho nguyên nhân bên ngoài cao nhất.

Fast, tác giả chính của nghiên cứu này đã đưa ra kết luận: chúng ta sẽ cố gắng bảo vệ hình ảnh của bản thân bằng cách đổ lỗi khi chứng kiến người khác cũng dùng cách thức tương tự để bảo vệ hình ảnh của họ. Và vì vậy, nghiên cứu cho thấy đổ lỗi có tính lây lan. 

(Fast, N.J., & Tiedens, L.Z, 2010)

(Bạn có thể tham khảo các thí nghiệm khác của nghiên cứu về tính lây lan của việc đổ lỗi tại: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0022103109002601 )

Blaming you. Anxious man judged by different people pointing fingers at him. Negative human emotions feeling

4. Lời ngỏ

   Qua bài phân tích trên, có thể thấy việc đổ lỗi cho người khác là một hành động bị chi phối, ảnh hưởng bởi các yếu tố về mặt tâm lý cũng như xã hội, và nó cũng dễ dàng thực hiện. Tuy nhiên chúng ta đều biết đây không phải là hành động đáng hoan nghênh. Bài viết trên cung cấp một số thông tin về những nguyên nhân chi phối đến hành vi đổ lỗi, đặc biệt là những nguyên nhân trong vô thức. Mục đích trước tiên là để chúng ta nhận ra điều gì chi phối đến hành vi của mình. Thừa nhận sai lầm của bản thân và chịu trách nhiệm cho sai lầm đó đòi hỏi nhiều can đảm và lý trí. Khi chấp nhận mình có một phần trách nhiệm trong các vấn đề nghĩa là bạn đang cho mình một cơ hội để thay đổi mọi thứ tốt hơn. Sai lầm là một phần của cuộc sống, tôi chưa từng nhìn thấy một người không bao giờ phạm lỗi. Vậy nên vấn đề không phải là bạn đã gây ra chuyện gì, nếu như nó đã xảy ra và không thay đổi được nữa, hãy để nó qua đi và cố gắng sống thật tốt. Nếu như còn có cơ hội để sửa chữa và bù đắp, hãy cố gắng làm mọi thứ có thể để bù đắp lỗi lầm. 

Quan trọng,, bạn sợ thừa nhận lỗi lầm sẽ làm người khác không tôn trọng bạn, nhưng việc đổ lỗi mới thật sự là nguyên nhân khiến người gây ra sai lầm đó bị xem thường. Bảo vệ lòng tự trọng và hình ảnh của bản thân cũng cần bảo vệ đúng cách và hãy làm một cách lành mạnh. 

 

Bạn có thể tham khảo thêm những bài viết khác với đề tài tương tự trong mục Gợi ý đọc thêm.

 

Tài liệu tham khảo:

  1. McRaney, D. (2017). Bạn không thông minh lắm đâu. (Voldy dịch). Hà Nội: Thế Giới. 
  2. Larsen, K.S., & Lê Văn Hảo (2021). Tâm lý học Xã Hội trong cuộc sống hiện đại. Hà Nội: Đại học Quốc Gia Hà Nội.
  3. Corey, G. (2017). Theory and practice of counseling and psychotherapy, 10th Ed. Cengage Learning. (Bạn có thể tham khảo thêm về “Liệu pháp phân tâm” trong tác phẩm tại: https://psyme.org/chuong-4-lieu-phap-phan-tam/ )
  4. Cialdini, R.B., & Goldstein, N.J. (2004). Social influence: Compliance and conformity. Annual Review of Psychology, 55, 591-621.
  5. Bernichon, T., Cook, K.E., & Brown, J. (2003). Seeking self-evaluative feedback: The interactive role of global self-esteem and specific self-views. Journal of Personality and Social Psychology, 84, 194-204.
  6. Fast, N.J., & Tiedens, L.Z. (2010). Blame contagion: The automatic transmission of self-serving attributions. Journal of Experimental Social Psychology, 46(1), 97-106. Truy xuất từ: https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0022103109002601
  7. Blaming the victim. (n.d). Trong từ điển APA trực tuyến. Truy xuất từ: https://dictionary.apa.org/blaming-the-victim 
  8. Blame. (n.d). Trong từ điển Cambridge trực tuyến. Truy xuất từ: https://dictionary.cambridge.org/vi/dictionary/english/blame?q=Blame 
  9. Đổ thừa. (n.d). Trong từ điển Soha trực tuyến. Truy xuất từ: http://tratu.soha.vn/dict/vn_vn/%C4%90%E1%BB%95_th%E1%BB%ABa 

 

Gợi ý đọc thêm:

  1. Đinh Hương. (2020). Bạn có đang là một phần của “văn hoá đổ lỗi”? Vietcetera. Truy xuất từ: https://vietcetera.com/vn/ban-co-dang-la-mot-phan-cua-van-hoa-do-loi
  2. Whitbourne, S. K. (2015). 5 Reasons We Play the Blame Game. Psychology Today. Truy xuất từ: https://www.psychologytoday.com/intl/blog/fulfillment-any-age/201509/5-reasons-we-play-the-blame-game
  3. Kalat, J. W. (2008). Introduction Psychology. Truy xuất từ: https://psyme.org/nguyen-nhan-noi-tai-va-nguyen-nhan-ngoai-tai/ 

Để lại một bình luận