Phương Anh – Xuân Thương
Tình yêu – một cảm xúc sâu sắc và phức tạp, đã là chủ đề của vô số bài hát, bài thơ và tác phẩm nghệ thuật. Nhưng liệu khoa học có thể giải mã được những bí ẩn đằng sau cảm xúc đặc biệt này? Bài viết này sẽ phân tích hiện tượng tình yêu dưới góc nhìn của tâm lý học hành vi, đặc biệt là thông qua lăng kính của các lý thuyết học tập và điều kiện hóa.
Tổng quan về điều kiện hóa trong tâm lý học hành vi
Trước khi đi sâu vào thế giới phức tạp của tình yêu, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về một số nguyên lý cơ bản của tâm lý học hành vi, bao gồm các lý thuyết về học tập và điều kiện hóa.
Điều kiện hóa cổ điển [1]
Lý thuyết Điều kiện hoá cổ điển được phát triển bởi nhà tâm lý học Ivan Pavlov. Nó giải thích cách mà một kích thích trung tính (neutral stimulus) có thể gắn kết với một phản ứng tự nhiên, biến nó thành kích thích có điều kiện (conditioned stimulus) sau khi được kết hợp nhiều lần với một kích thích vô điều kiện (unconditioned stimulus).
Ví dụ, mỗi lần chó được cho ăn, chuông sẽ được rung trước khi mang thức ăn ra. Ban đầu, tiếng chuông (kích thích trung tính) không ảnh hưởng đến con chó vì nó chưa biết điều gì sẽ xảy ra. Nhưng sau nhiều lần, con chó bắt đầu liên kết tiếng chuông với việc có thức ăn (kích thích vô điều kiện). Cuối cùng, khi nghe tiếng chuông, dù chưa có thức ăn, con chó vẫn tiết nước bọt (phản ứng có điều kiện).
Điều kiện hóa thao tác [2]
Lý thuyết về Điều kiện hoá tạo tác được phát triển bởi B.F. Skinner, lý thuyết này nhấn mạnh rằng hành vi của con người được củng cố (reinforced) bởi hậu quả của nó. Hành vi có thể được duy trì, giảm thiểu hoặc thay đổi thông qua việc củng cố tích cực (positive reinforcement) hoặc tiêu cực (negative reinforcement)
Ví dụ, nếu bạn khen ngợi và thưởng kẹo cho con sau khi con hoàn thành bài tập, con sẽ có xu hướng làm bài chăm chỉ hơn trong tương lai. Ngược lại, nếu bạn cho phép con tránh làm việc nhà khi con hoàn thành bài tập, con cũng sẽ có động lực làm bài tập để tránh việc nhà.
Mặt khác, nếu con không làm bài tập, con sẽ phải làm việc nhà như một hình phạt. Hình phạt này khiến con ít có khả năng tái diễn việc không hoàn thành bài tập. Tương tự, nếu con không làm bài, cha mẹ có thể cấm con chơi game. Việc tước đi quyền chơi game sẽ giảm khả năng con tiếp tục không làm bài trong tương lai.
Học tập xã hội [3]
Albert Bandura cho rằng con người không chỉ học qua kinh nghiệm cá nhân mà còn thông qua quan sát và bắt chước người khác. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc học các hành vi xã hội và các phản ứng tình cảm.
Ví dụ, một đứa trẻ quan sát cha mẹ mình cư xử lịch sự, như việc nói “cảm ơn” và “xin lỗi” trong các tình huống hàng ngày. Nhờ sự quan sát này, trẻ bắt chước hành vi của cha mẹ và cũng bắt đầu sử dụng những từ ngữ lịch sự tương tự trong giao tiếp với bạn bè và người lớn.
Tình yêu dưới góc nhìn điều kiện hóa cổ điển
Theo lý thuyết điều kiện hóa cổ điển, tình yêu có thể được hiểu như một phản ứng có điều kiện. Ban đầu, khi gặp người yêu, chúng ta trải nghiệm những cảm xúc tích cực tự nhiên như hạnh phúc, hưng phấn – được gọi là phản ứng vô điều kiện (unconditioned response – UCR) trước sự hiện diện của họ- vốn là kích thích vô điều kiện (unconditioned stimulus – UCS).
Những yếu tố như mùi hương, địa điểm, hay là một bài hát- ban đầu là kích thích trung tính (neutral stimulus – NS) sau khi được kết hợp nhiều lần với sự hiện diện của người yêu, những yếu tố này có thể biến thành kích thích có điều kiện (conditioned stimulus – CS), dẫn đến việc chúng ta cảm thấy hạnh phúc và hưng phấn ngay cả khi chỉ tiếp cận tới những yếu tố này mà không có sự hiện diện của người yêu. Đây chính là một phản ứng có điều kiện (conditioned response – CR).
Ví dụ, nếu bạn thường xuyên gặp người yêu tại một quán cà phê, dần dần, mùi cà phê có thể gợi lên cảm giác hạnh phúc dù người yêu không ở đó. Đây là cách mà điều kiện hóa cổ điển giúp giải thích cách tình yêu có thể được “liên kết” với các yếu tố khác trong cuộc sống.
Hiện tượng “yêu từ cái nhìn đầu tiên” có thể được giải thích một phần qua lý thuyết này. Nếu một người có những đặc điểm tương tự với người mà bạn đã từng gắn kết với cảm xúc tích cực trong quá khứ, bạn có thể ngay lập tức cảm nhận được sự cuốn hút mạnh mẽ.
Tình yêu dưới góc nhìn điều kiện hóa thao tác
Trong một mối quan hệ tình cảm, hành vi thể hiện tình yêu có thể được củng cố thông qua điều kiện hóa thao tác. Khi một hành động yêu thương được đáp lại bằng phản hồi tích cực (như một nụ cười, cái ôm, hay lời nói yêu thương), hành vi đó có xu hướng được lặp lại. Đây chính là ví dụ điển hình của củng cố tích cực trong lý thuyết điều kiện hóa thao tác.
Ví dụ, khi bạn tặng hoa cho người yêu và nhận lại nụ cười hạnh phúc, bạn sẽ có xu hướng lặp lại hành động này trong tương lai. Sự củng cố tích cực này giúp duy trì hành vi yêu thương và làm cho mối quan hệ trở nên bền vững hơn.
Ngoài ra, lịch trình củng cố biến thiên – tức là khi các phản hồi tích cực không xảy ra thường xuyên mà mang tính bất ngờ – có thể tăng cường cảm xúc và tạo ra sự hứng thú trong tình yêu. Ví dụ, những cử chỉ lãng mạn bất ngờ thường mang lại tác động mạnh mẽ hơn trong việc duy trì tình cảm lâu dài.
Tình yêu dưới góc nhìn học tập xã hội
Lý thuyết học tập xã hội của Bandura giúp giải thích cách chúng ta học cách yêu, cách cư xử trong tình yêu thông qua việc quan sát và bắt chước những người xung quanh hoặc những hình mẫu trên truyền thông.
Cách cha mẹ và người lớn trong gia đình thể hiện tình yêu có ảnh hưởng lớn đến cách chúng ta hiểu và thể hiện tình cảm trong tương lai. Ví dụ, một đứa trẻ lớn lên trong gia đình nơi cha mẹ luôn thể hiện tình yêu bằng cách quan tâm, lắng nghe và tôn trọng nhau. Khi trưởng thành, đứa trẻ có xu hướng tìm kiếm và thể hiện tình yêu theo cách tương tự, vì đó là hình mẫu yêu thương mà con đã quan sát và học hỏi từ nhỏ.
Truyền thông cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành kỳ vọng về tình yêu. Phim ảnh, sách vở, và mạng xã hội thường tạo ra hình ảnh về tình yêu lý tưởng, ảnh hưởng đến cách chúng ta đánh giá và mong muốn trong các mối quan hệ tình cảm. Ví dụ, một thiếu niên thường xem phim lãng mạn hoặc theo dõi các câu chuyện tình yêu trên mạng xã hội, nơi những cử chỉ lãng mạn và bất ngờ thường được tôn vinh. Thiếu niên này có thể phát triển mong muốn về một mối quan hệ tình yêu lý tưởng, nơi những hành động lãng mạn lớn lao và cử chỉ ngọt ngào trở thành kỳ vọng chuẩn mực cho cách cư xử trong tình yêu.
Yếu tố sinh học và tiến hóa trong tình yêu
Mặc dù tâm lý học hành vi cung cấp nhiều hiểu biết về tình yêu, chúng ta không thể bỏ qua vai trò của sinh học và tiến hóa trong việc hình thành và duy trì cảm xúc này.
Các chất dẫn truyền thần kinh như dopamine, serotonin và oxytocin đóng vai trò chính trong việc tạo ra cảm giác hạnh phúc, phấn khích và sự gắn kết giữa hai người. Chúng tác động trực tiếp đến cảm xúc và sự liên kết trong các mối quan hệ tình cảm.
Từ góc độ tiến hóa, tình yêu có thể được xem như một cơ chế giúp chọn lọc bạn đời và duy trì nòi giống. Những cảm xúc mãnh liệt và gắn kết giữa các cặp đôi giúp đảm bảo sự hợp tác trong việc nuôi dưỡng con cái và duy trì sự gắn bó trong gia đình và xã hội.
Phân tích các giai đoạn của tình yêu
Tình yêu không phải là trạng thái cố định mà phát triển qua nhiều giai đoạn, và mỗi giai đoạn có thể được giải thích bằng các nguyên lý của tâm lý học hành vi:
Giai đoạn say nắng: Đặc trưng bởi sự mới lạ và kích thích mạnh mẽ, giai đoạn này có thể được liên kết với điều kiện hóa thao tác. Những hành động như lời khen ngợi, cử chỉ lãng mạn hoặc cảm giác hưng phấn khi ở bên nhau đóng vai trò như củng cố tích cực. Mỗi phản hồi tích cực này củng cố cảm xúc mạnh mẽ và làm cho người ta muốn tiếp tục tìm kiếm và duy trì mối quan hệ.
Giai đoạn gắn bó: Khi mối quan hệ tiến xa hơn, các phản xạ có điều kiện bắt đầu hình thành thông qua điều kiện hóa cổ điển. Những trải nghiệm chung (như những kỷ niệm, địa điểm đặc biệt hoặc thói quen hàng ngày) dần được liên kết với cảm giác an toàn và hạnh phúc. Các kích thích như tiếng nói, mùi hương hay địa điểm quen thuộc gắn với người yêu trở thành những kích thích có điều kiện, mang lại cho ta những cảm xúc mạnh mẽ ngay cả khi không có những tương tác trực tiếp.
Giai đoạn cam kết lâu dài: Ở giai đoạn này, củng cố thao tác thông qua những thói quen và sự chăm sóc lẫn nhau trong thời gian dài đóng vai trò quan trọng. Những hành vi như chia sẻ công việc, hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống hàng ngày được củng cố qua thời gian, giúp duy trì tình cảm bền vững. Sự ổn định trong các hành động này giúp mối quan hệ phát triển và trở nên lâu dài.
Ứng dụng các nguyên lý học tập trong tham vấn tình yêu và hôn nhân
Hiểu biết về các nguyên lý học tập và điều kiện hóa có thể được áp dụng trong tham vấn tình yêu và hôn nhân để giúp các cặp đôi cải thiện mối quan hệ.
Sử dụng kỹ thuật củng cố tích cực để cải thiện mối quan hệ
Trong điều kiện hóa thao tác, củng cố tích cực là việc tăng cường một hành vi bằng cách đưa ra phần thưởng hoặc phản hồi tích cực sau hành động. Trong tham vấn tình yêu, điều này có thể được áp dụng bằng cách khuyến khích các cặp đôi thể hiện sự biết ơn và trân trọng đối phương thường xuyên. Ví dụ, khi một người làm điều gì đó tốt đẹp cho đối phương, việc nhận lại lời khen ngợi hoặc cử chỉ yêu thương sẽ củng cố hành vi này, khiến nó có xu hướng được lặp lại.
Tạo ra trải nghiệm tích cực chung để tăng cường gắn kết
Việc trải qua những khoảnh khắc vui vẻ, thú vị cùng nhau có thể được liên hệ với điều kiện hóa cổ điển. Những trải nghiệm tích cực chung như đi du lịch, cùng nhau thực hiện sở thích, hay thậm chí là những bữa ăn lãng mạn tại nhà có thể trở thành kích thích có điều kiện. Khi các cặp đôi thường xuyên có những hoạt động này, cảm giác hạnh phúc sẽ dần được liên kết với sự hiện diện của nhau, giúp tăng cường sự gắn kết và cảm giác an toàn trong mối quan hệ.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của giao tiếp hiệu quả như một hình thức củng cố.
Giao tiếp hiệu quả không chỉ giúp giải quyết xung đột mà còn có thể là một hình thức củng cố tích cực. Khi các cặp đôi học cách lắng nghe, thể hiện sự thấu hiểu và đáp lại nhau một cách chân thành, họ tạo ra những phản hồi tích cực cho hành vi giao tiếp tốt. Điều này khuyến khích sự chia sẻ và mở lòng, từ đó giúp mối quan hệ trở nên bền vững hơn.
Hạn chế của góc nhìn hành vi
Mặc dù lý thuyết hành vi có thể cung cấp cho chúng ta nhiều góc nhìn thú vị về tình yêu qua các nguyên lý học tập và điều kiện hóa, nó cũng tồn tại những hạn chế khi phải đối mặt với sự phức tạp của cảm xúc con người.
Không giải thích được tình yêu vô điều kiện và lòng vị tha
Lý thuyết hành vi dựa trên việc hành vi được củng cố hoặc loại bỏ qua phản hồi tích cực hay tiêu cực. Tuy nhiên, tình yêu vô điều kiện và lòng vị tha thường không đòi hỏi sự củng cố này. Ví dụ, một người mẹ có thể yêu con mình mà không cần bất kỳ phần thưởng nào hoặc phản ứng tích cực từ phía đứa trẻ. Lòng vị tha cũng tương tự, khi con người sẵn lòng hy sinh lợi ích cá nhân mà không mong đợi điều gì đáp lại. Những hành động này không thể dễ dàng giải thích bằng lý thuyết củng cố, vì không có hậu quả trực tiếp củng cố hành vi đó.
Bỏ qua các yếu tố nhận thức và giá trị cá nhân
Lý thuyết hành vi tập trung chủ yếu vào các phản ứng tự động và hành vi học được từ môi trường, nhưng nó không xem xét đầy đủ các yếu tố nhận thức – như suy nghĩ, niềm tin và giá trị cá nhân – trong việc ra quyết định trong tình yêu. Ví dụ, một người có thể quyết định duy trì mối quan hệ không chỉ vì những phản ứng có điều kiện hoặc củng cố từ hành vi trước đó, mà còn vì niềm tin về giá trị trung thành, cam kết và sự tôn trọng. Những yếu tố này thuộc về quá trình nhận thức phức tạp mà lý thuyết hành vi chưa thể bao quát hết.
Có thể đơn giản hóa quá mức sự phức tạp của cảm xúc con người
Lý thuyết hành vi có xu hướng coi cảm xúc như một phản ứng có điều kiện hoặc hành vi củng cố, trong khi cảm xúc con người thường phức tạp hơn nhiều. Tình yêu là sự kết hợp của nhiều yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội, và không phải mọi cảm xúc đều dễ dàng giải thích bằng kích thích và phản hồi. Ví dụ, những cảm xúc như yêu thương, nhớ nhung, hay đau khổ khi chia tay không chỉ là kết quả của những phản ứng hành vi mà còn bị chi phối bởi những trải nghiệm sâu sắc và các yếu tố cá nhân khác.
Tài liệu tham khảo
Kalat, J. W. (2022). Introduction to psychology. Boston, MA: Cengage Learning.