Phân tích hành vi chửi thề: Phần 2 – Công dụng của chửi thề

Không khó để thấy hành vi chửi thề có mặt ở khắp mọi nơi: khi ô tô của ta bị quẹt trúng, khi ta cảm thán một điều gì đó đáng kinh ngạc, hay khi ta va phải chân vào cửa. Điều này đặt ra câu hỏi: Phải chăng chửi thề có đóng một vai trò nhất định đối với tâm lý con người?

Chửi thề kích hoạt cơ chế bản năng ‘chiến hay biến’

Bộc lộ, nhấn mạnh cảm xúc (gây sự chú ý)
Khi chúng ta cảm thấy hưng phấn quá mức, hoặc đau đớn hay buồn bã quá độ, tất cả những cảm xúc đó đều có thể được nhận biết qua ngôn ngữ của ta. Ta có thể để ý rằng những lúc cảm xúc chúng ta quá dâng trào, chúng ta thường có xu hướng sử dụng thêm những từ ‘đệm’ trong lời nói, văn viết… nhằm nhấn mạnh về cảm xúc của ta như một cách để nói rằng: “Tôi đang thực sự cảm thấy rất vui vẻ/buồn bã/tức giận/kinh tởm về điều đó.”

“Mày nói chuyện nghe hài vãi!”
“Tôi đếch cần anh!”

Công dụng này xuất phát từ giả thuyết cho rằng, chửi thề thực chất đã kích hoạt một vùng hoàn toàn khác biệt với các hoạt động ngôn ngữ khác trong não, đó là vùng bản năng nguyên thủy “chiến-hay-biến”, bộ máy cho phép ta nhận diện và phản ứng lại với các nguy hiểm. Chính vì vậy, các từ chửi thề so với những từ vựng bình thường khác có khả năng gây chú ý cao hơn, phù hợp với mục đích nhấn mạnh thứ cảm xúc ta đang nói đến.

Ngoài ra, khả năng kích hoạt vùng “chiến-hay biến” của chửi thề còn có công dụng giúp ta “tấn công” đối phương bằng lời nói. Chửi thề vốn thường được biết đến là một hành vi gây khó chịu và xúc phạm nhất, điều này được giải thích bởi vì đó là cơ chế “đánh trả” của con người, thậm chí là cả loài vật nói chung. Chửi thề trong tình huống này cũng tương tự như việc một con vật kêu lên để đe dọa con khác, còn đối với con người, nó như một cách để bộc lộ sự thù ghét, tức giận hay khiêu khích đối phương.

Giải tỏa cảm xúc & Làm giảm cơn đau thể chất

Khi có ai đó chọc giận chúng ta hoặc làm những việc tồi tệ với chúng ta làm cho sự ức chế về mặt cảm xúc trong ta dâng trào, chúng ta thường sẽ chửi họ như một bản năng phòng vệ, hay nói một cách bông đùa rằng dùng để thay cho những cú đấm.

Cơ chế “chiến-hay biến” của chửi thề, bên cạnh tác dụng thu hút sự chú ý, nó còn có khả năng giúp ta nâng cao sức mạnh cũng như sức chịu đựng. Khi chúng ta cảm thấy hưng phấn quá mức, hoặc đau đớn, khó chịu, tức giận quá độ, chúng ta thường sẽ dễ chửi thề hơn như một cách để giải tỏa áp lực do những cảm xúc này tạo nên. Chửi thề là một cách để những cảm giác có khả năng gây sang chấn được giải phóng, hoặc có thể giúp giải tỏa những căng thẳng gây ra bởi những xúc cảm mạnh mẽ nhất thời hoặc bị kìm nén đã lâu trong con người. Đôi lúc, nó đóng vai trò là một nguồn lực để ta có thể ứng phó với các tình huống trong cuộc sống mà ít để lại khả năng thương tổn nhất.

(Bật mí: các từ chửi thề thường không chứa các âm l,r,w do khả năng bộc lộ cảm xúc kém của chúng)

Đối với các cơn đau thể chất, chửi thề cũng có khả năng giảm đau tương tự. Một thí nghiệm của tiến sĩ Richard Stephens ở Đại học Keele về tác dụng của chửi thề trong việc giảm đau đã chứng minh cho điều này. Trong thí nghiệm, ông đã chia những người tham gia thành hai nhóm và yêu cầu tất cả họ cho tay vào nước đá tới lâu nhất có thể. Trong thời gian đó, một nhóm sẽ được yêu cầu lặp lại một từ chửi thề, nhóm còn lại chỉ lặp lại một từ thông thường.

Kết quả cho thấy, nhóm lặp lại từ chửi thề đã để tay vào nước đá lâu hơn, đồng thời cũng đánh giá thí nghiệm là ít “đau đớn” hơn so với nhóm chỉ được lặp lại một từ thông thường. Nhịp tim của nhóm lặp lại từ chửi thề cũng tăng nhanh hơn chứng tỏ việc chửi thề đã giúp cơ chế “chiến-hay-biến” (giúp giải phóng adrenaline và làm tăng nhịp tim) cũng như cơ chế giảm đau tự nhiên khi cơ thể gặp phải căng thẳng (SIA: stress-induced analgesia) được kích hoạt.

Tuy nhiên, điều này thường có tác dụng hơn đối với những người chỉ chửi thề vài lần trong ngày. Còn với những người giữ thói quen này thường xuyên, họ có thể sẽ không thấy công dụng giảm đau đáng kể do đã quen nhờn với sức mạnh của nó.

Những công dụng khác của ‘chửi thề’

Kết nối mọi người
Những lúc vui buồn quá độ, ta có thể lỡ thốt ra những từ quá trớn, nhưng ta biết chuyện đó không có gì to tát, ta vẫn an toàn vì xung quanh ta đang là những người bạn thân thương. Khác với những khi ta ở chung với người lạ, phải tham dự một cuộc họp quan trọng hay đang ở trong các nghi lễ thiêng liêng. Đó là công dụng của chửi thề trong việc chứng minh sự thân mật, gần gũi giữa mọi người trong nhóm, và chính việc chửi thề này cũng có thể gắn chặt kết nối hơn giữa các thành viên, một lợi ích mà ít người để tâm đến. Và nhìn chung, chửi thề trong nhóm bạn đồng giới thường sẽ thoải mái hơn so với nhóm bạn sở hữu nhiều giới tính (gender) khác nhau.

Tiết lộ tính cách
Chửi thề ở một mức độ nào đó, có thể tiết lộ được vài nét tính cách của một người. Theo khảo sát, người chửi thề nhiều hơn có xu hướng sở hữu nét tính cách A, bao gồm hướng ngoại, năng động, trung thực và có nhiều tham vọng hơn, nhưng cũng là những người khó tính, kém chu đáo, ít thân thiện, ít sùng đạo và có tính chống đối xã hội hơn. Bên cạnh đó, thí nghiệm của các nhà tâm lý học tại trường Marist College của Mỹ cũng cho thấy rằng, ai có vốn từ nói tục nhiều hơn cũng cho thấy khả năng sử dụng ngôn ngữ đó của họ cũng trôi chảy hơn so với những người có vốn từ nói tục ít hơn họ.

Như vậy, ở một góc độ nào đó, chửi thề có khả năng đem lại một số lợi ích cho tâm lý và cảm xúc con người. Vậy thì đánh giá một người dựa trên hành vi chửi thề (như việc phán xét rằng họ là “đồ vô học”, “vô đạo đức”, “phường giang hồ”…) có còn đem lại những phỏng đoán đáng tin cậy hay không? Hay cần cân nhắc yếu tố bối cảnh và mức độ thân tình đến cỡ nào để quyết định độ thoải mái trong hành vi chửi thề của mình…Đó có lẽ là những câu hỏi mà mỗi người đều sẽ có đáp án riêng.

 

Nguồn tham khảo
[1] Husain W, Wasif S, Fatima I. Profanity as a Self-Defense Mechanism and an Outlet for Emotional Catharsis in Stress, Anxiety, and Depression. Depress Res Treat. 2023 May 3;2023:8821517. doi: 10.1155/2023/8821517. PMID: 37181488; PMCID: PMC10171984.
[2] Jay, T. (2009). The Utility and Ubiquity of Taboo Words. Perspectives on Psychological Science, 4(2), 153–161. https://doi.org/10.1111/j.1745-6924.2009.01115.x
[3] Vingerhoets, A. J. J. M., Bylsma, L., & de Vlam, C. (2013). Swearing: A biopsychosocial perspective. Psychological Topics, 22(2), 287-304. http://hrcak.srce.hr/file/159883
[4] Kristin L. Jay, Timothy B. Jay, Taboo word fluency and knowledge of slurs and general pejoratives: deconstructing the poverty-of-vocabulary myth, Language Sciences, Volume 52, 2015, Pages 251-259, ISSN 0388-0001, https://doi.org/10.1016/j.langsci.2014.12.003.

 

Để lại một bình luận