VIẾT TỰ TRUYỆN (Autobiographical Writing) – Viết về “Tôi”

“Nếu có thể, tôi muốn viết ra tất cả bộn bề của bản thân. Có quá nhiều thứ diễn ra trong suy nghĩ của tôi, cứ quẩn quanh và không ngừng lại. Viết ra như một cách thức để tôi có thể khiến nó trở nên rõ ràng và không còn khiến tôi cảm thấy rối bời thêm nữa.”

  Sau bài viết về “Viết biểu cảm”, chúng mình sẽ gửi đến các bạn bài viết thứ 4 trong chuỗi bài viết chuyên môn của Trạm – Viết tự truyện. So với viết biểu cảm thì viết tự truyện có vẻ quen thuộc hơn với nhiều người. Viết tự truyện là một cách viết tự do, tuy nhiên cách viết này vẫn được sử dụng như một hình thức viết trị liệu có hướng dẫn. Ở bài viết này mình sẽ chia sẻ một số thông tin về viết tự truyện ở dạng viết tự do, cách thức viết quen thuộc và được sử dụng rộng rãi của hình thức này.

Tự truyện (Autobiography) là gì?
  Theo từ điển Cambridge, “Tự truyện” (Autobiography) được định nghĩa là: 

   “a book about a person’s life, written by that person”
Tạm dịch: Một cuốn sách về chính cuộc đời của một người do chính người đó viết.
   “the story of a person’s life as written by that person, or the area of literature relating to books that describe such stories”
Tạm dịch: câu chuyện về cuộc đời của một người được viết bởi chính người đó , hoặc lĩnh vực văn học liên quan đến những cuốn sáchtả những câu chuyện như vậy.

  “Tự truyện”, có thể được hiểu là một tác phẩm do một người viết lại cuộc đời của chính mình (tiểu sử của bản thân), tự truyện có thể bao gồm nhiều dạng thức khác nhau như: những bài viết riêng tư và không được xuất bản hay được nhiều người biết đến (thư từ, nhật ký, hồi ký,…) hoặc những tác phẩm được xuất bản thành sách. Tự truyện là một loại thông tin đặc biệt vì nó được viết ra từ ký ức, tuy nhiên, ký ức không hoàn toàn chính xác và có thể bị sai lệch, thay đổi (một cách có ý thức hoặc vô thức) theo thời gian và có thể bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác (ý nghĩa, cảm xúc, hoàn cảnh môi trường, bối cảnh,…) (The Editors of Encyclopaedia Britannica. n.d).  

Sau đây là những chia sẻ sơ lược về 2 trong số các hình thức được đề cập trong các hình thức của tự truyện: viết nhật ký và thư từ.

  • Viết nhật ký 

  Trong quan sát cá nhân, tôi nhận thấy rằng viết nhật ký là một trong những hình thức được sử dụng phổ biến. Viết nhật ký thường sẽ có chung về bố cục viết bao gồm:

-Thời gian: Ngày- tháng-năm, giờ,…
-Thời tiết: nắng, mưa,…
-Những việc đã diễn ra: những sự kiện đã diễn ra và cảm xúc, suy nghĩ của của viết,…
-V.v…

  Những điều được ghi trong nhật ký hoàn toàn tùy thuộc vào tự do cá nhân và cách thức triển khai của người viết. Việc viết nhật ký sẽ có những mục đích khác nhau tùy thuộc vào người viết và vào từng giai đoạn. Có người viết nhật ký để ghi lại những khoảnh khắc và những sự kiện đã trải qua, để lưu niệm, để hồi tưởng hoặc chỉ đơn giản là muốn lưu trữ lại; có người sẽ viết để giải bày những điều không thể chia sẻ với ai khác, những cảm xúc mãnh liệt và trải nghiệm tồi tệ hoặc sự bế tắc,…việc viết ra những điều này có các lợi ích về sức khỏe tinh thần (được phân tích chi tiết hơn ở bài “Viết biểu cảm”); cũng có người sẽ muốn thể hiện sự ngẫu hứng, tự do sáng tạo của mình ở những thời điểm khác nhau về các ý tưởng, các tác phẩm trong nhật ký của mình;… Nhật ký của mỗi người đều khác nhau và thể hiện sắc màu riêng biệt của người viết và tùy theo từng giai đoạn.

  • Viết thư   

  Viết thư cũng có thể được xem là một phần của Tự truyện vì thư từ phần nào sẽ thể hiện những sự kiện diễn ra trong cuộc đời của người viết trên dòng thời gian (những trao đổi, sự kiện quan trọng,…).  Một người cũng có thể chia sẻ câu chuyện về cuộc đời mình dưới dạng những bức thư gửi cho chính mình hoặc gửi cho một người bạn đặc biệt của họ. 

  Dù viết nhật ký hay viết thư và cả những hình thức khác thì việc thể hiện câu chuyện của bản thân, những sự kiện, những trải nghiệm bao gồm cảm xúc và suy nghĩ, cách thức diễn giải, phân tích của một người về sự kiện đó và mối liên hệ giữa sự kiện đến việc xây dựng, hình thành hình ảnh cá nhân của một người về chính mình, về cuộc đời và cả những thay đổi đã diễn ra trong quá trình đó,… Viết tự truyện cho phép người viết được thể hiện một cách chân thật, sáng tạo và tự do trong cách thức viết lại những điều được lưu giữ trong ký ức của mình, những điều quan trọng, và cho phép họ thể hiện ra được những suy nghĩ và cảm xúc của mình (có thể chia sẻ cho người khác hoặc giữ lại cho chính mình), dưới dạng một bức thư.

Kể chuyện: Cách chúng ta giải thích những trải nghiệm

 “Cơ chế chính của con người để gắn ý nghĩa cho những trải nghiệm cụ thể là kể những câu chuyện về chúng” – Howard Brody

  “Những câu chuyện” ở nội dung này đề cập đến việc kể lại các câu chuyện của cá nhân. Chúng ta có xu hướng liên kết các sự kiện, cảm xúc,…thành một câu chuyện có ý nghĩa để giải thích những gì đã diễn ra. Việc này có ý nghĩa trong việc kết nối các sự kiện, tạo ra sự mạch lạc trong quá trình sống, và tạo ra cảm giác nhất quán, liền mạch về một chủ thể nhất định (chính chúng ta). Việc kể lại những câu chuyện đã diễn ra cho người kể một cơ hội gắn các ý nghĩa cho sự kiện đó và việc này được thực hiện bởi quá trình “phiên dịch” của não trái – đây là quá trình cho phép chúng ta xây dựng những giả thuyết về các mối liên hệ giữa các sự kiện, hành động và cảm xúc mà chúng ta nhận thức được, và cũng là cách thức mà chúng ta xây dựng niềm tin và cảm giác chủ quan rằng chúng ta phải chịu trách nhiệm cho các hành động của mình (cuộc sống của mình) và cách thức chúng ta muốn giải thích về những điều đã/đang diễn ra (Gazzaniga, M, S. July 01, 2000). 

“…người phiên dịch não trái là [một] thiết bị có các quy tắc để tìm ra cách một thứ liên quan đến thứ khác. Nhiệm vụ của nó là diễn giải các phản ứng của chúng ta về mặt nhận thức hoặc cảm xúc đối với những gì chúng ta gặp phải trong môi trường của mình. Người phiên dịch duy trì một câu chuyện đang diễn ra về hành động, cảm xúc, suy nghĩ và giấc mơ của chúng ta” (Gazzaniga, M, S. 2000 , 1320). 

  Cách thức diễn giải của mỗi người là khác nhau đối với các sự kiện diễn ra trong cuộc sống. Ví dụ một người có cách thức đổ lỗi cho bản thân với các sự kiện không như mong muốn sẽ có cách lý giải “chắc vì tôi đã (…) nên việc đó mới xảy ra như vậy”. Với một người có xu hướng đổ lỗi cho người khác sẽ có cách thức giải thích khác: “Tất cả những việc này diễn ra là do anh ta/cô ta (một người khác). Cách diễn giải này cũng sẽ có sự thay đổi tùy thuộc vào giai đoạn, bối cảnh, cảm xúc,…vào thời điểm viết. Viết lại những trải nghiệm này là một cách thức để chúng ta nhìn thấy và ghi nhận lại những ý nghĩa, sự liên kết và diễn giải mà bản thân đã gán cho các sự kiện diễn ra. Từ đó tạo nên sự nhận thức, ý nghĩa cho những sự kiện, điều này góp phần vào cách chúng ta xây dựng “câu chuyện cuộc đời” của mình, cách chúng ta nhìn nhận về bản thân và người khác, về những chuyện đã xảy ra,… Và điều này là riêng biệt đối với mỗi người, “tự truyện” của mỗi người thể hiện những sắc thái, cảm xúc, suy nghĩ,…của riêng người đó, vì vậy Tự truyện mang đậm tính cá nhân và lịch sử của người viết.

  Viết tự truyện (Autobiographical writing) có thể được sử dụng như một công cụ trị liệu, năm 2006, McAdams và cộng sự đã nghiên cứu một quy trình viết là “Tự truyện có hướng dẫn” (Guided Autobiography) (McAdams và cộng sự, 2006). Có hai tác dụng trị liệu quan trọng (therapeutic effect) của liệu pháp này là: “Tăng khả năng ý thức về bản sắc cá nhân” và“Mang lại sự ổn định cho ký ức”. Bạn có thể tham khảo thêm về nội dung về viết tự truyện cũng như các hình thức viết trị liệu khác ở mục tài liệu tham khảo của bài viết.

  Bài viết thứ 4 của chuỗi những bài viết chuyên môn của Trạm đến đây là kết thúc. Hẹn gặp các bạn trong những bài viết sau. Và đừng quên nếu có bất kỳ điều gì các bạn muốn chia sẻ với tụi mình hãy gửi thư đến cho Trạm nhé! Những tác phẩm có thể không được tạo những cảm xúc dễ chịu, nhưng đó chắc chắn là những cảm xúc quan trọng đối với bạn, và cũng là những điều quan trọng với chúng mình.

 

Biên tập: Rena Nguyễn 

Tài liệu tham khảo:

  1. Valtonen, J. (May 21, 2020). The Health Benefits of Autobiographical Writing: An Interdisciplinary Perspective. J Med Humanit, 42(4). Doi: 10.1007/s10912-020-09631-9
  2. Ruini, C. & Mortara, C, C. (Sep 14, 2021). Writing Technique Across Psychotherapies—From Traditional Expressive Writing to New Positive Psychology Interventions: A Narrative Review. J Contemp Psychother,  52(1). Doi: 10.1007/s10879-021-09520-9
  3. The Editors of Encyclopaedia Britannica. (n.d). Autobiography. Britannica. Truy xuất từ: https://www.britannica.com/art/autobiography-literature 
  4. Autobiography. (n.d). Trong từ điển Cambridge trực tuyến. Truy xuất từ: https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/autobiography 
  5. Gazzaniga, M, S. (July 01, 2000). Cerebral specialization and interhemispheric communication: does the corpus callosum enable the human condition? Brain. Doi: 10.1093/brain/123.7.1293

Trả lời