Tư thế ngủ bào thai có thể tiết lộ điều gì về nhân cách và những trở ngại con người có thể gặp phải.

Biên tập: Vũ Ngọc

Mỗi người trong chúng ta là một sinh thể độc lập với những lựa chọn mang tính riêng biệt. Cũng giống với tư thế ngủ, mỗi người sẽ có một lựa chọn riêng với những bí ẩn nhân cách ẩn chứa trong đó. Định hình tư thế của cơ thể trong khi ngủ, tức là cách chúng ta nằm ngủ, là một phần của giấc ngủ. Vậy nên nó là một hoạt động phần nhiều diễn ra trong vô thức. Bởi lẽ, khi ngủ con người không ý thức được hầu hết các sự việc xảy. (Brain, 2022).

Theo một nghiên cứu của Dunkell (1977) trên 332 nghiệm thể, có bốn tư thế ngủ (Sleep position) phổ biến được nhận dạng: (1) nằm ngửa (Royal position), (2) tư thế bào thai (Full-fetal position), (3) nằm úp sấp(Prone position), (4) tư thế bán bào thai (Semi- fetal position). Trong đó, tư thế ngủ bào thai là một tư thế hết sức thú vị mà thông qua góc nhìn của tâm lý học, chúng ta sẽ thu được những phán đoán bất ngờ về nhân cách con người.

Tư thế ngủ bào thai hay còn được gọi là tư thế ngủ em bé (The baby) là tư thế mà một người sẽ ngủ đặt cả người, hai chân và hai tay cùng một bên, chân co lên, đầu gối chạm ngực, cơ thể cuộn tròn lại giống tư thế của một em bé nằm trong bụng mẹ. Đây là một trong những tư thế phổ biến với khoảng 41% người nằm tư thế này được tìm thấy trong một bài khảo sát của Chris Idzikowski. (Mughal, 2022).

Nghiên cứu của Dunkell’s (1977), cho thấy những người có tư thế ngủ bào thai có biểu hiện về sự gắn kết xã hội, mức độ hài lòng kém hơn những người có tư thế ngủ khác. Một bài viết của tác giả Mughal (2022) dường như cũng đồng tình với điều này khi cho  rằng “nếu bạn ngủ trong tư thế bào thai, bạn có thể có một vẻ ngoài cứng rắn nhưng ẩn chứa là một vẻ nhút nhát và nhạy cảm bên trong”.

Để hiểu sâu hơn những nhận định trên cũng như khám phá những nét nhân cách có thể ẩn chứa trong tư thế ngủ bào thai, chúng ta cùng nhau đi phân tích tư thế ngủ này dưới góc nhìn của Tâm lý học.

Đầu tiên, có thể nhận định, tư thế ngủ bào thai là một biểu hiện của việc nhân cách có thể bị cắm chốt (fixation).

Tại sao lại có nhận định như vậy. Bởi lẽ cắm chốt là một dạng tập trung liên tục vào một giai đoạn tâm lý tính dục trước đó (Thông, 2021). Mà như chúng ta biết, tư thế bào thai là tư thế nằm của một em bé trong bụng mẹ, giúp em bé dễ dàng sinh trưởng. Tư thế này sẽ kết thúc khi em bé được sinh ra. Vậy nên, khi lớn rồi mà chúng ta vẫn ngủ theo tư thế này, thì nhân cách chúng ta có khả năng đang bị cắm chốt. Theo các giai đoạn phát triển tính dục của Sigmund Freud, con người có thể bị cắm chốt trong giai đoạn môi miệng (Oral stage) và hậu môn (Anal stage) do việc ba mẹ không đáp ứng đúng, đủ nhu cầu.(Randy J.Larsen, (2020). Khi bị cắm chốt, nhân cách hay phát triển theo các xu hướng sau: đầu giai đoạn môi miệng nhân cách thường lạc quan nhưng phụ thuộc, cả tin, quan tâm quá mức đến hoạt động môi miệng …; cuối giai đoạn môi miệng thì bi quan, thù địch, hung tính, thích kiểm soát, …; đầu hậu môn, nhân cách thường hình thành những hành vi thù hằn, “bạo dâm”…; cuối giai đoạn này nhân cách có thể trở nên cứng nhắc, gọn gàng quá mức, cảm giác an toàn khi được sở hữu. (Randy J.Larsen, (2020).  Như vậy, thông qua sự liên hệ với xu hướng nhân cách có khả năng được hình thành khi cắm chốt, con người khi có tư thế ngủ bào thai có khả năng sẽ xuất hiện các kiểu nhân cách trên.

Bên cạnh đó, khi một người ngủ trong tư thế ngủ bào thai, có thể bản ngã/ cái tôi (ego) của họ đang vô thức vận hành cơ chế phòng vệ thoái lui.

Cơ chế phòng vệ (Defence mechanism) là những hành vi được bản ngã sử dụng nhằm mục đích giảm tối đa sự lo lắng và căng thẳng, bảo vệ bản ngã khỏi những xung đột nội tâm gây ra từ những ham muốn bản năng không phù hợp với những yêu cầu xã hội (Randy J.Larsen, 2020).. Trong khi đó, thoái lui (Regression) là cơ chế làm xuất hiện những hành vi đáng nhẽ chỉ xuất hiện ở những giai đoạn phát triển trước (Holland, 2022), nay lại xuất hiện trở lại. Nguyên nhân có thể là do những nhu cầu của giai đoạn phát triển trước chưa được đáp ứng đầy đủ hoặc được đáp ứng quá mức cần thiết.. Chẳng hạn, bạn thường xuyên mút tay, mút kẹo mút và đặc biệt là ngủ trong tư thế của em bé khi đã lớn. Tư thế ngủ em bé là tư thế nằm của con người khi còn trong bụng mẹ. Nó đáng lẽ ra chỉ xuất hiện ở những giai đoạn sớm của cuộc đời nhưng đối với một số cá nhân, tư thế này vẫn còn được duy trì ngay cả khi đã bước sang những giai đoạn phát triển khác. Đặc biệt, khi cơ chế thoái lui thường xuyên xuất hiện, nhân cách thường có xu hướng trẻ hóa tức là hay có những hành động trẻ con, duy kỷ. Cơ chế này được hình thành nhằm giảm bớt đi một phần lo lắng về cuộc sống bộn bề, đầy lo toan của người lớn. Bởi lẽ, môi trường trong bụng mẹ là một môi trường an toàn, lý tưởng, được cung cấp đầy đủ các dưỡng chất cho sự sinh tồn và phát triển.

Như vậy, thông qua cách nhìn của tâm lý học, người có tư thế ngủ bào thai có khả năng có một nhân cách bị cắm chốt và bản ngã thường xuyên sử dụng cơ chế phòng vệ thoái lui. Như đã phân tích ở trên, việc này dẫn đến hình thành các kiểu nhân cách trẻ con không tích cực, sức chịu đựng kém, phụ thuộc, dựa dẫm vào người khác, hay có tính duy kỷ. Chính những điều này khiến họ gặp không ít khó khăn trong cuộc sống.

Hãy cùng điểm qua một số trở ngại mà nhiều khả năng họ phải đương đầu và những biểu hiện nhân cách kèm theo.

Việc mang tính cách của một đứa trẻ, phụ thuộc sẽ khiến họ gặp khó khăn khi ứng phó với các sự kiện có tính chất căng thẳng, đòi hỏi giải quyết một cách độc lập và quyết đoán. Việc thất bại trong các tình huống cuộc sống nhiều lần làm con người cảm thấy tự ti, mặc cảm. Theo Alfred Adler, một nhà tâm lý học nổi tiếng của quan điểm tâm động học (Intrapsychic Domain), đó chính là phức cảm tự ti (Inferiority complex). (Randy J.Larsen, (2020). Phức cảm tự ti  là trạng thái được phát triển khi một người không thể hoàn thiện, bù trừ cảm giác tự ti thông thường. Họ cảm giác bản thân nghèo nàn, bất lực, không thể đương đầu với khó khăn cuộc sống và cảm thấy vô dụng. Để giảm bớt đi những mặc cảm, căng thẳng đó, chúng ta sẽ rất có khả năng vô thức ngủ hoặc nằm với tư thế em bé, để mong cầu tìm lại được cảm giác an toàn, bao bọc, chở che như khi còn bé, hay trong bụng mẹ.

Hơn nữa, do mang đặc điểm tính cách trẻ con nên những người này sẽ xuất hiện những hạn chế nhất định trong việc xây dựng và hình thành mối quan hệ xã hội từ xã giao đến thân thiết. Theo Piaget trẻ con thường mang tính duy kỷ (Egocentric). Tính duy kỷ là nhìn nhận, nghĩ về thế giới vật chất và thế giới xã hội theo quan điểm độc nhất của chính mình. (Lý, 2018). Nói cách dễ hiểu, họ luôn coi mình là trung tâm, ý kiến mình là duy nhất chính xác, đòi hỏi và yêu cầu sự chú ý, để tâm từ mọi người. Suy nghĩ đó cản trở sự bền vững trong các mối quan hệ. Đồng thời theo nghiên cứu của Hogan (1983), động lực cơ bản của con người là tạo được vị thế và ghi danh bởi nhóm (Randy J.Larsen, (2020). Việc thiếu vắng các mối quan hệ bền vững giữa các nhóm bạn bè, xã hội, dẫn đến việc họ mất đi những động lực cơ bản và quan trọng để thúc đẩy sự phát triển. Điều này có thể khiến họ trở nên nhút nhát, không tự tin khi đương đầu với thử thách, thường lùi bước trước những khó khăn. Việc phải đối mặt với những thất bại thường xuyên khiến họ trở nên nhạy cảm với những lời nói, ánh mắt từ người khác. Và trong vô thức, họ trở về ngủ với tư thế bào thai để mong muốn trốn tránh thực tại, trở về một cuộc sống vô lo vô nghĩ.

Bên cạnh đó, hầu hết con người tồn tại và phát triển cùng tình yêu thương. Đây là một sự thật hiển nhiên mà ai cũng có thể nhận ra trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, những người ngủ trong tư thế bào thai thường có nhân cách bị cắm chốt và hay thất bại trong các mối quan hệ, công việc, cuộc sống. Việc này khiến họ có thể phải đối mặt với nhiều cảm xúc khó chịu như lo hãi (Fear), buồn bã (Sadness), ghê sợ (disgust)… Sự cộng dồn cảm xúc này dẫn đến một hiện tượng mà các nhà tâm lý học gọi là “heart broken– trái tim tan nát”. Trái tim tan nát có khả năng dẫn đến di chứng tê liệt cảm xúc (Emotional numbness). Tê liệt cảm xúc là việc chúng ta cảm thấy trống rỗng, mất kết nối, cuộc sống như một cỗ máy tự động và điều này có mối liên hệ với trầm cảm (depression). (Lebow, 2021). Nói theo cách dân gian, đó chính là việc chúng ta trở thành một khúc gỗ vô tri vô giác. Tất cả những sự kiện này dần dẫn đến hình thành nên một nhân cách cứng nhắc, thiếu tính linh hoạt, mềm dẻo. 

Như vậy, qua việc phân tích các đặc điểm liên quan đến tư thế ngủ bào thai, có rất nhiều chi tiết trong tính cách con người và những khó khăn họ có thể gặp phải đã được hé lộ. Tuy nhiên, những phân tích trên chưa phải là tất cả. Do mỗi chúng ta sẽ có những lựa chọn riêng trong cách sống, cách nghĩ, và chịu những tác động khác nhau từ môi trường xung quanh. Bên cạnh đó, việc giữ một tinh thần và một cách nhìn lạc quan, tươi mới về cuộc sống là một trong những cách giúp chúng ta xây dựng và duy trình một nhân cách lành mạnh, giảm thiểu đi những tính cách tiêu cực, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống.

 

Nguồn:

[1] Holland, K. (2022, June 21). 10 Defense Mechanisms: What Are They and How They Help Us Cope. Healthline. https://www.healthline.com/health/mental-health/defense-mechanisms

[2] Lý C. S. V. T. (2018, January 18). Thuyết Phát sinh Nhận thức của Jean Piaget. Câu Lạc Bộ Sinh Viên Tâm Lý. https://clbsvtl.wordpress.com/2018/01/18/thuyet-phat-sinh-nhan-thuc-cua-jean-piaget/

[3] Lebow, H. I. (2021, June 7). I Feel Nothing: How to Cope with Emotional Numbness. Psych Central. https://psychcentral.com/depression/i-feel-nothing-emotional-numbness

[4] Mughal, F. (2022b, June 28). Sleep Position – What Your Sleep Position Says About Your Personality. Nectar Sleep. https://www.nectarsleep.com/p/sleep-positions/

[5] Kamau, L. Z., Luber, E., & Kumar, V. K. (2012). Sleep Positions and Personality: Zuckerman-Kuhlman’s Big Five, Creativity, Creativity Styles, and Hypnotizability. North American Journal of Psychology, 14(3).

[6] Thông H. (2021, September 10). Học thuyết của Freud về 5 Giai đoạn phát triển tâm lý tính dục (5 Psychosexual Stages). https://capheso.com/hoc-thuyet-cua-freud-ve-5-giai-doan-phat-trien-tam-ly-tinh-duc-5-psychosexual-stages/

 

Để lại một bình luận