Từ chối mâu thuẫn

Mâu thuẫn là một điều khó có thể tránh khỏi trong cuộc sống hàng ngày. Từ những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong gia đình, hay những tranh cãi nơi công sở. Có những người lựa chọn đối mặt và giải quyết những mâu thuẫn này một cách trực tiếp, nhưng cũng có những người lại chọn cách “từ chối mâu thuẫn”. “Từ chối mâu thuẫn” ở đây được hiểu là hành vi né tránh, lảng tránh những mâu thuẫn, bất đồng, thường thể hiện qua những biểu hiện như:

Im lặng: Khi gặp bất đồng, họ chọn cách im lặng, không muốn lên tiếng hay tranh luận.

Chuyển hướng: Thay vì đối mặt với vấn đề, họ cố gắng chuyển hướng sang chủ đề khác hoặc tìm cách lảng tránh.

Thỏa hiệp: Họ sẵn sàng nhượng bộ, chấp nhận những điều không mong muốn để tránh mâu thuẫn.

Trốn tránh: Họ né tránh gặp gỡ, giao tiếp với người mà họ có mâu thuẫn.

Thoạt nhìn, “từ chối mâu thuẫn” có vẻ như là một hành động tích cực, giúp duy trì hòa bình và tránh những tổn thương. Tuy nhiên, trên thực tế, “từ chối mâu thuẫn” có thể mang lại tác động tiêu cực mà chúng ta không ngờ tới. Ví dụ, trong một nghiên cứu của Đại học Stanford, các nhà khoa học đã chỉ ra rằng những người thường xuyên né tránh mâu thuẫn có nguy cơ cao bị các vấn đề về tâm lý như lo âu và trầm cảm hơn so với những người biết cách đối mặt và giải quyết mâu thuẫn một cách tích cực (Stanford University, 2018). Do đó, việc hiểu và học cách xử lý mâu thuẫn một cách hiệu quả là vô cùng quan trọng để duy trì sức khỏe tinh thần, cải thiện các mối quan hệ và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Mâu thuẫn bắt nguồn từ đâu?

Mâu thuẫn xuất hiện dưới nhiều hình thức khác nhau và có thể ảnh hưởng đến mọi khía cạnh của cuộc sống. Một trong những loại mâu thuẫn phổ biến nhất là mâu thuẫn giữa các cá nhân, thường xảy ra trong các mối quan hệ hàng ngày, từ gia đình, bạn bè cho đến đồng nghiệp. Những mâu thuẫn này thường phát sinh do sự khác biệt về quan điểm, giá trị, hoặc cách tiếp cận vấn đề. Khi các cá nhân có những giá trị và quan điểm khác nhau, họ có thể gặp khó khăn trong việc tìm ra tiếng nói chung và giải quyết các vấn đề phát sinh. 

Ngoài ra, sự hiểu lầm và thiếu kỹ năng giao tiếp cũng là một nguyên nhân quan trọng. Khi các bên không chia sẻ thông tin đầy đủ, không lắng nghe và thấu hiểu nhau, họ sẽ dễ dàng đưa ra những phán đoán và kết luận sai lệch về suy nghĩ và hành động của đối phương. Điều này có thể dẫn đến cách ứng xử bất hợp lý và gây nên mâu thuẫn.

Vì sao chúng ta “từ chối mâu thuẫn”?

Sợ hãi và lo lắng về hậu quả

Theo một nghiên cứu của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (2017), nỗi sợ hãi về việc gây ra sự đổ vỡ trong các mối quan hệ là một trong những yếu tố chính khiến nhiều người né tránh mâu thuẫn. Sự lo lắng về hậu quả không mong muốn này thường khiến người ta chọn cách né tránh thay vì đối mặt và giải quyết vấn đề.

Tránh sự căng thẳng và khó chịu

Nhiều cá nhân từ chối mâu thuẫn để tránh sự căng thẳng và khó chịu mà nó có thể mang lại vì mâu thuẫn thường đi kèm với những cảm xúc tiêu cực như tức giận, bực bội, và thất vọng. Tránh né mâu thuẫn có thể mang lại sự yên bình tạm thời, nhưng về lâu dài, nó có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng hơn như tích tụ cảm xúc tiêu cực, giảm chất lượng của mối quan hệ liên cá nhân, và các vấn đề về sức khỏe thể chất, ví dụ như như tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch do cơ thể phản ứng bằng cách sản sinh ra các hormone stress như cortisol, làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh liên quan đến tim mạch.

Văn hóa và giáo dục

Văn hóa và giáo dục cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành thái độ từ chối mâu thuẫn. Trong nhiều nền văn hóa, sự hòa thuận và tránh đối đầu được coi trọng hơn là giải quyết mâu thuẫn một cách trực tiếp. Một nghiên cứu của Hofstede về văn hóa và giá trị cho thấy rằng các nền văn hóa có chỉ số tránh mâu thuẫn cao thường giáo dục con người tránh né những tình huống căng thẳng và mâu thuẫn (Hofstede, 2001). Điều này dẫn đến việc nhiều người không được trang bị kỹ năng giải quyết mâu thuẫn một cách hiệu quả từ nhỏ. Ví dụ, ở Việt Nam, văn hóa ‘sống hòa thuận’ khiến nhiều người, đặc biệt trong môi trường công sở hoặc trường học, ngại bày tỏ quan điểm trái ngược. Ví dụ, sinh viên thường e dè khi tranh luận với giáo viên, dẫn đến việc nhiều ý kiến sáng tạo không được đưa ra.

Tính cách cá nhân

Theo nghiên cứu của Thomas và Kilmann (1974), người có tính cách né tránh mâu thuẫn thường có xu hướng tránh đối đầu và tìm kiếm sự hòa giải. Tuy nhiên, họ cũng có thể gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề một cách trực diện. Điều này được lý giải bởi các yếu tố như sự nhạy cảm, sợ hãi trước xung đột, và mong muốn giữ gìn các mối quan hệ là những động lực chính thúc đẩy hành vi né tránh này. 

Nghiên cứu từ Psychology Today đã phân loại những người né tránh mâu thuẫn thành hai loại chính: “người né tránh hòa bình” và “người né tránh phòng thủ.” Người né tránh hòa bình thường tránh xung đột để bảo vệ sự hòa thuận trong các mối quan hệ, trong khi người né tránh phòng thủ thường lo sợ rằng xung đột có thể làm tổn thương bản thân hoặc người khác. Cả hai loại này đều có thể dẫn đến khó khăn trong việc giải quyết vấn đề hiệu quả và đôi khi có thể gây ra những căng thẳng tiềm ẩn trong các mối quan hệ, bởi vì các vấn đề không được giải quyết kịp thời.

Tác hại tiềm ẩn của việc “từ chối mâu thuẫn”

Tích tụ căng thẳng và cảm xúc tiêu cực

Theo một nghiên cứu của Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia NIHM (2016), sự tích tụ căng thẳng và cảm xúc tiêu cực khi né tránh xung đột có thể dẫn đến các vấn đề tâm lý nghiêm trọng như lo âu, trầm cảm, và các rối loạn tâm thần khác. Việc không xử lý mâu thuẫn một cách hiệu quả khiến chúng ta phải chịu đựng một áp lực tinh thần lớn, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và hạnh phúc cá nhân.

Ảnh hưởng đến mối quan hệ cá nhân và công việc

Từ chối mâu thuẫn không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà còn gây ra những tác động tiêu cực đến các mối quan hệ xung quanh. Trong môi trường công việc, né tránh mâu thuẫn có thể dẫn đến sự giảm sút trong hiệu suất làm việc, sự hiểu lầm và thiếu hợp tác giữa các đồng nghiệp do gặp khó khăn trong việc đạt được mục tiêu chung và duy trì sự gắn kết (Harvard Business Review, 2017). Trong gia đình, việc tránh né mâu thuẫn có thể gây ra sự xa cách và giảm sự thân thiết giữa các thành viên, làm suy yếu tình cảm và sự hỗ trợ lẫn nhau.

Suy giảm sức khỏe tâm lý và thể chất

Sự căng thẳng kéo dài do mâu thuẫn không được giải quyết có thể dẫn đến suy giảm sức khỏe tâm lý và thể chất. Ngoài ra, căng thẳng và lo âu cũng có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ, làm suy giảm hệ miễn dịch và giảm khả năng tập trung, dẫn đến một loạt các vấn đề sức khỏe khác.

Cách đối mặt và xử lý mâu thuẫn

Thay đổi quan điểm về mâu thuẫn: Nhìn nhận mâu thuẫn như cơ hội phát triển

Mâu thuẫn là điều bình thường: Hãy nhận thức rằng mâu thuẫn là điều tất yếu trong bất kỳ mối quan hệ nào. Nó không phải là dấu hiệu cho thấy mối quan hệ có vấn đề, mà là cơ hội để hiểu nhau hơn, gắn kết và phát triển. Ví dụ, trong môi trường làm việc khi đối mặt với những quan điểm khác biệt, chúng ta buộc phải tư duy, phân tích và tìm kiếm những giải pháp mới. Điều này giúp ta mở rộng tầm nhìn và tăng cường khả năng giải quyết vấn đề.

Học cách nhận biết và quản lý cảm xúc: Làm chủ bản thân trước “cơn bão” mâu thuẫn

Nhận biết cảm xúc: Hãy dành thời gian để lắng nghe và thấu hiểu cảm xúc của bản thân. Xác định nguyên nhân khiến bạn cảm thấy tức giận, buồn bã hay thất vọng.

Thể hiện cảm xúc một cách phù hợp: Thay vì kìm nén hay bộc phát cảm xúc tiêu cực, hãy học cách thể hiện chúng một cách bình tĩnh và tôn trọng để chia sẻ cảm xúc và mong muốn của bản thân.

Kỹ thuật “hạ nhiệt”: Khi cảm xúc dâng cao, hãy tạm dừng tranh luận, hít thở sâu và áp dụng các kỹ thuật thư giãn để bình tĩnh lại trước khi tiếp tục đối thoại.

Rèn luyện kỹ năng giao tiếp hiệu quả: Chìa khóa để hóa giải mâu thuẫn

Lắng nghe tích cực: Hãy tập trung lắng nghe quan điểm của đối phương một cách cởi mở, không phán xét. Thể hiện sự đồng cảm và thấu hiểu bằng ngôn ngữ cơ thể và lời nói.

Diễn đạt rõ ràng: Trình bày quan điểm của bản thân một cách rõ ràng, súc tích và dễ hiểu. Tránh sử dụng ngôn ngữ mơ hồ, mỉa mai hay đổ lỗi.

Áp dụng các phương pháp giải quyết mâu thuẫn hiệu quả: Chọn giải pháp phù hợp cho từng trường hợp

Đàm phán: Trao đổi cởi mở, tìm kiếm điểm chung và đưa ra giải pháp mà cả hai bên đều chấp nhận.

Thỏa hiệp: Sẵn sàng nhượng bộ một số điểm để đạt được thỏa thuận chung.

Hòa giải: Tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên thứ ba để giải quyết mâu thuẫn một cách công bằng và khách quan.

Mâu thuẫn là điều tất yếu trong cuộc sống nhưng cách chúng ta đối mặt và giải quyết nó sẽ quyết định chất lượng các mối quan hệ và hạnh phúc của bản thân. “Từ chối mâu thuẫn” đôi khi mang đến những tác hại tiềm ẩn, âm thầm gặm nhấm những mối quan hệ và chính bản thân mỗi người. Thay vì né tránh các vấn đề trong mọi tình huống, hãy học cách đối mặt và giải quyết mâu thuẫn một cách thông minh để xây dựng những mối quan hệ lành mạnh, bền vững và hướng đến hạnh phúc.

“Con người không cần được đánh giá, họ cần được thấu hiểu.” – Carl Rogers

Tài Liệu Tham Khảo

Lilienfeld, S., Lynn, S. J., Namy, L., Woolf, N., Jamieson, G., Marks, A., & Slaughter, V. (2014). Psychology: From inquiry to understanding (2nd Ed.). Pearson Higher Education AU.

Burton, L., Westen, D., & Kowalski, R. (2015). Psychology. [4th Ed.] Wiley: Milton, Australia.

Trả lời