Tính hướng nội, Ám ảnh sợ xã hội và Hội chứng sợ con người (Anthropophobia)

Biên tập: Mỹ Hoa 

“Tôi cảm thấy vô cùng sợ hãi và chán ghét khi phải gặp gỡ một ai đó”

“Tôi thích ở một mình, ngại giao tiếp nhưng tôi vẫn muốn được tiếp xúc và hòa nhập với mọi người”

“Khi đi ra ngoài, tôi thường xuyên cảm thấy cô đơn và lạc lõng. Tôi không sợ giao tiếp nhưng đôi lúc lại không thể trò chuyện cùng ai, xung quanh tôi chỉ toàn người hướng ngoại mà thôi”. 

“Tôi sợ giao tiếp, tôi sợ cả con người, cảm giác đối diện với những phán xét, soi mói khiến tôi chán nản, kiệt quệ”

   Có bao giờ bạn bắt gặp bản thân mình trong những suy nghĩ bất tận này không? Bạn phân vân, bạn mâu thuẫn, bạn tự hỏi “Tôi là ai? Tôi là người như thế nào” và thật khó để phân tách giữa nỗi sợ và nét tính cách thực sự của chính mình.

   Nhưng tin Psyme đi, bạn không hề đơn độc trên hành trình này đâu, cũng chẳng khác biệt hay không có giá trị nếu như bạn là một người hướng nội, hay có những nỗi sợ hãi con người, lo âu xã hội chưa thể vượt qua. 

   Bài viết dưới đây sẽ đồng hành cùng bạn, để nhận diện và tìm kiếm câu trả lời cho những trăn trở, sợ hãi vẫn đang hiện hữu đó nhé. 

Người Hướng nội – Sự lấp lánh tĩnh lặng bên cạnh người hướng ngoại 

   Hướng nội là một trong những đặc điểm tính cách chính được xác định trong nhiều lý thuyết về nhân cách. Một người có xu hướng hướng nội sẽ tập trung nhiều vào những suy nghĩ, cảm xúc và tâm trạng bên trong bản thân hơn là tìm kiếm sự kích thích bên ngoài. 

   Theo nhiều lý thuyết về tính cách, mỗi người chúng ta đều có một số mức độ cả hướng nội và hướng ngoại, nằm trên cùng một quang phổ. Bạn có thể rất hướng nội (introvert) ở đầu bên này, rất hướng ngoại (extrovert) ở đầu bên kia, hoặc cũng có thể nằm lơ lửng ở giữa hai thái cực này, thường được gọi là hướng trung (ambivert). 

   Đã có nhiều hiểu lầm và quan niệm sai lệch về người hướng nội, cho rằng họ là những người “nhút nhát”, “rụt rè”, “kém giao tiếp”, “có lòng tự trọng thấp”… Thực tế, người hướng nội không hẳn lúc nào cũng e sợ người khác hoặc luôn luôn im lặng, họ thiên về nội tâm và tránh việc tiêu hao năng lượng trong những tình huống xã hội. Nếu người hướng ngoại tận hưởng những bữa tiệc ồn ào, tự tin phát sáng trong đám đông thì người hướng nội lại lựa chọn lui về phía sau, trở nên khá lặng lẽ. Mặc dù họ vẫn có thể tham gia một cách vui vẻ, đôi khi còn lặng lẽ quan sát, tò mò về những người xung quanh nhưng sau đó sẽ cần một chút yên tĩnh, thường nạp đầy năng lượng bằng cách dành thời gian ở một mình. 

Dấu hiệu cho thấy bạn là người hướng nội 

   Chắc hẳn rất nhiều lần bạn tự hỏi: “Liệu tôi có phải người hướng nội hay không?” hoặc tự nhận định và chối bỏ bản thân theo những đồn đoán sai sự thật về người hướng nội. 

   Với những đặc điểm khác nhau, bạn có thể là người hướng nội nếu có những biểu hiện ở bốn phân loại sau: 

  • Người hướng nội xã hội: Kiểu người hướng nội này thích những nhóm nhỏ, ít người hơn so với đám đông quá nhiều người. Họ thường tận hưởng không gian yên tĩnh ở nhà hơn việc ra ngoài dạo chơi. 
  • Người hướng nội suy nghĩ: Những người hướng nội thuộc nhóm này có xu hướng dành nhiều thời gian để suy nghĩ, chìm đắm trong thế giới nhỏ của mình. Họ sống nội tâm và vô cùng sáng tạo.
  • Người hướng nội lo lắng: Người hướng nội lo lắng thường cảm thấy bất an hoặc cực kì không thoải mái khi có mọi người xung quanh, nhất là trong quá trình giao tiếp xã hội. 
  • Người hướng nội kiềm chế: Là những người dè dặt, hay suy nghĩ, thường dành một khoảng thời gian đáng kể để cân nhắc quyết định trước khi làm bất cứ điều gì.

   Dù đã được chia tách rõ ràng, tuy nhiên rất nhiều người hướng nội có sự pha trộn của các phẩm chất trong cả bốn kiểu trên. Cũng có những người hướng nội sẵn sàng thể hiện sự “lấp lánh” ra bên ngoài, khiến chúng ta không nghĩ rằng họ mang đặc trưng của một người hướng nội. Ví dụ, trông họ vô cùng thân thiện, họ thích giao lưu và chia sẻ các câu chuyện thú vị nhưng thực chất họ có thể khá hướng nội.

Ám ảnh sợ xã hội – Sự gồng mình khi đối diện với “ánh nhìn” xã hội

 

 Rối loạn lo âu xã hội (SAD), đôi khi được gọi là ám ảnh xã hội là một loại rối loạn lo âu gây lo lắng hoặc sợ hãi trong các tình huống xã hội.

   Người mắc ám ảnh sợ xã hội gặp nhiều khó khăn khi ở trong tình huống phải giao tiếp với người khác như việc gặp gỡ những người mới hay tham gia các buổi họp mặt xã hội. Họ thường cảm thấy lo lắng, sợ hãi về việc người khác đánh giá, phán xét hoặc soi mói họ, cảm giác sợ bị mất mặt hay xấu hổ luôn bám chặt tâm trí họ. Phần lớn những người mắc ám ảnh sợ xã hội đều nhận biết và hiểu được nỗi sợ hãi của mình là không có thật, nhưng họ vẫn rất khốn khổ, bất lực khi không thể vượt qua chúng. 

   Giống như những nhìn nhận sai lệch về hướng nội, ám ảnh sợ xã hội không phải là nhút nhát, tự ti. Đó là nỗi lo sợ thường xuyên dai dẳng và tràn ngập, ảnh hưởng rất lớn đến các hoạt động hàng ngày, đặc biệt là trong tương tác xã hội, họ dễ trở nên kích động, hoảng loạn quá mức khi bị o ép và bắt buộc đối mặt với việc giao tiếp với những người xung quanh. 

Các triệu chứng của ám ảnh xã hội

Đối với một người mắc chứng rối loạn lo âu xã hội, tương tác xã hội có thể dẫn đến những phản ứng cơ thể sau: 

  • Đỏ mặt
  • Buồn nôn
  • Đổ mồ hôi
  • Run rẩy 
  • Căng cứng cơ thể 
  • Khó nói
  • Cảm thấy như thể tâm trí của họ trở nên trống rỗng
  • Chóng mặt hoặc choáng váng
  • Nhịp tim nhanh

Các triệu chứng tâm lý có thể bao gồm:

  • Lo lắng dữ dội trước, trong và sau một tình huống xã hội
  • Né tránh các tình huống xã hội hoặc cố gắng trở nên “vô hình” nếu bắt buộc phải tham dự 
  • Tự ý thức và sợ hãi sẽ làm điều gì đó xấu hổ
  • Lo ngại về việc người khác nhận ra bạn đang căng thẳng hoặc lo lắng
  • Cảm thấy cần phải uống rượu để có thể đối mặt với hoàn cảnh xã hội
  • Nghỉ học hoặc nghỉ làm vì quá lo lắng

   Ai trong chúng ta đều có lúc cảm thấy lo lắng hoặc để tâm đến ánh mắt của người khác, tuy nhiên những người mắc chứng ám ảnh sợ xã hội thường cực kỳ sợ hãi về những tình huống có thể làm cho họ xấu hổ, ngượng ngùng, đồng thời quan tâm thái quá, không thôi lo lắng về cái nhìn hay suy nghĩ của người khác về mình, sợ bị đánh giá, phán xét hoặc bị sị nhục ở nơi đông người.

   Ở một số người sẽ biểu hiện lo lắng có giới hạn hoặc có chọn lọc. Ví dụ, họ có thể chỉ lo lắng khi ăn trước mặt người khác hoặc nói chuyện với người lạ. Với những người có các triệu chứng nghiêm trọng hơn thì có thể né tránh, trốn chạy tất cả các tình huống xã hội, bao gồm: 

  • Đặt một câu hỏi cho ai đó
  • Phỏng vấn xin việc
  • Mua sắm 
  • Sử dụng nhà vệ sinh công cộng
  • Nói chuyện điện thoại
  • Ăn ở nơi công cộng

Một số tiêu chí chẩn đoán ám ảnh sợ xã hội theo DSM – V

  • Nỗi sợ hãi về một hoặc nhiều tình huống xã hội có thể liên quan đến sự tương tác với người khác. Ví dụ bao gồm các tương tác xã hội như trò chuyện với người lạ, ăn liên hoan, thuyết trình…
  • Người mắc ám ảnh sợ xã hội lo sợ rằng hành động của bản thân có chiều hướng bị đánh giá tiêu cực hoặc làm người khác khó chịu hoặc xúc phạm 
  • Các tình huống xã hội cụ thể gần như luôn luôn gây ra sợ hãi hoặc lo lắng
  • Các tình huống xã hội được né tránh hoặc chịu đựng với nỗi sợ hãi hoặc lo lắng dữ dội
  • Nỗi sợ hãi hoặc lo lắng quá mức không tương xứng với mối đe dọa thực tế 
  • Nỗi sợ hãi, lo lắng hoặc tránh né dai dẳng, thường kéo dài từ 6 tháng trở lên
  • Sự sợ hãi, lo lắng hoặc tránh né gây ra đau khổ, làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày
  • Sự sợ hãi, lo lắng hoặc tránh né không được quy cho các tác động sinh lý của một chất, ví dụ sự lạm dụng thuốc, dược phẩm hoặc một tình trạng bệnh khác 
  • Sự sợ hãi, lo lắng hoặc tránh né không được giải thích tốt hơn bằng các triệu chứng của một rối loạn tâm thần khác, chẳng hạn như rối loạn hoảng sợ, rối loạn ám ảnh dị dạng cơ thể hoặc rối loạn phổ tự kỷ 
  • Nếu một tình trạng bệnh khác (ví dụ: bệnh Parkinson, béo phì, biến dạng do lợi hoặc thương tật) có mặt, nỗi sợ hãi, lo lắng hoặc tránh né rõ ràng không liên quan hoặc quá mức

Hội chứng sợ con người: Anthropophobia – Nỗi ám ảnh đeo bám xuất phát từ con người 

 

 Cụm từ “Anthropophobia” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp là anthropos, tức nghĩa “con người” và phobos nghĩa là “nỗi sợ”. Những người mắc hội chứng Anthropophobia thường sẽ trải qua cảm giác lo âu hoặc hoảng loạn khi phải tương tác với người khác, một số thậm chí còn hạn chế tối đa mọi tương tác xã hội. 

   Ở đây, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, sự ám ảnh con người có thể khiến những người mắc hội chứng này lo hãi ngay cả khi chỉ có sự xuất hiện của một người khác ở trong tình huống, địa điểm nào đó, ví dụ như ở nơi làm việc. Đáng lo ngại hơn, nhiều người có thể lảng tránh hoàn toàn sự tương tác, từ bỏ học tập/ công việc, chỉ giao tiếp với người khác thông qua thư tay hoặc các phương tiện điện tử như email hoặc tin nhắn văn bản. 

   Vẫn luôn tồn tại rất nhiều nỗi sợ kỳ lạ và bí ẩn ngoài kia, sẽ chẳng có gì phi lý nếu bạn đang trải qua nỗi ám ảnh mang tên “con người”. 

Liệu rằng những dấu hiệu nào cho thấy bạn đang mắc phải hội chứng sợ con người?

Sau đây là một số câu hỏi mấu chốt để bạn có thể tự hỏi bản thân nếu còn đang băn khoăn và nghi ngờ:  

  • Bạn đã từng bị chẩn đoán mắc phải tình trạng tương tự như hội chứng này hay chưa?   
  • Bạn có từng cảm thấy vô cùng lo âu khi ở cùng với đám đông hay chỉ đơn thuần là những cảm giác bất an chung chung?
  • Bạn có từng xuất hiện những suy nghĩ chung chung về người khác nhưng lại mang chút đề phòng rằng họ đang có ý định xấu hay chưa?
  • Liệu cảm giác lo âu của bạn khi ở bên người khác có ảnh hưởng tiêu cực đến khía cạnh nào đó trong cuộc sống của bạn, chẳng hạn như các mối quan hệ hoặc những gì bạn đang theo đuổi trong sự nghiệp/học vấn, hay đã từng khiến bạn phải bỏ ngang một việc vô cùng quan trọng?   

   Nếu mọi câu trả lời bạn đưa ra đều là có, thì khả năng cao là bạn đang mắc phải hội chứng sợ con người – Anthropophobia. Tuy nhiên hãy cùng tìm hiểu thêm một số triệu chứng cụ thể để nắm bắt tình trạng này rõ ràng hơn. 

   Hội chứng sợ con người thường gây ra những phản ứng cơ thể tương tự như các hội chứng sợ hãi khác. Khi ở trong tình huống tương tác với một ai đó hoặc dành thời gian cho đám đông, bạn có thể bắt đầu đổ mồ hôi và run rẩy. Bạn có thể đỏ mặt và khó thở hơn bình thường. Cùng với tim đập nhanh, đôi khi bạn không thể nói hoặc hình thành những suy nghĩ mạch lạc.

   Đặc biệt hơn, đôi khi bạn có cảm giác phải đương đầu với một cuộc chiến, với những phản ứng quá mức khi tương tác với ai đó khiến bạn luôn muốn trốn chạy thực tại. Bạn luôn cảm thấy lo lắng và cho rằng người khác đang đánh giá mọi thứ về bạn, từ phong cách ăn mặc đến cách lựa chọn từ ngữ. Bạn có thể tránh né giao tiếp bằng mắt ngay cả với những người thân quen và đáng tin cậy.

   Nỗi ám ảnh con người cũng thường gây ra lo lắng trước những tình huống giả định. Bạn có thể cảm thấy khó ngủ trong những ngày trước khi chạm trán với người khác. Bạn có thể cảm thấy đau đớn về thể chất, chẳng hạn như các vấn đề về dạ dày hoặc đau đầu khi nghĩ về sự kiện sắp tới. Bạn mong rằng sẽ có thông báo hủy bỏ hoặc đơn giản là việc không cần xuất hiện. 

   Hội chứng sợ con người thường trở nên trầm trọng hơn theo thời gian nếu không được phát hiện và tìm kiếm sự trợ giúp kịp thời. Thời điểm ban đầu, nỗi sợ hãi xuất hiện với mức độ tương đối thấp với một người lạ nào đó, nhưng có thể leo thang đến bất kỳ nhóm người nào, thậm chí là những người thân thiết và cuối cùng là các cuộc gặp gỡ trực tiếp. 

Đâu là điểm khác biệt giữa hướng nội, hội chứng sợ con người và ám ảnh sợ xã hội? 

Hướng nội và Ám ảnh sợ xã hội 

   Hiện nay, hướng nội và ám ảnh sợ xã hội thường bị hiểu nhầm khá nhiều. Lo âu xã hội thường bị lầm tưởng là một dạng cực đoan của hướng nội. Tuy nhiên dựa vào những diễn giải bên trên, cần xác định rằng cả hai hoàn toàn khác nhau. Hướng nội là một đặc điểm tính cách, có liên quan đến năng lượng xã hội, trong khi lo âu xã hội là một tình trạng sức khỏe tâm thần liên quan đến nỗi sợ hãi các tương tác xã hội.

Sự khác biệt chính giữa hướng nội và lo âu/ám ảnh sợ xã hội là:

  • Lo âu xã hội thường làm cho các cá nhân cảm thấy tồi tệ, sợ hãi từ thời điểm ban đầu của một tình huống xã hội, tạo ra phản ứng tức thì, quá mức đối với lời nhận xét của ai đó hoặc trong tương tác xã hội 

     Trong khi đó, người hướng nội ít phản ứng hơn trong các tình huống xã hội. Việc cần thời gian ở một mình thường không phải do bất cứ điều gì cụ thể gây ra. 

  • Với chứng lo âu xã hội, việc né tránh các tình huống xã hội bắt nguồn từ sự sợ hãi và lựa chọn ở một mình là cách duy nhất để họ cảm thấy an toàn.

     Người hướng nội dành thời gian ở một mình thường bắt nguồn từ sự tận hưởng và coi trọng việc chăm sóc bản thân.

  • Đối với những người mắc chứng lo âu xã hội, thời gian ở một mình có thể giúp họ tạm thời giảm bớt cảm giác lo lắng nhưng không giúp họ nạp lại năng lượng, cảm thấy ổn định hoặc có thể xử lý tốt hơn một tương tác trong tương lai.

    Đối với những người hướng nội, khoảng thời gian chất lượng khi ở một mình giúp họ cảm thấy được nghỉ ngơi và tái tạo năng lượng, để họ cảm thấy có thể xử lý các tương tác xã hội khác tốt hơn. 

  • Những người mắc chứng ám ảnh sợ xã hội có thể hủy bỏ kế hoạch hoặc bỏ lỡ cơ hội ngay cả khi họ muốn tham gia. 

     Ngược lại, người hướng nội thường tìm thấy động lực để tham gia nếu đó là một sự kiện hoặc tương tác xã hội có ý nghĩa. 

  • Những người mắc chứng lo âu xã hội thường tránh gặp gỡ những người mới, và ngay cả khi họ gặp gỡ và yêu thích ai đó, nỗi sợ hãi khiến họ không thể đến gần, khó mở lòng và dành thời gian tương tác.

    Người hướng nội thích giữ cho vòng tròn xã hội của họ nhỏ lại, xây dựng các mối quan hệ có ý nghĩa. Người hướng nội thường cởi mở hơn trong việc kết nối với mọi người, miễn là theo cách riêng của họ. 

  • Không đơn thuần là vượt qua rào cản ban đầu của việc xuất hiện hay tương tác xã hội, những người mắc ám ảnh sợ xã hội thường trải qua cảm giác lo lắng trong suốt tình huống diễn ra và cảm thấy cô đơn giữa đám đông hơn là tận hưởng nó.

    Trong khi đó, những người hướng nội có thể cảm thấy vui vẻ và thư giãn khi họ tham gia vào các tình huống xã hội, đôi khi hòa nhập cùng với năng lượng của đám đông. 

   Một người có thể vừa là người hướng nội vừa mắc phải hội chứng ám ảnh sợ xã hội, cũng không loại trừ người hướng ngoại cũng gặp phải chứng lo âu xã hội. Tuy nhiên việc là một người hướng nội không có nghĩa là bạn sẽ mắc phải hội chứng ám ảnh sợ xã hội 

Hội chứng sợ con người và Ám ảnh sợ xã hội 

   Ám ảnh xã hội đề cập đến nỗi sợ, cảm giác lo âu quá độ về những tình huống xã hội, đơn cử như việc đi dự tiệc, phải thuyết trình tại nơi làm việc hoặc ăn trước đám đông. Trong khi, hội chứng sợ con người lại đề cập đến nỗi sợ về bản thân những người xung quanh họ, và không liên quan đến các tình huống ngoài xã hội có sự tham gia của con người. 

   Nói cách khác, hội chứng sợ con người có thể được xem là một dạng ám ảnh xã hội, nhưng những ám ảnh xã hội mà bạn cảm nhận được chưa chắc đã là biểu hiện của hội chứng sợ con người. 

   Những người mắc phải hội chứng sợ con người hoàn toàn có thể vừa sợ hãi các cá nhân riêng lẻ hoặc tập thể, chứng tỏ rằng có quá nhiều nhánh ý khác chồng chéo nhau giữa hai khái niệm “Ám ảnh xã hội” và “Hội chứng sợ con người”. 

   Nhìn chung, để có chẩn đoán chính xác về sự khác biệt này vẫn còn tồn đọng nhiều khó khăn và cần nhiều độ nhạy bén. Do đó, điều quan trọng là bạn nên tìm kiếm sự trợ giúp của bác sĩ, chuyên gia tâm lý khi có bất kỳ nỗi sợ hãi nào liên quan đến người khác.

Tài liệu tham khảo 

[1] 8 Signs You’re an Introvert

https://www.verywellmind.com/signs-you-are-an-introvert-2795427 

[2] Anthropophobia: The Fear of People & How to Overcome It

https://www.psychnewsdaily.com/anthropophobia-the-fear-of-people/

[3] Understanding the Fear of People (Anthropophobia)

https://www.verywellmind.com/anthropophobia-2671732 

[4] Social Anxiety Disorder

https://www.healthline.com/health/anxiety/social-phobia 

[5] Introversion vs. Social Anxiety

https://mhanational.org/introversion-vs-social-anxiety

Để lại một bình luận