Bạn có thường bắt gặp những mô tả như: “Bạn có mong muốn mãnh liệt được mọi người chấp nhận và luôn cố gắng để thể hiện bản thân thật tốt”, “Đôi khi bạn là người hướng ngoại, thích ồn ào, nhưng đôi khi bạn cũng là người cực kì nội tâm và sâu lắng”,… ? Khi đọc được những mô tả tích cực như vậy, bạn đã nghĩ rằng đó chính là những điều mô tả đúng về bạn? Nếu có như vậy, bạn có thể đang ảnh hưởng bởi hiệu ứng Barnum!
✴️Hiệu ứng Barnum là gì?
Hiệu ứng Barnum là hiện tượng tâm lý khi ta tin rằng một mô tả tích cực chỉ đúng với mình, nhưng thật ra lại đúng với số đông. Hiệu ứng này là một loại thiên kiến xác nhận (cognitive biases), được đặt tên theo Phineas T. Barnum, một nghệ sĩ xiếc nổi tiếng thế kỷ 19, người đã sử dụng những lời khen ngợi chung chung để thu hút khách hàng. Nó còn được gọi là Hiệu ứng Forer vì đã được chứng thực bởi nhà tâm lý học người Mỹ Bertram R. Forer qua một thí nghiệm.
Thí nghiệm này thực hiện năm 1948 với 39 sinh viên của ông: Ông yêu cầu các sinh viên làm một bài kiểm tra tính cách dài và hứa sẽ cung cấp cho mỗi người một bản phân tích chi tiết về kết quả. Điều đặc biệt ở đây là Chỉ có một bản phân tích. Sau khi thu thập bài kiểm tra, Forer đã chuẩn bị chỉ một bản phân tích duy nhất cho tất cả sinh viên. Trong bản phân tích này có những mô tả rất chung chung như ở phần đầu đã nêu.
Và kết quả bất ngờ: Khi nhận được bản phân tích, hầu hết sinh viên đều tin rằng nó được viết riêng cho mình và đánh giá rất cao độ chính xác của nó. Trung bình, các sinh viên đánh giá độ chính xác của bản phân tích là 85%.
❓Tại sao hiệu ứng Barnum lại xảy ra?
Có nhiều lý do giải thích cho hiệu ứng Barnum:
✅Khát khao được hiểu: Ở cấp độ thứ 4 trong tháp Nhu cầu của Maslow, có đề cập: Nhu cầu được quý trọng, kính mến (esteem) – cần có cảm giác được tôn trọng, kính mến, được tin tưởng và công nhận. Vì vậy, khi đọc những mô tả về bản thân, chúng ta có xu hướng tìm kiếm những điểm tương đồng để khẳng định giá trị của mình.
✅Thiên kiến xác nhận: Chúng ta thường tìm kiếm và chú ý đến những thông tin xác nhận niềm tin sẵn có của mình, bỏ qua những thông tin trái ngược. Bởi vì não bộ của chúng ta hoạt động như một máy tính, luôn tìm cách tối ưu hóa năng lượng. Thay vì phải phân tích và đánh giá mọi thông tin một cách khách quan, não bộ thường chọn cách tìm kiếm và tập trung vào những thông tin củng cố những gì chúng ta đã biết, giúp chúng ta đưa ra quyết định nhanh chóng hơn.
Ngoài ra, khi tin vào một điều gì đó, chúng ta cảm thấy an toàn và chắc chắn hơn. Việc tìm kiếm thông tin xác nhận giúp củng cố niềm tin đó và giảm thiểu cảm giác bất an. Niềm tin của chúng ta thường gắn liền với bản ngã. Việc tìm kiếm thông tin xác nhận giúp bảo vệ bản ngã khỏi những thách thức và nghi ngờ. Điều này dẫn đến chúng ta chỉ tiếp xúc với những thông tin phù hợp với quan điểm của mình, dẫn đến một cái nhìn thiếu khách quan về vấn đề. Khi đã hình thành một niềm tin, rất khó để thay đổi nó, ngay cả khi có bằng chứng rõ ràng trái ngược.
✅Tính mơ hồ của ngôn ngữ: Nhiều từ ngữ và câu nói có thể được hiểu theo nhiều cách khác nhau, tạo điều kiện cho chúng ta diễn giải theo hướng có lợi cho mình.
❓Làm sao để tránh “bẫy” tâm lý của hiệu ứng Barnum?
Để tránh bị hiệu ứng Barnum tác động, chúng ta cần:
✨Hoài nghi về những thông tin chung chung: Không vội vàng chấp nhận những mô tả chung chung mà không có bằng chứng cụ thể.
✨Tìm kiếm những thông tin chi tiết: Hãy yêu cầu những mô tả cụ thể và những ví dụ minh họa.
✨So sánh với nhiều nguồn khác nhau: Đừng chỉ dựa vào một nguồn thông tin duy nhất.
✨Phát triển tư duy phản biện: Học cách đặt câu hỏi, đánh giá thông tin một cách khách quan.
🌼Kết luận
Hiệu ứng Barnum là một hiện tượng tâm lý phổ biến, nhưng chúng ta có thể học cách nhận biết và đối phó với nó. Bằng cách hiểu rõ về hiệu ứng này và áp dụng những chiến lược phù hợp, chúng ta có thể đưa ra những quyết định tốt hơn và có cái nhìn chính xác hơn về bản thân.
Biên tập: Thuý An