Biên tập: Anh Thư
Lần gần đây nhất khi phải đối diện với những cảm xúc tiêu cực như tức giận, buồn bã, sợ hãi,…. bạn đã làm những gì?
Thành thật mà nói những cảm giác mà cảm xúc tiêu cực mang lại cho chúng ta chẳng hề dễ chịu chút chút nào, thậm chí chúng còn có thể kéo tâm trạng, tinh thần chúng ta xuống rất sâu.
Thấu hiểu được những khó khăn, trở ngại ấy nên trong bài viết này Psyme rất mong muốn được chia sẻ cho các bạn những góc nhìn về cảm xúc tiêu cực cũng như những cách đương đầu với chúng một cách lành mạnh dưới góc độ tâm lý học.
Cảm xúc là gì?
Cảm xúc là những phản ứng sinh học của cơ thể kích thích chúng ta hành động trước các tác nhân bên ngoài. Tùy vào tác nhân mà chúng ta sẽ có những cảm xúc khác nhau (ví dụ: khi nhận được một tin tốt lành, bạn sẽ cảm thấy vui mừng hoặc bạn sẽ cảm thấy hụt hẫng khi nghe tin mình trượt đại học).
Tìm hiểu về cảm xúc tiêu cực
Cảm xúc không nhất thiết phải được chia ra là tích cực hay tiêu cực vì như đã đề cập, chúng chỉ đơn thuần là những tín hiệu của cơ thể. Hiểu được điều này sẽ giúp chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng hơn khi bản thân có những cảm xúc không như mong muốn.
Hơn nữa, mỗi một cảm xúc đều mang trong mình một chức năng riêng biệt như khi cảm thấy hạnh phúc, chúng ta sẽ mở rộng sự tập trung và nhìn sự việc với góc nhìn bao quát, tổng thể nên sai sót ở mức độ tiểu tiết là điều có thể xảy ra. Trong khi đó, buồn bã giúp con người trở nên cẩn trọng và phạm phải ít sai lầm hơn (Bless, Bohner, Schwarz, & Strack, 1990). Sợ hãi giúp chúng ta cảnh giác hơn về sự an toàn của bản thân. Bực bội hay phẫn nộ thúc đẩy chúng ta thay đổi một số hành vi trong các mối quan hệ xã hội.
Trước đây, thuyết Hedonic từng cho rằng sự an lạc (well-being) chỉ bao gồm những cảm xúc tích cực, cảm giác hài lòng với cuộc sống và là sự vắng bóng hoàn toàn của những cảm xúc tiêu cực. Tuy nhiên, áp dụng vào thực tế xã hội, giữa bộn bề lo toan, khó khăn mà con người phải gặp phải thì giả thuyết này bộc lộ rất nhiều hạn chế. Thay vào đó, tâm lý học tích cực (một nhánh của ngành tâm lý học mới ra đời năm 1998) đã cho rằng việc trải nghiệm những cảm xúc tiêu cực là một phần cần thiết để giúp con người phát triển hơn sau những sự kiện thăng trầm của cuộc sống bởi vì chúng giúp chúng ta dám đối diện với những khó khăn để trở nên kiên cường hơn về cả thể chấ lẫn tinh thần.
Cách để đối diện với những cảm xúc tiêu cực
Quản lý cảm xúc tiêu cực
Quản lý không đồng nghĩa với việc từ chối, chạy trốn khỏi cảm xúc tiêu cực. Việc cố chạy trốn này, có thể gây tác dụng ngược và khiến các phản ứng của cảm xúc trở nên dữ dội hơn. Như việc nổi giận và không thể kiếm soát có thể khiến chúng ta mất đi những mối quan hệ xung quanh vì những hành động không đáng có.
Quản lý cảm xúc thiên về việc cho phép bản thân cảm nhận những cảm xúc hiện có nhiều hơn. Đồng thời, xác định tại sao chúng ta lại có những cảm xúc đó, cũng như chấp nhận những thông điệp chúng mang lại trước khi chúng ta trước khi hành động. Bởi vì mỗi cảm xúc được thiết kế để mang những thông tin rất giá trị nếu chúng ta chịu khó nán lại để lắng nghe.
Suy nghĩ về hình mẫu tốt nhất của bản thân
Đúng như cái tên của phương pháp, việc dành ra 5 phút mỗi ngày để hình dung bản thể tốt nhất của chính mình trong tương lai trông như thế nào sẽ giúp chúng ta cảm thấy lạc quan, có định hướng hơn. Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng những người dành ra 5 phút mỗi ngày trong 2 tuần liên tiếp thực hiện phương pháp này thường xuyên cảm thấy vui vẻ, tích cực hơn.
Viết thư, ghé thăm những người bạn cảm thấy biết ơn
Hoạt động này giúp chúng ta thể hiện sự biết ơn với những người đã từng đối xử tử tế với ta. Bằng cách viết thư hoặc ghé thăm lại những người này và cho họ biết những hành động họ đã làm cho bạn, ý nghĩa của chúng và bạn trân trọng những điều này ra sao sẽ giúp cả đôi bên đều có nhiều cảm xúc tích cực hơn.
NGUỒN
[1] Rodriguez, Tori. “Negative Emotions Are Key to Well-Being.” Scientific American, 1 May 2013, https://www.scientificamerican.com/article/negative-emotions-key-well-being/. Accessed 25 September 2022.
[2] Scott, Elizabeth. “How Negative Emotions Affect Us and How to Embrace Them.” Verywell Mind, 16 February 2022, https://www.verywellmind.com/embrace-negative-emotions-4158317. Accessed 25 September 2022.
[3] Stangor, Charles, and Jennifer Walinga. Introduction to Psychology. Flat World Knowledge, L.L.C., 2015. Accessed 25 September 2022.