Theo Phân tâm học, chuyện gì sẽ xảy ra với nhân cách của chúng ta nếu chúng ta dồn nén cảm xúc trong một thời gian dài? (Phần 2)

Biên tập: Vũ Ngọc

Ở phần một (Link), chúng ta đã cùng nhau khám phá tâm lý con người thông qua lăng kính “nhân cách nhân vật Nina”  khi kìm nén cảm xúc trong một thời gian dài. Đó là một nhân cách với sự lấn át của cái siêu tôi (superego), con người trở nên cứng nhắc, bảo thủ, cố chấp, theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo. Vậy liệu rằng cái siêu tôi sẽ luôn chiến thắng cái nó (id) và kiểm soát cái tôi (ego)? 

 

Trên đời không bao giờ có thứ gì tồn tại mãi mãi mà không có sự vận động và biến đổi, vậy nên sẽ có lúc cái siêu tôi sẽ phải chùn bước. Thông qua lăng kính “nhân cách nhân vật Nina” chúng ta thấy rằng cái nó đã luôn cố gắng trỗi dậy (trong giấc mơ, ảo giác của Nina) và luôn chờ cơ hội để kiểm soát cái tôi. Sau một thời gian dài bền bỉ đấu tranh và bị kìm hãm, cái nó như tức nước vỡ bờ, trỗi dậy mạnh mẽ, chiến thắng cái siêu tôi và giành quyền kiểm soát hầu hết các hoạt động của Nina.

Nhân cách Nina trở nên buông thả, bốc đồng, sống theo hướng thực hiện các hành động để đạt được khoái cảm. Cô bắt đầu phản kháng sự kiểm soát của mẹ bằng hành động chuẩn bị một cây gậy chắn cửa phòng. Buông thả: uống rượu, chơi thuốc, hút thuốc, thủ dâm. Bốc đồng: ra ngoài với Lily đêm khuya khi mai có buổi tập. Cái tôi xuất hiện nhưng mất kiểm soát: khi thấy Lily hút thuốc trong phòng tập, cái tôi nhận ra là điều sai trái với luân lý của cái siêu tôi nên cô đã nói “cô không được hút thuốc ở đây”, “thôi, tôi không dùng”-  nhưng sau đó cái tôi đã không thể thắng nổi cái nó cô đã chấp nhận hút thuốc và dùng chất kích thích. Bạo lực, bất chấp: làm mẹ bị thương: đóng cửa dập vào tay mẹ trong cơn hoảng loạn; đẩy mẹ ngã, to tiếng chửi mẹ khi mẹ bắt ở nhà. Lẳng lơ, bất cần: thủ dâm, hôn Thomas ngay tại cánh gà- rất nhiều người.

 

Sự trỗi dậy nhanh chóng của cái nó, làm cô như biến thành một người khác, “có chuyện gì với con gái yêu của tôi vậy”, khiến cái tôi luôn trong tình trạng căng thẳng trước những nhục dục không được chấp nhận của cái nó, cái tôi sợ rằng mọi ham muốn đó  sẽ bộc phát ra ngoài bất cứ khi nào nó mất kiểm soát: cô cảm nhận được khoái cảm khi thủ dâm nên thèm khát quan hệ tình dục thực sự. Dục vọng đó chưa trực tiếp thể hiện nhưng dần bộc phát với những lần xuất hiện  trong giấc mơ: quan hệ đồng tính với Lily. Theo Freud đây chính là xung đột tâm lý lo hãi nhiễu tâm (xảy ra khi có sự tồn tại trực tiếp từ cái nó và cái tôi khi cái nó có những nhu cầu không được chấp nhận trong thực tế). 

Xung đột ngày một lớn không thể cân bằng. Giai đoạn này cái tôi Nina đã bắt buộc phải sử dụng cơ chế phòng vệ chủ đạo là phóng chiếu để bảo vệ chính mình và đáp ứng một phần cái siêu tôi. Nina phóng chiếu mọi ý nghĩ xấu xa của mình (muốn có và nhảy được vai thiên nga đen- nhân cách phóng túng, lả lơi, dung tục) lên Lily: “Cô ấy muốn vai diễn của em”, ảo tưởng ra cảnh Thomas và Lily quan hệ với nhau (cô có tình cảm với Thomas, muốn quan hệ với anh). Nhưng dục vọng quá lớn, các cơ chế cuối cùng đều bị phá vỡ, cái tôi trở nên bất lực: cô ảo giác mình biến thành thiên nga đen cho thấy cái nó hoàn toàn xâm chiếm cô. Nhân cách cô trở nên rối loạn, mất kết nối thực tế, xuất hiện chứng loạn thần kinh, đỉnh điểm là cô tưởng tượng mình giết đối thủ Lily để cô là thiên nga đen duy nhất tỏa sáng. Cô thấy mình thực sự biến thành thiên nga đen: đôi tay thành đôi cánh, cô đã quyến rũ được Thomas (anh mỉm cười như một người lần đầu được yêu). Cô đã tìm thấy phần nhân cách đen tối của mình, hòa nhập với nó để có một màn diễn xuất thần.

 

Hành động Nina đâm chết Lily chính là đâm chết con thiên nga trắng (luân lý đạo đức của cái siêu tôi) đã kịp kẹp cô suốt 28 năm qua. Hành động đó cũng chứng minh cái nó đã thắng thế cái siêu tôi. Nhưng ngay lúc cái nó tưởng rằng đã hoàn toàn chiến thắng thì Lily xuất hiện bình an. Cô mới bàng hoàng nhận ra sự thật đau lòng, cô đã đâm chính mình. Nhưng chính khoảnh khắc đó, cô đã tìm lại được chính mình, không chỉ là phần nhân cách đen tối tiềm ẩn trong 28 năm qua mà còn là sự quân bình giữa cái tôi và cái siêu tôi “em đã cảm thấy điều đó, sự hoàn hảo”.

 

Cái giá để Nina tìm lại chính mình tuy đắt nhưng đáng. Giờ đây cô không phải là thiên nga trắng hay đen, cô là cô – Nina. Câu chuyện của Nina đã gửi chúng ta một thông điệp: con người không thể hạnh phúc nếu không được là chính mình. Mỗi chúng ta đều ẩn chứa cả phần thiện và ác. Điều cần làm là cân bằng nó để có một nhân cách lành mạnh, quân bình, để đạt đến hạnh phúc. Qua đó ta thấy nhân cách con người như có sự tương đồng với sự việc thực tế “Ác chưa chắc là ác, thiện chưa chắc là thiện.”, không đau khổ sao biết là hạnh phúc.

Như vậy, thông qua lăng kính “Nhân cách nhân vật Nina” và dựa vào lý thuyết Phân tâm học của Sigmund Freud, chúng ta có thể phán đoán rằng, nếu con người cố gắng dồn nén cảm xúc thực sự của mình trong một thời gian dài, lúc đầu nhân cách sẽ trở nên cứng nhắc, bảo thủ, tẻ nhat. Sau dần sự cứng nhắc, khô cằn đó biến chúng ta thành những con người nổi loạn, bất cần, buông thả. Do đó, hãy để ý và dành thời gian đáp ứng nó một chút nhé, đừng lúc nào cũng dồn ép nó vào những khuôn mẫu, vì bạn phần nào đã  đoán được hậu quả của nó khi nó lớn mạnh và vượt tầm kiểm soát của khuôn mẫu rồi.

 

Nguồn:

[1] Larsen, R. J., Buss, D. M., Wismeijer, A., Song, J., & Van den Berg, S. (2020). Personality psychology: Domains of knowledge about human nature. McGraw-Hill Education.

[2] Hào Đ. (2020, July 19). [Phim] Thiên nga đen | Black Swan 2010. Phim Công Giáo HD. https://www.phimconggiao.com/phim-thien-nga-den-black-swan-2010/

Trả lời