Theo Phân tâm học, chuyện gì sẽ xảy ra với nhân cách của chúng ta nếu chúng ta dồn nén cảm xúc trong một thời gian dài?

Biên tập: Vũ Ngọc

Dù chưa có cơ hội tìm hiểu sâu về Phân tâm học, chúng ta có lẽ cũng đã từng nghe các chuyên gia tâm lý nhấn mạnh sự bất lợi cho nhân cách khi cố gắng dồn nén những cảm xúc. Để hiểu sâu hơn về vấn đề này, các bạn hãy cùng mình đi khám phá nhân cách con người khi bị dồn nén cảm xúc thông qua lăng kính mang tên “nhân cách nhân vật Nina Sayers” nhé!

Nina Sayers chắc hẳn không còn là một cái tên xa lạ đối với các bạn đam mê phim tâm lý mà cũng muốn xem phim kinh dị rồi đúng không?

Đúng vậy, Nina Sayers là nhân vật được Natalie Portman thủ vai trong bộ phim Tâm lý kinh dị “Black Swan” của đạo diễn Darren Aronofsky công chiếu năm 2010. Cốt truyện xoay quanh hành trình tìm lại chính mình, tìm lại phần nhân cách ẩn chứa bên trong sâu thẳm chưa được bộc lộ của Nina Sayers.

Trong phim, Nina là nghệ sĩ múa ballet tài năng, chăm chỉ. Công việc của cô vô cùng áp lực, cạnh tranh, đòi hỏi rất nhiều nỗ lực. Mẹ cô là một vũ công phải dừng lại đam mê ở tuổi 28 vì sinh ra cô. Vậy nên bà đã dồn mọi tình cảm, mong ước của mình vào cô, kiểm soát Nina một cách tối đa. Tất cả như một mồi lửa khởi đầu cho những xung đột nội tâm trong Nina – cái tạo nên nhân cách của cô.

Nhân cách con người theo Freud có cấu trúc gồm 3 phần

Cái nó (Id) tràn ngập trong vô thức, hoạt động theo nguyên tắc khoái cảm và sơ cấp; Cái tôi (ego) là phần tâm trí ràng buộc id với thực tế, cái quyết định thời điểm và hành động, hoạt động theo nguyên tắc thứ cấp và thực tế; Cái siêu tôi (superego) là đạo đức xã hội, tồn tại dưới dạng một đối tượng cụ thể – tức là những luân lý, đạo đức, tiêu chuẩn xã hội sẽ tồn tại trong một đối tượng cụ thể trong cuộc sống của chúng ta, họ sẽ giúp chúng ta xây dựng lên cái tôi giống họ thông qua giáo dục, làm chúng ta tin đó là những điều tốt đẹp, đúng đắn, cần tuân thủ.Sự tương tác của  ba phần tâm trí này tạo nên nhân cách con người – cái biểu hiện ra ngoài bằng hành vi và lời nói. (Randy. J. Larsen (2020)) 

Đầu phim, sự tương tác của ba phần tâm trí trong Nina bị lấn át hoàn toàn bởi Cái siêu tôi.

Cô bị kìm kẹp trong sự kiểm soát tuyệt đối của mẹ. Căn phòng màu hồng, đầy ắp thú bông, quần áo tông hồng: “Mặc chiếc áo màu hồng và trắng để che nó đi”; “Con về muộn nên mẹ đã gọi cho Susie ở văn phòng”. Sự áp đặt, bao bọc quá mức khiến cô đã 28 tuổi nhưng chưa một lần buông thả bản thân: không đi chơi khuya, chưa quan hệ tình dục, không yêu đương. Lúc nào cô cũng mang một hình dáng trong sáng, yếu ớt như một đứa trẻ.

Sự chèn ép của Cái siêu tôi (mẹ) khiến cô luôn phải dồn nén cảm xúc của mình.

Cô sống  gượng ép, kìm nén, dần hình thành nhân cách bảo thủ, cứng nhắc, theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo để đáp ứng mong đợi của cái siêu tôi (người mẹ): “Tôi muốn trở nên hoàn hảo”, Trong 4 năm tôi thấy sự ám ảnh trong bước di chuyển chính xác đến hoàn hảo, chưa bao giờ thấy cô đánh mất bản thân” – Thomas (ông chủ của Nina) khẳng định. Cô luôn cảm thấy tự ti khi không thỏa mãn được mong đợi của cái siêu tôi: xin lỗi, khóc khi không hoàn thành vai diễn. Cô đồng nhất hoá bản thân mình với Beth, một người theo cô là hoàn hảo để giảm bớt đi sự mặc cảm, tự ti: lấy đồ, dùng son của Beth, “tôi muốn được hoàn hảo như chị”. Sự chèn ép của cái siêu tôi khiến nhân cách cô trở nên méo mó, lệch lạc: chỉ phát triển khía cạnh của một thiên nga trắng. Tức Nina chỉ phát triển cái tôi lương tâm (cái gì không nên làm) và cái tôi lý tưởng (cái gì nên làm) – hai bộ phận của siêu tôi theo Freud. Sự xung đột giữa hai bộ phận trên kết hợp với sự đấu tranh giữa cái tôi (giữa cái thực tế cô thấy hợp lý) và cái siêu tôi (điều mẹ muốn) khiến cô luôn sống trong những xung đột nội tâm lo âu luân lý . Đây là loại xung đột xuất phát từ xung đột của cái siêu tôi và cái tôi, tức là những điều cái siêu tôi cho là đúng, yêu cầu hành động theo ngay, nhưng nó không được cái tôi đáp ứng do không phù hợp với thực tế. Vì superego quá mạnh nên cái nó bị lãng quên, cái tôi hoàn toàn bị chi phối- cô đánh mất nhân cách thực sự của mình: “Mẹ, nó quá nhiều, bụng con còn đang nhộn nhạo”, “mẹ, con có thể tự làm” tuy nhiên sau đó cô chấp nhận cho mẹ cởi đồ, cắt móng tay, ăn bánh: “con xin lỗi, nó trông ngon quá”

Tuy nhiên, sự mãnh liệt của cái siêu tôi không làm cái nó biến mất mà khiến nó càng thèm muốn, khao khát, đấu tranh quyết liệt với cái siêu tôi.

Trước những mâu thuẫn quá lớn, cái tôi của Nina buộc phải dùng cơ chế phòng vệ để bảo vệ chính mình và đáp ứng một phần cái nó. Một trong những cơ chế chủ đạo là dồn nén. Nina đã đẩy những khát vọng của mình vào vô thức, ý thức cô hoàn toàn trong trắng, là cô gái ngoan, hiền :“nhìn màu hồng này thật đẹp”, không dùng chất kích thích: “cái gì đó”. Nhưng thấp thoáng đâu đó, cái nó đang tìm cách trỗi dậy: xuất hiện trong mơ (ác mộng về quỷ Rothbard- đại diện sự đen tối), ảo giác: cô luôn nhìn thấy bóng đen giống mình; tự cào cấu bản thân -hành vi khởi đầu của bạo lực, tàn ác.

 Vậy khi cái nó hoàn toàn trỗi dậy, lấn át cái siêu tôi tức là mọi cảm xúc, ham muốn được giải phóng thì nhân cách Nina sẽ trở nên như thế nào? Liệu cô có được một nhân cách lành mạnh, một cuộc sống hạnh phúc? Chúng ta cùng nhau tìm hiểu trong các bài viết số sau nhé!

 Như vậy thông qua lăng kính “Nhân cách nhân vật Nina” và dựa vào lý thuyết Phân tâm học của Sigmund Freud, chúng ta có thể phán đoán rằng, nếu con người cố gắng dồn nén cảm xúc thực sự của mình trong một thời gian dài thì nhân cách sẽ trở nên lệch lạc, méo mó, hình thành một lối sống bảo thủ, cố chấp, theo đuổi chủ nghĩa hoàn hảo của cái siêu tôi. Vậy theo bạn, từ giờ bạn còn cố gắng dấu đi những cảm xúc thực sự của bản thân nữa không, cố gắng đeo mặt nạ mọi lúc mọi nơi nữa không? Hãy bình luận bên dưới chia sẻ cho tụi mình nhé!

 

Nguồn tham khảo:

[1] Larsen, R. J., Buss, D. M., Wismeijer, A., Song, J., & Van den Berg, S. (2020). Personality psychology: Domains of knowledge about human nature. McGraw-Hill Education.

[2] Hào Đ. (2020, July 19). [Phim] Thiên nga đen | Black Swan 2010. Phim Công Giáo HD. https://www.phimconggiao.com/phim-thien-nga-den-black-swan-2010/

Để lại một bình luận