Áp lực đồng trang lứa: Khi so sánh không còn là gánh nặng

 

Có lẽ ai trong chúng ta cũng từng nghe đến “con nhà người ta” – một nhân vật mà cha mẹ, hay xã hội thường nhắc đến với hàng loạt thành tích đáng nể, từ điểm số đến thành công trong cuộc sống. Họ được xây dựng với hình tượng vô cùng tốt đẹp và hào nhoáng khác hẳn với chúng ta, dù khởi đầu có thể tương đồng. Cảm giác tự ti khi thấy mình thua kém chính là biểu hiện của áp lực đồng trang lứa.

Khái niệm

“Peer pressure”, hay áp lực đồng trang lứa, là khi một cá nhân cảm thấy bị ảnh hưởng bởi những người xung quanh – bạn bè, đồng nghiệp hoặc những người cùng lứa tuổi – và cảm thấy cần thay đổi hành vi, suy nghĩ để bắt kịp với nhóm. Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, ảnh hưởng mà một nhóm bạn bè tác động lên các thành viên của mình để phù hợp hoặc tuân thủ các chuẩn mực và kỳ vọng của nhóm.

Điều đáng nói là áp lực đồng trang lứa không chỉ xuất hiện ở tuổi thanh thiếu niên mà còn theo suốt chúng ta trong mọi giai đoạn cuộc đời. Ngay từ khi còn nhỏ, ta đã đối mặt với áp lực học tập. Khi trưởng thành và đi làm, áp lực xoay quanh sự nghiệp, thu nhập và thậm chí là lối sống. Câu hỏi “Tại sao mình không được như họ?” cứ mãi ám ảnh, khiến sự tự tin bị bào mòn.

Nguồn gốc 

Áp lực đồng trang lứa xuất phát từ nhiều yếu tố. Một trong số đó là các tiêu chuẩn xã hội. Chúng ta sống trong một xã hội mà chuẩn mực tập thể thường lấn át giá trị cá nhân. Văn hóa Việt Nam với tính tập thể được coi trọng, khiến sự so sánh trở thành một phần không thể thiếu. Từ xưa, việc so sánh với những thành tích, địa vị của người khác đã trở thành một cách để đánh giá giá trị của mỗi người.

Thêm vào đó, sự phát triển của mạng xã hội khiến ta dễ dàng thấy những câu chuyện thành công lấp lánh: “Tôi đã kiếm được vị trí ở công ty nước ngoài khi mới 19 tuổi”, hay “Cách tôi kiếm được thu nhập 10  con số khi còn là sinh viên”. Những câu chuyện này khiến chúng ta dễ rơi vào cảm giác mình thua kém, đặc biệt khi đó lại những người thân quen với mình hoặc gia đình mình.

Giải pháp để vượt qua áp lực đồng trang lứa

1 – Nâng niu chính mình

Điều quan trọng nhất là bạn phải biết trân trọng bản thân, cả về thể chất lẫn tinh thần. Hãy dành thời gian chăm sóc kĩ từ ngoài vào trong để bạn có thể hiểu được điểm độc đáo trong con người mình và học các yêu lấy mọi điều bản thân đang có. Khi bạn tự tin về bản thân, bạn sẽ dễ dàng nhìn nhận mọi thứ với thái độ tích cực hơn.

Bạn có thể dành thời gian mỗi ngày để viết nhật ký cảm xúc để ghi lại những thành tựu, dù nhỏ nhất, mà bạn đạt được hàng ngày. Điều này giúp bạn ghi nhận giá trị riêng thay vì chỉ chăm chú xem những gì mà người khác có được và đạt được trong cuộc sống của họ.

2 – Hiểu rõ giới hạn của bản thân

Thay vì so sánh mình với người khác, hãy xác định điểm mạnh, điểm yếu của mình. Điều này giúp bạn tập trung vào phát triển bản thân, biến những điểm yếu thành cơ hội học hỏi.

Nếu bạn là người có thiên hướng nghệ thuật, hãy phát triển khả năng này thay vì so sánh mình với những người giỏi trong các lĩnh vực khác như kinh doanh hay công nghệ. Điều này giúp bạn thực sự hành động để đạt được điều mình muốn nhờ vào việc hiểu rõ bản thân và đặc biệt là phát huy điểm mạnh của riêng mình. Bạn có một tài năng đặc biệt nào đó mà ít ai biết không, hãy thử suy ngẫm về những tiềm năng từ nó nhé!

Một công cụ có thể giúp bạn hiểu bản thân hơn đó là test tính cách, chúng mình gợi ý bạn có thể tham khảo kết quả từ nó như một cơ sở để khám phá bản thân ở nhiều khía cạnh khác nhau. 

https://mbti.vn/ 

https://www.16personalities.com/vi 

https://www.humanmetrics.com/personality 

3 – Tôn trọng sự khác biệt

Mỗi người có con đường riêng, có những đam mê và mục tiêu khác nhau. Hãy tôn trọng sự khác biệt đó, từ đó bạn sẽ dễ dàng chấp nhận chính mình và không còn cảm giác thua kém với bất kỳ ai có đặc điểm khác với mình. Chẳng hạn bạn có một người bạn cùng lớp đã khởi nghiệp và kiếm được nhiều tiền, thậm chí còn đỡ đần được bố mẹ. Thay vì cảm thấy mình thua kém vì vẫn còn đi học, bạn hãy nhận ra rằng mỗi con đường đều có giá trị riêng, và việc tích lũy kiến thức hiện tại sẽ là hành trang cho thành công của bạn sau này.

Áp lực đồng trang lứa có luôn gắn với sự tiêu cực?

Dù có vẻ như áp lực đồng trang lứa luôn mang đến cảm giác tiêu cực, nhưng nó không hoàn toàn xấu. Đôi khi, những người bạn đồng trang lứa có thể là nguồn cảm hứng để bạn có được trải nghiệm mới. Chẳng hạn, khi một nhóm bạn cùng tham gia các hoạt động tình nguyện, nó có thể khích lệ những người khác làm điều tương tự.

Vượt qua áp lực này đòi hỏi sự dũng cảm và tự tin. Nhưng khi chúng ta đối mặt cùng bạn bè, chúng ta sẽ dễ dàng tìm được động lực hơn. Chia sẻ trải nghiệm với nhau sẽ giúp chúng ta vượt qua nỗi sợ hãi và cùng nhau đương đầu với những thách thức bản thân đang trải qua. 

Từ những quan điểm, áp lực đồng trang lứa là điều khó tránh, nhưng việc hiểu và biết cách đối mặt sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn. Hãy nhớ, sự phát triển hoàn  thiện không đến từ sự so sánh, mà từ việc chúng ta chấp nhận và trau dồi bản thân từng ngày.

Nguồn tài liệu tham khảo

  1. APA. https://dictionary.apa.org/peer-pressure 
  2. Vo D. (2024, September 17). Peer Pressure: Nguyên nhân, cách vượt qua áp lực đồng trang lứa. Fulbright. https://fulbright.edu.vn/vi/peer-pressure/

Biên tập: Yến Thanh

Để lại một bình luận