Sức mạnh không ngờ của việc viết

   Nhà triết học vĩ đại Aristotle từng nói: “Biết mình là khởi đầu của mọi sự thông thái”. 

   Tuy nhiên nhìn lại, phải chăng mỗi ngày trôi qua ta chưa dành đủ thời gian để hướng vào bên trong và để hiểu chính mình? Điều này khiến ta đánh mất sự bình yên nội tại, dễ cảm thấy chông chênh, dễ kiệt sức vì mải đuổi theo những giá trị bên ngoài. Vậy làm thế nào để thấu hiểu bản thân, tìm lại cân bằng? Một trong những cách hiệu quả không ngờ chính là viết

   Trong bài đầu tiên của chuỗi bài nâng cao nhận thức về viết “Writing and Mental health”, chúng ta đã có được những thông tin tổng quan về các hình thức, cơ sở khoa học của việc viết và hơn thế nữa. Ở bài viết này hãy cùng đi tìm đáp án cho câu hỏi: Tại sao ta nên viết? Lợi ích của viết lách nói chung và Viết trị liệu (Writing therapy) nói riêng là gì?

  1. Tại sao nên viết?

  Viết để thấu suốt
  Hãy nghĩ về bản thân như một câu đố: Bạn sẽ khám phá ra những mảnh ghép khác nhau mỗi ngày. Việc viết cung cấp một khoảng dừng rất cần thiết để giúp chúng ta kết nối lại và khám phá bản thân. Khi viết, chúng ta nhận ra những điểm mạnh, sở thích, ước mơ hay thậm chí cả những vết thương, nỗi sợ hãi của mình.

  Mỗi chúng ta đều không ngừng đổi thay. Viết nhật ký giúp chúng ta lắng nghe, chứng kiến ​​những thay đổi này và đơn giản là hiểu rõ hơn về bản thân. Đôi khi, đọc lại những điều ta từng viết mang cảm giác như thể đọc một bức thư được viết cho chính mình trong tương lai. Điều này có thể khiến ta bất ngờ vì những điều bấy lâu nay mình vốn đã biết, đã hiểu nhưng lại vô tình lãng quên.

   Viết để nâng đỡ
   Trong cuốn sách “Những tạo vật của một ngày”, nhà tâm lý học Irvin D. Yalom đã kể lại câu chuyện kỳ diệu khi ông đưa cho thân chủ của mình một cuốn sách của Marcus Aurelius. Phép màu xảy ra khi thông điệp được viết trong cuốn sách đã làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống của người này. Điều đặc biệt hơn là nội dung cuốn sách vốn không được viết ra để người khác đọc mà chỉ là những suy tư chánh niệm của vị cựu Hoàng đế La Mã.
   Qua câu chuyện có thật ấy, ta thấy được sức mạnh không ngờ của viết. Dù những điều được viết ra không để hướng đến một đối tượng người đọc nhất định, nó vẫn có một sức ảnh hưởng mạnh mẽ, giúp người đọc tìm thấy tiếng lòng đồng cảm, được sẻ chia và nâng đỡ. 

   Viết để tự do
   Mỗi ngày, con người trải qua vô số cảm xúc khác nhau. Tưởng tượng mỗi trải nghiệm cảm xúc là một giọt nước. Vô số giọt nước nhỏ xuống “chiếc ly tâm hồn” khiến cho nó dần đầy ắp và rồi sẽ đến lúc một giọt nước làm tràn ly. Việc viết xuống những cảm xúc, suy nghĩ bị dồn nén chính là một cách giải tỏa cho bản thân khỏi sự quá tải ấy.
   Viết còn là một cách để giải phóng con người khỏi căng thẳng. Trong một nghiên cứu,  phản hồi của các bệnh nhân, gia đình bệnh nhân và nhân viên chăm sóc sức khỏe ở một bệnh viện nhi cho thấy mức độ stress của họ giảm xuống sau 7 tháng thực hiện việc viết nhật ký 【Thoele DG và những người khác, 2020】.

   Viết để phát triển bản thân
   Chúng ta có thể viết dưới nhiều hình thức khác nhau. Dù ở hình thức nào, việc viết cũng có thể giúp thúc đẩy sự phát triển cá nhân, tăng cường khả năng sáng tạo, cải thiện khả năng tập trung và tư duy logic.
   Khi những suy nghĩ đến một cách dồn dập, việc viết chúng xuống sẽ giúp bạn học được cách xử lý và sắp xếp tư duy. Việc tìm câu từ để biểu đạt giúp rèn khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ. Và việc kể lại câu chuyện xảy ra thông qua lăng kính của mình thắp lên sự sáng tạo cũng như giúp bạn nhìn mọi việc dưới một góc độ khác. 

2. Lợi ích của Viết trị liệu (Writing therapy)
   Trong số các hình thức viết, viết Trị liệu là một cách có thể đem đến những lợi ích to lớn và có tác động về lâu dài. 

   Viết trị liệu đối với cơ thể
   Từ lâu các nhà tâm lý đã khẳng định mối liên hệ chặt chẽ giữa tâm trí và cơ thể. Một cơ thể khỏe mạnh sẽ là “ngôi nhà” vững vàng cho một tâm trí khỏe mạnh và ngược lại. Điều này giải thích tại sao viết trị liệu lại có thể mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe.
   Minh chứng là rất nhiều kết quả nghiên cứu đã chỉ ra tác dụng của phương thức viết trị liệu đối với thể trạng con người. Các nghiên cứu cho thấy về lâu dài, viết trị liệu giúp cải thiện đáng kể đối với hoạt động miễn dịch 【Pennebaker, 1988; Esterling, 1994; Booth, 1997; Petrie, 2004】, ổn định huyết áp 【Davidson, 2002】, cải thiện chức năng gan, phổi 【Francis & Pennebaker, 1992; Smyth, 1999】, giảm số ngày nhập viện 【Norman, 2004】.
   Tổng hợp nhiều nghiên cứu lớn, một nhóm các nhà tâm lý học 【Baikie, K. A., & Wilhelm, K., 2005】 đã đưa ra danh sách những vấn đề y tế có thể được hỗ trợ phục hồi bằng phương pháp viết trị liệu:

  • Chức năng phổi khi mắc hen suyễn
  • Bệnh viêm khớp dạng thấp
  • Những đau đớn và sức khỏe thể chất khi mắc ung thư 
  • Phản ứng miễn dịch trong nhiễm HIV
  • Bệnh xơ nang trong tình trạng phải nhập viện
  • Cường độ đau ở phụ nữ bị đau vùng chậu mãn tính
  • Thời gian ngủ ở những người khó ngủ
  • Quá trình hậu phẫu

   Viết trị liệu đối với sức khỏe tinh thần
   Một cơ chế tác động của viết trị liệu đối với sức khỏe tinh thần với bằng chứng khoa học được gọi là “xử lý nhận thức” (cognitive processing) Baikie, K. A., & Wilhelm, K.,2005. Theo đó khi những trải nghiệm sang chấn trong quá khứ được viết lại, một quá trình tái cấu trúc và tái tổ chức ký ức tổn thương xảy ra. Điều này giúp người viết có cái nhìn khác về ký ức sang chấn, tạo tiền đề để đối mặt và xử lý những tổn thương tinh thần.
   Bên cạnh cơ chế này, việc thực hành viết trị liệu thường xuyên giúp người viết tìm thấy ý nghĩa trong mỗi trải nghiệm của mình, tìm thấy mặt tốt trong những trải nghiệm căng thẳng hoặc tiêu cực nhất của họ 【Murray, 2002】.
   Nhìn chung, viết trị liệu đã mang lại hiệu quả đối với nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần như 【Farooqui, 2016】: 

  • Căng thẳng hậu sang chấn
  • Lo âu
  • Trầm cảm
  • Rối loạn ám ảnh cưỡng chế
  • Đau buồn và mất mát
  • Vấn đề bệnh lý mãn tính
  • Lạm dụng chất
  • Rối loạn ăn uống
  • Vấn đề về mối quan hệ liên cá nhân
  • Vấn đề về kỹ năng giao tiếp
  • Lòng tự trọng thấp

   Có thể bạn sẽ băn khoăn: “nhưng tôi không có thời gian cho việc viết”, “tôi không giỏi viết” hay “tôi không biết bắt đầu từ đâu”. Tuy nhiên bạn không cần phải là một nhà văn để có thể bắt đầu viết và khám phá thế giới nội tâm của mình. Trong các bài viết tiếp nối series này, bạn đọc sẽ tìm thấy những gợi ý về cách viết để có thể dễ dàng bước chân vào hành trình tự trị liệu và đi tìm bình yên trong chính mình. 

Người viết: Nguyễn Khánh Hạ

Tài liệu tham khảo: 

  • Thoele DG, Gunalp C, Baran D, Harris J, Moss D, Donovan R, Li Y, Getz MA. Health Care Practitioners and Families Writing Together: The Three-Minute Mental Makeover. Perm J. 2020;24:19.056. doi: 10.7812/TPP/19.056.
  • Baikie, K. A., & Wilhelm, K. (2005). Emotional and physical health benefits of expressive writing. Advances in Psychiatric Treatment, 11(5), 338-346.
  • Adams, K. (n.d.). It’s easy to W.R.I.T.E. Center for Journal Therapy.
  • Murray, B. (2002). Writing to heal. Monitor, 33(6), 54. 
  • Tartakovsky, M. (2015). The power of writing: 3 types of therapeutic writing. Psych Central. 

 

Trả lời