Sự thiếu hụt thông tin và định kiến

Có phải chúng ta có xu hướng hình thành định khuôn/định kiến khi càng có ít thông tin?

Có lẽ bạn đã từng có cảm giác khó chịu với một người mặc dù bạn chẳng biết nhiều về họ. Bạn đã từng “lầm” khi vội vàng đưa ra nhận định trong các mối quan hệ hay trong các vấn đề của cuộc sống hay chưa? Bạn có từng trải qua cảm giác bị lừa dối hoặc tổn thương bởi những nụ cười dễ mến, người mà bạn có thiện cảm ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên? Bạn đã từng giữ khoảng cách với một người có vẻ “khó gần” và rồi sau một khoảng thời gian tiếp xúc, bạn nhận ra họ là một người tử tế ấm áp? Bạn cho rằng đâu là căn cứ để bản thân bạn nhận định một người, một vấn đề là tốt hay xấu dù chưa từng tiếp xúc? Ấn tượng ban đầu ư? Hay “trực giác”? Kinh nghiệm? Hay chỉ đơn giản là họ không “thuận mắt” với bạn?… Và rồi sau đó, khi trải qua thời gian hoặc sự tiếp xúc tìm hiểu, bạn nhận ra rằng có khá nhiều những nhận định ban đầu của bản thân là một sự sai lầm hoặc nhầm lẫn. Có thể có rất nhiều nguyên nhân cho vấn đề trên, nhưng mà liệu bạn có nghĩ đến một nguyên nhân sâu xa hơn mà có thể bạn cũng không nhận thấy – khuôn mẫu và định kiến.

Định kiến, khuôn mẫu là cách mà não bộ của chúng ta khái quát hóa quá mức một vấn đề phức tạp thành đơn giản. Vấn đề này có thể là một người/một nhóm người, sự việc, sự vật, hiện tượng,… Điều này khiến bạn có thể rút ngắn quá trình tìm hiểu kỹ lưỡng một đối tượng/vấn đề nào đó, để bạn có thể nhanh chóng đưa ra kết luận “tốt” hoặc “xấu” cho chúng. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào khuôn mẫu định kiến chứ không phải là những thông tin cụ thể rõ ràng và xác đáng thì các kết luận của bạn dễ trở thành những kết luận sai. Và kể cả khi nó đúng, việc kết luận, nhận định một cách vội vàng khi thiếu hụt thông tin cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro khác.

Ở thời điểm này, khi bạn còn trẻ, bạn cảm thấy rằng bản thân mình là một người cởi mở và không có định kiến hay bảo thủ. Tuy nhiên, khi không có đầy đủ hoặc bạn đang trong trạng thái thiếu hụt thông tin (nghiêm trọng) về một người/nhóm người hay vấn đề nào đó, làm sao để thời điểm đó bạn có thể đưa ra được nhận định “tốt” hoặc “xấu” cho những đối tượng này? Hãy cùng Psyme tìm hiểu về mối liên hệ giữa việc thiếu hụt thông tin và định kiến/khuôn mẫu, để hiểu rõ hơn tại sao những kết luận/quyết định vội vàng dễ dẫn đến những sai lầm.

 

1. Một số khái niệm

1.1. Khái niệm Định khuôn xã hội

Theo từ điển ngôn ngữ của Cambridge, từ “Stereotype” (Định khuôn) được định nghĩa như sau:

A set idea that people have about what someone or something is like, especially an idea that is wrong.

→ Một tập hợp ý tưởng mà mọi người có về một người hoặc một sự vật nào đó (gồm các đặc điểm, đặc trưng mà người ta cho rằng người đó hoặc sự vật đó sở hữu), đặc biệt ám chỉ những ý tưởng sai lầm.

Định khuôn xã hội là khái niệm dùng để nói về việc khái quát hóa một người (nhóm người), sự vật, hiện tượng phức tạp thành những đặc điểm, khuôn mẫu có sẵn trong kiến thức, kinh nghiệm của bản thân. Điều này đẩy nhanh quá trình tìm hiểu nhằm xác định rõ một vấn đề (bao gồm tìm hiểu về một người/nhóm người, sự vật, hiện tượng,…) và đưa ra phán đoán, kết luận một cách nhanh chóng.

Định khuôn có 2 dạng: Định khuôn tích cực và định khuôn tiêu cực, trong đó, định khuôn tiêu cực còn được gọi là “định kiến”. (Hoàng Mộc Lan, 2016)

1.2. Khái niệm Định kiến xã hội

Theo từ điển Cambridge, từ “Prejudice” (Định kiến) được định nghĩa là:

An unfair and unreasonable opinion or feeling, especially when formed without enough thought or knowledge.

→ Một quan điểm hoặc cảm giác không công bằng và vô lý, đặc biệt khi nó được hình thành mà không có đủ sự suy xét hoặc sự hiểu biết.

“Định kiến là thái độ ứng xử mang tính tiêu cực của thành viên thuộc nhóm này đối với thành viên của nhóm khác” (Hoàng Mộc Lan, 2016).

“Nhóm” ở trong khái niệm của tác giả Hoàng Mộc Lan, để dễ hình dung, chúng ta có thể nghĩ đến những người có chung với nhau một điều gì đó. Ví dụ: cùng dân tộc, cùng tôn giáo, cùng đất nước, cùng vùng miền, cùng trường học, cùng sở thích,… Với những điểm chung này, chúng ta sẽ tự xếp bản thân vào nhóm “này” và nếu chúng ta bài xích hoặc có thái độ/hành vi tiêu cực đối với những nhóm “khác” khi họ khác hoặc mâu thuẫn với nhóm của chúng ta về quan điểm, suy nghĩ, hành động, tín ngưỡng,…dựa trên những kiến thức hoặc kinh nghiệm sẵn có về nhóm người đó dù ta chưa dành thời gian để tìm hiểu hoặc suy xét kỹ lưỡng, đây gọi là định kiến.

 

2. Thực nghiệm của Hepburn và Locksley (1983)

Càng ít thông tin càng suy nghĩ theo khuôn mẫu

  1. Tác giả: Hepburn và Locksley (1983)
  2. Mục tiêu thực nghiệm: Giả thiết rằng chúng ta càng ít thông tin về một người thì càng có khả năng rơi vào suy nghĩ rập khuôn.
  3. Quá trình nghiên cứu: Để chứng minh giả thiết trên, các nhà nghiên cứu yêu cầu người tham gia thực nghiệm điền vào bảng câu hỏi được hỏi về đặc điểm của các nhóm xã hội khác nhau: người da đen, người da trắng, người béo phì và những người kiểu khác (những nhóm người thường gặp trong cuộc sống và dễ bị xã hội định kiến). Những người tham gia thực nghiệm được chia thành hai nhóm và được cung cấp thông tin về các nhóm xã hội mà họ phải đánh giá. Một nhóm được cung cấp rất nhiều thông tin về đối tượng được đánh giá (nhóm thực nghiệm). Còn nhóm kia được cung cấp rất ít thông tin cũng về những đối tượng đó (nhóm đối chứng). Bảng câu hỏi yêu cầu đánh giá tỷ lệ những người trong một nhóm phù hợp với một đặc điểm cụ thể như bốc đồng, thích thể thao, lười biếng, ranh khôn v.v… Những đặc điểm được chọn này phản ánh suy nghĩ rập khuôn chung của xã hội.
  4. Kết quả: Hepburn và Locksley nhận thấy càng cung cấp thông tin nhiều hơn thì họ càng ít sử dụng suy nghĩ rập khuôn theo quy ước hơn. Tuy nhiên, thực nghiệm này chỉ đúng với những người không mang nặng định kiến. Còn đối với những người mang nặng định kiến thì họ rất kiên quyết giữ ý kiến của mình bất kể lượng thông tin được cung cấp nhiều hay ít và bất kể ý kiến của họ phù hợp hay không phù hợp với đánh giá của nhiều người khác.
  5. Bình luận: Thực nghiệm Hepburn và Locksley cho thấy rằng con người dễ có suy nghĩ theo khuôn mẫu (suy nghĩ rập khuôn) khi lượng kiến thức họ có về đối tượng bị hạn chế, nghèo nàn.

(Trần Thị Minh Đức, 2008)

 

3. Lập luận dựa trên sự thiếu hiểu biết

Image by KamranAydinov on Freepik

Bạn vẫn tưởng: Khi không thể giải thích được điều gì đó, bạn sẽ tập trung vào những điểm mà bạn có thể chứng minh.

Sự thật là: Khi không chắc về điều gì đó, bạn có xu hướng chấp nhận những lời giải thích kỳ lạ. (McRaney, 2011, tr.152)

Chúng ta luôn muốn suy luận mọi vấn đề theo hướng nguyên nhân – kết quả. Ví dụ như vấn đề A được tạo ra bởi nguyên nhân B hoặc hành động A sẽ tạo ra kết quả B,… Nhưng khi thông tin không rõ ràng, bạn dễ có xu hướng áp đặt suy nghĩ thiếu chính xác lên vấn đề vì bạn cho rằng các khả năng là như nhau trong việc tác động lên vấn đề. Và vì bạn không thể phản bác giả định đó (có khi bạn còn không nhận ra bạn đang giả định hoặc đang phải tiếp thu những thông tin “ảo”/không đáng tin cậy) hoặc có bằng chứng chứng minh điều ngược lại nên bạn đã đưa ra kết luận khi chưa có những chứng cứ rõ ràng (David McRaney, 2011).

Nhưng kể cả khi lập luận A có nhiều chứng cứ chứng minh hơn lập luận B (hoặc thậm chí kể cả khi lập luận B thiếu hụt chứng cứ một cách nghiêm trọng) bạn vậy có thể bỏ qua tất cả mà tin vào lập luận B nếu bạn muốn. Có thể niềm tin trên sẽ khiến bạn rơi vào một cái bẫy, một sự sai lệch hay một trò lừa đảo nào đó, lúc mà bạn chọn tin vào một điều quá thiếu hụt thông tin/chứng cứ thì bạn đã để bản thân ở trong trạng thái có thể bị lừa bất cứ lúc nào rồi.

4. Tại sao khi càng có ít thông tin, chúng ta càng dễ hình thành định kiến?

Khi càng có ít thông tin về một vấn đề, một người / nhóm người, sự vật hay hiện tượng nào đó, ta sẽ sử dụng những phán đoán chủ quan, có khi quá vội vàng của bản thân để nhận định. Và phán đoán của chúng ta lại bị chi phối bởi một số yếu tố sau đây:

4.1. Khuôn mẫu và định kiến

Các khuôn mẫu và định kiến có mặt gần như trong mọi khía cạnh của cuộc sống: giới tính, nghề nghiệp, sự kỳ vọng,… Các khuôn mẫu và định kiến này được hình thành trong quá trình chúng ta sống trong xã hội, chịu tác động của những yếu tố: văn hóa, tôn giáo, lịch sử, môi trường, giáo dục,… Bên cạnh đó, với mỗi cá nhân, sự khác biệt về kinh nghiệm, kiến thức, trải nghiệm cũng dẫn đến hình thành những khuôn mẫu khác nhau trong họ.

(Nguồn ảnh: https://www.innovationunit.org/thoughts/be-a-man-toxic-masculinity-social-media-and-violence/)

Một số ví dụ khuôn mẫu phổ biến:

  • Về giới: Nam – mạnh mẽ cứng cỏi, nữ – dịu dàng nhu mì.
  • Ngoại hình: người có ngoại hình mũm mĩm – lười vận động, ăn nhiều; ngoại hình gầy – kén ăn, giữ dáng.
  • Nghề nghiệp: Nam phù hợp với những công việc đòi hỏi sức khỏe, nữ phù hợp với những việc yêu cầu sự tỉ mỉ.
  • Trang phục: người ăn mặc lịch sự với sơ mi, vest và quần tây là người có địa vị và thành đạt, người ăn mặc xuề xòa là người có điều kiện kinh tế không tốt lắm.

Chúng ta đều dễ liên tưởng và hình dung những đối tượng trên với đặc điểm kèm theo của chúng. Dù cho các đặc điểm này, với mỗi cá nhân khác nhau, mỗi hoàn cảnh khác nhau là một câu chuyện và sự thật khác nhau. Nếu không có thêm những thông tin về một đối tượng cụ thể, chúng ta dễ có khả năng đi lệch vấn đề và nhìn nhận mọi thứ theo cách khuôn mẫu, điều mà đã có sẵn và bị chi phối bởi nhiều yếu tố khác nhau.

Khuôn mẫu và định kiến cũng là một dạng thông tin, một kiểu thông tin chưa được kiểm chứng qua từng hoàn cảnh hoặc đối tượng cụ thể. Dạng thông tin này là cách chúng ta khái quát hóa quá mức các vấn đề nhằm đơn giản hóa sự phức tạp của nó. Những kiểu thông tin như ở dạng khuôn mẫu này như một kho lưu trữ, khi bị thiếu hụt thông tin về một vấn đề gì đó, chúng ta sẽ lấy thông tin từ bộ lưu trữ này ra và bổ sung vào để dễ dàng hơn trong việc đưa ra kết luận (tốt hoặc xấu).

4.2. Sự suy nghiệm cảm xúc

Cảm xúc là yếu tố quan trọng chi phối đến nhận định của chúng ta về một người/nhóm người, sự vật, hiện tượng nào đó. Những ấn tượng đầu tiên xuất hiện từ rất sớm và lưu lại dấu ấn lâu dài, chi phối nhiều về các suy nghĩ, nhận định mà chúng ta cho là lý trí khi đứng trước các đối tượng.

(Bạn có thể tham khảo thêm bài viết của tôi về Suy nghiệm cảm xúc tại đây)

4.3. Hiệu ứng hào quang

Hiệu ứng hào quang – vẻ bề ngoài có thể chi phối đến nhận định khuôn mẫu của chúng ta như thế nào?

(Bạn có thể tham khảo thêm bài viết của tôi về Hiệu ứng hào quang tại đây)

5. Những rủi ro và một số giải pháp

Những rủi ro nào có thể tiềm ẩn khi chúng ta chỉ có quá ít thông tin về một vấn đề và sự nhận định của chúng ta bị chi phối nhiều bởi khuôn mẫu, định kiến?

  • Rủi ro lừa đảo

Khi bạn có quá ít thông tin, về người khác/vấn đề, đặc biệt là những vụ giao dịch, trao đổi liên quan đến tiền bạc mà bạn chỉ nhìn vào những gì người ta cho bạn thấy (như vẻ bề ngoài, những dự án chỉ tồn tại trên bản thiết kế/kế hoạch, sự chuyên nghiệp và tin cậy,…) thì bạn dễ rơi vào một vụ lừa đảo. Những thứ bạn cần tìm hiểu không chỉ là những thông tin mà bạn tiếp thu thụ động (được người khác nói) mà bạn cần phải chủ động tìm hiểu. Cái bạn cần là bằng chứng có thể kiểm chứng, một kiểu “người thật việc thật”, nhưng số lượng “người thật” này phải nhiều đủ ở mức có thể tin cậy, cụ thể rõ ràng. Nếu số lượng người “thành công” từ một dự án nào đó quá ít ỏi như số lượng người trúng số khi mua vé số thì bạn nên cân nhắc bởi vì có khi bạn cũng đang tham gia vào một trò chơi xổ số, mà cái giá (về mặt tiền bạc) bạn trả cho trò chơi này lớn hơn (rất) nhiều so với cái giá mua một tờ vé số.

  • Vấn đề về các mối quan hệ

Nếu bạn có định kiến với một số yếu tố về ngoại hình hoặc hoàn cảnh của một người, bạn có thể bỏ lỡ cơ hội tìm hiểu về một người bạn mới. Ví dụ bạn có định kiến hoặc khuôn mẫu rằng những người giàu có là những người kiêu căng và xem thường người khác, bạn sẽ tự tạo ra một rào cản giữa bạn và người mà bạn cho là “giàu có”, bạn sẽ không biết người đó là một người tử tế giản dị như thế nào vì bạn đã không muốn dành thời gian để tìm hiểu rõ hơn về họ. Tất nhiên trong những trường hợp bạn đã cảm thấy không muốn tiếp xúc hay làm quen với một ai đó (dù chưa biết gì về họ mà chỉ dựa vào vẻ ngoài, hoàn cảnh, tin đồn,…) thì cũng không thể miễn cưỡng, nó sẽ gây khó chịu cho chính bạn và khó xử cho đôi bên.

Trong trường hợp này, bạn có thể suy xét lại xem tại sao mình lại có ác cảm với những người thuộc “nhóm” này, do những khuôn mẫu phổ biến hay trải nghiệm cá nhân? Nếu là trải nghiệm cái nhân, liệu lúc đó nó có đang bị chi phối bởi khuôn mẫu từ trước?… Hãy đặt ra thêm những câu hỏi để làm rõ “cảm giác” (tốt hoặc xấu) này, thứ nhất nó có thể giúp bạn hiểu rõ về mình hơn (tại sao mình lại có những khuôn mẫu và cảm xúc như vậy) và thứ hai, nó mở ra một cơ hội cho bạn mở rộng phạm vi quan hệ của chính mình. Đó là hai lợi ích trước mắt mà tôi nghĩ đến, ngoài ra có thể có thêm những lợi ích khác mà bạn có thể tự rút ra cho bản thân.

  • Giới hạn về cơ hội học tập, trải nghiệm

Khi có những định kiến – khuôn mẫu nhất định ở mức cực đoan, nó như một rào cản để bạn tiếp xúc với đa dạng nhóm người, những nền văn hóa,…khác nhau. Điều này cản trở việc bạn trải nghiệm với những người bạn mới, những câu chuyện mới và nền văn hóa mới,… Nếu như những vấn đề đó không vi phạm giá trị đạo đức mà bạn theo đuổi, tiềm ẩn nguy cơ gây nguy hiểm cho bạn, vi phạm pháp luật, bạn có thể tạo cho mình một cơ hội để tìm hiểu và trải nghiệm nó nhiều hơn.

 

6. Lời ngỏ

Cuối cùng, chúc cho thế giới của bạn là một nơi rộng mở, đa dạng và tràn ngập sắc màu. Mong bạn không bị những định kiến mà ai đó hoặc chính bạn đặt ra cho bản thân ràng buộc và giới hạn, để bạn có thể trải nghiệm được thế giới đa dạng và thú vị này. Bên cạnh đó thì cũng hãy bảo vệ bản thân thật tốt nhé!

 

Tài liệu tham khảo

  1. Hoàng Mộc Lan. (2016). Tâm lý học xã hội. Hà Nội: Đại học Quốc Gia Hà Nội.
  2. McRaney, D. (2017). Bạn không thông minh lắm đâu. (Voldy dịch). Hà Nội: Thế Giới.
  3. Trần Thị Minh Đức. (2008). Các thực nghiệm trong tâm lý học xã hội. Hà Nội: Đại học Quốc Gia Hà Nội.
  4. Nguyễn, R. (2022). Suy nghiệm cảm xúc. Psyme. Truy xuất từ: https://psyme.org/suy-nghiem-cam-xuc-the-affect-heuristic/
  1. Nguyễn, R. (2022). Hiệu ứng hào quang. Psyme. Truy xuất từ: https://psyme.org/?s=Hi%E1%BB%87u+%E1%BB%A9ng+h%C3%A0o+quang
  1. (n.d). Trong từ điển Cambridge trực tuyến. Truy xuất từ: https://dictionary.cambridge.org/vi/dictionary/english/stereotype
  1. (n.d). Trong từ điển Cambridge trực tuyến. Truy xuất từ: https://dictionary.cambridge.org/dictionary/english/prejudice

Để lại một bình luận