Sự quyến rũ của tình yêu bị ngăn cấm: Những nguyên nhân tâm lý đằng sau

 

“To die for love is better than to live without it.” – Romeo (from the play “Romeo and Juliet” by William Shakespeare).

“Dám chết vì tình yêu, còn hơn sống mà không có nó.” – Romeo (trong vở kịch “Romeo and Juliet” của William Shakespeare . 

 

Từ cổ chí kim, những mối tình gian truân bởi sự cấm cản luôn là nguồn cảm hứng lớn trong văn học. Vở kịch nổi tiếng “Romeo and Juliet” của William Shakespeare, tác phẩm được xem là vĩ đại và có sức ảnh hưởng sâu sắc trong văn học thế giới là câu chuyện điển hình về tình yêu bị ngăn cấm. Đó là câu chuyện một tình yêu mãnh liệt giữa hai người trẻ, vượt qua rào cản xã hội, sự cấm cản của gia đình để đến với nhau cho dù kết cục là sự hy sinh của cả hai. 

Hai nhân vật chính của vở kịch, bởi không được đến với nhau vì bị cấm cản họ đã chọn cái chết, vì tình yêu của mình. Điều gì khiến họ đưa ra quyết định đấy? Điều gì con người đủ dũng khí để điên cuồng theo đuổi một tình yêu dù cấm cản để rồi kết thúc với sự đánh mất sinh cả sinh mạng? Nếu là bởi sự vĩ đại của tình yêu thì điều gì khiến nó trở nên mạnh mẽ đến mức thôi thúc hai con người đưa ra những quyết định vượt qua cả bản năng sống như thế, vì nhau? Là bởi sức mạnh vốn có của tình yêu chính khiến con người muốn phá tan mọi rào cản hay bởi chính sự cấm đoán khiến tình yêu càng trở nên mãnh liệt. Sự cấm đoán đã là chất xúc tác khiến tình yêu bị cấm cản trở nên mãnh liệt. Mark Twain đã nhận định rằng:”Có một sự quyến rũ ở tình yêu bị ngăn cấm khiến nó được mê đắm khôn tả”.  Trong tâm lý học, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra một số nguyên nhân có thể giải thích phần nào về lý do tại sao “tình yêu bị cấm đoán” lại hấp dẫn đối với một số người, đặc biệt là trong thế giới của những người trẻ. Hãy cùng tìm hiểu nguyên nhân tâm lý đằng sau những mối tình ấy.

 

Hiệu ứng Reactance – Phản kháng tâm lý

Hiệu ứng Reactance được nhà tâm lý học Jack Brehm nghiên cứu và đặt tên năm 1966. Đây là động cơ tâm lý khiến bạn bị ức chế, khó chịu, thậm chí là tức giận khi cảm thấy quyền tự do hành động theo ý muốn đang đe dọa. Nếu là những người với chủ nghĩa cá nhân cao, chúng ta không thích bị bảo phải làm gì hoặc cảm thấy thế nào. Khi những người khác cố gắng tác động đến hành vi hoặc quan điểm của chúng ta, chúng ta thường cố gắng phản ứng lại bằng cách khẳng định bản thân một cách mạnh mẽ (Kassin và cộng sự, 2011, trang 233). Tình yêu bị cấm kỵ, như trong trường hợp của Romeo và Juliet ,họ có xu hướng sẽ khẳng định mình bằng cách cho mọi người thấy tình yêu thật mãnh liệt. Sự cấm đoán và hạn chế áp đặt lên các mối quan hệ này có thể gợi lên một cảm giác muốn thoát khỏi sự ràng buộc, dẫn đến nổi loạn và khiến sự phản kháng tâm lý bùng lên mạnh mẽ. Điều này cũng làm gia tăng sự gắn bó giữa các cặp đôi khi họ sẽ có cảm giác rằng chúng ta là những người duy nhất đứng về phía nhau “Us against the world”.

 

Sự biện minh cho nỗ lực – Effort Justification

Một nguyên tắc khác đã được cho là dẫn đến sức hấp dẫn của “tình yêu bị cấm đoán” là hiện tượng Effort Justification – hiệu ứng IKEA, được đặt theo tên của tập đoàn bán lẻ nội thất lớn nhất toàn cầu với hình thức sản phẩm đặc biệt đó là không phải những nội thất được lắp ghép sẵn mà cần khách hàng tự mình lắp ghép. Bởi sự nỗ lực gia tăng, cảm nhận của khách hàng về sản phẩm cũng trở nên giá trị hơn. Effort Justification là một loại thiên kiến nhận thức, rằng con người có xu hướng coi trọng những phần thưởng đòi hỏi nhiều nỗ lực hơn để đạt được hơn là những thứ dễ dàng có được (Harmon-Jones và cộng sự, 1999)

Trong tình yêu bị cấm cản, khi một cặp đôi phải lẻn vào ban đêm để dành thời gian cho nhau vì gia đình họ không đồng ý, thì cả hai có thể có xu hướng coi trọng mối quan hệ này hơn. Họ có thể chìm sâu hơn vào mối tình bí mật của mình, có khả năng tính đến hôn nhân hoặc chỉ đơn giản là tận hưởng thời gian bên nhau, bất chấp hậu quả. Những khó khăn và trở ngại này có thể thúc đẩy họ đánh giá cao hơn mối quan hệ và đặt nhiều niềm tin và tình cảm hơn vào nó. Việc cùng nhau vượt qua những rào cản và giữ bí mật cũng tạo ra một sự gắn kết đặc biệt giữa hai người. 

 

Lý thuyết Bất đồng nhận thức – Cognitive Dissonance Theory

Lý thuyết Bất đồng nhận thức là cơ sở để lý giải cho hiệu ứng tâm lý đề cao những thứ mình cần bỏ ra nhiều nỗ lực. Sự bất đồng nhận thức (Cognitive Dissonance), theo Hiệp Hội Tâm lý Hoa Kỳ, là một trạng thái khó chịu về tâm lý gây ra bởi sự thiếu nhất quán giữa các yếu tố trong hệ thống nhận thức. Lý thuyết Bất đồng nhận thức của Leon Festinger (1957) cho rằng con người có động thực nội tại để duy trì sự nhất quán trong suy nghĩ thái độ và hành vi. Để giảm bớt sự khó chịu gây ra bởi sự thiếu nhất quán, con người có thay đổi niềm tin, thái độ, suy nghĩ của mình để hợp lý hóa hành động của họ thông qua các cơ chế nhận thức khác nhau. Một nghiên cứu của Fincham, Jackson và Beach (2005) đã xem xét các quá trình nhận thức của những người ngoại tình biện khi minh cho hành vi của họ. Nghiên cứu phát hiện ra rằng những cá nhân từng ngoại tình thường diễn giải lại quá khứ (đổ lỗi do hôn nhân không hạnh phúc) để biện minh cho hành động của họ và tái cấu trúc nhận thức (thay đổi niềm tin và thái độ về sự chung thủy trong hôn nhân) để giảm bớt sự bất hòa và biện minh cho hành vi của mình rằng nó là hợp lý, hoặc không quá đáng trách. Trong một mối quan hệ bị cấm cản, khi mà người trong cuộc cần nhiều sự nỗ lực để duy trì nó, nỗi sợ rằng mình đang tốn công sức cho những điều vô nghĩa hoặc sai trái khiến con người có xu hướng đẩy giá trị của mối quan hệ lên cao khiến tình yêu thêm mãnh liệt, để duy trì sự nhất quán trong hành động và suy nghĩ. 

 

Sự quyến rũ của những điều bí mật

Những mối quan hệ bị cấm cản thường phải duy trì trong bí mật. Nghiên cứu của Aron và cộng sự (1997) cho rằng sự bí mật hoặc chia sẻ những bí mật có thể làm gia tăng sự thân mật và cảm giác thích thú, thậm chí là với cả những người lạ bới điều này có thể làm cho các cá nhân cảm thấy quan trọng và đặc biệt, và tạo ra sự gắn kết sâu sắc hơn trong mối quan hệ. Chia sẻ bí mật cũng có thể làm gia tăng sự cam kết của một người đối với một mối quan hệ và tạo điều kiện phát triển ý thức về “chúng ta” thay vì “tôi” và “anh” của một cặp đôi (Richardson, 1988). Ngoài ra, việc diễn ra trong bí mật cũng có thể được lý tưởng hóa vì những hành vi đó ít phải chịu sự dòm ngó xã hội. Việc không có sự phán xét từ bên ngoài có thể tạo ra một môi trường trong đó mối quan hệ được coi là hoàn hảo hoặc đáng mong đợi hơn so với thực tế. Có lẽ Juliet,  chẳng thể kể với mẹ cô về chàng trai Romeo mình đem lòng yêu với mẹ mình để nhận được lời khuyên rằng cô còn quá nhỏ là dại khờ, và lâu đài tình yêu cần được cẩn thận bằng từng viên gạch một chứ không chỉ là sự quấn quýt, say mê. Sự say đắm bí mật ấy có thể là điều khiến một một tình yêu bị cấm đoán trở nên đầy quyến rũ như vậy. 

 

Tài liệu tham khảo

Kassin, S. M., Fein, S., & Markus, H. R. (2011). Social Psychology (8th ed.). Belmont, CA: Wadsworth, Cengage Learning.

Harmon-Jones, E., & Mills, J. (1999). Cognitive dissonance: Progress on a pivotal theory in social psychology. Washington, DC: American Psychological Association.

APA Dictionary of Psychology. (n.d.). https://dictionary.apa.org/cognitive-dissonance

Festinger, L. (1957). A theory of cognitive dissonance. Stanford University Press. Retrieved from PsycINFO database.

Fincham, F.D., Jackson, H., & Beach, S.R.H. (2005). Transgression severity and forgiveness: Different moderators for objective and subjective severity. Journal of Social and Clinical Psychology, 24, 860-875.(pdf)

Aron, A., Melinat, E., Aron, E. N., Vallone, R. D., & Bator, R. J. (1997). The experimental generation of interpersonal closeness: A procedure and some preliminary findings. Personality and Social Psychology Bulletin, 23(4), 363-377.

Richardson, L. (1988). Secrecy and status: The social construction of forbidden relationships. American Sociological Review, 209-219.

Để lại một bình luận