Phân tích hành vi chửi thề: Phần 1 – Chửi thề đến từ đâu?

Nói tục, chửi thề – một trong những hành vi gây tranh cãi nhất trong xã hội. Nhưng dù vậy, nó vẫn luôn là một yếu tố quan trọng trong lịch sử loài người, có mặt trong cả văn chương, âm nhạc, hài kịch và cả trong những cuộc hội thoại thường ngày dưới nhiều bối cảnh xã hội khác nhau. Phải chăng ẩn sau những hành vi ấy là những mối dây liên kết đặc biệt nào đó khiến cho hiện tượng này nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều như vậy? Sẽ ra sao nếu ta tạm gác những vấn đề liên quan đến đạo đức sang một bên, và tìm hiểu về hành vi này một cách khoa học nhất? Nó bắt nguồn từ đâu, nó có tác động đến ta thế nào? Và tại sao một số từ lại bị coi là “chửi”, một số từ khác thì không? Hãy cùng PsyMe tìm hiểu nhé!

‘Chửi thề’ là gì ấy nhỉ?

Đi tìm câu trả lời cho câu hỏi này, ta có thể đến với định nghĩa đầu tiên của Beers Fägersten, giáo sư ngành ngôn ngữ Anh tại Đại học Södertörn, Thụy Điển. Trong ‘Who’s Swearing Now? The Social Functions of Conversational Swearing’ (tạm dịch: Ai Chửi Bây Giờ? Chức năng xã hội của chửi thề đàm thoại), bà định nghĩa chửi thề là việc sử dụng những từ ngữ cụ thể, mang tính tiêu cực và thường chứa đựng cảm xúc. Ngoài ra, những từ ấy còn bị coi là ‘cấm kỵ’ trong ngôn ngữ và văn hóa địa phương, vì vậy có khả năng gây xúc phạm đến một người. Nói cách khác, chửi thề là việc sử dụng các từ ngữ không phù hợp, gây xúc phạm, phản cảm, hoặc không được chấp nhận dưới bất kỳ bối cảnh xã hội nào. 

Trong khi đó, Singleton, Giáo sư chuyên ngành Quản lý tại Stanford Graduate School of Business, trong sách Empirical Dynamic Asset Pricing: Model Specification and Econometric Assessment (tạm dịch: Định giá tài sản động theo kinh nghiệm: Đặc tả mô hình và Đánh giá kinh tế lượng) đã đưa ra ba yếu tố cần thiết tạo nên một từ ‘chửi thề’, bao gồm: 

  • Liên quan đến một điều cấm kỵ
  • Có tiềm năng bộc lộ cảm xúc mạnh mẽ
  • Sở hữu cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng

Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý rằng việc định nghĩa và phân loại chính xác hành vi chửi thề và các từ được coi là chửi thề là rất khó, vì chúng có sự khác nhau giữa các nền văn hóa cũng như có sự thay đổi theo thời gian.

Như đã đề cập ở trên, có rất nhiều từ ‘chửi thề’ khác nhau trên thế giới, và mỗi ngôn ngữ khác nhau lại sở hữu những danh sách từ được xem là ‘kiêng kỵ’ riêng biệt. Nhưng nhìn chung, các từ ấy thường sở hữu một trong những đặc điểm sau:

  • Những điều khiến con người cảm thấy ghê tởm và muốn né tránh: bệnh tật, chết chóc, yếu kém (death, disease & infirmity) (S.Pinker, 2007), tình dục, động vật hoặc những vật thể kinh tởm (disgusting objects)
  • Xúc phạm đến những điều kiêng kỵ, thiêng liêng như tổ tiên, thần thánh
  • Những từ ngữ mang tính phân biệt một nhóm người nhất định: những từ phân biệt chủng tộc/sắc tộc/giới tính, đề cập đến tổ tiên hoặc những từ ngữ thô tục và tiếng lóng xúc phạm khác (T. Jay, 2007). 

Tuy những nhóm phân loại trên có thể được xem là tương đối cố định qua thời gian nhưng ngược lại, những từ ngữ thuộc về những nhóm đó lại có xu hướng thay đổi theo từng thời kì khác nhau.

Thật vậy, khi con người thay đổi, môi trường xung quanh con người cũng đổi thay. Những gì từng khiến con người ghê tởm bây giờ có thể không còn nữa, và những gì từng là nỗi khiếp sợ của bao thế hệ thì nay chỉ còn là một vấn đề cỏn con. Chính vì vậy, những gì được coi là cấm kỵ cũng có sự biến chuyển theo thời gian. Những từ ngữ mang tính xúc phạm nặng nề ở thời đại này, chưa chắc đã mang tính nghiêm trọng tương tự ở một thời đại khác. Ví dụ, những từ như ‘bastard’ (con ngoài giá thú, con hoang), ‘whoreson’ (con của kỹ nữ) hay ‘damn’ (nguyền rủa) là những từ mang tính xúc phạm cao vào thế kỷ 18, nhưng ở hiện tại, mức độ ấy đã giảm đi nhiều, nguyên nhân chính là do chúng ta không còn lên án và kỳ thị những điều này nhiều như ngày xưa nữa. 

Chửi thề vào thời kỳ Ai Cập cổ đại. Nguồn: https://www.minigrey-blog.com/swearing-in-ancient-egyptian/
Chửi thề vào thời kỳ Ai Cập cổ đại. Nguồn: https://www.minigrey-blog.com/swearing-in-ancient-egyptian/

Bên cạnh đó, những yếu tố đột phá xuất hiện trong nhiều thập kỷ gần đây như dịch bệnh được đẩy lùi nhờ tiến bộ y học, tôn giáo mất đi quyền lực, tình dục được tranh luận một cách rộng rãi và công khai, đã làm cho rất nhiều từ ngữ bị ‘cấm’ trở nên phổ biến, và với tốc độ phát triển đáng kinh ngạc của Internet, con người đã có cơ hội ‘chửi thề’ nhiều hơn bao giờ hết, khiến cho mỗi từ ** khi được thốt ra trở nên ít ‘kinh thiên động địa’ hơn ngày trước rất nhiều.

Nhưng điều đó có lẽ sẽ không làm cho hành vi chửi thề hay các từ cấm kỵ có thể biến mất, cụ thể là nhóm từ phân biệt đối xử một nhóm người trong xã hội vẫn sẽ giữ nguyên tính nghiêm trọng ban đầu. Những từ mang tính kỳ thị như ‘faggot’, ‘dyke’, ‘tranny’, ‘nigga’, ‘slut’, ‘whore’, ‘bitch’…vẫn sẽ tiếp tục là ‘cấm kỵ’ vì vẫn có khả năng xúc phạm đến người khác. Bên cạnh đó trong tương lai, với sự thúc đẩy nhận thức về sức khỏe tinh thần cũng như quyền bình đẳng về sắc tộc. giới tính, thì việc nói ai đó là ‘khùng’ (crazy), ‘điên’ (insane), tự kỷ (aspy), thần kinh/tâm thần (psycho), tâm thần phân liệt (schizophrenic), chậm phát triển (retard), hay thậm chí là mập (fat)… đều có sẽ có tiềm năng xúc phạm nghiêm trọng và có nguy cơ bị cấm đoán khi không được sử dụng đúng hoàn cảnh hoặc với mục đích xúc phạm đối phương.

Nguồn tham khảo:

[1] Karyn. Stapleton, Kristy. Beers Fägersten, Richard. Stephens, Catherine. Loveday. The power of swearing: What we know and what we don’t. ScienceDirect.

[2] Jay, T. (2009). The Utility and Ubiquity of Taboo Words. Perspectives on Psychological Science, 4(2), 153–161. https://doi.org/10.1111/j.1745-6924.2009.01115.x

[3]https://slate.com/human-interest/2013/07/swear-words-old-and-new-sexual-and-religious-profanity-giving-way-to-sociological-taboos.html

[4]https://gizmodo.com/http-0-media-cdn-foolz-us-ffuuka-board-tg-image-1374-1463056139

Để lại một bình luận