Phần 2: Con người nhìn nhận thế giới như thế nào?
Từ khóa: quan điểm khác nhau, lược đồ cái Tôi, nhìn nhận thế giới
Tóm tắt lại phần 1
Đã một tháng trôi qua rồi, không biết mọi người còn nhớ câu chuyện của anh Tèo hiền lành, chất phác, luôn về nhà đúng giờ trừ hôm nay không? Câu chuyện đã dẫn đến sự tranh luận hết sức thú vị của bác Ba (ba của Tèo) và Tí (em trai của Tèo). Bác Ba cho rằng Tèo được ai đó nhờ giúp và vì giúp người ta nên về muộn. Trong khi đó, Tí lại cho rằng Tèo đi chơi với một chị mà Tí nghĩ là bạn gái Tèo mới quen. Trong phần trước chúng ta đã cùng nhau khám phá và hiểu được phần nào vì sao bác Ba và Tí lại có những suy nghĩ khác nhau như vậy.
Cụ thể là do quá trình tri giác và nhận thức của hai ba con khác nhau nên khi nhìn nhận một sự việc ba con Tí đã đưa ra những quan điểm khác nhau. Trong phần một, chúng ta đã đi tìm hiểu lý do dẫn đến điều đó. Đó có thể bác Ba và Tí lại có trải nghiệm nghiệm quá khứ và mong đợi khác nhau.
Như chúng ta đã biết, Tèo sống cùng với ba mẹ và người em là Tí, tức là khả năng cao bác Ba cũng như Tí sẽ có môi trường tương tự nhau để trải nghiệm về “tích cách của Tèo, cách Tèo hành động”. Dẫu vậy, Bác Ba và Tí vẫn có những quan điểm riêng của mình về cùng một sự việc. Điều này cũng rất phổ biến trong cuộc sống của chúng ta, khi mỗi người chúng ta có một cách suy nghĩ và quan điểm riêng, ai cũng muốn bảo vệ quan điểm của mình. Trong phần hai này, chúng ta sẽ cùng nhau đi khám phá hiện tượng này qua lăng kính của Tâm lý học nhé!
Mặc dù cùng trải nghiệm một sự việc nhưng chúng ta sẽ chú ý đến điều quan trọng với chúng ta và dẫn đến những suy nghĩ và quan điểm riêng.
Mỗi chúng ta đều là một cá thể độc lập và hành động theo những điều bản thân cho là đúng. Có phải bạn đưa ra một nhận định vì nghĩ rằng nó đúng? Vậy điều gì đã thúc đẩy con người hành động như vậy, điều gì khiến cho con người cho rằng điều này là đúng và tán đồng những ý kiến cùng quan điểm với mình?
Theo Larsen và Hảo (2021), lược đồ của cái Tôi (Self- schemas) với chức năng tự điều chỉnh của mình sẽ hướng dẫn hành vi của con người suy nghĩ về những kế hoạch và mục tiêu tương lai, tức là lược đồ giúp bạn thúc đẩy những hành vi phù hợp với suy nghĩ và mục tiêu của bản thân. Lược đồ về cái Tôi (Self- schemas) là tư duy về các vấn đề quan trọng đã được sắp xếp có tổ chức trong trí nhớ. Lược đồ thường trực trong trí nhớ của con người và luôn sẵn sàng vận hành khi cần thiết (Larsen và Hảo, 2021). Khi có sẵn các lược đồ, con người có khả năng nhanh chóng phát hiện và nhận ra tình huống phù hợp với lược đồ của mình (Kendzierski và Whitaker, 1997).
Chúng ta cùng xem xét hành vi của Tí để hiểu hơn về cách lược đồ cái Tôi hoạt động nhé. Từ nhỏ, Tí đã là một người hoạt bát, mồm mép và hay yêu. Lược đồ cái Tôi của Tí được hình thành và ghi nhớ, Tí luôn tư duy (chú ý) về những niềm tin liên quan đến các mối quan hệ yêu đương, hẹn hò, sự linh hoạt, lém lỉnh. Điều đó thường trực trong trí nhớ của Tí, sẵn sàng vận hành trong một tình huống phù hợp với niềm tin của lược đồ. Có thể thấy, ngay khi nhìn thấy Tèo và một chị ngoài đầu ngõ là Tí nghĩ luôn đến việc hai người này có thể đang trong một mối quan hệ. Bởi vì lược đồ của Tí với niềm tin mãnh liệt và sự chú ý đặc biệt đến yêu đương nên đã định hướng Tí suy nghĩ về việc Tèo cũng đang yêu đương với chị gái đó. Đồng thời, với lược đồ cái Tôi của mình, ngay khi nghe câu chuyện của Tèo từ bác Ba, Tí đã lập tức nói lên suy nghĩ của mình theo niềm tin của lược đồ hay chúng ta thường hay gọi là quan điểm, ý kiến riêng của bản thân: “Sòi, chắc anh ấy kiếm được gái rồi bố mẹ ơi. Anh mình lợi hại thiệt”. Với Tí, Tí luôn quan tâm đến yêu và hẹn hò, nên việc có người yêu là một cách để khẳng định giá trị của bản thân. Chính vì vậy, mà Tí thấy Tèo lợi hại khi có thể tán gái và dẫn cô ấy đi chơi sau một cái nháy mắt ngoài đầu ngõ.
Tuy nhiên khác với Tí, bác Ba đưa ra quan điểm của mình: “Chắc thằng này lại bị ai nhờ làm gì rồi, khổ… cái thằng” và bác bỏ quan điểm của Tí: “Toàn suy bụng ta ra bụng người, bớt bớt giùm tôi đi ông tướng, anh của anh đâu có giống anh”.
Như vậy, với sự định hướng khác nhau của các lược đồ sẵn có khác nhau, nên dù có cùng một môi trường sống và cùng trải nghiệm một sự việc, Tí và bác Ba cũng sẽ nhìn nhận thế giới khác nhau và dựa vào niềm tin của mình.
Vậy tại sao không thể chấp nhận quan điểm của Tí mà lập tức bác bỏ nó.
Việc bác Ba bác bỏ quan điểm của Tí cũng được lý luận là do các niềm tin của lược đồ cái Tôi tạo ra. Ross (1989) đã phát biểu rằng: Con người sử dụng các lược đồ về bản thân để khẳng định ý niệm của cái Tôi hiện tại và đè nén suy nghĩ về những thông tin khác biệt hoặc mới lạ. Điều này có nghĩa là lược đồ sẽ ngăn cản con người đánh giá những thông tin được coi là không phù hợp, trái chiều với thái độ, niềm tin trước đó (cái được lưu trữ trong lược đồ). Trong câu chuyện trên, qua quan điểm của bác Ba, bác Ba đã thể hiện một niềm tin rằng Tèo là một người chất phát, hay làm, chịu thương chịu khó nhưng lại hay bị người khác bắt nạt. Niềm tin này được hình thành vững chắc và tồn tại từ rất lâu trong lược đồ. Chính vì vậy mà khi nghe Tí phát biểu, bác Ba đã ngay lập tức thể hiện sự phản đối của bản thân, không đồng tính với quan điểm của Tí và cho rằng Tí đã đoán sai: “Toàn suy bụng ta ra bụng người, bớt bớt giùm tôi đi ông tướng, anh của anh đâu có giống anh”.
Như vậy lược đồ giúp chúng ta thúc đẩy hành vi phù hợp với mục tiêu, đưa ra phán đoán và cách giải quyết nhanh chóng nhưng cũng ngăn cản chúng ta đến với những suy nghĩ mới, khác lạ niềm tin ban đầu. Chính vì vậy mà chúng ta rất khó chịu khi nghe những quan điểm trái chiều và thường áp đặt người khác theo quan điểm của mình. Lấy ví dụ thế này: bạn tin bạn chắc rằng đáp án A này đúng. Nhưng có một quan điểm nói rằng B đúng. Nếu là mối quan hệ thân thiết bạn sẽ ngay lập tức đáp trả: “A mới đúng”, nếu là một tình huống đòi hỏi sự lịch sự, bạn có thể gật gù và tìm cách biện luận cho ý kiến của mình. Đúng chứ? Hay trong câu chuyện trên, với niềm tin sẵn có, bác Ba đã không thể nghe quan điểm của Tí, vì nó đang trái với niềm tin của Bác về Tèo, bác Ba đã “cốc” cho Tí một cái để thể hiện thái độ phản bác của mình.
Chắc hẳn chúng ta đã từng nghe câu nói: “ Mẹ không hiểu con? Anh không hiểu em?”
Trong mỗi một cuộc cãi vã mang tính cảm xúc, mọi vấn đề dường như rơi vào bế tắc khi một câu nói được thốt lên: “Bố/mẹ không hiểu con; Anh không hiểu em” rồi chúng ta bỏ đi hoặc chìm vào im lặng. Đúng vậy, do mỗi người có một niềm tin được ghi nhớ trong lược đồ cái Tôi khác nhau mà ai cũng cho rằng mình đúng và khó có thể chấp nhận người khác với cái vốn có của họ. Vì vậy mà Tí cho rằng Tèo đi hẹn hò, bác Ba cho rằng Tèo đang bị người khác nhờ. Nhưng thật may mắn, hai người đã không có những tranh cãi kịch liệt và cái cốc đầu của bác Ba chỉ là cái đánh yêu.
Tuy nhiên sự thật có phải vậy không? Chúng ta cùng gặp lại nhân vật Tèo để cùng xem Tèo đã đi đâu nhé!
Khi Tí đang định cãi lại thì có tiếng cổng lạch cạch. Tèo từ ngoài cổng bước vào với vẻ mặt buồn rầu. Cả nhà xúm vào hỏi: “Sao nay về muộn thế con, cả nhà đang đợi cơm”.
- Dạ, con…
Tí thấy mặt Tèo ỉu xìu liền trêu anh mà không để anh nói hết câu:
“Thất bại rồi hả anh, không sao, thua keo này ta bày keo khác.”
- “Sao em biết? Hay vậy, anh đang sầu não nè.”
- “Thế là con đi hẹn hò thật đấy à, từ lúc nào không lo học hành mà suốt ngày yêu đương, trai gái.” – Bác Ba nói với giọng cáu kỉnh
- Tèo ngơ ngác đáp: “Hẹn hò gì ạ, con phụ trách nhân sự cho đội văn nghệ biểu diễn 20/11 của lớp. Nhưng không ai chịu vào đội cả. Hôm nay con phải đi vận động từng bạn mà không được ai”
Cả nhà cười phá lên.
Vậy là chẳng có quan điểm của ai đúng cả.
Như vậy, tất cả những gì chúng ta suy đoán chỉ là của chúng ta, nó có thể đúng với người này, sai với người khác; có thể giống với sự thật hoặc khác hoàn toàn. Chính vì vậy, đứng trước một quan điểm, một bản tính khác với chúng ta, chúng ta không nên vội vàng phán xét, bác bỏ. Thay vào đó hãy phân tích, xem xét thật kĩ, so sánh với quan điểm của chính mình để đưa ra những kết luận phù hợp nhất, tránh những sai lầm không đáng tiếc.
Thông qua câu chuyện của Tèo kết hợp với những kiến thức Tâm lý học, chúng ta đã phần nào hiểu được cách con người nhìn nhận thế giới. Chúng ta tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin và đáp trả lại môi trường dựa vào những gì chúng ta có sẵn trong lược đồ cái Tôi. Chúng ta yêu thích và tán dương những hành động phù với niềm tin được lưu trữ trong lược đồ của mình mà bác bỏ, khó chịu với những quan điểm trái chiều. Chúng ta sẽ cố gắng áp đặt mọi thứ dựa theo những niềm tin chúng ta cho là đúng. Dẫu vậy, như đã giải thích ở trên, tất cả chỉ là phán đoán của riêng ta, chưa có ai kiểm chứng và chưa chắc là phù hợp.
Xin chân thành cảm ơn sự theo dõi của các bạn.
Tài liệu tham khảo:
[1] Vũ, N. (2023, June 5). Con người nhìn nhận như thế nào về thế giới xung quanh nhỉ? – Psychology & Me. Psychology & Me. https://psyme.org/con-nguoi-nhin-nhan-nhu-the-nao-ve-the-gioi-xung-quanh-nhi/
[2]Larsen, K. S., Lê, V. H. (2021), Tâm lý học xã hội, Nhà xuất bản Từ điển bách
khoa