Nội tình của vấn nạn xâm hại tình dục

Trong nhiều năm qua, xâm hại tình dục vẫn được coi là một vấn nạn của xã hội nghiêm trọng  khi hậu quả của nó không chỉ dừng ở chấn thương thể xác mà còn là những ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý. Dù kẻ gây án không sử dụng những vũ khí gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng chúng đã mang đến cho nạn nhân một nỗi sợ lâu dài và khiến họ khốn khổ với những suy nghĩ và mất mát của họ. Và nỗi mất mát lớn nhất của các nạn nhân chính là danh dự. Thế nhưng, khi nạn nhân của xâm hại tình dục nói lên vấn đề của mình, không phải ai cũng đủ may mắn để được thấu hiểu. Thay vào đó, họ thường bị người thân và xã hội chỉ trích ngược lại dẫn đến sự công kích hội đồng lên chính nạn nhân, và điều này còn vô tình biến những kẻ xâm hại tình dục trở thành người “hiền lành, lương thiện”. Vì những hiểu lầm trên mà không ít nạn nhân luôn cảm thấy dè chừng với thế giới xung quanh và tìm cách “giải thoát” bản thân khỏi thế giới này. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau giải đáp những thắc mắc về nội tình của nạn nhân, người thân, và xã hội để hiểu hơn nguyên nhân dẫn đến hành vi của nạn nhân và người ngoài cuộc trong vấn nạn này nhằm tránh những tình huống gây hiểu nhầm đáng tiếc.

https://phelanpetty.com/practice-areas/sexual-assault/

Nạn nhân đã phải trải qua những gì?

Khi đề cập đến nạn nhân trong quá trình xảy ra vụ việc xâm hại, mọi người thường đặt nhiều nghi vấn lên nạn nhân như “Tại sao không chống cự?” hay “Tại sao lại để điều đó xảy ra mà không phản ứng gì?”. Tuy nhiên, ít ai biết rằng khi nạn nhân bị vướng mắc vào vụ việc này, họ đã trải qua những cú sốc lớn kèm theo đó là những chuyển biến nội tâm vô cùng phức tạp, dẫn đến việc tự bảo vệ bản thân trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Trước hết, khi gặp phải những kích thích gây hoảng sợ tột cùng , họ đã trải qua Phản ứng chiến-hay-biến (fight-or-flight response). Đây là phản ứng sinh lý tự nhiên của cơ thể đối với các sự kiện căng thẳng, đáng sợ hoặc nguy hiểm. Nó được kích hoạt bởi nhận thức về mối đe dọa, dẫn đến sự đốt cháy nhanh chóng hệ thống thần kinh giao cảm và giải phóng hormone, chuẩn bị cho cơ thể đối mặt với mối đe dọa hoặc chạy đến nơi an toàn (Olivia Guy Evans, 2023). Trong trường hợp xâm hại tình dục, nạn nhân sẽ có thể phản ứng một trong ba cách: chiến, biến, hoặc lâm vào trạng thái đóng băng. Tùy vào từng trường hợp và cách mà nạn nhân được dạy sẽ phòng vệ từ khi còn bé sẽ quyết định cách phản ứng. Tuy nhiên, thông thường thì các nạn nhân sẽ bị lâm vào trạng thái đóng băng, khiến họ bị hiểu lầm là đồng tình với hành vi của kẻ xâm hại.

Đồng thời, điều mà đa số nạn nhân không thể tránh được là những lời đe dọa từ kẻ xâm hại. Kẻ đó có thể là người lạ, cũng có thể là người quen, nhưng để không bị phát hiện thì họ phải sử dụng vũ lực, vũ khí hay lời nói để khống chế đối phương và buộc họ không được nói cho người khác để nhận sự trợ giúp. Những lời đe dọa đó đôi khi không chỉ nằm trong phạm vi tính mạng của nạn nhân, mà còn ảnh hưởng đến danh dự của người thân và đôi khi là vấn đề tài chính. Nhưng đối với nạn nhân quá trẻ tuổi thì chỉ cần dụ dỗ là có thể sẽ mắc bẫy.

Nhưng vì sao những lời đe dọa đó lại có hiệu lực đến như vậy? Đó là vì “yêu râu xanh” có thể quyền lực hơn về độ tuổi hoặc địa vị, và thể lực của những kẻ đó cũng thường mạnh hơn nạn nhân. Có rất nhiều nạn nhân phải bất lực vì mọi sự nỗ lực trốn chạy của nạn nhân đều bị khống chế bởi sức mạnh cơ bắp cùng những lời mắng chửi từ kẻ xâm hại; họ cạn kiệt sức lực và không còn bình tĩnh đã tìm cách thoát thân cho chính mình. Từ đó mà nạn nhân phải gánh chịu rất nhiều hậu quả không chỉ về mặt thể xác mà còn về mặt tâm thần vì những áp lực lên thân xác, tâm lý, và danh dự.

Tuy những nạn nhân đã phải trải qua nhiều nỗi đau như thế, ít có trường hợp nào là họ chủ động nói ra để nhận được sự giúp đỡ. Thực chất, việc nhờ sự trợ giúp không phải là một lựa chọn, mà nó bao gồm rất nhiều nỗ lực và sự dũng cảm để nói, vì diễn biến tâm lý lúc đó rất phức tạp và bị chiếm bởi những cảm xúc hoảng loạn và lo âu. 

Một kiểu rối loạn lo âu mà các nạn nhân thường mắc phải ở giai đoạn này là Rối loạn Căng thẳng sau sang chấn (PTSD). PTSD là một tình trạng sức khỏe tâm thần có thể phát triển ở những cá nhân đã trải qua hoặc chứng kiến một sự kiện đau buồn liên quan đến cái chết thực sự hoặc bị đe dọa, thương tích nghiêm trọng hoặc bạo lực tình dục (APA, 2013). Theo DSM-5, triệu chứng dễ thấy nhất ở họ là tái trải nghiệm (flashback) nỗi đau thông qua suy nghĩ hoặc ký ức khiến họ luôn trong trạng thái hoảng sợ. Khi đó, họ sẽ tránh những lời nhắc liên quan đến chấn thương, bao gồm cả suy nghĩ, cảm xúc hoặc địa điểm (APA, 2013). Với những diễn biến tâm lý trên, nạn nhân sẽ tích tụ những suy nghĩ tiêu cực hơn và điều này ảnh hưởng xấu đến các lĩnh vực hoạt động xã hội, nghề nghiệp hoặc lĩnh vực quan trọng khác.

Ngoài ra, các nạn nhân cũng sẽ có triệu chứng của một trạng thái bệnh lý được gọi là Phân ly cảm xúc. Phân ly cảm xúc thường được khái niệm hóa như một sự ngắt kết nối về danh tính, trí nhớ hoặc nhận thức. Trạng thái bệnh lý này xảy ra ở những người có tiền sử bị lạm dụng (thể chất hoặc tình dục) hoặc chấn thương, trí nhớ cảm xúc bị tổn thương và ý thức về bản thân bị mờ nhạt (Oathes & Ray, 2008). Các dấu hiệu và triệu chứng sẽ tùy thuộc vào kiểu rối loạn phân ly, nhưng một số dấu hiệu phổ biến là mất trí nhớ (amnesia), khó nhận thức về danh tính và cảm xúc bản thân, căng thẳng, và trầm cảm (Mayo Clinic, 2022).Vì thế, những nạn nhân có thể đang trải nghiệm những vấn đề tâm lý khá đau đớn, họ vẫn luôn đeo một mặt nạ tươi cười đối với người thân, bạn bè, và xã hội. Điều đáng buồn là họ không chỉ thiếu tình yêu và lòng quan tâm đối với bản thân mình, mà còn rơi vào một trạng thái tự ngược đãi. Khi không có sự hiện diện của người khác, họ sẽ tự đặt mình vào vòng xoáy oán trách bản thân bằng cách đặt lên mình những suy nghĩ tiêu cực, thậm chí là tự làm hại bản thân. Những lúc như thế, những sự trợ giúp đầy tình yêu thương từ người thân và bạn bè cùng với sự hỗ trợ tâm lý kịp thời từ chuyên sẽ góp phần chữa lành cho những nạn nhân.

 

Người thân 

Đáng buồn thay, những sự trợ giúp đấy lại trở thành một điều xa xỉ trong xã hội ngày nay, nơi mà thấu hiểu một người là điều khó khăn khiến con người chẳng buồn cố gắng để cùng người khác vượt qua cơn hoạn nạn. Chưa kể những người thân của nạn nhân còn có nhiều thứ lo toan khác như cơm-áo-gạo-tiền và những áp lực từ xã hội khiến họ chẳng còn chút sức lực và thời gian nào để quan tâm đến người trong gia đình. Vì thế mà có rất nhiều vụ xâm hại đã bị cho vào quên lãng hoặc bị giấu đi để tránh gây thêm phiền toái. Ngoài ra, những bậc phụ huynh cũng không biết cách để đón nhận những thông tin đó và cách thể hiện không hợp lý còn gây cho nạn nhân thêm đau khổ.

Trong nhiều trường hợp, khi nghe tin có người nhà là nạn nhân (đặc biệt là trẻ em), những người thân trong gia đình sẽ gặng hỏi theo kiểu điều tra nhưng không bộc lộ sự quan tâm, thay vào đó có thể là sự giận dữ. Lý do cho điều này một phần là vì văn hóa Việt Nam không có thói quen bộc lộ cảm xúc thật. Văn hóa này thể hiện rất rõ ràng từ những tiết ngữ văn đến những trận đòn roi của cha mẹ. Từ thuở thơ ấu, có khi nào chúng ta thắc mắc vì sao cha mẹ lại đánh mình và ý nghĩa của những trận đòn roi đó là gì chưa? Đó là vì sự nghịch ngợm và chưa trưởng thành của chúng ta mang đến phiền toái cho cha mẹ. Tương tự như trong tình huống này, khi họ hỏi nạn nhân về những điều đã trải qua, dù họ nghĩ rằng họ đang quan tâm thì thực chất trong thâm tâm họ càng cảm thấy phiền toái vì phải giải quyết một vấn đề mà nó tiêu tốn rất nhiều thời gian của họ. Từ đó, họ gặng hỏi.

Một lý do thường thấy khác khiến nạn nhân bị trách mắng và bỏ rơi là vì thủ phạm chính là người mà những người thân xung quanh tin tưởng. Trong trường hợp này, nạn nhân rất dễ bị quát tháo, thờ ơ, và thậm chí là nhận lại những lời lẽ xúc phạm và lời khẳng định sai sự thật từ chính người thân của mình. Tại thời điểm đó, những người thân của nạn nhân có thể đang rơi vào các cơ chế phòng vệ (defense mechanism) khỏi những phiền toái và lo lắng của vấn nạn xâm hại do nạn nhân mang đến. Theo lý thuyết phân tâm học, cơ chế phòng vệ là hoạt động diễn ra trong vô thức nhằm giảm thiểu mối lo sợ (Lilienfeld et al., 2018). Trong đó, cơ chế Hợp lý hóa (Rationalisation) được hoạt động rõ rệt. Ví dụ, một bạn nữ bị xâm hại qua lời nói và động chạm của kẻ “yêu râu xanh”, mẹ của bạn nữ sẽ thuyết phục bạn ấy rằng bạn đang phóng đại và làm quá lên những cử chỉ của kẻ xâm hại, đồng thời người mẹ trong vô thức hợp lý hóa những hành vi động chạm của kẻ đấy là không sai. Điều này khiến bạn nữ không những không an tâm hơn mà còn trở nên cô lập hơn vì không thể tìm một người thấu hiểu. 

Nhiều trường hợp kẻ xâm hại là người mà người thân rất tin tưởng, khiến họ quay lưng lại với nạn nhân và bao che cho kẻ xâm hại. Trong trường hợp này, một cơ chế phòng thủ khác được kích hoạt trong tiềm thức của họ, đó là Từ chối (Denial). Cụ thể, họ sẽ liên tục khẳng định kẻ đó là một người tốt và luôn quan tâm giúp đỡ mọi người, và chỉ trích nạn nhân là không biết xấu hổ khi đổ tội lên kẻ xâm hại. Điều này tạo ra một môi trường không an toàn cho nạn nhân, khi họ gặp phải sự từ chối và sự chối bỏ từ những người mà họ mong đợi sẽ bảo vệ và tin tưởng mình. Sự từ chối trong trường hợp này có thể gây ra sự cô lập và cảm giác không được tin tưởng trong nạn nhân khiến họ nạn trở nên im lặng và cảm thấy sợ hãi về việc chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ.

Tuy nhiên, không phải bậc phụ huynh nào cũng sẽ thờ ơ khi nghe tin con họ bị xâm hại. Cha mẹ vẫn luôn yêu thương, mong muốn được bảo vệ con và giúp con vượt qua khổ đau. Nhưng vẫn có nhiều trường hợp cha mẹ đành phải bất lực vì không thể giúp con thoát khỏi kẻ xâm hại quyền lực hơn. Kẻ đó có thể là người mà cha mẹ mang ơn, hoặc có địa vị xã hội cao hơn và có thể làm ảnh hưởng xấu đến kinh tế gia đình một cách gián tiếp hoặc trực tiếp. Khi đó, cha mẹ đành ngậm ngùi giữ kín chuyện trong im lặng và cố gắng để trấn an con. Tuy nhiên, trong tình huống như vậy, cha mẹ có thể bắt đầu tìm kiếm những nguồn hỗ trợ và tư vấn từ các tổ chức chuyên về phòng ngừa và đấu tranh chống xâm hại trẻ em để nhận được sự giúp đỡ từ những người có kiến thức chuyên sâu về vấn đề này.

 

Xã hội

Góc nhìn của xã hội ngày nay đã có sự thay đổi tích cực hơn về vấn nạn xâm hại tình dục và những nạn nhân. Các diễn đàn và trang mạng xã hội càng nhận thức rõ hơn về hệ quả của vấn đề này và cùng đồng lòng tạo nên môi trường sống an toàn. Tuy nhiên, xã hội vô cùng phức tạp. Những sự thay đổi tích cực trên có thể chỉ xảy ra ở những quốc gia đã phát triển với những con người có tư duy hiện đại. Có lẽ, đất nước càng có nhiều biểu tình lại càng tiên tiến, vì người dân đã trở nên chính trực hơn và dám nói lên nỗi niềm, điều mà những đất nước đang phát triển chưa dám thực hiện. Do đó, vẫn còn nhiều nơi chưa thực sự có góc nhìn thấu cảm cho những vấn đề xã hội, bao gồm xâm hại tình dục.

Điều gì đã khiến một xã hội không cảm thông cho những người vốn đã được gắn mác là “nạn nhân” như vậy?

Nguồn: https://unsplash.com/photos/OSjydTo8R50

Trước hết, chúng ta hãy xem xét về khái niệm của xã hội về “hấp diêm” thực sự là như thế nào. Trong vô số phim ảnh, từ của Hollywood đến drama Hàn Quốc, ít nhiều đều có những đoạn phim liên quan đến “hấp diêm” dù là nói miệng hay hành động. Tại đó, một vụ cưỡng hiếp chỉ xảy ra khi đối tượng là một người phụ nữ ăn mặc rất hở hang và trong một chỗ tối hoặc buổi tối vắng bóng người. Điều đó đã định hình một khái niệm về vấn nạn này lên xã hội một cách hạn hẹp, vô tình khiến những tình huống cưỡng hiếp còn lại bị cho là bình thường. Nhiều nạn nhân đã bất lực trước sự thờ ơ từ những người xung quanh nên đã đăng lên mạng xã hội để bày tỏ, cư dân mạng lại thể hiện sự thiếu hiểu biết của mình bằng cách đặt những câu nghi vấn mang yếu tố chất vấn, thậm chí là công kích nạn nhân. Trong cuộc sống thực tế, vấn nạn xâm hại tình dục càng tinh vi hơn, nên dù có lên tiếng cầu cứu thì đa phần mọi người lại cho rằng nạn nhân đang phản ứng thái quá và bỏ mặc nạn nhân ở cùng với kẻ xâm hại. 

Cùng với khái niệm hạn hẹp này là một sự thiên kiến quy kết bản chất (fundamental bias). Thiên kiến quy kết bản chất, còn được gọi là quy kết cơ bản đề cập đến xu hướng quy hành vi của người khác cho các yếu tố bên trong hoặc khuynh hướng, trong khi đánh giá thấp ảnh hưởng của các yếu tố tình huống bên ngoài (Jones et al., 1967). Cụ thể trong trường hợp xâm hại, người ngoài sẽ đánh giá nạn nhân là người có đầy đủ yếu tố để khiêu gợi kẻ xâm hại như là ăn mặc hở hang và uống rượu bia. Vì thế trong hầu hết tình huống xâm hại, nạn nhân bị hiểu lầm là nguyên nhân chính dẫn đến vấn nạn này. 

Sự hiểu lầm đáng tiếc cuối cùng mà xã hội dành cho những nạn nhân là việc nạn nhân nạn nhân không thực sự cố gắng để phòng thủ bản thân. Khi đó, họ bị dính vào hiệu ứng vượt trội ảo tưởng (illusory superiority effect). Hiệu ứng vượt trội ảo tưởng, còn được gọi là thành kiến vượt trội hoặc hiệu ứng tốt hơn trung bình, là một thành kiến nhận thức đề cập đến xu hướng cá nhân đánh giá quá cao khả năng, kỹ năng hoặc phẩm chất của mình so với người khác (Taylor et al., 1988). Trong xâm hại, người ngoài cuộc sẽ nghĩ rằng bản thân có đầy đủ tỉnh táo và sức mạnh để có thể tự bảo vệ cho bản thân, điều mà những nạn nhân không thể làm được. Và cũng vì điều này mà nạn nhân bị hiểu lầm là đồng tình với hành vi sai trái của kẻ xâm phạm khi không có bất kỳ thao tác nào để chạy trốn. Từ đó, sự hiểu lầm này bỏ qua rằng trong các tình huống xâm hại, nạn nhân thường bị mất đi sự tự do, sự lựa chọn và quyền kiểm soát bản thân. Họ có thể trải qua sự kinh hoàng, sợ hãi và cảm thấy bất lực đối với sự xâm phạm đang diễn ra. Các yếu tố như sức mạnh vật lý, sự bất ngờ, tình huống không công bằng và tác động tâm lý có thể làm giảm khả năng của nạn nhân để phòng thủ hoặc thoát khỏi tình huống xâm hại.

 

Kết lại

Tổng kết lại, những sự hiểu lầm mà người thân và xã hội đã khiến cho nạn nhân dần mất đi không gian an toàn để bày tỏ những sự khó chịu mà họ đã trải qua từ vấn nạn này. Tuy nhiên, chúng ta cần thay đổi cách nhìn nhận và đối xử với nạn nhân và tạo ra một xã hội nơi mỗi cá nhân được tôn trọng và đánh giá dựa trên sự công bằng. Đó là xã hội mà chúng ta có thể cùng nhau hướng đến, nơi mà nạn nhân không còn bị hiểu lầm và trách nhiệm xã hội được thực hiện để ngăn chặn và giải quyết các tình huống xâm hại. Chỉ khi đó, chúng ta có thể tiến bộ về mặt đạo đức và xây dựng một tương lai tốt hơn cho tất cả mọi người.

 

Keyword: psychology, sexual abuse, abuse, tâm lý học, xâm hại tình dục

 

Nguồn tham khảo

Jones, E. E., & Harris, V. A. (1967). The attribution of attitudes. Journal of Experimental Social Psychology, 3(1), 1-24. doi:10.1016/0022-1031(67)90034-0.

Taylor, S. E., & Brown, J. D. (1988). Illusion and well-being: A social psychological perspective on mental health. Psychological Bulletin, 103(2), 193-210. doi:10.1037/0033-2909.103.2.193.

American Psychiatric Association. (2013). Diagnostic and statistical manual of mental disorders (5th ed.). https://doi.org/10.1176/appi.books.9780890425596

Shibboleth Authentication Request. (n.d.). https://ebookcentral.proquest.com/lib/rmit/reader.action?docID=5472925

Oathes, D. J., & Ray, W. J. (2008). Dissociative tendencies and facilitated emotional processing. Emotion, 8(5), 653–661. https://doi.org/10.1037/a0013442

Dissociative disorders – Symptoms and causes – Mayo Clinic. (2022, December 13). Mayo Clinic. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dissociative-disorders/symptoms-causes/syc-20355215

Evans, O. G. (2023, May 15). Fight, flight, freeze, or fawn: How we respond to threats. Simply Psychology. https://www.simplypsychology.org/fight-flight-freeze-fawn.html

Để lại một bình luận