Biên tập: Thu Hiền
Rối loạn nhận dạng phân ly (Dissociative identity disorder) hay trước đây còn được biết đến với tên gọi “rối loạn đa nhân cách” là một tình trạng mà nhân cách của một người bị phân ly thành hai hay nhiều trạng thái nhân cách khác biệt và thay phiên nhau kiểm soát cá nhân. Đồng thời cá nhân cũng mất ký ức với số lượng nhiều đến nỗi không thể giải thích bằng chứng đãng trí thông thường. Và rối loạn này được xem là kết quả của những chấn thương tâm lý nghiêm trọng.
Rối loạn nhận dạng phân ly phần lớn được mọi người biết đến rộng rãi thông qua các bộ phim điện ảnh hay các phương tiện thông tin truyền thông đại chúng với nhiều đặc điểm bị thổi phồng quá mức. Mặc dù còn thiếu nhiều bằng chứng khoa học về DID và bạo lực, tuy nhiên các trương trình truyền hình lại thường tập trung mô tả các trạng thái nhân cách (self – states) với xu hướng tham gia vào các hành vi bạo lực (Webermann và Brand, 2017). Cụ thể phải nói đến bộ phim tâm lý giật gân “Split” mô tả kẻ bắt cóc với 23 trạng thái nhân cách khác nhau, bao gồm các trạng thái nhân cách bạo lực và tàn ác, những điều này vô tình hay cố ý đã củng cố niềm tin của người xem về việc những người mắc chứng rối loạn nhận dạng phân ly phần lớn là đáng sợ và có các hành vi bạo lực. Tuy nhiên sự thật không phải như vậy, nhiều nhà trị liệu tâm lý cho biết đây không phải là chân dung chính xác của những người đang trải qua DID. Trên thực tế, hầu hết các cá nhân trải qua rối loạn nhận dạng phân ly đều chịu đựng nhiều tổn thương và không có nguy cơ có các hành vi bạo lực cao hơn dân số nói chung. Một nghiên cứu gần đây của Webermann và Brand (2017) trên 173 người có các rối loạn phân ly (dissociative disorder) đã cho thấy chỉ có 3% khách thể nghiên cứu từng bị buộc tội, 1.8% bị phạt tiền và 0.6% bị giam giữ trong vòng 6 tháng gần nhất và cũng không có sự kết án hay quản chế nào trong vòng 6 tháng trước đó.
Các chuyên gia y tế thậm chí còn nói rằng những người có DID có nhiều khả năng tự làm tổn thương bản thân, hơn là gây tổn thương cho những người khác. Điều này xuất phát từ việc trạng thái nhân cách hung hăng (aggressive self-states) đe dọa các trạng thái nhân cách khác hoặc có ý tưởng giết người đối với một trạng thái nhân cách khác. Nếu trạng thái nhân cách hung hăng ra tay thì sẽ dẫn đến hành vi tự làm hại bản thân hoặc tự sát (Webermann và Brand, 2017).
May mắn thay, các nghiên cứu hiện nay đang dần thay thế những lầm tưởng lỗi thời về chứng rối loạn này. Và dưới đây là một số lầm tưởng và sự thật về chúng.
- Lầm tưởng: Rối loạn nhận dạng phân ly là cực kỳ hiếm
Sự thật: Người ta ước tính có khoảng 1-3% dân số thế giới mắc chứng rối loạn này
Mặc dù 1% dân số nghe có vẻ tương đối ít, tuy nhiên hãy thử tượng 1% của 7 tỷ tương đương với khoảng 70 triệu người. So sánh với dân số Việt Nam là 97 triệu dân, bạn nghĩ như thế nào về điều này?
- Lầm tưởng: Những người có DID là những người bạo lực và nguy hiểm
Sự thật: Những người có DID không bạo lực hơn dân số nói chung
Thực tế đã có những bằng chứng khoa học chỉ ra rằng những người có DID có nguy cơ cao liên tục cố gắng tự tử và tự tổn thương bản thân họ hơn là tổn thương những người khác. Cũng không có mối liên hệ nào giữa việc gia tăng các hoạt động phạm tội và rối loạn nhận dạng phân.
- Lầm tưởng: Rối loạn nhận dạng phân ly là rối loạn nhân cách
Sự thật: Rối loạn nhận dạng phân ly và rối loạn nhân cách là những tình trạng sức khỏe tâm thần riêng biệt
Rối loạn nhận dạng phân ly trước đây được gọi là rối loạn đa nhân cách, tuy nhiên rối loạn này không phải rối loạn nhân cách. Thay vào đó nó được phân loại là một loại rối loạn phân ly trong DSM-V.
Rối loạn nhận dạng phân ly liên quan đến việc mất kết nối với bản thân, trong khi rối loạn nhân cách đặc trưng bởi một kiểu nhân cách cố định duy trì các kiểu suy nghĩ, cảm xúc và hành vi khác thường trái với những mong đợi của nền văn hoá mà họ đang sống.
- Lầm tưởng: Những mô tả về rối loạn nhận dạng phân ly trong phim ảnh là thật
Sự thật: Những mô tả trong phim ảnh về DID đã tạo ra sự nhầm lẫn về chứng rối loạn này
Các triệu chứng của rối loạn nhận dạng phân ly được phóng đại trên phim hay các phương tiện thông tin truyền thông phần lớn là hư cấu, dù vậy nhiều người vẫn tin rằng đó thật sự là những triệu chứng hay đặc điểm của những người mắc rối loạn DID. Hơn thế nữa việc chuyển đổi giữa các trạng thái nhân cách thường không xảy ra đột ngột và thường xuyên giống như những gì trên phim mô tả mà trong hầu hết trường hợp, nó diễn ra một cách tinh vi và bí mật.
- Lầm tưởng: Rối loạn nhận dạng phân lý luôn hiển nhiên và dễ chẩn đoán
Sự thật: Rối loạn nhận dạng phân ly rất khó chẩn đoán
Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng, trung bình một người có DID đã được chẩn đoán sai 4 lần trước khi được chẩn đoán chính xác. Có nhiều yếu tố góp phần vào quá trình chẩn đoán sai này, ví dụ như một người có DID có thể tìm cách điều trị các triệu chứng làm gián đoạn hoạt động hàng ngày của họ thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ trực tiếp cho rối loạn này. Hay các trạng thái nhân cách khác nhau (triệu chứng rõ ràng nhất của DID) không thể được xác định trong một buổi trị liệu trừ khi sự chuyển đổi trạng thái nhân cách xảy ra ngay trong lúc đó.
Tài liệu tham khảo
Dissociative Identity Disorder (Multiple Personality Disorder). Truy cập từ 22/10/2022. https://www.psychologytoday.com/us/conditions/dissociative-identity-disorder-multiple-personality-disorder
Movie ‘Split’ Does Harm to People with Dissociative Identity Disorder, Experts Say. Truy cập từ 22/10/2022. https://www.healthline.com/health-news/movie-split-harms-people-with-dissociative-identity-disorder
Myths and media portrayals of dissociative identity disorder. Truy cập từ 22/10/2022 từ. https://teachtrauma.com/controversial-topics-trauma/myths-media-portrayals-dissociative-identity-disorder/
Webermann, A.R., Brand, B.L. (2017). Mental illness and violent behavior: the role of dissociation. Borderline Personality Disorder and Emotion Dysregulation, 4(1). https://doi.org/10.1186/s40479-017-0053-9