Nghiện tiền có phải là bệnh tâm thần?

Biên tập: Dũng Ng. Nguyễn  

   Thuật ngữ “nghiện” chắc cũng không quá xa lạ với nhiều người. Nếu hiểu theo nghĩa thông thường, nghiện là việc ta không thể ngừng thực hiện các hành vi hay suy nghĩ ám ảnh về một điều gì đó, bất chấp những hậu quả nặng nề mà nó mang lại. Theo từ điển tâm lý học APA, nghiện là trạng thái phụ thuộc về tâm lý hoặc thể chất (hoặc cả hai) vào những chất như rượu, ma túy và đôi lúc cũng được dùng để ám chỉ những rối loạn về hành vi chẳng hạn như: tình dục, sử dụng internet hay trộm cắp. 

   Một số người thường nói đùa với nhau rằng “mê tiền như mày thì có mà chết”, “tướng đàn bà ham mê tiền bạc rồi cũng bỏ chồng”. Điều này có nghĩa rằng đâu đó trong nhận thức của nhiều người, “mê tiền” hay “nghiện tiền” đôi lúc cũng được nhận diện như là một vấn đề tiêu cực. Vậy chúng ta hãy cùng nhau bàn bạc xem liệu “nghiện tiền” có thể được coi là một rối loạn tâm thần hay không. 

   Nghiện tiền là gì?  

   Nhà tâm lý học nổi tiếng Alfred Adler từ lâu đã nhắc đến bản chất bệnh lý của chứng nghiện tiền: “Một bộ máy tiêu hóa khiếm khuyết sẽ đi kèm với khả năng siêu nhiên trong các hoạt động liên quan đến dinh dưỡng, như tính háu ăn, tính hám sự nhồi nhét và nếu liên tưởng điều này tới tiền bạc, sự tham lam và bủn xỉn sẽ được biểu hiện ở mức độ cao ngất ngưởng”. Nhà phân tâm học người Pháp Brigitte Minel từ đã đề xuất khái niệm “nghiện tiền” hay “phụ thuộc vào tiền bạc” trong lĩnh vực tâm lý học lâm sàng. Nghiện tiền là sự thôi thúc liên tục để tích lũy tài sản bao gồm hai dạng: tích lũy của cải phi vật chất và việc mua quá nhiều của cải vật chất hoặc sự bành trướng không ngừng của các đế chế kinh doanh. Nó cũng có thể là sự kết hợp của hai hình thức  này. Theo ông, nghiện tiền là một loại nghiện hành vi bởi nó kích thích đến hệ thống khen thưởng trong não bộ của chúng ta. Nó được coi là một rối loạn có tính xâm lấn khi nó ảnh hưởng xấu đến nhân cách, những hoạt động hàng ngày và các mối quan hệ gia đình, xã hội. Tình trạng nghiện tiền thực sự chưa được nghiên cứu sâu rộng có lẽ vì trong tư tưởng của hầu hết mọi người, làm việc chăm chỉ để kiếm ra nhiều tiền thường được gắn với sự tích cực hơn là tiêu cực. 

 

   Một thí nghiệm thú vị

 Giáo sư Kathleen Voh, đại học Minnesota cùng với những người đồng nghiệp của ông tại Trung Quốc đã thực hiện một thí nghiệm rất thú vị. Bạn có bao giờ tưởng tượng được rằng việc đếm tiền trên những hóa đơn bằng tay cũng có tác dụng giảm đau không?

   Một số sinh viên tham gia thí nghiệm đã được thông báo rằng họ sẽ tham gia một bài kiểm tra về độ khéo léo của các ngón tay. Một nhóm đếm những tờ tiền trong khi nhóm khác chỉ đếm những mảnh giấy trắng. Sau đó các sinh viên được yêu cầu đặt ngón tay vào bát nước được đun nóng đến 122 độ F và đánh giá mức độ khó chịu mà mình cảm nhận được. Kết quả đã thực sự gây ngạc nhiên với chính nhóm nghiên cứu. Những sinh viên đếm tiền khi nhúng tay vào nước nóng cho biết rằng nước không quá nóng đối với họ, điều này biểu hiện thấp hơn ở những người chỉ đếm tờ giấy. Nếu bạn từng nghĩ tiền bạc như một loại ma túy thì tôi tin rằng nghiên cứu này phần nào củng cố được điều này.

 

   Nghiện tiền có những tác động nào đến đời sống của một cá nhân?  

   Chứng nghiện tiền được thúc đẩy bởi những giá trị quá lớn mà tiền mang lại không chỉ về mặt vật chất. Giáo sư Pfeffer tại trường đại học Stanford đã nhấn mạnh tính chất biểu tượng của tiền “khi tôi trả tiền cho bạn, tôi cũng đang đưa ra những tín hiệu về giá trị của bạn”. Nghiện tiền có nhiều điểm chung với chứng nghiện đánh bạc (gambling addiction). Ngay sau khi cảm giác chiến thắng kết thúc, người nghiện bị thôi thúc liên tục thực hiện những hành vi khác nhằm đạt lại được cảm giác này.  Tuy nhiên, những khoản “tiền cược” tiếp theo đó ắt hẳn phải lớn hơn, đưa ra nhanh hơn, có tính rủi ro và nguy hiểm hơn rất nhiều. Và chúng ta đều hiểu rằng “chiến thắng” không phải lúc nào cũng đến như mong muốn. Trong trường hợp xảy ra sự mất mát, những người thông thường cũng sẽ có những lo lắng và hoảng sợ. Tuy nhiên họ sẽ có khả năng an ủi bản thân bằng những câu nói như “của đi thay người”, “tôi vẫn còn tay còn chân, tôi lại có thể kiếm ra tiền”, “tiền không phải là tất cả” và hướng đến tương lai tươi sáng hơn. Ngược lại, những người nghiện tiền sẽ bị ngập lụt trong những suy nghĩ tiêu cực và có thể sẽ thực hiện ra những hành vi bốc đồng gây nguy hại cho bản thân và người khác.  

   Một nguy cơ khác mà những người nghiện tiền có khả năng đối mặt đó là sự căng thẳng cực độ và kéo dài. Quan niệm về nghèo đi đôi với khổ liệu có còn đúng đắn với thời hiện đại? Bởi lẽ người giàu cũng phải đối mặt với những lo âu tột độ để duy trì tình trạng tài chính của họ. Quy mô tài chính càng lớn thì trách nhiệm và sự căng thẳng diễn ra với mức độ càng cao. Các nghiên cứu cũng đã ủng hộ điều này khi chỉ ra rằng CEO có khả năng bị trầm cảm với tỷ lệ cao hơn so với những người bình thường khác. Để có thể trở thành một người lãnh đạo, bạn cần có những nỗ lực phi thường và chấp nhận đầu tư một quỹ thời gian khổng lồ cho công việc. Điều này có nghĩa rằng thời gian cho những hoạt động thể chất hay tương tác xã hội sẽ giảm xuống. Hãy nhớ rằng hoạt động thể chất và kết nối xã hội là một trong những phương thức phòng trừ và ứng phó với stress hiệu quả nhất đã được khoa học chứng minh. 

   Để đồng tiền sinh sôi nảy nở, ta cần phải rót vào đó thời gian và sức lực của mình. Điều này cũng đúng với những mối quan hệ xã hội của chúng ta. Thiếu đi sự quan tâm xã hội sẽ khiến kết nối của chúng ta với những người xung quanh bị lỏng lẻo. Con cái của những người giàu bận rộn có thể được nuôi dưỡng trong môi trường mà sự can thiệp của cha mẹ chỉ là gián tiếp, có khi chúng giành thời gian nhiều hơn với cô giáo, bảo mẫu và tài xế riêng. Một nhóm bạn thân dừng việc nhắn tin cho bạn mỗi khi họ tổ chức những buổi giáng sinh ấm áp chỉ vì bạn đã luôn đặt sự ưu tiên vào việc kiếm tiền, mà có khi bạn cũng không cảm thấy việc tụ họp này là cần thiết!

 

   Những dấu hiệu có thể chỉ ra rằng bạn có thể đang mắc chứng “nghiện tiền”

  • Bạn bị ám ảnh về việc làm sao để kiếm ra được nhiều tiền

   Đầu óc bạn luôn cảm thấy rối bời và áp lực với ý tưởng kiếm được ngày càng nhiều tiền hơn. Theo đó, cuộc sống của bạn có lẽ sẽ tràn ngập những hành vi kiếm tiền chẳng hạn như nghiện làm việc (workaholism). Bạn sẽ có xu hướng giảm ưu tiên cho những hoạt động dường như chỉ mang lại những giá trị về tinh thần. 

  •  Chối bỏ việc nghiện tiền

  Đôi lúc bạn sẽ một mực phủ nhận việc nghiện tiền. Nhưng nếu như vậy thì bạn sẽ gặp khó khăn trong việc nhận diện các vấn đề tài chính của mình. Bạn có thể chấp nhận những rủi ro to lớn chẳng hạn như nợ xấu để đầu tư. Có khi bạn còn chọn cách tiết kiệm tiền quá mức mà quên đi một số chi tiêu rất cần thiết chẳng hạn như các vấn đề về chăm sóc sức khỏe của mình. Việc chối bỏ bản thân nghiện tiền sẽ gây nên những lo lắng thường xuyên hay củng cố niềm tin rằng “tôi càng có nhiều tiền, tôi sẽ càng hạnh phúc”.

  • Hình ảnh bản thân bị ràng buộc với tiền bạc

   Nếu bạn nghiện tiền đến mức quên đi những khía cạnh khác của cuộc sống, liệu bạn có thể đánh giá mọi thứ xung quanh một cách khách quan không? Bạn sẽ để ý tới những giá trị nào của một con người?

  • Tham gia vào các hành vi rủi ro

    Mặc dù không phải tất cả người nghiện tiền đều lôi kéo bản thân tham gia vào những hành vi mạo hiểm như đánh bạc hay đầu tư ồ ạt để kiếm thêm thu nhập. Tuy nhiên, chúng ta khó có thể phủ định rằng những kiểu đầu tư như vậy sẽ có cơ hội tạo ra những con số khổng lồ một cách nhanh chóng.

  • Không có khả năng thay đổi thói quen sử dụng tiền

     Dù bạn có tự nhận thức được mình là người nghiện tiền hay không, bạn cũng gặp khó khăn trong việc kiềm chế những hành vi liên quan đến tiền bất chấp những hậu quả khủng khiếp mà nó đã hoặc sẽ mang lại. Bạn liên tục sử dụng thẻ tín dụng của mình một cách phung phí mặc dù biết nó đã vượt quá số tiền lương bạn nhận được hàng tháng.

  • Biểu hiện của Hội chứng rút lui/ Hội chứng cai 

     Cũng giống như các chứng nghiện khác, người nghiện tiền có thể phải đối mặt hội chứng cai bao gồm những căng thẳng, lo âu, hoảng sợ khi suy nghĩ về việc mất tiền hay không thể kiếm ra tiền. 

 

Nguồn tham khảo

Để lại một bình luận