Làm sao nâng cao sức khỏe tinh thần cho “người lái đò”?

Trong bối cảnh xã hội hiện nay, sức khỏe tinh thần của giáo viên đang trở thành một vấn đề được quan tâm bên cạnh sức khỏe tinh thần của học sinh. Áp lực từ công việc, yêu cầu cao từ quản lý, cùng với sự kỳ vọng từ học sinh đã khiến nhiều giáo viên rơi vào trạng thái căng thẳng, lo âu.

Theo báo cáo từ American Federation of Teachers, 21% giáo viên cho biết họ đã trải qua tình trạng sức khỏe tâm thần không tốt trong hơn 11 ngày trong vòng 30 ngày qua, một con số cao hơn nhiều so với tỷ lệ 10% của công chúng nói chung. Vậy làm thế nào để nâng cao sức khỏe tinh thần cho giáo viên? Dưới đây là một số giải pháp thiết thực và hiệu quả tổng hợp từ bài đăng của PAR (2024).

1. Tổ chức lại công việc 💼

Một trong những cách hiệu quả nhất để giảm bớt áp lực là tổ chức công việc một cách khoa học. Việc lập kế hoạch cho năm học ngay từ đầu không chỉ giúp giáo viên tiết kiệm thời gian mà còn giảm bớt lo âu. Ví dụ, một giáo viên có thể chuẩn bị giáo án và tài liệu giảng dạy từ mùa hè, giúp họ sẵn sàng cho năm học mới mà không cảm thấy quá tải. 

Theo số liệu từ U.S. Bureau of Labor Statistics, giáo viên trung bình làm việc khoảng 1,913 giờ mỗi năm chỉ để giảng dạy, chưa kể đến các hoạt động như mentoring hay tham gia các câu lạc bộ học sinh. Nếu giáo viên biết cách tổ chức thời gian và công việc, họ có thể giảm bớt khối lượng công việc và có thời gian cho bản thân. Thông điệp ở đây là: Một kế hoạch tốt không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn nâng cao hiệu quả công việc.

2. Thực hành chăm sóc bản thân 💆

Tự chăm sóc bản thân là một phần quan trọng trong việc duy trì sức khỏe tinh thần. Những thói quen lành mạnh như ăn uống khoa học, tập thể dục thường xuyên và ngủ đủ giấc có thể giúp cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng. Không chỉ đối với một giáo viên, việc có thể dành thời gian mỗi buổi sáng để tập yoga hoặc đi bộ, điều này không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn làm giảm mức độ stress.

Rất nhiều nhà khoa học đồng tình rằng chăm sóc bản thân có thể giúp giảm lo âu và cải thiện sức khỏe tinh thần. Những hành động nhỏ như uống đủ nước, ăn trái cây, hoặc thậm chí chỉ dành vài phút để thiền cũng có thể tạo ra sự khác biệt lớn trong cảm xúc hàng ngày. Vì vậy, đừng xem nhẹ sức khỏe bản thân; đó là chìa khóa cho một cuộc sống và công việc hạnh phúc.

3. Tìm kiếm sự hỗ trợ 👬

Một nghiên cứu cho thấy rằng những giáo viên có mạng lưới hỗ trợ vững mạnh thường có tâm trạng tốt hơn và ít bị kiệt sức hơn. Ví dụ, một nhóm giáo viên có thể tổ chức các buổi gặp mặt thường xuyên để chia sẻ kinh nghiệm, từ đó giúp nhau vượt qua khó khăn trong công việc.

Cảm giác cô đơn và thiếu sự hỗ trợ có thể làm tăng mức độ căng thẳng. Những giáo viên cảm thấy được hỗ trợ sẽ có nhiều khả năng duy trì được sự nhiệt huyết với nghề. Nếu bạn đang băn khoăn rằng ai đó sẽ đánh giá thấp mình khi mình chia sẻ khó khăn của bản thân, hãy mở lòng và tìm kiếm sự giúp đỡ; bạn không đơn độc trong hành trình này.

4. Đặt ranh giới rõ ràng 🚴

Việc bảo vệ thời gian cá nhân là cực kỳ quan trọng để tránh tình trạng kiệt sức. Giáo viên cần học cách nói “không” với những yêu cầu không cần thiết và dành thời gian cho bản thân. Theo nghiên cứu, giáo viên thường làm việc thêm vào buổi tối hoặc cuối tuần, điều này dẫn đến một sự mất cân bằng trong cuộc sống. Một giáo viên có thể quyết định không kiểm tra email sau giờ làm việc hoặc dành cuối tuần để tham gia các hoạt động thư giãn.

Việc thiết lập ranh giới rõ ràng không chỉ giúp giáo viên có thời gian cho bản thân mà còn tạo ra một khoảng không gian cần thiết để tái tạo năng lượng. Thông điệp là: Hãy biết đặt ra những giới hạn; sức khỏe của bạn quan trọng hơn mọi thứ khác.

Có thể thấy rằng, việc ưu tiên sức khỏe tinh thần cho giáo viên là rất quan trọng để xây dựng một môi trường học tập tích cực và hiệu quả. Giáo viên và nhân viên trường học không chỉ đơn thuần là người truyền đạt kiến thức mà còn ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống cũng như sự phát triển của học sinh.

Do đó, đảm bảo rằng họ thực hiện các biện pháp tích cực để chăm sóc sức khỏe tinh thần của mình phải là ưu tiên hàng đầu trong công tác xây dựng trường học hạnh phúc trong bối cảnh hiện nay.

Tài liệu tham khảo

  1. American Federation of Teachers. (2017). Educator Quality of Work Life Survey. 
  2. U.S. Bureau of Labor Statistics. (2023). Occupational Outlook Handbook: Teachers. 
  3. Chang, M. (2009). An appraisal perspective of teacher burnout: Examining the emotional work of teachers. Educational Psychology Review, 21, pp. 193-218.
  4. PAR, Inc. (2024, May 17). Prioritizing teachers’ mental health. PAR, Inc. https://www.parinc.com/learning-center/par-blog/detail/content-hub/2024/05/17/prioritizing-teachers’-mental-health

Biên tập: Yến Thanh

Để lại một bình luận