Khủng hoảng căn tính: Từ hoài nghi đến tự tin

Nguồn ảnh: unsplash                                                                                                                                         Biên tập: Nguyễn Thảo

Bạn đã từng nghe hoặc đọc đâu đó trên báo đài rằng có những người đang ở đỉnh cao danh vọng đã từ bỏ sự nghiệp mà nhiều người mơ ước để bắt đầu một một công việc rất bình thường như làm nông nghiệp, trồng cây, bán rau hay đi thiện nguyện hoặc tham gia các khóa thiền…để hiểu về chính mình. Đây có thể được xem là một biểu hiện của khủng hoảng căn tính.

 Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ, căn tính là cảm giác nhất quán, liên tục rằng con người của ngày hôm nay chính là con người của ngày hôm qua mặc dù dáng vẻ và những yếu tố khác có thể đã có sự thay đổi. Cảm nhận như vậy bắt nguồn từ ý thức về cảm giác thân thể của một người, vẻ bề ngoài của người đó và ý thức rằng ký ức, mục tiêu, giá trị, kỳ vọng và niềm tin của người đó thuộc về chính họ [1]. Carl Roger – một nhà tâm lý học thuộc trường phái nhân bản đã dùng khái niệm sự đồng nhất (congruence) [2] để thể hiện cảm giác nhất quán này, đó là sự nhất quán giữa nội tâm và biểu hiện bên ngoài, giữa giá trị mà bố mẹ, xã hội đưa cho và những giá trị của riêng mỗi cá nhân. Nếu những giá trị này mâu thuẫn thì sẽ dẫn đến khủng hoảng căn tính.

Theo Erikson – nhà tâm lý học phát triển thì ông cho rằng giai đoạn vị thành niên (13-19 tuổi) là giai đoạn mà chúng ta bắt đầu xung đột giữa căn tính (identity) và lẫn lộn vai trò (role confusion) [3]. Nếu chúng ta giải quyết xung đột thành công thì sẽ dẫn đến căn tính đạt thành (identity achievement) và là tiền đề để giải quyết những xung đột ở các giai đoạn sau nếu không giải quyết được thì chúng ta sẽ tiếp tục trì trệ. Và căn tính là một chủ đề xuyên suốt trong mỗi cuộc đời một con người, nhất là mỗi khi chúng ta trải qua những biến cố lớn trong đời như mất việc, bị bệnh nặng, hoặc ly hôn…Đó có thể là những lúc ta cần đặt lại những câu hỏi: “Tôi là ai?”, “Tôi sống để làm gì?”, “Tôi có đang thực sự hạnh phúc không?” vv…

Khủng hoảng căn tính xảy ra khiến chúng ta nghi ngờ về chính mình và luôn có sự xung đột diễn ra bên trong con người mình. Chúng ta sẽ tự hỏi về giá trị và năng lực của bản thân, luôn cảm thấy không tự tin về khả năng cũng như định hướng của mình.

Tiếp đó là cảm thấy mơ hồ và không chắc chắn: Chúng ta thể gặp khó khăn trong việc quyết định và lựa chọn, do không biết rõ mình là ai và mục tiêu cuộc sống của mình là gì nên không biết phải đưa ra lựa chọn thế nào, không chỉ trong công việc mà còn trong các mối quan hệ thân mật. Ngoài ra khủng hoảng căn tính có thể khiến ta xung đột với giá trị xã hội, giá trị của gia đình trao truyền dẫn đến sự bất đồng và hoài nghi về bản thân. Chẳng hạn trong một xã hội hoặc gia đình bảo thủ, có quan niệm cứng nhắc về hôn nhân và tình dục, thì sẽ khó ủng hộ các thành viên trong gia đình hoặc xã hội ấy đi ngược lại các nguyên tắc truyền thống đã dặt ra như không kết hôn, không sinh con hoặc có mối quan hệ đồng giới…Nếu các cá nhân đi theo căn tính giới hoặc giá trị sống mà họ muốn theo đuổi thì sẽ mâu thuẫn, thậm chí xung đột với gia đình và xã hội, họ sẽ bị coi là các thành viên vi phạm tiêu chuẩn và nguyên tắc chung. Những thành viên bất tuân có thể phải nhận phê phán, phản đối thậm chí là sự cô lập từ những thành viên khác. Việc này có thể dẫn đến những mâu thuẫn và khủng hoảng trong nội tâm của cá nhân đó bởi vì họ khác biệt so với số đông. 

Nhưng mâu thuẫn hay khủng hoảng diễn ra quá lâu sẽ khiến chúng ta mất cân bằng cảm xúc và có thể ảnh hưởng tới sức khỏe thể chất cũng như tinh thần ví dụ như dễ bị các bệnh liên quan đến tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ, hệ miễn dịch kém, tâm trạng dễ thay đổi từ hưng phấn, tự tin đến sự buồn rầu và lo lắng trong thời gian ngắn, hay chúng ta khó khó kiểm soát cảm xúc có thể thấy nổi giận, thất vọng, hoặc cảm thấy mất phương hướng. Chúng ta cũng có thể nhạy cảm hơn đối với ý kiến và phản hồi từ người khác, và có thể dễ bị ảnh hưởng bởi những tình huống xung đột hoặc căng thẳng.

Khủng hoảng căn tính còn ảnh hưởng đến quan hệ xã hội và học tập của ta, nó tạo ra xung đột trong quan hệ với bạn bè, gia đình, làm ta mất đi sự tự tin và gắn kết vốn có. Sự không chắc chắn về bản thân có thể ảnh hưởng đến hiệu suất học tập và sự cam kết trong việc hoàn thành nhiệm vụ học tập.

 Vậy làm sao để chúng ta vượt qua sự nghi ngờ về bản thân và lấy lại được sự tự tin trong mình khi khủng hoảng xảy ra?

Đầu tiên và quan trọng nhất, chúng ta cần tự nhìn nhận và chấp nhận khủng hoảng căn tính là một phần tự nhiên của quá trình phát triển và tìm kiếm bản thân. Chúng ta không nên tự trách mình hay cảm thấy bất an vì những thay đổi và sự mất phương hướng trong cuộc sống. Nếu không có khủng hoảng căn tính  nhiều cá nhân sẽ không thể hình hành sự độc lập, tách khỏi người khác hay nâng cao nhận thức về bản thân mình và thế giới, như trong trường hợp những bạn chưa khám phá mà đã ra quyết định về căn tính, rơi vào trạng thái căn tính nhận sẵn [Identity foreclosure]. Chẳng hạn như bạn sinh ra trong một gia đình có truyền thống làm giáo viên, bác sỹ và từ nhỏ đã được gia đình định hướng cho làm những ngành này mà chưa có cơ hội để khám phá thêm về ngành nghề khác, có thể khi lớn lên bạn thấy mình không thực sự yêu thích những công việc này nhưng cũng không dám bỏ vì sợ sự phản đối của gia đình, hay cũng không biết thực sự mình muốn làm nghề gì vì mình chưa có cơ hội khám phá những công việc khác. Khủng hoảng diễn ra là cơ hội để ta nhìn nhận lại chính mình để có được sự độc lập, tự chủ trong mọi việc ta làm. 

Thứ hai là dù chúng ta đang trong giai đoạn nào của quá trình hình thành căn tính thì luôn mang một tâm thế chủ động bước ra thế giới để khám phá, cho phép mình trải nghiệm nhiều hơn để kết nối sâu sắc hơn với thế giới. Hãy dám thử, sai và chịu trách nhiệm. Chủ động trong việc chịu trách nhiệm là một phần của căn tính và thể hiện sự trưởng thành.

Thứ ba là hãy tìm kiếm sự hỗ trợ và tham vấn, có thể tìm sự giúp đỡ từ gia đình, bạn bè, người thân và các chuyên gia tâm lý. Họ có thể cung cấp sự khích lệ, lắng nghe và hỗ trợ trong việc xác định lại bản thân, tìm ra các giải pháp và đưa ra quyết định.

Cuối cùng, xây dựng sự tự tin và lòng yêu thương bản thân. Tin tưởng vào khả năng của chính mình, lắng nghe và cảm nhận những cảm xúc bên trong của bạn, đặt câu hỏi và tự phản tư chính những cảm xúc và suy nghĩ của mình. Việc lắng nghe và phản tư cũng là những kỹ năng cần thiết để giúp bạn thành công trong việc đi tìm căn tính của chính mình.

Bạn hãy nhớ rằng vượt qua khủng hoảng căn tính là một hành trình cá nhân và có thể mất nhiều thời gian. Đôi khi khủng hoảng sẽ lặp lại chứ không phải tìm kiếm một lần là xong. Nên bạn hãy kiên nhẫn, bao dung với chính mình và nhớ rằng thực sự đáng giá khi dành thời gian, công sức để tìm ra con người chân thật và đáng tự hào của bản thân bạn.

 Nguồn tham khảo

 

1, https://dictionary.apa.org/identity

2, https://dictionary.apa.org/congruence

3,https://www.verywellmind.com/erik-eriksons-stages-of-psychosocial-development-2795740

Trả lời