[Hiệu ứng Zeigarnik] – Những công việc dang dở
Biên tập: Thu Hiền
Đã bao giờ bạn bắt đầu một công việc và luôn muốn hoàn thành nó trước khi bạn chuyển sang một công việc khác? Hay tại sao khi chơi game bạn luôn muốn chơi cho đến khi dành chiến thắng? Điều gì đã xảy ra với bạn? Và liệu bạn có biết tại sao các nhà làm phim luôn dừng các tập phim ở những đoạn quan trọng?
Tất cả những điều này có thể được giải thích bằng hiệu ứng Zeigarnik – đề cập đến việc bộ não của chúng ta ghi nhớ tốt hơn những sự việc chưa hoàn thành so với các sự việc đã hoàn thành. Như vậy, kết thúc một tập phim ngay giữa lúc “gay cấn” sẽ khiến người xem trở nên tò mò hơn và kết quả là họ sẽ ghi nhớ để đón xem nó vào tuần tiếp theo.
Nhà tâm lý học người Nga Zeigarnik đã quan sát thấy ảnh hưởng của sự gián đoạn đối với quá trình xử lý trí nhớ năm 1927. Trước đó giáo sư của bà là Lewin đã lưu ý về việc những người phục vụ trong một nhà hàng ghi nhớ chi tiết của những hoá đơn chưa thanh toán tốt hơn là của những hoá đơn đã thanh toán trong lần đi ăn ở một nhà hàng ở Berlin. Để kiểm chứng giả thuyết này trong môi trường thử nghiệm, Zeigarnik đã tiến hành một loạt những thí nghiệm và công bố phát hiện trong luận án của mình. Zeigarnik yêu cầu những người tham gia làm các công việc riêng biệt khác nhau. Một nửa số nhiệm vụ đưa ra được phép hoàn thành trong khi một nửa số nhiệm vụ còn lại bị gián đoạn tại thời điểm người tham gia hăng say nhất với công việc (MacLeod, 2020). Các nghiên cứu ban đầu đã xác nhận giả thuyết của bà. Zeigarnik nhận thấy rằng những người tham gia thí nghiệm có xu hướng nhớ một nhiệm vụ hơn khi nó bị gián đoạn vào thời điểm sắp được hoàn thành, so với những nghiệm vụ đã được hoàn thành. Và những người có tham vọng hoàn thành một nhiệm vụ cao hơn cho thấy khả năng ghi nhớ những nhiệm vụ dang dở tốt hơn so với những người mà tham vọng của họ ở mức độ trung bình..
Hiệu ứng Zeigarnik đã hé mở rất nhiều về cách thức hoạt động của trí nhớ. Một khi thông tin được nhận thức, nó thường được lưu trữ trong trí nhớ giác quan trong một thời gian ngắn, khi chúng ta chú ý đến, thông tin sẽ được chuyển vào trí nhớ ngắn hạn. Những ký ức này nếu tiếp tục được củng cố lặp đi lặp lại sẽ được chuyển sang trí nhớ dài hạn.
Zeigarnik cho rằng việc không hoàn thành nhiệm vụ sẽ tạo ra căng thẳng nhận thức tiềm ẩn (underlying cognitive tension). Điều này dẫn đến những nỗ lực tinh thần (mental effort) và sự tập dượt (rehearsal) để đảm bảo luôn giữ được ý thức về nhiệm vụ đó. Tâm trí chỉ có thể buông bỏ những nỗ lực này sau khi hoàn thành nhiệm vụ .
Tuy nhiên, nhiều nhà tâm lý học đã chỉ trích khả năng nhân rộng của hiệu ứng Zeigarnik và tuyên bố rằng không có một khuôn mẫu chung nào về việc mọi người nhớ những việc chưa hoàn thành hơn là những việc đã hoàn thành, do có rất ít nhà nghiên cứu có thể tái lặp những phát hiện của Zeigarnik. Hovland (1951) cũng cho rằng những kết quả khác nhau đáng kể phụ thuộc vào sự khác biệt cá nhân. Còn theo Atkinson (1953), những người tiếp cận các nhiệm vụ với động lực hoàn thành chúng cao hơn sẽ chịu những ảnh hưởng tâm lý nhiều hơn bởi những công việc đang bị dang dở, và vì vậy sẽ có nhiều khả năng ghi nhớ chúng hơn. Ngược lại, nếu một người có động lực thấp hơn hơn, thì tình trạng không hoàn thành của một nhiệm vụ sẽ ít được quan tâm hơn và vì vậy họ cũng không nhớ nhiều đến những thứ này.
Bất chấp những bằng chứng không ủng hộ các phát hiện, hiệu ứng Zeigarnik vẫn là một chủ đề được nghiên cứu và bàn luận rộng rãi. Thậm chí bạn cũng có thể xem xét vận dụng hiệu ứng này vào cuộc sống hàng ngày của mình.
Ví dụ như bạn có thể áp dụng hiệu ứng Zeigarnik để vượt qua sự trì hoãn, thông thường chúng ta thường trì hoãn các nhiệm vụ hoặc bài tập cho đến giây phút cuối cùng và điên cuồng thực hiện chúng để kịp thời hạn, điều này không chỉ gây ra sự căng thẳng mà còn có thể làm giảm hiệu suất và kết quả của nhiệm vụ. Để khắc phục sự trì hoàn hãy từng bước bắt tay vào công việc, dù là những bước nhỏ nhất sau đó bạn sẽ thấy rằng mình nghĩ về nhiệm vụ đến khi hoàn thành. Mỗi bước nhỏ bạn thực hiện sẽ đưa bạn đến gần hơn với mục tiêu cuối cùng của mình.
Nguồn tham khảo:
Atkinson, J.W. (1953). The achievement motive and recall of interrupted and completed tasks. Journal of Experimental Psychology. 46(6). 381-390
MacLeod, C.M. (2020). Zeigarnik and von Restorff: The memory effects and the stories behind them. Memory & Cognition, 48(6), 1073–1088. https://doi.org/10.3758/s13421-020-01033-5
SimplyPsychology. (2021). What Is the Zeigarnik Effect? Definition and Examples. Truy cập 9/10/2022 từ https://www.simplypsychology.org/zeigarnik-effect.html
The Zeigarnik Effect Explained. Truy cập từ 9/10/2022 từ https://www.psychologistworld.com/memory/zeigarnik-effect-interruptions-memory#references
Verywell Heath. (2021). An Overview of the Zeigarnik Effect and Memory. Truy cập 9/10/2022 từ https://www.verywellmind.com/zeigarnik-effect-memory-overview-4175150#:~:text=There%20is%20a%20reason%20why,unfinished%20tasks%20than%20completed%20ones
—-
Nếu bạn muốn đóng góp ý kiến cho bài viết hoặc có câu chuyện liên quan muốn chia sẻ, đừng ngần ngại inbox trực tiếp cho chúng mình nhé. Và nếu bạn đang gặp những vướng mắc trong cuộc sống, chương trình “Giúp mình hiểu mình” của PsyMe cũng sẽ sẵn sàng đồng hành cùng bạn!
Link đăng kí: https://forms.gle/z8iPXvBPHBw7pRQH6
—-
Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
? Phone: 0988783003
? Email: psyme2021@gmail.com
? Website: https://psyme.org/
?Fanpage: https://www.facebook.com/Psyme2021