Bạn có từng “Nhìn mặt mà bắt hình dong”?
Biên tập: Anh Thư
“Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, liệu đây có phải là sự thật?
Trong bộ phim “Catch Me If You Can” (2002), một đoạn đối thoại ở đầu phim giữa cha con nhà Frank Abagnale:
Frank Abagnale Sr: “ Con biết tại sao Yankees luôn thắng không, Frank?”
Frank Abagnale, Jr: “Vì họ có Mickey Mantle?”
Frank Abagnale Sr: “Không, đó là vì các đội khác không thể ngừng nhìn chằm chằm vào những chiếc băng đô chết tiệt đó.” (Stephanie, 2022)
Nếu bạn đã theo dõi hết bộ phim thì sẽ thấy đoạn đối thoại này như một sự gợi ý và một báo hiệu cho cách mà nhân vật chính hành động trong suốt bộ phim. Một phần quan trọng trong các thành công của anh là nhờ vào trang phục: Bộ trang phục chỉn chu cùng bộ óc thông minh khéo léo, anh đã tài tình qua mặt được rất người và thực hiện thành nhiều phi vụ lừa đảo của mình.
Vấn đề đặt ra là: Tại sao những người trong phim, hay nói đúng hơn là chúng ta, lại dễ dàng bị đánh lừa bởi vẻ bề ngoài như vậy?
Để tìm hiểu vấn đề đó, chúng ta hãy cùng đến với một hiệu ứng tâm lý mà có thể các bạn đã từng nghe qua: “Hiệu ứng hào quang”. Vậy hiệu ứng hào quang là gì? Nó có tác động thế nào đến cách mà chúng ta nhìn nhận mọi thứ và cách mà chúng ta đánh giá, xem xét vấn đề? Hãy cùng Psyme tìm hiểu về hiệu ứng tâm lý thú vị này nhé!
Hiệu ứng hào quang là gì?
- Từ điển ngôn ngữ
Theo từ điển Cambridge, Hiệu ứng hào quang (Halo effect) được định nghĩa như sau:
“The positive opinion that someone has of a person, product, company, etc. as a whole, which is based on an earlier opinion of one particular quality or feature:
The aim is to capitalize on the halo effect of core products, by which consumers are willing to try something new if it is offered under a brand they already like.”
Dịch nghĩa:
Ý kiến tích cực mà ai đó có về một người, sản phẩm, công ty, v.v. nói chung, dựa trên ý kiến trước đó về một chất lượng hoặc tính năng cụ thể. Mục đích là tận dụng hiệu ứng hào quang của các sản phẩm cốt lõi, nhờ đó người tiêu dùng sẵn sàng thử một cái gì đó mới nếu nó được cung cấp dưới một thương hiệu mà họ đã thích.
- Tài liệu sách
Trong quyển sách “Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy”, chương 5 – Hiệu ứng hào quang, tác giả David McRaney có đề cập đến định nghĩa do nhà tâm lý học Edward L. Thorndike về hiệu ứng hào quang:
“Thorndike gọi hiện tượng này là ‘vầng hào quang của một phẩm chất chung chung’. Ông đã đưa ra nhận xét: Khi một người được cho là giỏi một kỹ năng đáng khao khát, đặc điểm đó sẽ ảnh hưởng lên đánh giá về các mặt khác của người này. Theo như Thorndike viết, vấn đề nằm ở chỗ đây là một sai lầm. Những đặc điểm khác đã bị làm sai lệch bởi thứ mà về sau, trong ngành tâm lý học, người ta gọi là hiệu ứng hào quang. “
(McRaney, 2017, tr. 109)
- Bài báo khoa học
“She just doesn’t look like a philosopher…? Affective influences on the halo effect in impression formation”
Tác giả: Joseph P. Forgas
“Halo effects refer to the widespread human tendency to make unwarranted inferences about a person’s unknown characteristics on the basis of known but often irrelevant information.
It seems as if known traits radiate a ‘halo’ influencing how other unrelated qualities are perceived. Halo effects differ from stereotype effects in that, in the case of halo effects, it is a person’s unique traits or characteristics that give rise to unwarranted inferences (Forgas & Laham, 2009). In contrast, stereotype effects occur because the generalized characteristics of a group are applied to an individual associated with that group.” (Joseph, 2011, tr. 812)
Dịch nghĩa:
Hiệu ứng hào quang đề cập đến xu hướng phổ biến của con người là đưa ra những suy luận không có cơ sở về các đặc điểm chưa biết của một người trên cơ sở thông tin đã biết nhưng thường không liên quan.
Có vẻ như những đặc điểm đã biết sẽ tỏa ra một ‘vầng hào quang’ ảnh hưởng đến cách nhìn nhận những phẩm chất không liên quan khác. Hiệu ứng hào quang khác với hiệu ứng rập khuôn (stereotype effect) ở chỗ, trong trường hợp hiệu ứng hào quang, đó là những đặc điểm hoặc đặc điểm riêng biệt của một người dẫn đến những suy luận không có cơ sở (Forgas & Laham, 2009). Ngược lại, hiệu ứng khuôn mẫu xảy ra bởi vì các đặc điểm tổng quát của một nhóm được áp dụng cho một cá nhân liên kết với nhóm đó.
- Web5ngay
Bên cạnh những định nghĩa trên, có một định nghĩa mà tôi cảm thấy gần gũi và dễ hình dung hơn cho mọi người, định nghĩa này được trích từ một video của kênh giáo dục Web5ngay. Trong đó, tác giả mô tả hiệu ứng hào quang như sau:
Một vật A có hào quang đặt cạnh một vật B thì chúng ta sẽ thấy vật B có hào quang. (Web5ngay, 2022)
Vật A và vật B ở đây, có thể hiểu là những sự vật, đặc điểm, hoặc các đặc điểm khác nhau trên cùng một chủ thể. Ví dụ: Trang phục của một người và tính cách của người đó
Cho trang phục của họ là “Vật A” và là vật có hào quang – họ mặc một bộ trang phục đẹp, chỉn chu hoặc đắt đỏ, lịch sự. Khi nhìn vào trang phục chúng ta sẽ có ấn tượng họ là một người sở hữu tính cách đáng tin cậy, tính cách ở đây chính là “Vật B”, vật được hưởng hào quang từ bộ trang phục đó.
Dù cho giữa việc một người trang phục lịch sự và việc họ có đáng tin hay không không mấy liên quan đến nhau.
Các nghiên cứu về vẻ đẹp và Hiệu ứng hào quang
Năm 1972, Karen Dion, Ellen Berscheid và Elaine Walster đã thực hiện một nghiên cứu như sau:
Họ gửi cho các khách thể tham gia đối tượng nghiên cứu 3 phong bì, trong mỗi phong bì chứa một bức ảnh mà các nhà khoa học đã đánh giá mức độ hấp dẫn của người trong ảnh (từ rất xinh đẹp – trung bình – không được hấp dẫn lắm). Khách thể tham gia nghiên cứu sẽ Các đối tượng sẽ quan sátnhìn từng bức ảnh của 3 người này ảnhnhững người rồi đánh giá 27 đặc điểm trên thang điểm 6. Tiếp theo, họ các đối tượng được yêu cầuphải đặt những bức ảnh cạnh nhau và đánh giá xem ai trong số 3 người này có khả năng biểu hiện từng đặc điểm một cách mạnh mẽ nhất thể hiện mạnh nhất trên từng đặc điểm. Các đặc điểm này vô cùng đa dạng như: tính vị tha, độ kiên định, mức độ hạnh phúc,…
Kết quả cho thấy trong mọi giai đoạn của cuộc thí nghiệm, khi không có thông tin để dựa vào, người ta thường cho rằng những người có bề ngoài hấp dẫn thường sở hữu những đặc điểm tốt nhất, vượt trội hơn những người kém hấp dẫn hơn. (McRaney, 2017, tr. 115-116)
Theo như nhận định của nhóm nghiên cứu, hiệu ứng hào quang gây ra xu hướng áp đặt điểm hấp dẫn ngoại hình lên mọi khía cạnh của một người, và nó có thể dẫn đến hai vấn đề:
– Thứ nhất, một người có ngoại hình đẹp không chỉ có lợi thế từ vẻ ngoài, mà còn được đối xử như thể họ sở hữu hàng loạt những đặc điểm tốt đẹp khác, và điều này mang đến cho họ càng nhiều lợi ích.
– Thứ hai, sau hàng năm trời với quá nhiều đặc quyền như vậy, những người có ngoại hình tốt này sẽ có xu hướng tin và hành xử như thể họ thật sự sở hữu những tính cách tốt đẹp mà những người xung quanh gán cho họ. Họ sẽ tin rằng mình cũng tốt bụng, thông minh và cũng sở hữu tất tần tật mọi tính cách khác mà hiệu ứng hào quang tạo nên trong mắt những người xung quanh – bất kể điều này có thật hay không. (McRaney, 2017, tr. 116-117).
Bạn thấy đó, đây là một dạng tác động hai chiều, bạn sở hữu một vẻ ngoài đẹp, người ta sẽ kỳ vọng bạn có những tính cách tốt và đối xử với bạn như thể bạn có những tính cách đó. Và rồi, một thời gian, bạn cũng sẽ sống như những tính cách đã được kỳ vọng kia. Đây không chỉ là về hiệu ứng hào quang mà còn là sức mạnh của sự kỳ vọng xã hội dành cho một người và sự thay đổi của người đó để đáp ứng lại kỳ vọng của xã hội.
Vậy chúng ta có thể làm gì với hiệu ứng hào quang?
Bạn đã biết tại sao vẻ bề ngoài lại quan trọng, khi bạn có một vẻ ngoài ưa nhìn người ta sẽ dễ có ấn tượng rằng bạn sở hữu nhiều đức tính tốt. Vậy nên có một số điều bạn có thể ứng dụng trong cuộc sống của mình để mọi chuyện suôn sẻ hơn nhờ hiệu ứng hào quang.
- Chỉn chu vẻ ngoài
Trong một lần tham gia lớp học dự thính, thầy có nói với chúng tôi một câu thế này: “Đôi khi, có những việc các em thất bại là do vẻ ngoài của các em thôi”.
Một vẻ ngoài lịch sự chỉn chu hoặc ưa nhìn đem lại những lợi ích cần thiết cho cuộc sống của chúng ta.
Bạn có thể bắt đầu từ trang phục, phụ kiện (những thứ bạn khoác lên người). Lựa chọn những trang phục phù hợp với mục tiêu sử dụng (đi phỏng vấn, đi làm, đi dự tiệc,…), tìm hiểu về những kiểu phối đồ, trang phục phù hợp với bản thân và tính chất công việc để có thể đạt được hiệu quả tốt hơn, hoặc vì chỉ muốn được đối xử công bằng hơn, xem trọng hơn,…
Chăm sóc cho vẻ ngoài cũng là một cách yêu thương bản thân. Bạn có tính cách tốt, năng lực tốt, vậy hãy tạo cơ hội cho người khác có thể thấy được những điều tốt đẹp đó ở bạn.
- Nâng cao khả năng của bản thân
Làm những việc bạn có khả năng làm tốt và nâng cao khả năng làm việc của bản thân là cách để tạo ra hiệu ứng hào quang cho mình. Như Thorndike nhận xét, khi bạn sở hữu một kỹ năng đáng khao khát, điều đó sẽ ám màu lên những khía cạnh khác của bạn (McRaney, 2017, tr. 109). Người khác có thể đánh giá bạn cao hơn ở những khía cạnh khác khi bạn giỏi trong một lĩnh vực hoặc có một khả năng “đáng khao khát” nhất định. Bạn không cần thiết ép bản thân trở thành một con người hoàn hảo để được đánh giá tốt một cách toàn diện, chỉ cần bạn giỏi thứ mà bạn chọn làm (tất nhiên đó hãy là việc hợp pháp và tạo ra giá trị cho bản thân cũng như xã hội) vậy là đủ để người ta có một cái nhìn tổng thể tốt về bạn.
Cũng thế, bên cạnh việc nâng cao năng lực chuyên môn của bản thân, bạn cũng hãy cố gắng nghiêm túc trong những việc bạn được giao hoặc những việc bạn cần làm. Những điểm tốt nho nhỏ như vậy có thể đưa đến một hình ảnh đẹp trong mắt người khác và điều đó sẽ có lợi hơn cho bạn trong công việc cũng như cuộc.
- Cẩn trọng với lời nói và hành vi của bản thân
“Hào quang” ở đây không phải chỉ nói đến điều tốt, có trường hợp ngược lại, nếu như bạn vô tình hoặc làm những hành động gây ra ấn tượng xấu, đặc biệt là ấn tượng ban đầu với người khác thì có thể bạn sẽ mất một khoảng thời gian chỉ để chứng minh hành vi đó không phản ánh đúng về bạn.
Có thể bạn nghĩ chuyện đó không quan trọng, bạn không bận tâm, sẽ tốt thôi nếu trong thâm tâm bạn thật sự không quan tâm người khác nghĩ gì và suy nghĩ đó sẽ ảnh hưởng thế nào đến bạn. Suy nghĩ thôi thì chưa là gì cả, nhưng mà nó sẽ chi phối toàn bộ những hành động, hành vi và cảm xúc của một người.
Nếu trong công việc bạn tạo ra ấn tượng mình là một người không đáng tin cậy, cấp trên của bạn sẽ không dám giao hoặc chia sẻ với bạn những chuyện quan trọng và hậu quả dễ thấy nhất là bạn sẽ khó thăng tiến trong công việc.
Hãy cân nhắc và chỉn chu cả trong những việc nhỏ nhất, trong hành vi và lời nói của mình.
Hiệu ứng hào quang, những trò lừa đảo và cách phòng ngừa
Trên tin tức, thời sự và những sự việc lừa đảo xung quanh mà bạn có thể đã từng nhìn thấy, bắt gặp hoặc trải qua, trong số đó có một dạng lừa đảo là sử dụng vẻ ngoài đẹp, ăn mặc lịch sự, chỉn chu, thể hiện những tác phong chuyên nghiệp, tử tế (đôi khi là “bề trên”) để có được lòng tin của người bị hại rồi sử dụng thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản (hoặc gây ra bất cứ một tổn thất nào nhằm mục đích trục lợi cá nhân).
Giả mạo các thương hiệu nổi tiếng
Giả mạo người có thẩm quyền, chức vụ
Giả mạo là một nhà đầu tư, doanh nhân
…..
Những vụ lợi dụng vẻ bề ngoài (chức vụ, thương hiệu,…) để lừa đảo như vậy xảy ra nhan nhản. Vậy chúng ta có thể phòng tránh như thế nào?
Khi đánh giá khả năng của một ai đó, hãy cố gắng giữ cho các đặc điểm mà bạn quan tâm tách biệt khỏi diện mạo, phong thái hay danh tiếng của họ. Hãy làm sao để người đó vô danh trong vòng đánh giá cuối cùng, rồi chấm điểm cho từng khía cạnh một cách độc lập. Nếu phải so sánh hai người, đừng so sánh toàn bộ con người họ. Thay vào đó, hãy so sánh trên từng mặt một. Hãy tạm che đi họ tên và ảnh chân dung, rồi tiến hành định lượng hóa và so sánh. Bạn càng phân tách được những thành tích, kỹ năng hay phẩm chất chi tiết đến chừng nào, thì những thứ này càng ít khả năng ảnh hưởng lên cái nhìn toàn cảnh. Bạn không thể chống lại hiệu ứng hào quang một cách hoàn toàn, nhưng có kiến thức về nó có thể giúp bạn bớt ngu ngơ. (McRaney, 2017, tr. 128-129)
Hãy trang bị cho bản thân những thông tin cần thiết bảo vệ mình trước những chiêu trò lừa đảo (xem thời sự, những chương trình cảnh giác,…). Bên cạnh đó, bạn cần cho mình khoảng thời gian suy nghĩ (yên tĩnh, không bị làm phiền hoặc chi phối bởi người khác), cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. Trong khoảng thời gian suy nghĩ này, người biết nên tránh tiếp xúc nhất chính là người (những người) đưa ra “đề nghị” với bạn, vì họ có thể tìm nhiều cách chi phối quyết định của bạn để bạn quyết định theo ý muốn của họ. Điều tra kỹ lưỡng những điều có thể, ví dụ như: giấy tờ, giấy phép,…những cách thức để xác minh đó là người hoặc tổ chức đáng tin cậy, trong trường hợp tuyển dụng trên mạng xã hội như Facebook hãy xác nhận xem trang đăng thông tin tuyển dụng và người đăng có uy tín hay không (có trường hợp những hội nhóm, trang web mượn tên những thương hiệu như Co.op, Galaxy,…đăng tin tuyển dụng để lừa đảo người dân),…
Đặc biệt, hãy phân biệt những gì một người nói với bạn và sự thật. Trong những lĩnh vực mà chúng ta không biết hoặc không rõ, chúng ta có xu hướng tiếp nhận những thông tin do người khác nói về lĩnh vực đó một cách dễ dàng mà không thông qua sự kiểm chứng hoặc nghi ngờ. Không phải tất cả những gì một người nói với bạn đều là sự thật, nhưng nếu như họ đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho những gì họ nói, những thông tin đó khả năng rất cao đều có mục đích. Vậy, mục đích họ nói với bạn những điều đó là gì?
Lời kết
Hiệu ứng hào quang xuất hiện xung quanh chúng ta rất nhiều. Có người sử dụng nó để hỗ trợ bản thân trong công việc và cuộc sống, cũng có người sử dụng với mục đích trục lợi, lừa đảo,… Những ví dụ minh họa, những ứng dụng và sự nhắc nhở chỉ là một phần nhỏ dựa trên kiến thức và trải nghiệm của người viết, bạn có thể bổ sung thêm vào những mục đó dựa vào kinh nghiệm và kiến thức của bản thân để đầy đủ, hữu ích và phù hợp với bạn. Bài viết với mục đích chia sẻ, gợi ý cho bạn những hiệu ứng tâm lý gần gũi xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Chủ đề và nội dung bài viết lấy ý tưởng từ quyển sách “Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy” của tác giả David McRaney, do NXB Thế Giới xuất bản năm 2017.
Bên cạnh đó, như bài viết đưa ra, vẻ ngoài có ảnh hưởng quan trọng đến cuộc sống của mỗi người, tuy nhiên điều cốt lõi vẫn là tính cách nội tâm của bạn. Một vẻ ngoài đẹp có thể thu hút được ánh nhìn và sự chú ý, nhưng một tâm hồn đẹp mới là thứ giúp cho mối quan hệ lâu dài và lành mạnh. Chúc bạn, dù là vẻ ngoài hay tâm hồn, đều chỉn chu và đẹp đẽ.
Tài liệu tham khảo:
- McRaney, D. (2017). Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy. (Voldy dịch). Hà Nội: Thế Giới.
- Forgas, J.P. (2011). She just doesn’t look like a philosopher…? Affective influences on the halo effect in impression formation. European Journal of Social Psychology, 41(7). Truy xuất từ https://vi.booksc.org/book/1302919/d78786
- Web5ngay. 2022, ngày 19 tháng 3. 5 động lực tự học để thành công – Web5ngay [Video]. Youtube.
- Halo effect. (n.d). Trong từ điển Cambridge trực tuyến. Truy xuất từ
https://dictionary.cambridge.org/vi/dictionary/english/halo-effect
- Kirby, S. (2022). Catch Me If You Can Quotes For Your Mischievous Side. Everyday Power. Truy xuất từ
https://everydaypower.com/catch-me-if-you-can-quotes/