Giải mã cảm xúc từ góc nhìn của khoa học thần kinh

                                                                                                                                        Biên tập: Nguyễn Thảo

Bấy lâu nay chúng ta vẫn thường nghe nói cảm xúc xuất phát từ trái tim, nhưng nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra là cảm xúc là tương tác giữa não bộ và hệ thống hoạt động sinh lý thần kinh trên cơ thể. Và mối tương tác này khá phức tạp. Bài viết này sẽ giúp bạn khám phá cảm xúc dưới góc nhìn của khoa học thần kinh.

Hệ thần kinh có liên quan mật thiết tới cảm xúc của con người là hệ thống thần kinh tự động (autonomic nervous system) hay còn gọi là hệ thống thần kinh thực vật, chịu trách nhiệm tự động điều hòa các tuyến, nội tạng, mạch máu, đồng tử, tiêu hóa và huyết áp. Hệ thần tự động chia làm ba cấu phần chính:

Cấu phần thứ nhất là hệ thần kinh giao cảm (sympathetic nervous system): có chức năng chiến hay biến, đóng vai trò phản ứng với căng thẳng và kích thích cơ thể.  Khi chúng ta cảm thấy bị đe dọa hoặc căng thẳng thì hệ thống thần kinh này bị kích hoạt, khiến chúng ta căng cứng cơ hàm, đồng tử giãn nở, tim đập nhanh, huyết áp tăng cao để đưa cơ thể vào trạng thái chiến hoặc biến. Khi rơi vào trạng thái chiến thì chúng ta cảm thấy trong người tức tối muốn đấm đá, bắp thịt mỏi và đau, ta dễ nổi nóng, tức giận. Còn khi cơ thể rơi vào trạng thái biến thì ta có cảm giác bị kẹt lại, bứt rứt, khó chịu, có thể khiến ta có cảm xúc lo âu, sợ hãi, hoảng loạn…

Cấu phần thứ hai là hệ thần kinh đối giao cảm (parasympathetic nervous system) bao gồm hai chức năng. Chức năng thứ nhất là làm giảm hoạt động của hệ thần kinh giao cảm, giúp cơ thể ngưng sản sinh những hoocmon gây căng thẳng như cortisol, adrenaline, đưa cơ thể vào trạng thái  nghỉ ngơi hay thư giãn. Khi đó mắt nhỏ lại, tim phổi hoạt động chậm lại, bàng quang co lại.

Chức năng thứ hai liên quan mật thiết tới dây kinh phế vị (vagus nervous) là một trong những dây thần kinh lớn nhất trong cơ thể và cũng là một phần chính của hệ thần kinh đối giao cảm. Dây thần kinh này có hai nhánh là lưng (dorsal) và bụng (ventral). Nhánh lưng sẽ bị kích hoạt khi chúng ta hoảng sợ quá độ, hay bị đe dọa tính mạng, lúc này cơ thể sẽ rơi vào trạng thái đông cứng và tê liệt (freeze + shut down), biểu hiện trên cơ thể sẽ là da tái, lạnh, tim đập chậm nhưng mạnh hơn hoặc hơi thở bị ngắt quãng. Chúng ta có thể cảm thấy bất lực, tê liệt, trầm cảm, thậm chí bị phân ly (dissociation) – là cơ chế phòng vệ mà trong đó các ý tưởng, cảm xúc hoặc ký ức liên quan đến một một trải nghiệm khó khăn, xung đột, hoặc đau đớn được phân tách ra khỏi nhận thức của một người [1].  Về mặt nhận thức chúng ta cảm thấy mắc kẹt, không thoát ra được, cảm giác tuyệt vọng và thậm chí muốn chết. Có một điểm tích cực duy nhất khi cơ thể rơi vào trạng thái này đó là ngưỡng chịu đau tăng lên.

Khi  ta ở trong môi trường an toàn, thì nhánh bụng của dây thần kinh phế vị được kích hoạt làm chúng ta cảm thấy  thư giãn, bình an vững chãi, tin tưởng người khác. Khi ở trong trạng thái này chúng ta dễ dàng học hỏi và kết nối với người khác.

Cấu phần thứ ba là hệ thần kinh tràng vị (Enteric nervous system) cùng với hai hệ thần kinh giao cảm và đối giao cảm kiểm soát hoạt động của hệ tiêu hóa. Những nghiên cứu gần đây cho rằng hệ thần kinh tràng vị được coi là bộ não thứ hai của cơ thể và nó cũng có ảnh hưởng lên sức khỏe tinh thần của chúng ta[2]. Bằng chứng lâm sàng, dịch tễ học và miễn dịch học cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột ảnh hưởng rộng rãi và sâu sắc đến trạng thái tinh thần, điều hòa cảm xúc bởi chúng tạo ra hàng trăm chất hóa học thần kinh mà não sử dụng để điều chỉnh các chức năng sinh lý cũng như các quá trình tinh thần như học tập, trí nhớ và tâm trạng. Ví dụ, có ý kiến cho rằng vi khuẩn (microbiota) trong ruột tạo ra khoảng 90% nguồn cung cấp serotonin cho cơ thể, đây là chất dẫn truyền thần kinh có vai trò quan trọng trong việc điều chỉnh tâm trạng, giấc ngủ, lo lắng, tình dục và sự thèm ăn [3].

Mối liên hệ giữa cảm xúc và hệ thần kinh là một quá trình tác động lẫn nhau. Cảm xúc có thể gây ra các phản ứng sinh lý trong hệ thần kinh. Ngược lại, hệ thần kinh cũng có thể ảnh hưởng đến cảm xúc của chúng ta. Ngoài ra đó còn là sự ảnh hưởng đa chiều và phức tạp giữa não và sinh lý cơ thể bao gồm cả hệ thống nội tiết, miễn dịch, hệ thần kinh và vi sinh vật đường ruột.

Hiểu về những cơ chế sinh lý thần kinh cũng giúp chúng ta hiểu hơn về cảm xúc của mình, đó là sự kết hợp phức tạp và đa dạng của nhiều cơ quan trong cơ thể, ngoài ra còn phụ thuộc vào những kích thích từ môi trường và đánh giá của chúng ta về những kích thích đó. Đôi khi quá trình đó diễn ra một cách tự động nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta.

Vì những lý do như vậy, việc tìm hiểu về cảm xúc dưới cả góc độ tâm lý và sinh lý học thần kinh giúp chúng ta hiểu được nguồn gốc của cảm xúc của mình và từ đó thiết lập những chiến lược điều hòa cảm xúc hiệu quả hơn, mang đến cho chúng ta một cuộc sống hạnh phúc và bình an hơn.

 

 

Tham khảo:

1, https://dictionary.apa.org/dissociation

2, https://www.verywellmind.com/groundbreaking-research-on-the-gut-brain-connection-5225662#citation-1

3, https://www.verywellmind.com/what-is-the-gut-brain-axis-5272028

4, https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3108032/

5, https://equusoma.com/the-ponyvagal-theory-updates-to-the-neuroception-curve/

Trả lời