Điều tôi học được từ giai đoạn trầm cảm của bản thân
“Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trầm cảm là căn bệnh phổ biến nhất trên toàn thế giới và đứng thứ hai trong gánh nặng bệnh lý toàn cầu, chỉ sau bệnh lý mạch vành. Trong báo cáo khoa học mới, WHO cũng chỉ ra cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 đã cản trở đáng kể các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần và làm dấy lên lo ngại về tình trạng gia tăng các ca tự tử. Báo cáo được thực hiện dựa trên tổng hợp nhiều nghiên cứu, xác định rằng chỉ riêng trong năm 2020, số ca mắc hội chứng rối loạn trầm cảm trên thế giới tăng 27,6%.”
Ở thời điểm hiện tại, chắc hẳn căn bệnh trầm cảm đang được nhận thức ngày một rõ ràng hơn với nhiều người. Đó là ở thời điểm hiện tại, còn với tôi của năm 2010 căn bệnh này cản trở cuộc sống của tôi và tôi cũng không biết lúc đó tôi đang bị bệnh.
12 năm trước, khi tôi bắt đầu học lớp 10 – Tôi vẫn còn nhớ những cảm giác hân hoan, hồi hộp của bản thân mình cũng như những quyết tâm cao độ mà mình tự dặn lòng để có thể vươn lên trong những năm cấp 3. Cảm giác này đến thật nhanh và cũng qua thật nhanh chỉ trong vòng học kì đầu tiên. Kết thúc học kì 1 năm lớp 10, tôi cảm thấy có điều gì đó không ổn với bản thân mình.
Tôi nhận ra rằng tôi không cảm thấy nhiều niềm vui như những năm cấp 2, một cảm giác gì đó bồn chồn, mệt mỏi và có phần nào đó trống rỗng. Tôi sẽ dùng từ “ lê bước ” khi nói về một ngày của tôi. Tôi tỉnh dậy trong tiếng chuông báo thức và cũng biết rằng mình chẳng ngủ được mấy, chỉ khoảng 2-3h đồng hồ cho mỗi đêm và khi ngủ cũng mê man, khó chịu, những cơn mộng mị. Tôi đi giữa dòng người trên xe bus nhưng chẳng cảm thấy có một chút hân hoan, hào hứng hay động lực để tới trường. Tôi cũng chẳng thấy mình cần ăn vì tôi chẳng thấy đói. Mỗi lần tôi cố gắng ăn gì lại thấy đồ ăn không ngon và khó nuốt trôi – điều này đã khiến tôi có một cơn đau trong bụng mình, tôi cảm thấy ruột của mình quặn lại đến mức không thể đứng vững và phải ngồi sụp xuống. Đầu tôi trong những ngày đó luôn có những suy nghĩ đánh giá, chỉ trích bản thân về việc mình không thể vui vẻ hay vượt qua tình trạng này. Tình trạng này cứ kéo dài trong khoảng 1 tháng rưỡi.
Điều giúp tôi vượt qua được giai đoạn trầm cảm này phần nào tới từ sự quan tâm, hỏi thăm từ gia đình, bạn bè. Mọi người biết tôi có gì đó không đúng với tôi của ngày xưa, cũng hỏi thăm nhưng tôi cũng không sao giải thích cho người thân của tôi hiểu về tình trạng của tôi vì tôi cũng chẳng rõ mình đang bị gì. Có 2 người bạn rất hoạt náo trong lớp đã tới bắt chuyện, chơi đùa với tôi và tôi cảm thấy nhiều ngày sau đó, bức màn chắn giữa tôi và mọi người trong lớp dần dần được xóa bỏ. Tôi cảm thấy dần dần niềm vui quay trở lại. Có những thời điểm khi tôi đi mua sắm trong siêu thị cùng gia đình hay đi chơi cùng những người bạn cấp 2 lâu ngày không gặp, niềm vui quay trở lại trong tôi gần như ngay lập tức.
Sau này, khi đã chỉ mặt – biết tên về triệu chứng bệnh của bản thân, tôi mới biết điều tôi trải qua được gọi là trầm cảm. Từ đó tôi cũng thu nhận được những kinh nghiệm dành cho bản thân mà tôi muốn chia sẻ cùng các bạn:
Lịch trình sinh hoạt
Có thể bạn sẽ cảm thấy chẳng muốn làm bất cứ việc gì cả khi đang trầm cảm tuy nhiên lời khuyên giữ vững lịch trình sinh hoạt là một lời khuyên có ích với tôi. Một lịch trình sinh hoạt sẽ giúp bạn tối ưu hóa ngày của mình, dù bạn uể oải vẫn có thể đi dạo một chút, chạy bộ một chút, làm những công việc nhà một chút… từ những hoạt động thể chất này, chúng khiến cơ thể chúng ta cảm thấy tốt hơn về mặt thể lý – đồng thời điều này cũng khiến ta cảm thấy tâm trạng phần nào thay đổi.
Các tương tác xã hội
Những cảm giác vui vẻ của tôi trở lại khi dành thời gian giao tiếp, chơi đùa bên gia đình, bạn bè. Vậy nên khi bạn đang có tâm trạng buồn chán, có lẽ bạn có thể nghỉ ngơi, dành thời gian bên người thân, gia đình, đi café, dạo phố, mua sắm… điều này có lẽ phần nào sẽ giúp bạn thay đổi tâm trạng. Nếu bạn tin tưởng một ai đó thân thiết sẽ không đánh giá, phát xét câu chuyện của bạn – bạn có thể cân nhắc chia sẻ phần nào những khó khăn của bản thân, việc trải lòng có thể sẽ giúp bạn vơi bớt tâm trạng nặng nề của bản thân đồng thời nhận được sự chia sẻ ấm áp, nâng đỡ từ người mà bạn chia sẻ cùng.
Chủ động chăm sóc sức khỏe tinh thần
Theo WHO để có một sức khỏe tốt, bạn cần đảm bảo 3 khía cạnh: Sức khỏe thể chất – Sức khỏe tinh thần (tâm lý) – Sức khỏe từ các mối quan hệ xã hội. Khi bạn chăm lo tới sức khỏe tinh thần, bạn có thể làm những điều mà bạn nghĩ rằng mang tới cho bạn những giá trị nâng đỡ, an lành: Nghe một bản nhạc, đọc một cuốn sách, vẽ tranh, nhảy múa, tìm hiểu kiến thức về tâm lý – sức khỏe, làm điều bạn yêu thích… Những điều này phần nào giúp bạn chuẩn bị, có khả năng ứng phó với những biến đổi, áp lực trong cuộc sống xảy ra với bạn.
Nếu vấn đề khó khăn tâm lý của bạn vượt quá mức mà bạn cảm thấy mình có thể tự vượt qua, việc liên hệ tới những nhà chuyên môn, chuyên viên tham vấn tâm lý ở các bệnh viện, trung tâm uy tín là điều nên được cân nhắc. Hy vọng những điều bản thân mình học được từ giai đoạn trầm cảm của bản thân sẽ phần nào hỗ trợ bạn trong hành trang ứng phó với căn bệnh trầm cảm.
– Vi Cường –
————
Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:
Phone: 0988783003
Email: psyme2021@gmail.com
Website: https://psyme.org/
Fanpage: https://www.facebook.com/Psyme2021