Tâm Lý Học Đằng Sau Niềm Tin Vào Thần Số Học, Cung Hoàng Đạo, Tarot và Bói Toán

Dù khoa học đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của đời sống, giải thích và lý giải hàng loạt hiện tượng, niềm tin tâm linh vẫn tồn tại mãnh liệt, thể hiện qua các thực hành như thần số học, cung hoàng đạo, tarot, bói toán,… Điều gì khiến con người, đặc biệt trong thời đại khoa học bùng nổ, vẫn hướng đến những giá trị phi vật thể này?

Tìm Kiếm Ý Nghĩa và Kiểm Soát

Một trong những lý do chính khiến mọi người hấp dẫn với các thực hành tâm linh là nhu cầu tìm kiếm ý nghĩa và sự an toàn trong một thế giới không thể đoán trước. Theo triết lý của Viktor Frankl (1946), con người luôn mong muốn tìm thấy ý nghĩa trong mọi trải nghiệm, bao gồm cả sự ngẫu nhiên và bất định của cuộc sống. Thần số học, cung hoàng đạo, tarot và bói toán cung cấp một khung lý thuyết để giải thích và tìm thấy ý nghĩa trong những biến động này. Bằng cách tin vào sức ảnh hưởng của ngôi sao, con số hoặc lá bài tarot, mọi người có thể cảm thấy rằng họ đang kiểm soát và tìm thấy ý nghĩa trong số phận của mình.

Nguồn hình ảnh: https://spartanshield.org/43475/opinion/unveiling-the-mirage-the-rise-of-pseudoscience-and-its-threat-to-trust-in-evidence-based-science/

Xác Nhận Cá Nhân và Hiệu Ứng Barnum

Nhiều người đặt niềm tin vào các thực hành tâm linh vì thường cảm thấy những tiên đoán và mô tả từ những phương pháp này rất chính xác đối với bản thân. Tuy nhiên, điều này có thể được giải thích bằng hiệu ứng Barnum (1956), khi con người tin những mô tả mơ hồ và chung chung đặc biệt phù hợp riêng với cuộc sống của mình. 

Ví dụ, khi một người xem bói và nhận được mô tả là người có tài năng và sáng tạo, có thể đạt được thành công lớn, người đọc có thể cảm thấy mô tả này phù hợp với hy vọng của bản thân. Tuy nhiên, những đặc điểm này có thể áp dụng cho rất nhiều người có cùng các đặc điểm tương tự, do tính mơ hồ và linh hoạt của các lời mô tả.

Cộng Đồng và Sự Kết Nối

Các thực hành tâm linh không chỉ tạo ra một cảm giác cộng đồng mà còn góp phần tạo ra sự gắn kết xã hội. Điều này giúp đỡ trong việc giảm thiểu cảm giác cô đơn và củng cố mối quan hệ giữa các cá nhân. Theo thuyết Tầm quan trọng của sự kết nối của Robin Dunbar (1990), con người có xu hướng tìm kiếm và duy trì các mối quan hệ xã hội để cảm thấy an toàn và có ý thức về bản thân. 

Tại Sao Những Phương Pháp Này Không Được Coi Là Khoa Học?

Mặc dù nhiều người cảm thấy rằng các thực hành tâm linh cung cấp cho họ những hiểu biết sâu sắc về cuộc sống và tương lai, các nhà khoa học và nhà tâm lý học thường coi những phương pháp này là pseudoscience–nguỵ khoa học. 

Thiếu Bằng Chứng Khoa Học

Các phương pháp tâm linh như thần số học, cung hoàng đạo, tarot và bói toán thường thiếu cơ chế hoạt động rõ ràng và không có bằng chứng khoa học chứng minh tính chính xác của chúng. Một yếu tố quan trọng là tính phản nghiệm (falsifiability), tức khả năng của lý thuyết bị chứng minh là sai qua thử nghiệm thực tế. Khi một lý thuyết không có tính phản nghiệm, nó trở nên khó có thể được kiểm chứng hay xác nhận bằng các phương pháp khoa học chính xác. Các kết quả từ các phương pháp tâm linh thường rất mơ hồ và có thể được giải thích theo nhiều cách khác nhau, dẫn đến việc thiếu khả năng đánh giá rõ ràng về tính chính xác của chúng.

Kết Luận

Dù cho niềm tin vào các thực hành tâm linh như thần số học, cung hoàng đạo, tarot và bói toán có thể mang lại sự an ủi và cảm giác kiểm soát cho nhiều người, điều quan trọng là hiểu rằng những phương pháp này không dựa trên bằng chứng khoa học và thường được coi là khoa học giả. Tuy nhiên, sự hấp dẫn của chúng trong việc đáp ứng các nhu cầu tâm lý sâu sắc của con người cho thấy rằng chúng sẽ tiếp tục tồn tại và phát triển trong văn hóa con người.

 

Tài liệu tham khảo 

[1] Fichten, C. S., & Sunerton, B. (1983). Popular horoscopes and the “Barnum effect”. The Journal of Psychology, 114(1), 123-134.

[2] Allum, N. (2011). What makes some people think astrology is scientific?. Science communication, 33(3), 341-366.

[3] Cubitt, S. (2014). Shit happens numerology, destiny, and control on the Web. In The World Wide Web and Contemporary Cultural Theory, 127-144. Routledge.

[4] Frankl, V. E. (1984). Search for meaning. Milwaukee, WI, USA: Mount Mary College.

[4] Nguồn hình ảnh: https://spartanshield.org/43475/opinion/unveiling-the-mirage-the-rise-of-pseudoscience-and-its-threat-to-trust-in-evidence-based-science/ 

Trả lời