Con người nhìn nhận như thế nào về thế giới xung quanh nhỉ?
Để bắt đầu chủ đề ngày hôm nay, chúng ta cùng nhau đọc một mẩu chuyện vui nhé!
Gia đình bác Ba có hai người con là Tí và Tèo. Tí từ bé đã là cậu nhóc lém lỉnh, láu cá, hay đi chơi về muộn, chuyên bắt nạt Tèo và từ thời biết yêu cũng trên dưới mười mối tình. Gần đây, Tí mới chia tay người yêu nên mới được hôm về nhà sớm. Ngược lại, Tèo lại có phần chất phác, hiền lành, chỉ biết đúng một con đường từ trường về nhà và luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác mà không tính toán. Hôm nay, Tèo đi đâu đó mà không về ăn cơm. Vợ chồng bác Ba vô cùng lo lắng nói chuyện với nhau: “Không biết nó đi đâu giờ chưa về”- “Chắc thằng này lại bị ai nhờ làm gì rồi, khổ… cái thằng”. Tí từ đâu xông ra nói chen vào: “Sòi, chắc anh ấy kiếm được gái rồi bố mẹ ơi. Hôm qua con thấy anh cứ cười cười xong nháy mắt với cái cô nào ngoài đầu ngõ. Khéo nay đi chơi với cô ấy rồi. Anh mình lợi hại thiệt”
Bác Ba cốc đầu Tí một cái nói: “Toàn suy bụng ta ra bụng người, bớt bớt giùm tôi đi ông tướng, anh của anh đâu có giống anh”
Không biết đọc xong câu chuyện này, các bạn có giống mình đều nảy ra một câu hỏi “Tại sao???” Tại sao bác Ba và Tí lại suy nghĩ khác nhau về một sự việc như vậy? Nếu đã vậy, chúng ta cùng nhau đi tìm câu trả lời cho vấn đề này dưới góc nhìn của tâm lý học ngay nhé! Câu trả lời chắc hẳn sẽ thú vị lắm
Con người dùng gì để có thể nhận biết thế giới xung quanh
Coi sự việc “Anh Tèo không về” chính là một kích thích (Stimulation). Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA), kích thích là những hành động hoặc quá trình làm tăng mức độ hoạt động của sinh vật. Hiểu một cách đơn giản hơn , kích thích chính là tình huống của môi trường hoặc một điều kiện xuất hiện bên trong cơ thể sinh vật. Bằng một cách muốn hay không muốn, những kích thích này sẽ luôn tác động vào chúng ta và khiến chúng ta hành động, tức là phản ứng (Reaction). Phản ứng là kì một phản hồi của tuyến, cơ, thần kinh đối với một kích thích (APA Dictionary of Psychology, n.d.), tức là bất cứ cái gì mà chúng ta làm và biểu hiện ra bên ngoài. Chẳng vậy mà vợ chồng bác Ba lo lắng rồi nói chuyện với nhau, Tí thì không nhịn được mà phải nói chen vào. Vậy chúng ta bằng cách nào đã biết được sự việc xảy ra quanh ta và phản ứng lại với nó?
Khi các giác quan (mắt, mũi, tai, da…) tiếp nhận các kích thích từ môi trường, hệ thống xử lý thông tin từ dưới lên (Bottom -up) sẽ được kích hoạt, giúp chúng ta biết được sự tồn tại của kích thích (sự việc). Hệ thống Bottom-up là một hệ thống xử lý thông tin của hệ thần kinh, được tạo ra bởi các kích thích giác quan, để nhận thức các đối tượng thực sự. (E.Bruce Goldstein, 2020). Sau đó, hệ thống xử lý từ trên xuống (Top- down) sẽ hoạt động giúp chúng ta liên kết sự việc với kinh nghiệm, kiến thức chúng ta đã có về những sự việc tương tự đã xảy ra trong quá khứ. Hệ thống Top-down là hệ thống xử lý dựa trên sự mong đợi hoặc trải nghiệm đã có từ những sự kiện trước đây, những kỉ niệm và kỳ vọng đóng một vai trò quan trọng trong hệ thống xử lý từ trên xuống. (E.Bruce Goldstein, 2020). Giờ thì có lẽ các bạn đã giải thích được vì sao bác Ba và Tí lại có những phản ứng khác nhau. Bởi vì bác Ba và Tí là hai cá thể với hai bộ xử lý Top-down khác nhau khi có những sự khác biệt trong kỳ vọng, mong đợi và trải nghiệm quá khứ của hai người.
Hai quá trình xử lý thông tin Bottom-up và Top-down thuộc quá trình tri giác (Perception). Tri giác là sự tổ chức, xác định và giải thích một cảm giác để hình thành một mô tả về mặt tinh thần ( Daniel L. Schacter và cộng sự, 2009). Nói cách khác, tri giác chính là cửa ngõ của nhận thức, là quá trình suy luận, giúp chúng ta hiểu được đầy đủ nội dung của một sự việc, từ đó giúp chúng ta đưa ra quyết định, hành động. Như vậy con người sẽ nhìn nhận thế giới thông qua cách con người tri giác về thế giới đó.
Cách con người tri giác về thế giới
Con người dựa vào hệ thống xử lý thông tin từ dưới đi lên và từ Top-down để tri giác về thế giới. Có thể việc xử lý thông tin bởi hệ thống Bottom-up là giống nhau ở mỗi người do đó là hệ thống xử lý được kích hoạt từ những kích thích bên ngoài nhưng hệ thống Top-down là hoàn toàn khác nhau ở mỗi người do nó là hệ thống nhận thức dựa trên những gì chúng ta có và mong đợi về thế giới. Chính vì vậy mà thế giới khi đã đi qua tri giác của chúng ta vô cùng phong phú, đa dạng. Nếu thế giới có 7 tỷ người thì chúng ta có đến 7 tỷ cách nhận thức khác nhau, sinh ra 7 tỷ kiểu thế giới riêng. Nếu như chúng ta tìm thấy một tâm hồn giống với chúng ta, thì đó quả là một điều cực kỳ may mắn.
Cách con người nhận thức về thế giới
Từ việc tìm hiểu cách con người tri giác, một số nhà tâm lý học nhận thức đã đưa ra nhận định về cách con người nhận thức (Cognitive). Nhận thức là quá trình tâm trí bao gồm tri giác, sự chú ý, ghi nhớ, giải quyết vấn đề và đưa ra quyết định (E.Bruce Goldstein, 2020).
Đầu tiên phải kể đến Hermann Von Helmholtz. Ông đã đưa ra lý thuyết suy luận vô thức (Unconscious inference) về cách chúng ta nhận thức về các kích thích. Lý thuyết suy luận vô thức cho rằng nhận thức là kết quả của những giả định/suy luận vô thức mà chúng ta đưa ra môi trường. (E.Bruce Goldstein, 2020). Nhận định của Helmholtz có nghĩa là chúng ta sẽ nhìn nhận về một sự việc bằng những kinh nghiệm chúng ta đã có về môi trường, điều này diễn ra hoàn toàn vô thức. Chúng ta cùng quay lại câu chuyện đầu bài để hiểu hơn về lý thuyết này nhé. Vợ chồng Bác Ba từ trước đến giờ luôn biết về việc anh Tèo hay bị người khác nhờ vả, vì hiền lành chất phác quá nên không biết từ chối. Vậy nên ngay lập tức bác Ba đoán là “Chắc thằng này lại bị ai nhờ làm gì rồi”. Bác Ba đã dùng hiểu biết về Tèo từ trước để nhận thức về việc Tèo không về ăn cơm. Suy nghĩ đó hoàn toàn vô thức và xuất hiện ngay khi bác Ba biết về sự việc (bác Ba lập tức đưa ra câu trả lời ngay sau khi nghe câu hỏi và không cần có thêm bất cứ một thông tin hay gợi ý gì về sự việc đó).
Bổ sung cho quan điểm của Helmholtz, Bayes suy luận rằng: ước tính của chúng ta về xác suất của một kết quả được xác định bởi hai yếu tố: Niềm tin trước (Belief about frequency): niềm tin ban đầu về tần suất xảy ra của một sự việc; và khả năng xảy ra (Chances of causing): mức độ các bằng chứng có sẵn phù hợp với xác suất xảy ra một sự việc. (E.Bruce Goldstein, 2020). Quá trình này cũng diễn ra tự động và nhanh chóng. Như vậy theo quan điểm của Bayes chúng ta sẽ nhìn nhận vấn đề thông qua niềm tin của chúng ta và cách chúng ta xác định khả năng xảy ra của vấn đề. Giống việc Tí từ đâu đi tới nói chen vào suy nghĩ của mình về việc Tèo không về. Niềm tin của Tí là anh Tèo đã có bạn gái bởi Tí gặp Tèo cười cười rồi nháy mắt với một cô gái. Đồng thời khả năng xảy ra của việc Tèo đi chơi với cô gái đó theo Tí là rất cao do Tèo đang độc thân, lại còn cười và nháy mắt với cô ấy, việc đó lại mới diễn ra. Hơn nữa Tí lại còn là một anh chàng đào hoa nên rất rành về những dấu hiệu đó.
Như vậy về cơ bản con người chúng ta nhìn nhận thế giới thông qua việc chúng ta tri giác rồi nhận thức về các kích thích. Quá trình nhận thức không chỉ dựa vào những kích thích khách quan đến từ môi trường mà còn dựa vào những mong đợi, kinh nghiệm, kiến thức mà chúng ta có về môi trường.
Đến đây tự dưng mình lại nảy ra một câu hỏi “Rõ ràng là cùng hiểu và được trải nghiệm bản chất của Tèo như nhau nhưng bác Ba và Tí vẫn có cách phản ứng khác nhau? Lạ quá nhỉ??? Liệu đã có yếu tố nào làm thay đổi cách bác Ba và Tí tri giác, có đơn giản chỉ dựa vào hệ thống xử lý top-down?”
Chúng ta cùng nhau tìm hiểu câu trả lời cho phần sau nhé do bài viết của mình cũng dài rồi! Ph ần sau, chúng ta cùng gặp lại anh Tèo xem anh đã đi đâu và làm gì, có phải đi chơi với bạn gái hay bị người khác nhờ giúp và xem bố con nhà Tí ai là người đoán đúng ha. Hẹn gặp lại các bạn, nếu các bạn có bất cứ một ý tưởng nào hãy viết vào phần bình luận nhé!
Biên tập: Vũ Ngọc
Từ khóa: Nhận hiểu, xử lý thông tin, mỗi người một khác.
Nguồn:
[1] APA Dictionary of Psychology. (n.d.-b). https://dictionary.apa.org/response
[2] Goldstein, E. B. (2020). Cognitive Pscychology: Connecting mind, Research and Everyday Experience (Fifth Edition). Boston, USA: University of Pittsburgh, University of Arizona.
[3] SChacter, G. W. (2009). Psychology. Second Edition. New York: Worth .
[4] Pinterest. (n.d.). Pinterest. https://www.pinterest.com/