Cô đơn – Mình tôi với tôi

Có lẽ trong cuộc sống chúng ta ai cũng đã từng trải qua nỗi cô đơn trong cuộc sống, dù nó chỉ là thoáng chốc hay kéo dài đằng đẳng. Nó xảy ra một cách tự nhiên như thể là 1 phần của cuộc đời của mỗi người. Tại thời điểm đó, con người thường cảm nhận sự cách ly đơn độc của bản thân trong xã hội vốn luôn ồn ào và chật chội. 

 

Cô đơn là gì

Cô đơn là trải nghiệm phức tạp của sự mất kết nối với thế giới và thiếu hụt các nhu cầu về mối quan hệ xã hội (John M. Ernst et al., 1999). Theo tâm lý học, cô đơn được chia thành hai loại: cô đơn cảm xúc và cô đơn xã hội (emotional loneliness and social loneliness). 

 

Cô đơn cảm xúc là sự vắng mặt của một mối quan hệ cá nhân, thân mật. Trong khi đó, sự cô đơn xã hội được trải nghiệm như một sự pha trộn giữa cảm giác bị từ chối hoặc không được chấp nhận, cùng với cảm giác buồn chán (Weiss, 1973).

Quan niệm sai lầm thường thấy về cô đơn là việc cô đơn là một hiện tượng tiêu cực và chỉ xảy ra với những người hướng nội ít bạn bè hoặc sự mất mát người thân trong gia đình. Người cô đơn thường bị đánh đồng với ở một mình, do đó họ bị xem là kẻ yếu thế vì xung quanh không có nhiều người làm đồng minh. Họ cũng bị coi là kẻ không có tiếng nói vì có những quan niệm như kỹ năng giao tiếp kém lắm mới không có bạn, và bị coi là kẻ không đáng tin cậy vì bản thân họ không có tầm ảnh hưởng. 

  

Thực tế, cô đơn chỉ là một khoảng lặng của cuộc sống, nơi không có sự ồn ào mà chỉ là khoảnh khắc bình yên đến lạ lùng, và nó cũng dễ khiến con người hiểu lầm như thể chẳng có gì ở đó cả. Tưởng tượng bạn đang đi chơi với một nhóm bạn mới mà bạn không thể nói chuyện hợp với ai, dù trong khi đó xung quanh bạn có nhiều người bạn quen biết, nhưng bạn vẫn sẽ cảm thấy cô đơn vì bạn khôngo thực sự kết nối được với họ. Nhưng khi bạn hòa mình với thiên nhiên, say đắm trước vẻ đẹp của thế giới kì thú và trong lành, chỉ mình bạn ở đó, liệu bạn có cảm thấy cô đơn? 

 

Nguyên nhân của cô đơn

Nguyên nhân cô đơn thường bắt nguồn từ sự thiếu vắng cảm nhận kết nối thân mật với người khác (đối với kiểu cô đơn cảm xúc) và sự thiếu giao tiếp xã hội (đối với kiểu cô đơn xã hội). Nói cách khác, theo Osho (Chandra Mohan Jain) thì cô đơn được gây ra bởi sự tách biệt căn bản giữa chúng ta với người khác và với thế giới xung quanh, và sự tách biệt này được cấu thành từ nhiều yếu tố mang đến sự khác biệt độc nhất của một người đang trải nghiệm cảm giác cô đơn. 

 

  • Tình trạng cô đơn thường được hình thành bởi nhiều yếu tố khác nhau. Trong số đó, yếu tố phổ biến nhất là sự cách ly xã hội (Heinrich & Gullone, 2006). Trong những năm đại dịch Covid hoành hành, chúng ta có lẽ  đã được trải nghiệm cảm giác cô đơn này khi trách nhiệm mỗi người dân là phải tự cách ly tại nhà nhằm tránh lây lan virus. Quá trình cách ly này đã gây ra không ít cảm giác khó chịu và trải nghiệm chán chường cho đa số mọi người. 
  • Ngoài ra, cô đơn còn có thể xuất phát từ việc sống một mình (Kharicha et al., 2007). Dù có tiếp xúc với nhiều người trong nhiều hoạt động khác nhau, khi trở về nhà, sẽ vẫn cảm thấy cô đơn với căn phòng trống trải và tâm trạng không được thoải mái. Khi sống một mình, mọi người phải tự lo cho bản thân, cho từng bữa ăn và khi bị bệnh cũng phải tự chăm sóc và tự điều trị nếu có bệnh tật. Cảm giác lúc đó là nhà chỉ là nơi để đến, không phải nơi để về, bởi vì thiếu vắng một gia đình và những người đồng hành. 
  • Cô đơn cũng có thể được gây ra bởi những trải nghiệm áp lực và tiêu cực trong cuộc sống (Masi et al., 2011). Khi một trải nghiệm tiêu cực dẫn đến sự mất mát lớn trong cuộc sống của một người, họ sẽ trong vô thức so sánh bản thân với xã hội, và điều đó khiến họ cảm nhận những gì họ phải trải qua thật đặc biệt mà sẽ không ai có thể hiểu hay giúp đỡ được. Từ đó họ cảm thấy bản thân thật cô độc trên hành trình gian nan này.
  • Vấn đề về sức khỏe thể chất cũng có thể dẫn đến sự cô đơn (Luo et al., 2012). Khi đó, bệnh nhân thường cảm thấy đuối sức, bất lực, và việc họ phải ở một mình trong thời gian dài và không thể tham gia các hoạt động xã hội như bình thường càng làm tăng cảm giác cô đơn. Bệnh tật cũng khiến người bệnh mất đi sự tự tin (Perlman et al., 1984), khiến họ khó có thể tiếp cận và kết nối với người khác. 

 

Hậu quả

Khi cô đơn, con người thường có xu hướng trì hoãn mọi hoạt động thường nhật trong sự buồn bã, bộ não sẽ không còn phản ứng nhanh nhạy, và điều đó làm suy giảm khả năng tập trung, tư duy sáng tạo và khả năng giải quyết vấn đề, dẫn đến một cuộc sống kém hiệu quả và hạnh phúc (Cacioppo & Patrick, 2008). 

 

Cô đơn sẽ khiến một người trở nên mất tự tin, vì khi không có sự hỗ trợ của người khác, họ có thể cảm thấy bất an và lo lắng về khả năng của mình để tương tác với xã hội. Ngoài ra, sự cô đơn cũng có thể dẫn đến giảm sự quan tâm và tập trung vào bản thân, làm cho người đó cảm thấy mất đi sự tự tin trong khả năng của mình để giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

 

Cô đơn có thể gây ra nhiều hậu quả tiêu cực đến sức khỏe và tâm lý của con người. Những người cô đơn thường có nguy cơ cao hơn mắc các bệnh về tim mạch, đái tháo đường và ung thư (Hawkley & Cacioppo, 2010). Hơn nữa, cô đơn cũng có thể làm suy giảm chức năng miễn dịch và tăng nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, lo âu, stress và các vấn đề tâm lý khác (Cacioppo & Patrick, 2008). 

 

Nhìn nhận

Cô đơn không phải lúc nào cũng là trải nghiệm tiêu cực. Trong cô đơn, con người có thể có thể bị suy nhược, nhưng cũng có thể làm nên những điều lớn lao. Khi trải nghiệm cảm giác cô đơn, con người có cơ hội để tìm hiểu sâu sắc về bản thân và khám phá những khía cạnh mới của cuộc đời, và đó cũng là lúc họ trở nên tự do nhất.

 

Tuy nhiên, dù là một người biết vận dụng sự cô đơn một cách triệt để, họ vẫn có thể sẽ vướng vào những hậu quả của cô đơn đã được nêu trên. Marcus Aurelius đã từng nói: “Tuyệt vời đến đâu khi sống một mình, với cảm giác tự do và độc lập; nhưng đó là thời gian ngắn ngủi. Cần phải hòa nhập với cộng đồng con người.” (Meditations, III, 4). Mấu chốt gây nên nỗi cô đơn vẫn là sự kết nối và hòa nhập với xã hội. Vì thế dù cho là người cô đơn, họ vẫn cần kết giao và học cách kết giao với người khác. Để đối đầu với tất cả hậu quả mà khoảng thời gian cô đơn dai dẳng mang đến cho họ, bản thân họ phải tự tìm đến sự trợ giúp từ chuyên gia cho dù vấn đề của họ là kĩ năng hay cảm xúc đi chăng nữa.

 

Làm gì khi cô đơn đến

Khi cô đơn đến, thông thường mọi người sẽ cảm thấy chán, khó chịu, và cảm giác không muốn làm gì mà để thời gian trôi qua. Đối với một số người, họ sẽ tìm kiếm và rủ bạn bè đi chơi, nhưng đối với những người tiêu cực thì họ sẽ tìm đến các tác nhân kích thích như rượu bia, thuốc lá và nhạc buồn. Đối với những người khác, họ thậm chí còn suy diễn tình huống thêm tiêu cực hơn chẳng hạn như “Tôi vốn luôn cô đơn như vậy mà”. 

 

Nhưng có khi nào lúc bạn cảm thấy cô đơn thì nhìn quanh chẳng mấy ai là bạn để rủ đi chơi, hay thậm chí cảm giác đó xuất hiện ngay chính lúc bạn đang ở cùng với nhóm bạn của mình? Có khi nào uống rượu bia và thuốc lá cũng chỉ khiến bạn trở nên cô đơn hơn và uống nhiều rượu hơn đến khi thiếp đi? Bởi vì trong những lúc thế này, có một người mà các bạn bỏ mặc, đó chính là bản thân các bạn. Sự cô đơn vẫn sẽ tiếp diễn khi bạn bị một yếu tố gây ảnh hưởng mà bạn chưa hề nhận ra: bạn so sánh bản thân bản thân mình với người khác. Bạn đã bắt gặp xung quanh mình là các nhóm bạn thân nói chuyện vui vẻ và hợp cạ với nhau, hay các cặp đôi dìu nhau trên chiếc xe máy trông thật dễ thương đã khiến bạn phát sinh sự ghen tị trong mình và chính bạn đánh giá bản thân mình cô đơn hơn những người  khác. Tuy nhiên, bạn cần nhận ra rằng bạn không phải là người duy nhất cảm thấy cô đơn trên thế giới này, và điều bạn có thể làm là tìm cách tiếp nhận và chuyển hóa nỗi cô đơn.

 

Khi đó, bạn có thể:

  • Không so sánh bản thân với người khác. Điều bạn có thể làm tốt hơn việc so sánh đó là tập trung vào bản thân mình, chấp nhận sự thật rằng mình đang cô đơn và cảm nhận sự buồn bã.
  • Không suy nghĩ tiêu cực hơn mà chỉ đơn giản là quan sát bối cảnh mà chúng ta đang trải nghiệm sự cô đơn. 
  • Tìm một người thân, người bạn hoặc chuyên gia để bày tỏ nỗi buồn. Không ôm ấp sự cô đơn vì nó chỉ càng khiến ta khó chịu hơn và làm tiêu hao năng lượng để tập trung vào nỗi buồn đó.
  • Tìm đến chuyên gia hoặc sự trợ giúp từ người khác để giúp đỡ ta vượt qua những sự kiện tồi tệ trong cuộc sống.
  • Tự nhắc nhở bản thân rằng khoảng thời gian cô đơn này là cơ hội để tập trung phát triển bản thân, thử những thú vui lành mạnh mới và tìm kiếm sự bình yên nơi chính mình.
  • Tìm kiếm ý nghĩa của cuộc sống từ nhiều nguồn khác nhau: nuôi thú cưng, chăm sóc cây cối, học nấu ăn, tham gia các câu lạc bộ thể thao …

 

Mặc dù cảm giác cô đơn không mấy dễ chịu, chúng ta khó có thể tránh khỏi nó. Điều quan trọng là chúng ta cần tìm cách tiếp nhận nó một cách tích cực để cải thiện chất lượng cuộc sống của mình. Cô đơn là một phần không thể thiếu trong bản sắc con người, và chúng ta có thể học hỏi cách chấp nhận nó, tận dụng khoảng thời gian này để phát triển bản thân và tìm kiếm sự bình yên nơi chính mình. Vì vậy, hãy trân trọng mỗi cảm giác cô đơn đến, bởi nó sẽ giúp ta hoàn thiện bản thân mình hơn và sống một cuộc sống đầy ý nghĩa.

 

Nguồn tham khảo

John M. Ernst, John T. Cacioppo. (1999). Lonely hearts: Psychological perspectives on loneliness. Volume 8, Issue 1, Winter 1999, Pages 1-22. https://doi.org/10.1016/S0962-1849(99)80008-0

William A. Sadler, Jr. (1975). Loneliness: The Experience of Emotional and Social Isolation. by Robert S. Weiss. Vol. 4, No. 2 (Mar., 1975), pp. 171-173 https://doi.org/10.2307/2062224 

Duck, R. Gilmour. (1981). Toward a Social Psychology of Loneliness. https://peplau.psych.ucla.edu/wp-content/uploads/sites/141/2017/07/Perlman-Peplau-81.pdf 

Heinrich, L. M., & Gullone, E. (2006). The clinical significance of loneliness: A literature review. Clinical Psychology Review, 26(6), 695-718. https://doi.org/10.1016/j.cpr.2006.04.002

Kharicha, K., Iliffe, S., Harari, D., Swift, C., Gillmann, G., Stuck, A. E., & Egger, M. (2007). Health risk appraisal in older people 2: The implications for clinicians and commissioners of social isolation risk in older people. British Journal of General Practice, 57(537), 277-282. https://bjgp.org/content/57/537/277

Masi, C. M., Chen, H.-Y., Hawkley, L. C., & Cacioppo, J. T. (2011). A meta-analysis of interventions to reduce loneliness. Personality and Social Psychology Review, 15(3), 219-266. https://doi.org/10.1177/1088868310377394

Luo, Y., Hawkley, L. C., Waite, L. J., & Cacioppo, J. T. (2012). Loneliness, health, and mortality in old age: A national longitudinal study. Social Science & Medicine, 74(6), 907-914. https://doi.org/10.1016/j.socscimed.2011.11.028

Perlman, D., & Peplau, L. A. (1984). Toward a social psychology of loneliness. Personal relationships, 3(1), 31-43. https://peplau.psych.ucla.edu/wp-content/uploads/sites/141/2017/07/Perlman-Peplau-81.pdf

Hawkley, L. C., & Cacioppo, J. T. (2010). Loneliness matters: A theoretical and empirical review of consequences and mechanisms. Annals of Behavioral Medicine, 40(2), 218-227. doi: 10.1007/s12160-010-9210-8.

Cacioppo, J. T., & Patrick, W. (2008). Loneliness: Human nature and the need for social connection. New York: W. W. Norton & Company. doi: 10.4324/978020380334

Aurelius, M. (2002). Meditations. Translated by G. Hays. New York: Modern Library.

 

Để lại một bình luận