Cảm xúc con người khi đứng trước thiên nhiên đang dần bị phá hủy

Chúng ta đã bàn nhiều về biến đổi khí hậu, càng đề cập nhiều hơn đến những giải pháp có thể góp phần làm cải thiện nó. Những tuyên truyền về việc sử dụng nhiên liệu sạch, bảo tồn thiên nhiên hay hạn chế rác thải nhựa được công bố rộng rãi đến mọi người, nhưng dường như kết quả vẫn không mấy khả quan. Mặc dù chúng ta đã và đang cố gắng, nhưng cứ mỗi năm trôi qua, hiện thực càng cho thấy rõ rằng sự cố gắng ấy là chưa đủ… 

Như một nghiên cứu của Noah S. Diffenbaugh và Elizabeth A. Barnes được công bố vào ngày 30 tháng 01 năm 2023, cung cấp bằng chứng mới cho thấy sự nóng lên toàn cầu đang trên đà đạt mức 1,5 độ C (2,7 độ F) trên mức trung bình thời kỳ tiền công nghiệp vào đầu những năm 2030, bất kể lượng khí nhà kính tăng hoặc giảm trong thập kỷ tới. 

Những cảm xúc tiêu cực mà chúng ta cảm nhận được khi chứng kiến toàn bộ cuộc đấu tranh giữa con người với thiên nhiên này, mặt khác, có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta. Dù vậy, khác với bất kỳ dạng thức đau khổ và tội lỗi nào khác, sự bất lực này dường như không thể hoàn toàn biến mất. Nguyên nhân là vì thực trạng môi trường bị phá hoại vẫn là điều đang diễn ra, và bởi vì một tương lai, khi con người thành công hay thất bại, không thể do một mình ta kiểm soát.

 

Tội lỗi, đau đớn, lo lắng và mất mát

Eco-anxiety là từ dùng để chỉ “nỗi sợ kéo dài (chronic fear) về thảm họa môi trường xuất phát từ việc quan sát các tác động dường như không thể đảo ngược của biến đổi khí hậu và mối quan tâm liên quan đến tương lai của một cá nhân và của các thế hệ tiếp nối”.

-Theo Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA)

Chứng kiến những gì đang đe dọa đến tương lai của nhân loại, những cảm xúc trên ít nhiều đã từng ghé thăm chúng ta. Với một mức độ vừa phải, cảm giác tội lỗi hay lo lắng có thể đóng vai trò là động lực cho mỗi cá nhân tạo ra sự thay đổi trong hành vi và thói quen của mình trở nên thân thiện hơn với môi trường. Tuy nhiên, nếu như những cảm xúc ấy quá dai dẳng và mạnh mẽ, nó có thể gây cản trở cho đời sống hằng ngày của chúng ta. Những bản tin thời sự, phim tài liệu, hay chính những gì đang diễn ra xung quanh mình, nhất là đối với những người có lối sống gần gũi với thiên nhiên có thể là những nguyên nhân kích hoạt những nỗi đau đớn ấy. Cảm giác mất mát là một điều khó tránh khỏi khi ta phải chứng kiến những tin tức về động vật tuyệt chủng, về việc phá rừng hay sự tan thành nước của những tảng băng vốn đã sừng sững mấy nghìn năm. Đó cũng là khi ta trông thấy những loài động vật đã từng ngay trước mắt nay chỉ còn nằm lại trong những thước phim hoạt hình dành cho trẻ nhỏ, ta xem mà không biết liệu sẽ còn bao nhiêu cá thể thật sự tồn tại trên đời? Cảm giác này càng chồng chất khi sự biến mất của một số công việc, những vấn đề liên quan đến bền vững kinh tế, sự mất mát về người và của tại các vùng gặp thiên tai, nguy cơ mất đi văn hóa, nhân dạng hay cảm giác được kết nối và thuộc về nơi hành tinh này. Trong tình huống xấu nhất, khi một cá nhân phải rơi vào tình thế mất hết tất cả, thậm chí là cả những người thân yêu, nỗi mất mát ấy có thể dẫn đến những vấn đề tâm lý nghiêm trọng như trầm cảm, lo âu hay rối loạn căng thẳng hậu sang chấn (PTSD) về sau. 

Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ vào năm 2020, có đến 68% số người tham gia là người lớn có sự lo lắng ít nhất là tối thiểu liên quan đến biến đổi khí hậu và hậu quả của nó, và hơn một nửa số người tham gia khảo sát có độ tuổi từ 18 đến 34 cho rằng sự căng thẳng đó đã ảnh hưởng đến cuộc sống của họ thường ngày. 

Mặt khác, khi một cá nhân vừa trải qua nỗi đau của sự mất mát lại vừa nhận ra bản thân mình là một trong những nguyên nhân góp phần dẫn đến kết cục ấy sẽ tạo nên một trạng thái càng phức tạp hơn. Cảm giác tội lỗi cũng rất dễ được gợi nhắc bởi những hoạt động bình thường hằng ngày như mua nước uống (sử dụng ly nhựa), đi xe máy, ô tô tạo khí thải hoặc xem tin tức và cảm thấy mình đã chẳng đóng góp được gì nhiều. Sự bất lực ấy càng rõ ràng hơn khi những thay đổi cần thiết lại đang quá sức đối với ta, hoặc nhất là khi ta cảm nhận được chỉ nhờ sự cố gắng của một cá nhân thì không bao giờ là đủ. “Có ích gì khi ta phân loại rác nhưng hàng xóm quanh ta thì vẫn cứ vứt lung tung?” – ta tự hỏi. Và ta bắt đầu lo lắng nhiều hơn nữa cho các thế hệ tiếp theo. 

Ta thường nói tương lai là hi vọng. Nhưng đôi lúc hy vọng ấy lại trông thật mong manh vì những gì đang diễn ra làm cho tương lai thật khó để đoán trước. Đặc biệt là khi tin tức tiêu cực nhiều đến mức khiến ta phải ‘choáng váng’, ta có thể dần mất niềm tin vào một viễn cảnh tốt đẹp hơn trong tương lai. Ta nghĩ về một thế giới nơi con em mình phải sống trong cảnh nóng bức, thiếu nước sạch, không khí ô nhiễm hay mất đi những bóng râm làm ta rùng mình lo sợ. Những nguy cơ tiềm ẩn không thể biết trước về môi trường càng khiến sự lo lắng ấy ngày càng gia tăng khi biết đâu lại vì một nguyên nhân nào đó, mọi thứ lại diễn ra không theo như những gì con người đã hoạch định. Mọi trạng thái cảm xúc hỗn độn như lo lắng, bất lực, tội lỗi, mất mát cứ thế bủa vây lấy ta, tạo thành một nỗi đau mang tính thời đại của con người khi phải đối mặt với những vấn đề môi trường nghiêm trọng như ngày nay.

Nhưng lỡ như nó không phải sự thật?

Lỡ như những gì được nói trên tin tức không phải là sự thật? Lỡ như có điều gì đó mà ta đã không biết, rằng thật ra mọi thứ đều đang tiến triển rất tốt ở thế giới ngoài kia. 

“Chắc là không tệ đến mức đấy đâu!” – ta quả quyết. 

Nhưng trong thâm tâm, có thể ta biết ta đang lừa dối chính mình.

Đây thực chất là một hành vi phổ biến trong quá trình đối diện với đau khổ của con người. Theo Jacob J. Erickson, phó giáo sư (assistant professor) đạo đức thần học thuộc chuyên ngành Tôn giáo học tại trường Trinity College Dublin, ‘Magical Thinking’ là một khái niệm chỉ những suy nghĩ và ước muốn được thay đổi những gì mình đã làm, tin rằng điều đó có thể làm cho những gì đã diễn ra trước hành động ấy được giữ nguyên hoặc thay đổi thành một kết cục khác (thường là tốt hơn) so với hiện tại. Trong giai đoạn đầu khi bộ não đang chấp nhận một hiện thực trái với ý muốn, ta thường có những suy nghĩ không thực để lấp vào khoảng trống của những thiếu sót kia. Nói đơn giản hơn, đó là khao khát của con người được ấn nút ‘làm lại’ cho một tình huống nào đó trong cuộc đời. Những mong ước được rút lại lời nói hay ước gì ai đó vẫn còn ở đây là những ví dụ cho khái niệm trên. 

Áp dụng vào tình huống cụ thể như khi đối diện với thực trạng của môi trường, ta ước rằng những gì ta biết là không phải sự thật, hay mong rằng con người đã có thể làm gì đó khác đi mà không phải tạo ra nhựa hay khí đốt. Ta tưởng tượng đến một viễn cảnh khi mà mọi vấn đề không thực sự nghiêm trọng như nó vốn có, cố gắng tìm một lý do để những lo lắng và bận tâm của chúng ta có thể phần nào được giảm đi. Khi hiện tại trông có vẻ yên ổn thì dường như không còn lý do gì phải quá lo lắng về tương lai nữa.

“Những ‘suy nghĩ nhiệm mầu’ (Magical Thinking) được sinh ra bởi nỗi đau mất mát, nên dù cho hầu hết những tin tức về những loài động vật bỗng hồi sinh một cách kỳ diệu đã được chứng minh là giả, chúng ta vẫn thầm ước rằng con người đang thực sự thực hiện cuộc tái sinh đó.”  – Jacob J. Erickson nói về những tin tức giả liên quan đến sự hồi sinh của một số loài động vật được lan truyền trên mạng xã hội vào năm 2020.

Tìm kiếm sự đồng cảm và cùng nhau thay đổi là giải pháp hữu hiệu

Dù như đã đề cập, việc những nguyên nhân gây nên những cảm xúc tiêu cực nói trên luôn diễn ra liên tục hay sự mơ hồ về tương lai đã khiến việc xử lý những cảm xúc tiêu cực gắn liền với biến đổi khí hậu thường vấp phải những khó khăn, nhưng không có nghĩa là không thể. Việc gặp gỡ các chuyên gia tâm lý để tìm kiếm những phương pháp phù hợp để đối diện với cảm xúc là một hành động được khích lệ, hay việc tìm đến những người khiến ta có cảm giác thoải mái và an toàn để chia sẻ cùng là cách để ta có thể cảm thấy tốt hơn. Thiền hay viết nhật ký cũng có thể giúp bạn củng cố cảm xúc, và tham gia vào một cộng đồng có chí hướng chung trong việc bảo vệ môi trường cũng là cách khiến ta bớt lo lắng và có thêm động lực để tạo nên những đổi thay. Bên cạnh đó, chúng ta cũng được khuyến khích tập trung vào những việc chúng ta có thể làm, hơn là cứ mải lo lắng về những điều quá vĩ mô khi trách nhiệm bảo vệ môi trường vốn không thể và không bao giờ chỉ thuộc về mỗi chúng ta. 

 

Kết luận

Là một hiện tượng tương đối mới mẻ, những cảm xúc tiêu cực liên quan đến ý thức về trách nhiệm của con người đối với môi trường đã cho thấy cả hai mặt có lợi và có hại của nó. Nó có thể đóng vai trò là động lực để ta thay đổi thành những thói quen hằng ngày trở có lợi cho môi trường, nhưng khi chúng trở nên quá sức chịu đựng thì có thể sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của chúng ta. Và trong quá trình nỗ lực để đối phó với chúng, đôi khi ta lại tự thuyết phục mình rằng biến đổi khí hậu không nghiêm trọng đến như vậy, nhưng suy nghĩ này sẽ không làm cho vấn đề được giải quyết tốt hơn. Thay vào đó, việc được đồng cảm, chia sẻ và có các giải pháp thích hợp khác sẽ có thể giúp cho cá nhân điều hòa cảm xúc trở về như bình thường.

 

Nguồn tham khảo:

[1]https://www.psychologytoday.com/us/blog/navigating-the-serpentine-path/202301/what-is-ecological-grief-and-trauma

[2]https://www.psychologytoday.com/us/blog/all-dogs-go-heaven/201903/ecological-mourning-is-unique-form-grief

[3]https://www.psychologytoday.com/us/blog/intersections/202209/magical-thinking-grief-and-climate-change

[4]https://www.verywellmind.com/what-to-do-if-you-feel-guilt-about-climate-change-5295979

[5] https://www.verywellmind.com/the-current-state-of-climate-anxiety-5199349

[6] https://www.apa.org/topics/climate-change/mental-health-effects

[7] https://www.apa.org/news/press/releases/2020/02/climate-change

Để lại một bình luận