Cách khôi phục tinh thần sau sự ngược đãi trong mối quan hệ

Bạo lực trong mối quan hệ lãng mạn hiện đang là một hình thức bạo lực phổ biến nhất với nạn nhân là nữ. Đó không chỉ là hành vi bạo lực và kiểm soát về thể xác mà còn là bạo hành cả về mặt cảm xúc, tình dục.

Trong đó, sự suy giảm lòng tự trọng, cảm nhận hạnh phúc ở nạn nhân là điều không thể tránh khỏi. Sau đây là một số cách khôi phục tinh thần sau khi bước ra từ một mối quan hệ bị ngược đãi/lạm dụng.

1 – Thừa nhận sự ngược đãi

Điều đầu tiên và quan trọng nhất trong quá trình chữa lành là thừa nhận những gì bạn đã trải qua. Nếu bạn có thể nhận ra các hành vi lạm dụng tình cảm trong mối quan hệ, việc thành thật với chính mình là bước đầu giúp bạn giành lại quyền kiểm soát cuộc sống. Khi xem xét mối quan hệ của bạn, hãy nhớ rằng lạm dụng tình cảm thường rất tinh vi. Do đó, có thể rất khó để phát hiện ra các dấu hiệu, nhưng khi bạn đã chắc chắn về việc mình đang là nạn nhân, bạn không nên cố bào chữa cho đối phương hay coi nhẹ tổn thương của mình.

2 – Thực hành lòng trắc ẩn với bản thân

Hãy đối xử với bản thân bằng sự bao dung, dịu dàng và thấu hiểu như bạn sẽ làm đối với những người bị tổn thương khác. Đừng quá khắt khe hay tự trách mình, mà hãy tạo cơ hội cho bản thân phát triển và vượt qua giai đoạn khó khăn này. Bất kể bạn cố gắng thế nào, bạn sẽ không bao giờ có thể thay đổi được một người có hành vi lạm dụng tình cảm chỉ bằng cách làm điều gì đó khác đi, hay cố gắng thay đổi bản thân mình. Bởi lẽ, người lạm dụng luôn tự quyết định hành xử theo cách đó. Hành vi của họ là lựa chọn mà chính họ đưa ra.

Hãy nhắc nhở bản thân rằng bạn không thể kiểm soát hành động của họ, và điều quan trọng là bạn không chịu trách nhiệm cho những lựa chọn họ đã làm. Điều duy nhất bạn có thể kiểm soát là cách bạn phản ứng lại sự lạm dụng. Chọn cách bảo vệ và yêu thương bản thân trước tiên, vì đó là điều bạn xứng đáng.

3 – Ở bên người đáng tin cậy

Sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hay những người thân thiết sẽ giúp bạn rất nhiều trong quá trình phục hồi. Họ có thể là nguồn sức mạnh, là người bạn tâm sự và giúp bạn vượt qua những khoảnh khắc yếu đuối. Đồng thời, hãy thử chia sẻ câu chuyện của bạn với những người đã từng bị lạm dụng tình cảm. Việc lắng nghe kinh nghiệm của họ không chỉ giúp bạn nhận ra mình không cô đơn, mà còn mang đến những gợi ý hữu ích để bạn áp dụng vào hành trình chữa lành của mình.

4 – Lên kế hoạch an toàn

Nếu bạn còn đang lo lắng về cách rời bỏ mối quan hệ độc hại hoặc sợ rằng mình có thể quay lại, việc lập một kế hoạch an toàn là điều cần thiết. Điều này không chỉ giúp bạn giảm thiểu nguy cơ tổn hại mà còn đảm bảo an toàn cho bản thân và những người thân yêu. Kế hoạch an toàn có thể bao gồm:

  • Người để liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.
  • Nơi trú ẩn an toàn phòng trường hợp cảm thấy bị đe doạ trở lại
  • Danh sách các vật dụng quan trọng cần mang theo khi rời đi.
  • Biện pháp tăng cường an ninh tại nơi làm việc, trường học, và những nơi công cộng khác.

Kế hoạch này sẽ giúp bạn chuẩn bị tinh thần và giảm thiểu rủi ro khi đối diện với thủ phạm, đồng thời mở ra cánh cửa mới cho cuộc sống của bạn. 

Sự phục hồi sau bạo hành là một quá trình dài, nhưng điều quan trọng là bạn không cô đơn và dù phía sau một mối quan hệ là cánh cửa đóng hay mở thì bạn luôn có quyền lựa chọn bước ra và sống cuộc đời bạn mong muốn!

Biên tập: Yến Thanh

Ảnh bìa: Tuệ Minh

Tài liệu tham khảo

  1. Gordon, S. (2022, November 7). How to identify and cope with emotional abuse.
  2. Verywell Mind https://www.verywellmind.com/identify-and-cope-with-emotional-abuse-4156673
  3. Mandriota, M. (2021, September 8). How to heal after an abusive relationship.
  4. Psych Central. https://psychcentral.com/health/how-to-heal-after-an-abusive-relationship

Để lại một bình luận