Bắt nạt học đường (P2): Một số mô tả về “Nạn nhân”

Ở bài viết trước – Bắt nạt học đường (Phần 1) , Psyme đã cùng các bạn tìm hiểu về Hành vi bạo lực – bắt nạt học đường và những yếu tố liên quan đến hành vi bắt nạt ở học sinh. Bài viết này chúng ta sẽ đi sâu hơn để tìm hiểu về một số mô tả về “nạn nhân”. 

Bạn hình dung thế nào về hình ảnh của một ‘nạn nhân’ của bắt nạt học đường?

Một người ít nói, trầm lặng, không có bạn bè, hay ở một mình, tính cách “kỳ quái”, không có gì nổi bật, có vẻ “dễ” bị bắt nạt, không có người bảo vệ/đứng về phía mình, khác biệt với phần còn lại của lớp, tự ti,…hay những người ưu tú, tài giỏi, nổi bật, được nhiều người quan tâm chú ý,…? Trong những đặc điểm trên có điểm nào tương đồng với hình ảnh của một “nạn nhân” mà bạn nghĩ đến? Và còn đặc điểm nào bạn thấy có nhưng chưa được liệt kê? Hãy chia sẻ với chúng mình nhé!

Có tồn tại một số điểm chung giữa các nạn nhân trong bắt nạt học đường, tuy nhiên bài viết này không cho rằng “vì những đặc điểm đó mà họ bị bắt nạt”. Mục đích của việc viết về một số điểm chung của nạn nhân là để người đọc hiểu rõ hơn về “nạn nhân” và nguyên nhân kẻ bắt nạt nhắm đến họ. Để hiểu, để “cảm” và suy tư về một vấn đề gây nhức nhối trong bối cảnh học đường, mời các bạn cùng đến với bài viết Bắt nạt học đường phần 2 – Một số mô tả về “nạn nhân”. 

1. Những người gặp khó khăn trong việc kết nối

“Nghiên cứu cho thấy rằng nếu một đứa trẻ có ít nhất một người bạn, khả năng bị bắt nạt sẽ giảm đáng kể. Nếu không có bạn bè hỗ trợ, những đứa trẻ này dễ trở thành mục tiêu của những kẻ bắt nạt vì chúng không phải lo lắng về việc có ai đó đến giúp đỡ nạn nhân.”  (Gordon, 2021).

Theo những quan sát và ghi nhận cá nhân, tôi nhận thấy những kẻ bắt nạt vẫn có sự cân nhắc trong việc chọn đối tượng bắt nạt. Họ chọn những người ít có khả năng phản kháng hoặc ít đe dọa, gây tổn thương cho mình khi thực hiện hành vi bắt nạt. Đó là lý do những kẻ bắt nạt hay nhắm đến những học sinh yếu thế và dễ bị tổn thương, ít có người đứng về phía họ (những học sinh gặp khó khăn trong việc kết bạn và ít hoặc không có bạn bè),…để thực hiện hành vi này, bởi vì chúng “không phải lo lắng về việc có ai đó đến giúp đỡ nạn nhân”.

1.1. Một số cân nhắc của học sinh bắt nạt

Không chỉ nạn nhân mà về hình thức bắt nạt cũng có những sự cân nhắc kỹ lưỡng. Ví dụ: những hành vi bắt nạt thể chất có thể được “ngụy trang” thành những trò “đùa giỡn” bằng cách xô đẩy bạn bè, đánh mạnh vào người bạn học,… Hoặc những hình thức: giấu/xé sách vở, vẽ/viết những điều khiếm nhã lên bàn/bảng nhằm công kích cá nhân,… Những hình thức này nếu bị giáo viên bắt gặp và can thiệp, những kẻ bắt nạt có thể biện minh bằng cách nói rằng chúng chỉ đang “đùa giỡn” với bạn. 

Nhìn chung, nếu bắt nạt diễn ra giữa các học sinh thì kẻ bắt nạt vẫn thường ý thức được hành vi này là sai trái và có nguy cơ nhận sự trừng phạt (bị kỷ luật, đuổi học, mời phụ huynh, trả đũa, bị bắt nạt ngược và trở thành nạn nhân,…) nên sẽ chọn lựa nạn nhân, cách thức và địa điểm ,…bắt nạt sao cho ít có rủi ro nhất có thể (ví dụ chọn nạn nhân có thân hình nhỏ bé, bắt nạt bên ngoài phạm vi trường học, ở nơi ít người qua lại). Trừ một số trường hợp như kẻ bắt nạt không sợ các nguy cơ về sự trừng phạt từ phía nhà trường hoặc sự đáp trả từ phía nạn nhân hay những hình phạt đưa ra không có tác dụng với kẻ bắt nạt (Ví dụ: một học sinh có ý định muốn nghỉ học thì hình thức kỷ luật “đuổi học” không có tác dụng với học sinh đó).

2. Sự khác biệt

Một số những khía cạnh có thể được kể đến như:

– Kém phát triển về mặt thể chất 

– Bị cô lập về mặt xã hội 

– Gặp khó khăn trong việc kết bạn 

– Những thiếu niên thuộc cộng đồng LGBT+

– Thừa cân,… (ngoại hình khác biệt – bất cứ điều gì về ngoại hình cũng có thể trở thành điều kẻ bắt nạt nhắm đến) 

– Khuyết tật 

(Faris, R, W. & Felmlee, D. May 20, 2024)

Có nhiều nguyên nhân có thể giải thích cho việc tại sao kẻ bắt nạt nhắm đến những học sinh “khác biệt”: muốn thể hiện địa vị xã hội cao hơn; nâng cao lòng tự trọng bằng cách chế nhạo và bắt nạt người khác; để cảm thấy bản thân mình “tốt hơn” những người bị bắt nạt, làm hài lòng “khán giả” (những người quan sát, cỗ vũ, ngầm ủng hộ, không ngăn chặn và ngoài cuộc); thiếu sự đồng cảm; thiếu hiểu biết và thiếu lòng khoan dung với những điều khác biệt,… (Gordon, S. 2021).

Một nguyên nhân nữa có thể kể đến là những kẻ bắt nạt muốn lợi dụng đám đông. Vì các nạn nhân trong trường hợp này “khác biệt” so với phần còn lại của lớp hoặc của nhóm bạn, kẻ bắt nạt dễ dàng hơn trong việc gây hấn và tấn công họ vì những điểm khác biệt và cố tách họ ra khỏi nhóm bạn bè đồng trang lứa bằng sự khác biệt đó. Điều kẻ bắt nạt nhắm đến là: để nạn nhân và những người còn lại thuộc 2 nhóm khác nhau – nạn nhân là một nhóm & những người còn lại (bao gồm kẻ bắt nạt) là một nhóm. Nó gây ra một tình huống khá mỉa mai đó là kẻ bắt nạt có thể nhận được sự đồng cảm vì “giống” những người còn lại và nạn nhân thì không (đôi khi những người ngoài cuộc chỉ phớt lờ hoặc ngầm chấp nhận hành vi bắt nạt). Và nếu như những người còn lại, những người chứng kiến cũng cảm thấy rằng nạn nhân “khác” với mình thì nó cũng góp phần cản trở việc can thiệp nhằm ngăn chặn hành vi bắt nạt, và cũng góp phần để cho hành vi đó tiếp diễn trong bối cảnh học đường. 

3. Lòng tự trọng thấp

Lòng tự trọng thấp có thể được biểu hiện bởi sự tự ti, rụt rè, muốn làm hài lòng người khác, dễ lo lắng và sợ hãi khi xảy ra vấn đề, gặp khó khăn trong việc nhờ giúp đỡ,…  (Cherry, 2024). Những người có lòng tự trọng thấp ít tự tin vào bản thân, dễ bị chi phối và tác động bởi người khác. Lòng tự trọng thể hiện qua cách một người nhìn nhận về chính mình và chi phối đến cách thức mà họ cho phép người khác đối xử với họ. 

Ví dụ: Một đứa trẻ trải qua cách đối xử tồi tệ ở trong gia đình và quen thuộc với điều đó (ý kiến của mình không được ghi nhận, bị phớt lờ, bỏ mặc hoặc bạo lực,…) sẽ cảm thấy rằng cách đối xử như thế mới phù hợp với mình. Trẻ sẽ cảm thấy kỳ lạ khi nhận được sự đối xử tử tế, tôn trọng và chấp nhận việc bị đối xử tồi tệ, bị tấn công và bắt nạt. 

Một ví dụ khác, trẻ có thể sẽ cảm thấy muốn làm hài lòng người khác vì đây là cách thức mà trẻ nghĩ rằng cần phải thực hiện để có thể được chấp nhận, được yêu mến, được chơi cùng hay ít nhất là được bảo vệ và không bị bắt nạt bởi học sinh khác. Và trong trường hợp học sinh có lòng tự trọng thấp bị bắt nạt, trẻ sẽ cho rằng việc đáp ứng các yêu cầu từ học sinh bắt nạt hay chịu đựng những điều tồi tệ diễn ra sẽ là cách an toàn hơn so với việc phản kháng vì trẻ sợ hãi về những nguy cơ bị đối xử tồi tệ hơn so với trước đó. Vì muốn làm hài lòng người khác và gặp khó khăn trong việc từ chối hay yêu cầu sự giúp đỡ nên dễ bị kẻ bắt nạt lợi dụng. 

Những kẻ bắt nạt cảm thấy nhóm nạn nhân này dễ “bị thao túng” và “phục tùng” bọn chúng, ít phản kháng và không có nhiều đe dọa. Bên cạnh đó kẻ bắt nạt vẫn có thể đạt được mục đích thể hiện uy quyền của bản thân.

4. Thành tích, sự ưu tú và nổi bật

Tại sao những đứa trẻ ưu tú cũng là một trong những nhóm có nguy cơ bị bắt nạt? 

Sự ưu tú, nổi tiếng và thành tích của những học sinh này làm cho những kẻ bắt nạt cảm thấy bị đe dọa về “địa vị”, cảm thấy đố kỵ khi có ai đó vượt trội và được quan tâm chú ý nhiều hơn mình (ví dụ: nếu lòng tự trọng của kẻ bắt nạt ở mức thấp kẻ bắt nạt sẽ cảm thấy bản thân thấp kém hơn; và nếu lòng tự trọng ở mức cao thì kẻ bắt nạt sẽ cảm thấy bị đe dọa). Thay vì cố gắng và nỗ lực hơn để cạnh tranh một cách lành mạnh với những người ưu tú, tài giỏi thì những kẻ bắt nạt chọn cách gây tổn thương và bắt nạt người giỏi hơn mình. Điều gì khiến cho những kẻ bắt nạt chọn cách thức này? Có thể bởi vì kẻ bắt nạt đang cảm thấy bị đe dọa về “địa vị”, họ chọn cách bắt nạt để thoả mãn nhu cầu muốn bảo vệ cảm giác thống trị của mình trước sự đe doạ đó. Bên cạnh đó, mục đích của hành vi bắt nạt có thể là để những học sinh ưu tú cảm thấy bất an, gặp nhiều khó khăn hơn trong việc thể hiện năng lực của bản thân tại môi trường học tập, nghi ngờ bản thân và khiến cho người khác nghi ngờ về khả năng của họ. Đối với những học sinh nổi tiếng trong vòng bạn bè, việc bắt nạt có thể diễn ra thông qua bắt nạt qua mạng, những tin đồn nhằm bôi nhọ và hạ thấp uy tín của “nạn nhân” nhằm phá hủy danh tiếng của họ (Gordon, S. 2021).

Khi mà mục đích của việc bắt nạt chính là để nâng cao vị thế cá nhân trong vòng bạn bè đồng trang lứa thì cách thức bắt nạt nhắm vào những người ưu tú, tài giỏi, nổi tiếng hơn nhằm hạ bệ và cản trở việc phát triển lành mạnh của nạn nhân hoàn toàn có thể xảy ra và đôi khi được thực hiện một cách tinh vi.

Ví dụ: kẻ bắt nạt có những hành vi: tung tin đồn, bôi nhọ,…nạn nhân nhằm làm giảm uy tín của người bị bắt nạt, làm những người còn lại có ác cảm/ấn tượng xấu, thậm chí là ghét nạn nhân. Mục đích là để “tách” nạn nhân ra khỏi những người khác vì vòng quan hệ và ảnh hưởng của nạn nhân lúc ban đầu khá rộng nên nếu công kích nạn nhân vào thời điểm đó sẽ dễ gây ra sự bức xúc và can thiệp của nhiều người đứng về phía nạn nhân (kẻ bắt nạt có thể gặp nhiều bất lợi thậm chí bị tấn công ngược lại bởi đám đông).

Áp lực đồng trang lứa, lòng tự trọng thấp của kẻ bắt nạt cũng có thể trở thành nguyên nhân cho hành vi bắt nạt nhắm vào nhóm người này. 

Lời ngỏ

Bài viết này nhằm phân tích những “đặc điểm” của người mà kẻ bắt nạt chọn làm “mục tiêu” và nguyên nhân cho việc đó. Đó không phải là “vấn đề” của “nạn nhân” mà là từ kẻ bắt nạt. Như bạn cũng thấy bất cứ ai cũng có thể trở thành kẻ bắt nạt chỉ vì những lý do như: khác biệt, nổi bật, trầm lặng, tự ti, tự tin, được nhiều người yêu thích, không có bạn bè,…bất cứ điều gì cũng có thể bị kẻ bắt nạt nhắm đến. Khi hiểu rõ hơn về nguyên nhân của việc “chọn lựa mục tiêu” của kẻ bắt nạt thì có thể dễ dàng và rõ ràng hơn trong việc suy nghĩ đến các biện pháp phòng ngừa và bảo vệ bản thân, hoặc trang bị những kỹ năng và kiến thức cần thiết để ứng phó với hành vi bắt nạt nếu nó xảy ra. Bắt nạt học đường gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực và có thể là “cơn ác mộng” của nhiều học sinh đã hoặc đang là nạn nhân của nó. Nỗi sợ đến trường, lo âu, những vết thương trên cơ thể, khủng hoảng, ám ảnh,… Tác động của nó đến nạn nhân có thể xem là nặng nề hơn cả, tuy nhiên, bạo lực học đường không chỉ gây ra những khó khăn cho nạn nhân mà còn cho những người chứng kiến và thậm chí kẻ bắt nạt cũng chịu những ảnh hưởng tiêu cực từ nó. Nó gây ra những hệ lụy cho trường học và xã hội. Ở bài viết sau – Phần 3, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về những tác động mà bạo lực học đường gây ra cho những người và tổ chức có liên quan đến nó. 

 

Tài liệu tham khảo 

  1. Faris, R, W. & Felmlee, D. (May 20, 2024). Bullying. Britannica. Truy xuất từ: https://www.britannica.com/topic/bullying
  2. Gordon, S. (March 25, 2021). Ten types of kids most likely to be bullied. Verywell Family. Truy xuất từ: https://www.verywellfamily.com/reasons-why-kids-are-bullied-460777
  3. Cherry, K. (April 01, 2024). 11 Signs of Low Self-esteem. Verywell Mind. Truy xuất từ: https://www.verywellmind.com/signs-of-low-self-esteem-5185978
  4. Nguyen, R. (17/6/2024). Bắt nạt học đường (Phần 1). Psyme. Truy xuất từ: https://psyme.org/bat-nat-hoc-duong-phan-1/

Để lại một bình luận