Bạn sẽ xử lý như thế nào nếu có ý định “Đập chậu cướp hoa”?

Biên tập: Vũ Ngọc

Con người vốn dĩ có nguồn gốc từ một loài động vật lớp thú và trong nhiều trường hợp phần thú trong chúng ta tăng đột biến và vượt khỏi phần người. Vào những lúc như vậy, chúng ta chỉ muốn thực hiện những gì chúng ta đang ham muốn, thèm khát. Điển hình, khi thích một người mà người đó đã có chủ, chúng ta sẽ lập tức có ý định “đập chậu cướp hoa”. Dẫu vậy, đó mới chỉ là ý định, tức mới ở dạng suy nghĩ. Thế chúng ta sẽ xử lý sao với suy nghĩ này, biến nó thành hành động, hay niêm phong nó lại dưới dạng ý nghĩ? Thành phần tâm trí nào sẽ giúp chúng ta quyết định việc trên?

Để quyết định suy nghĩ “đập chậu cướp hoa” sẽ đi theo xu hướng nào, không thành phần tâm trí nào ngoài bản ngã có thể quyết định.

Vậy bản ngã ngã là gì? Bản ngã/ cái tôi hay gọi cách khác là ego, là một phần cấu trúc của nhân cách theo Sigmund Freud. Bản ngã chính là phần tâm trí hoạt động theo nguyên tắc thực tế và suy nghĩ vận hành thứ cấp . Nguyên tắc thực tế (Reality principle) là việc bản ngã sẽ dựa trên thực tế để thỏa mãn hay không thoả mãn những nhu cầu, khát khao. Nguyên tắc suy nghĩ vận hành thứ cấp (Secondary- process thought) là quá trình suy nghĩ trưởng thành hơn, thoát khỏi cái bản năng, gắn liền với cái thực tế (Randy J.Larsen, (2020). Nhờ hoạt động theo hai nguyên tắc trên nên bản ngã là cái quyết định hành động và thời điểm hành động. Vậy bản ngã của chúng ta sẽ xử lý như thế nào nếu có một ngày ý định trên xuất hiện?

“Đập chậu cướp hoa” là một cụm từ nói giảm nói tránh chỉ một hành động phá hoại tình cảm của người khác nhằm đạt được mục đích cá nhân. Nói theo ngôn ngữ đời thường và đôi phần tếu táo, đó chính là “giật bồ”, giật trong từ cướp giật, bồ theo cách gọi chính thức là người yêu. Như vậy “đập chậu cướp hoa” chính là cướp người yêu của người khác. Tuy nhiên do thuộc phương diện tình cảm nên không phải chịu trách nhiệm hình sự: vì con người có quyền tự do lựa chọn, không phải là một loại tài sản. Dẫu vậy, hành động trên vẫn bị người đời lên án, mỉa mai, xỉ vả bởi đơn giản nó vi phạm lý tưởng sống của cái siêu tôi (superego). Cái siêu tôi là một phần nhân cách của con người theo đuổi sự hoàn hảo, sự chuẩn mực và mục tiêu đạo đức.  (Lapsley, 2011)

 

Sự xuất hiện của những mong muốn này dẫn đến những xung đột tâm lý nội tâm, chính là sự đấu tranh của cái nó và cái siêu tôi. Khi những xung đột giữa cái nó và cái siêu tôi quá lớn, bản ngã sẽ giữ vai trò như một trọng tài, quyết định cái nào sẽ được thỏa mãn: đáp ứng nhu cầu bản năng hay yêu cầu luân lý xã hội? Đồng thời, bản ngã cũng xuất hiện lo hãi nhiễu tâm (neurotic anxiety). Lo hãi nhiễu tâm, theo Freud giải nghĩa rằng: bản ngã trở nên lo hãi trước những khát vọng bản năng, không phù hợp thực tế đang tồn tại bên trong nhưng có thể bộc phát ra bên ngoài, làm tổn hại cái siêu tôi khi bản ngã mất kiểm soát. (Randy J.Larsen, (2020)

Điều này giống như việc chúng ta bắt đầu có ý tưởng “đập chậu cướp hoa”. Bản ngã có lẽ sẽ nói với chúng ta là điều này không phù với hoàn cảnh thực tế và không đáp ứng nhu cầu này. Vậy nên, mong muốn trên sẽ được giữ lại dưới dạng suy nghĩ , thậm chí là dồn suy nghĩ này xuống vô thức. Chúng ta thường tự nhủ: “Quên nó đi; ai lại làm vậy, yêu là mong cho người mình yêu hạnh phúc …” Bên cạnh đó, chúng ta cũng sợ người khác chê cười nếu làm hành động đó “sợ xã hội lên án, bị gọi là Tiểu tam hay Trà xanh”. Việc bị xã hội lên án, kết tội có thể khiến con người  xuất hiện cảm giác tội lỗi (guilt). Cảm giác tội lỗi được sinh ra một phần là bởi ta làm những việc trái với luân lý và lo lắng bị loại trừ khỏi xã hội. (Baumeister,1994) Đây chính là  biểu hiện của lo lắng nhiễu tâm.

Vậy Ego đã làm cách nào để dồn suy nghĩ trên xuống tầng vô thức?

Theo Freud, để bản ngã tự bảo vệ mình và đáp ứng một phần ham muốn, nó đã dùng cơ chế dồn nén, đẩy những suy nghĩ sai lệch, không phù hợp xuống sâu tầng vô thức. (Randy J.Larsen, (2020). Vậy nên, trong nhiều trường hợp, những người có tình cảm này thường chọn cách im lặng, gói gém lại cảm xúc của mình. Tuy nhiên, ham muốn đó không mất đi mà vẫn tồn tại trong vô thức, nó cố gắng trồi lên. Biểu hiện là có thể chúng ta sẽ mơ thấy người ấy, hoặc lỡ lời nói về người ấy, gọi tên người đó khi mất hết ý thức giống như lúc say, chúng ta vô tình gọi tên người yêu cũ trước mặt người yêu mới.Đồng thời, do xuất hiện cảm giác tội lỗi nên nhiều cá nhân sẽ chọn cách xử sự phù hợp với tiêu chuẩn xã hội hơn, giảm ham muốn cá nhân lại. Theo Baumeister, cảm giác tội lỗi giúp thực thi các chuẩn mực chung quy định sự quan tâm, tôn trọng và đối xử tích cực với người khác, giảm hành vi vi phạm sự sai trái của một cá nhân để mọi người ít khả năng bị tổn thương, thất vọng. (Baumeister,1994)

Nhưng đâu phải ai cũng chấp nhận sự thật “người ấy đã có chủ” một cách dễ dàng.

Họ không chấp nhận thực tế, mặc kệ dư luận mà “đập chậu cướp hoa”. Theo Freud, những người này, ego đã mất kiểm soát do ham muốn của cái nó quá lớn. Nó trỗi dậy, vượt qua sự kìm kẹp luân lý của cái siêu tôi. Thậm chí còn kiểm soát luôn cái tôi, buộc cái tôi phải đáp ứng, thoả mãn .Một ví dụ minh chứng cho việc này chính là các cô “trà xanh” có thể dùng mọi thủ đoạn để khiến người đàn ông chia tay vợ: đó có thể là lời nói khiêu khích, cũng có thể là chiêu trò bôi xấu chính nhiếp. Mặc cho hành động đó đáng xấu hổ, các cô vẫn không dừng lại mà tiếp tục cho đến khi đạt được mục đích. Khả năng cao do cái nó đã đã hoàn toàn xâm chiếm cơ thể. Như đã giới thiệu ở trên, cái nó hoạt động theo nguyên tắc khoái cảm nên nó chỉ cần thoả mãn nhu cầu khát vọng chứ không quan tâm bất cứ điều gì xung quay.

Như vậy, nếu có nhân cách quân bình (cái nó và cái siêu tôi cân bằng, bản ngã  khỏe mạnh) thì chúng ta thường có xu hướng giữ lại ý định “đập chậu cướp hoa” dưới dạng suy nghĩ và đáp ứng nó trong khả năng phù hợp với yêu cầu thực tế như giấc mơ, lỡ lời, … Còn nếu nhân cách chúng ta bị chi phối quá nhiều bởi cái nó (ham muốn) thì chúng ta dễ có những hành vi bộc phát, sai trái để thỏa mãn khát vọng của mình. 

 

Nguồn:

[1] Larsen, R. J., Buss, D. M., Wismeijer, A., Song, J., & Van den Berg, S. (2020). Personality psychology: Domains of knowledge about human nature. McGraw-Hill Education.

[2] Lapsley, D. K., & Stey, P. C. (2011). Id, ego, and superego. Encyclopedia of human behavior, 2.

[3] Baumeister, R. F., Stillwell, A. M., & Heatherton, T. F. (1994). Guilt: an interpersonal approach. Psychological bulletin, 115(2), 243.

Trả lời