Áp lực đồng trang lứa đã trở thành một vấn đề ngày càng phổ biến và đáng quan tâm trong xã hội hiện đại. Trong một thế giới mà có sự phát triển vượt bậc của công nghệ, truyền thông và môi trường cạnh tranh khốc liệt, giới trẻ ngày nay lại càng chịu nhiều áp lực và thách thức lớn hơn khi nhận thức được sự vượt trội trong trình độ và vật chất của người khác so với mình. Vậy:
Áp lực đồng trang lứa là gì?
Áp lực đồng trang lứa là ảnh hưởng của một nhóm hoặc cá nhân đối với người khác trong cùng nhóm xã hội nhằm tạo nên áp lực lên họ (Andrew et al., 2002). Áp lực này có thể đến từ nỗi buồn và hụt hẫng khi bản thân cảm thấy kém cỏi hơn những người xung quanh, hoặc nó cũng có thể xảy ra khi xuất hiện sự khác biệt trong hành vi của bản thân so với xã hội.
Có 3 loại áp lực đồng trang lứa (Elizabeth Hartney, 2022):
Ngôn từ và phi ngôn từ:
- Áp lực đồng trang lứa ngôn từ bao gồm lời nói và giao tiếp để ép buộc các nhân thử làm một số việc mà họ chưa từng làm trước đây. Đối với người ở tuổi dậy thì, những áp lực có thể đến từ việc bạn bè rủ rê dùng thuốc lá và các chất kích thích khác.
- Áp lực đồng trang lứa phi ngôn từ không bao gồm giao tiếp, nhưng các tiêu chuẩn khiến cho những thành viên tự cảm thấy áp lực để trở nên phù hợp với cộng đồng và được sự công nhận từ mọi người hơn. Một trong những tình huống điển hình mà chúng ta ai cũng mắc phải là sự so sánh trong học lực. Khi ta nhận điểm kém, thầy cô sẽ chứng minh học lực của chúng ta và khiến ta thấy kém cỏi bằng cách xếp hạng học lực thông qua điểm số trong lớp. Dù không xuất phát từ những câu nói gây áp lực từ thầy cô, chúng ta vẫn luôn nhận thức sự kém cỏi của mình khi thứ hạng gần như bét lớp.
Trực tiếp và gián tiếp:
- Áp lực đồng trang lứa trực tiếp là sự yêu cầu đòi hỏi trực tiếp từ người khác thông qua giao tiếp hoặc các luật lệ. Một ví dụ điển hình là các phụ huynh châu Á nói chung và phụ huynh Việt Nam nói riêng đều sử dụng hình thức giao tiếp để trực tiếp so sánh con cái với “con nhà người ta”, và điều này khiến các bạn trẻ cảm thấy áp lực về việc chạy đua năng lực với người khác.
- Áp lực đồng trang lứa gián tiếp xảy ra khi bạn nhận thức được việc mình làm khác với những người khác trong cùng môi trường hoặc nhóm xã hội, và nó khiến bạn phải làm theo để giống với mọi người. Ví dụ như trong một môi trường làm việc chuyên nghiệp, dù không ai thi đua hay đấu tranh với bạn trong công việc thì bạn vẫn luôn thấy áp lực và nhắn nhủ bản thân phải cố gắng hơn để không bị sa thải.
Tích cực và tiêu cực:
- Áp lực đồng trang lứa tích cực là sự thúc đẩy và khuyến khích mạnh mẽ từ bạn bè và những người xung quanh giúp bạn tham gia và những hoạt động lành mạnh và định hướng tích cực.
- Áp lực đồng trang lứa tiêu cực là sự ép buộc từ những người trong cùng nhóm xã hội khiến bạn phải hình thành hành vi không lành mạnh như là hút thuốc, rượu bia hoặc quan hệ tình dục.
Nguồn hình ảnh: https://www.freeimages.com/search/peer-pressure
Từ những định nghĩa của áp lực đồng trang lứa, ta có thể thấy rằng thực chất áp lực đồng trang lứa không chỉ gói gọn trong sự vượt trội về khía cạnh học tập hay năng lực cá nhân, mà điều này còn được liên kết rộng rãi với các hành vi không lành mạnh khác như hút thuốc lá. Tuy nhiên, chung quy lại thì tất cả đều khiến ta áp lực khi cố gắng thay đổi để trở nên giống và phù hợp với các nhóm xã hội mà chúng ta đang hiện diện trong đó như trường lớp, gia đình, nhóm bạn,…
Nhưng vì sao chúng ta lại thấy áp lực đến thế?
Nguyên nhân
Có một số nguyên nhân gây ra áp lực đồng trang lứa, bao gồm như sau:
- Mưu cầu về sự thuộc về và công nhận. Đã từ xa xưa, chúng ta được tổ tiên truyền lại sự khao khát được công nhận từ đồng loại và được thuộc về một nhóm, vì với tập tính săn bắn hái lượm, loài người không thể sống sót một mình giữa thiên nhiên rộng lớn. Đến nay, chúng ta vẫn luôn tìm kiếm sự đồng thuận từ những người xung quanh, do đó mà chúng ta luôn tuân theo tiêu chuẩn và kỳ vọng mà xã hội đã đề ra (Baumeister & Leary, 1995).
- Ảnh hưởng từ các chuẩn mực xã hội. Trong từng xã hội đều có chuẩn mực riêng bao gồm những luật lệ phi ngôn ngữ hoặc sự kỳ vọng từ những cá nhân trong nhóm xã hội đó. Nếu chúng ta không đáp ứng được những chuẩn mực đã đề ra, ta có thể sẽ bị chối bỏ và không được công nhận từ người khác (Cialdini & Goldstein, 2004).
- Mong muốn được khẳng định bản thân. Đây là nguyên nhân chính xảy ra nhiều nhất ở tuổi vị thành niên (12 – 18 tuổi). Theo các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội của nhà tâm lý học Erik Erikson, xung đột cơ bản của tuổi vị thành niên là Căn tính và Sự rối loạn vai trò (Identity vs confusion) xảy ra ở hầu hết mọi cá nhân ở độ tuổi này vì họ đang trải qua quá trình hình thành căn tính và có thể cảm thấy áp lực khi phải áp dụng các hành vi, phong cách hoặc thái độ để khẳng định bản thân họ và thích ứng với các nhóm xã hội cụ thể (Erikson, 1968).
- Hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO). Nỗi sợ bỏ lỡ những trải nghiệm hoặc cơ hội thú vị so với những bạn bè đồng trang lứa khác góp phần tạo cảm giác cấp bách phải thực hiện ngay dẫn đến áp lực đồng trang lứa (Przybylski và cộng sự, 2013). Một ví dụ điển hình là khi các bạn lên năm nhất đại học đã bắt đầu đi làm thêm hoặc thực tập nhưng bản thân chúng ta thì vẫn còn nhiều thời gian rảnh và hiện chưa có công việc, ta sẽ cảm thấy bị áp lực và điều đó thúc đẩy mình tìm việc làm thêm một cách vội vã và mơ hồ.
- Thiếu sự chắc chắn. Khi một người bị thiếu sự chắc chắn, họ có thể tìm kiếm sự xác nhận từ những người khác và cảm thấy khó khăn khi khẳng định ý kiến của riêng mình hoặc đưa ra lựa chọn độc lập. Ví dụ, sau giờ thi, các bạn học sinh ra khỏi phòng thi với sự không tự tin về bài thi thường sẽ hỏi bạn bè để so sánh kết quả nhằm cảm thấy an tâm hơn khi biết câu trả lời của mình là đúng, nhưng nếu đáp án không giống nhau thì các bạn sẽ trở nên buồn (Harter, 1990).
Hậu quả
Áp lực đồng trang lứa không chỉ đơn giản là một trọng lực đè nặng lên tâm lý, mà còn có tác động đáng kể đến sự phát triển và trạng thái tinh thần của cá nhân. Hậu quả của áp lực này trở nên rõ ràng và đáng chú ý.
Một trong những hiệu ứng đầu tiên và rõ ràng nhất của áp lực đồng trang lứa là cảm giác tự ti. Người bị áp lực đồng trang lứa cảm thấy chưa đủ xuất sắc, không đáp ứng được tiêu chuẩn và mong đợi xã hội. Ngoài ra, họ còn hình thành nỗi sợ bị phê bình và đánh giá tiêu cực khiến họ ngần ngại khi bộc lộ cảm xúc và suy nghĩ chân thật, dẫn đến sự suy giảm về tự tin và thiếu đi kết nối với những người khác (Branje et al., 2018).
Hậu quả khác của áp lực đồng trang lứa là mất đi động lực và khả năng phấn đấu. Người bị áp lực này dần mất đi niềm tin vào khả năng của mình, và do đó không còn động lực để cố gắng nỗ lực. Họ chỉ tập trung vào những niềm tin tiêu cực về bản thân và cảm thấy mệt mỏi khi cố gắng, vì tất cả năng lượng của họ đều dồn vào những suy nghĩ tiêu cực và nỗi buồn. Hơn thế nữa, động lực nội tại (intrinsic motivation) cũng vì thế mà dần tan biến, thay vào đó, họ tập trung vào những hoạt động chỉ vì phần thưởng bên ngoài và đạt được những sự công nhận từ người khác (Vallerand, 1997).
Sự mông lung là điều sẽ xảy đến nhiều nhất đối với các trẻ vị thành niên. Ở độ tuổi khao khát được tìm kiếm
và khẳng định bản thân mình, họ thường có xu hướng thay đổi rất nhanh trong hành vi và suy nghĩ của mình. Khi nhận thức được sự vượt trội của những người khác, họ sẽ bị áp lực và trở nên mông lung và căng thẳng hơn trên con đường phát triển bản thân. Ví dụ, khi bạn biết bạn bè xung quanh khi tốt nghiệp cấp ba đã kiếm được những công việc làm thêm tốt và chọn được ngành mình yêu thích, bạn sẽ trở nên căng thẳng vì bản thân còn chưa nghĩ nhiều đến tương lai như thế. Bạn hối hả tìm kiếm cho bản thân một công việc làm thêm, hoạt động ngoại khóa, và theo học ngành mà bạn cho là ‘hot’ nhất với hy vọng học xong sẽ kiếm được việc làm. Những điều trên mà bản thân bạn cho là “trải nghiệm” thực chất chỉ là kết quả của những quyết định vội vã để bằng bạn bè và không mang đến bạn nhiều những kinh nghiệm mà bạn có thể áp dụng vào lĩnh vực bạn theo đuổi sau này .
Cuối cùng là cảm giác bị cô lập. Đối với những cá nhân đang chịu áp lực đồng trang lứa, họ có thể rút lui khỏi các hoạt động xã hội hoặc tránh một số hoàn cảnh nhằm tránh những áp lực tiềm ẩn, dẫn đến giảm sự tham gia xã hội, bị cô lập và lạc lõng (Allen & Land, 2021).
Phương pháp
Dẫu mang đến nhiều căng thẳng cho nạn nhân, nhưng áp lực đồng trang lứa là thử thách không thể thiếu trên hành trình khám phá và phát triển bản thân. Hãy tưởng tượng rằng có một con tàu đang lênh đênh trên biển. Nước biển là yếu tố quan trọng tạo ra lực đẩy cần thiết giúp con tàu đi đến nơi nó muốn. Tuy nhiên, nước cũng có thể tràn vào con tàu và khiến nó bị chìm. Cũng như vậy, áp lực đồng trang lứa không nên là thứ kìm hãm chúng ta và mang đến những hậu quả khó chịu như trên; ngược lại, nó sẽ là nguồn động lực giúp ta trở nên tốt đẹp hơn và phát triển qua từng ngày. Vì thế, khi áp lực đến, cách tiếp cần đúng đắn mà ta có thể làm là chuyển hóa từ căng thẳng thành động lực để thúc đẩy sự phát triển bản thân.
Trong những tình huống căng thẳng vì áp lực đồng trang lứa, chúng ta hãy thử chậm lại một nhịp và hướng sự tập trung vào chính bản thân. Khi chúng ta bắt đầu so sánh mình với người khác, áp lực đồng trang lứa tự nhiên sẽ tác động đến chúng ta. Do đó, điều quan trọng là chúng ta cần điều chỉnh sự tập trung của mình để giảm bớt căng thẳng và áp lực mà điều này gây ra:
- Hạn chế sử dụng mạng xã hội. Các nền tảng mạng xã hội thường ảnh hưởng đến thói quen so sánh của chúng ta. Những hình ảnh mà mình thấy về người khác chỉ là sự hào nhoáng dàn dựng để thỏa mãn mong muốn chứng tỏ bản thân trên mạng xã hội mà thôi, nhưng vô tình lại mang đến áp lực không cần thiết đến bạn. Vì thế, bạn có thể hạn chế sử dụng mạng xã hội, hoặc tốt hơn là theo dõi những nội dung tích cực nhằm thúc đẩy sự tự chấp nhận và kỹ năng chăm sóc bản thân (Fardouly et al., 2018).
- Thực hành lòng biết ơn. Trau dồi tư duy về lòng biết ơn bằng cách tập trung và đánh giá cao những thành tựu, kinh nghiệm của chính bạn và những khía cạnh tích cực trong cuộc sống của bạn. Điều này có thể giúp chống lại xu hướng so sánh bản thân với người khác một cách bất lợi (Wood et al., 2008).
- Đi tìm kiếm trợ giúp từ nhà tâm lý. Bạn có thể sẽ cần sự trợ giúp từ những người có chuyên môn cao về nội tâm để giúp bạn vững vàng hơn trên hành trình phát triển của mình.
- Thực hành chánh niệm. Yếu tố cốt lõi nhất để có thể đối mặt và vượt qua bất kỳ khó khăn nào trong cuộc sống là sự chấp nhận. Trong chánh niệm, bạn sẽ cần để tâm đến các yếu tố khiến bản thân cảm thấy mình kém cỏi, đồng thời cũng đánh giá cao những điểm mạnh khác của bản thân. Từ đó, chấp nhận trình độ của mình và tìm cách khắc phục. Tuy nhiên, các bạn sẽ dễ bị nhầm lẫn giữa sự chấp nhận và sự rên rỉ nội tâm. Trong khi rên rỉ nội tâm là việc hướng sự tập trung ra bên ngoài chúng ta và so sánh bản thân với người khác, thì sự chấp nhận là việc hướng sự tập trung vào bản thân và cải thiện những khía cạnh còn thiếu sót.
Ngoài ra, để đối mặt với áp lực từ đồng trang lứa, sự tự tin trở thành một yếu tố quan trọng không thể thiếu. Sự tự tin giúp chúng ta tin tưởng vào khả năng của mình và không bị lòng tham lam và ghen tỵ của người khác làm sa sút tinh thần. Vì thế, để gia tăng sự tự tin của bản thân, chúng ta có thể:
- Ngừng chỉ trích bản thân. Điều đầu tiên bạn có thể làm là ngừng gán ghép những điều tiêu cực lên bản thân. Để ngừng việc này thực chất lại đơn giản hơn bạn nghĩ. Mỗi khoảnh khắc bạn bắt đầu chỉ trích bản thân mình, bạn hãy để tâm đến điều đó. Bạn hãy theo dõi và quan sát quá trình hình thành nên suy nghĩ tiêu cực về bản thân, từ đó, bạn có thể nhẹ nhàng giảm hành động chỉ trích bản thân.
- Xây dựng thói quen tốt. Bạn có thể tham khảo sách Thay đổi tí hon hiệu quả bất ngờ (Atomic habits) và chọn cho mình một hoạt động lành mạnh (ví dụ như đọc sách, tập thể dục, ăn uống lành mạnh, v.v.) để bắt đầu một hành trình xây dựng thói quen. Đây là một hành trình dài và khó khăn, nhưng kết quả mà nó mang lại cũng vô cùng xứng đáng. Nó có thể giúp bạn tăng cường sức khỏe, cải thiện năng suất làm việc, và rèn giũa kỹ năng cần thiết cho sự phát triển lâu dài của bạn.
Tóm lại, mỗi người là một cá thể riêng biệt. Chúng ta có hành trình phát triển khác nhau phù hợp với điểm mạnh yếu của từng cá nhân, và việc tự chấp nhận bản thân mình là điều quan trọng để hiểu rõ bản thân cần phát triển và bồi đắp những điều gì là phù hợp.
Mặc dù áp lực đồng trang lứa mang đến cho ta nhiều trải nghiệm không mấy thoải mái, nó không thể được coi là một thách thức mà ta cần phải vượt qua. Áp lực đồng trang lứa đơn giản là một báo hiệu cho sự đi xuống trên hành trình phát triển bản thân, hay là điểm độc đáo của riêng bạn trong môi trường mà bạn đang tham gia. Vì thế, bạn cũng không cần cảm thấy quá tiêu cực khi áp lực này ập đến, thay vào đó bạn có thể hít thở và theo dõi sự căng thẳng đang diễn ra bên trong tâm trí mình.
Từ khoá: Áp lực đồng trang lứa, peer pressure, tâm lý học, psychology
Nguồn tham khảo:
MSc, E. H. B., MA PhD. (2022, October 6). What Is Peer Pressure? Verywell Mind. https://www.verywellmind.com/what-is-peer-pressure-22246
Burns, Andrew; Darling, Nancy. (2002). The Education Digest; Ann Arbor Vol. 68, Iss. 2. https://www.proquest.com/openview/19d4fb81da24cd4a489a4cbbbacb0426/1.pdf?pq-origsite=gscholar&cbl=25066
Roy Baumeister, Mark Leary. 1995. The Need to Belong: Desire for Interpersonal Attachments as a Fundamental Human Motivation. Psychological Bulletin 117(3):497-529. DOI:10.1037/0033-2909.117.3.497
Robert B Cialdini, Noah J Goldstein. 2004. Social Influence: Compliance and Conformity. Annual Review of Psychology 55(1):591-621. DOI:10.1146/annurev.psych.55.090902.142015
Yui, D. (2018). Erik H. Erikson – Identity Youth and Crisis 1(1968, W. W. Norton & Company) (1). Pucp. https://www.academia.edu/37327712/Erik_H_Erikson_Identity_Youth_and_Crisis_1_1968_W_W_Norton_and_Company_1_
APA PsycNet. (n.d.). https://psycnet.apa.org/record/1990-98975-013
Mcleod, S., PhD. (2023). Erik Erikson’s Stages of Psychosocial Development. Simply Psychology. https://www.simplypsychology.org/erik-erikson.html
Allen, J. P., & Land, D. J. (2021). Dyadic Peer Relations in Adolescence. Annual Review of Developmental Psychology, 3, 345-370.
Branje, S. J., Keijsers, L., Hale, W. W., Frijns, T., & Meeus, W. H. (2018). Self-disclosure and the Role of Perceived Partner Responsiveness in Adolescents’ Friendship Quality: The DRAMA Model. Journal of Youth and Adolescence, 47(9), 1870-1883.
Vallerand, R. J. (1997). Toward a Hierarchical Model of Intrinsic and Extrinsic Motivation. In Advances in Experimental Social Psychology (Vol. 29, pp. 271-360). Academic Press. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0065260108600192
Wood, A. M., Maltby, J., Gillett, R., Linley, P. A., & Joseph, S. (2008). The Role of Gratitude in the Development of Social Support, Stress, and Depression: Two Longitudinal Studies. Journal of Research in Personality, 42(4), 854-871. https://www.sciencedirect.com/science/article/pii/S0092656607001286
Fardouly, J., Diedrichs, P. C., Vartanian, L. R., & Halliwell, E. (2018). Social Comparisons on Social Media: The Impact of Facebook on Young Women’s Body Image Concerns and Mood. Body Image, 26, 38-45. https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/25615425/