Chia sẻ từ Thu Hiền – Academic Team.PsyMe
Để trả lời câu hỏi này mình nghĩ rằng mình sẽ nói qua một chút về đặc điểm của hai chuyên ngành này
- Tham vấn tâm lý (Counseling Psychology) là một hoạt động trợ giúp mang tính chuyên nghiệp trong đó đòi hỏi nhà tham vấn có kiến thức sâu về tâm lý và hành vi con người nhằm giải quyết những vấn đề của cuộc sống xã hội được coi là nguyên nhân nảy sinh những rối loạn tâm lý cần được giúp đỡ (Đức, 2009)
- Tâm lý học lâm sàng (Clinical Psychology) là một chuyên ngành của tâm lý học tích hợp tri thức lý thuyết và thực hành của khoa học tâm lý vào nghiên cứu, trợ giúp các cá nhân, nhóm và cộng đồng có các khó khăn và rối nhiễu tâm lý nhằm nâng cao năng lực thích ứng và cảm nhận hạnh phúc (Hằng, 2020)
- Về đào tạo: Hai chuyên ngành này đều có trình độ đào tạo tương đương và cao nhất là tiến sĩ, được cấp phép hành nghề với cách thức tương tự nhau. Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay chưa có đơn vị nào đảm nhận công việc cấp phép hành nghề cho các nhà tâm lý học. Chính vì thế các bạn sau khi tốt nghiệp đều có thể hành nghề độc lập trong các đơn vị, tổ chức có vị trí dành cho nhà tâm lý học, tuy nhiên điều này không được khuyến khích. Các bạn được khuyến khích học tiếp lên cao học để đảm bảo kiến thức và kỹ năng trước khi chính thức thực hành nghề độc lập.
- Yêu cầu về bằng cấp: Nhiều nơi trên thế giới yêu cầu bằng tiến sĩ đối với nhà Tâm lý học Lâm sàng.
- Về đối tượng làm việc: Nhà tham vấn sẽ làm việc những cá nhân có khó khăn tâm lý nhưng không mang tính bệnh lý. Nhà tâm lý học lâm sàng sẽ làm việc với những cá nhân có các vấn đề tâm lý nghiêm trọng mang tính bệnh lý.
Theo mình, thực tế không có cái nào khó hơn cái còn lại, mức độ khó dễ phụ thuộc vào mức độ chuyên sâu mà bạn học, tìm hiểu, nghiên cứu về từng chuyên ngành.
Chia sẻ từ Dũng Nguyễn – Cofounder PsyMe
Tuy có nhiều điểm chung nhưng đây vẫn là hai lĩnh vực khác nhau. Và nếu là hai lĩnh vực khác nhau thì thật sự rất khó để đưa ra một so sánh dễ khó một cách rất khách quan. Đối với trải nghiệm của riêng cá nhân mình, mình cảm thấy tâm lý học lâm sàng khó hơn ở khía cạnh: ta cần phải hiểu biết sâu sắc về các loại bệnh lý. Mà mình loại bệnh lý nó có nhiều biểu hiện giống nhau nên rất khó phân biệt, mà chúng lại còn rất rất đa dạng không khác gì y học. Tham vấn thì khó hơn ở khía cạnh: ta sẽ gặp chút trở ngại hơn nếu chưa từng có trải nghiệm/ kinh nghiệm trong việc giải quyết một vấn đề tâm lý nào đó. Mà bối cảnh sống của mỗi cá nhân khác nhau, ta cũng không thể áp dụng chỉ một phương thức giải quyết cho các vấn đề. Trong khi thực hành tham vấn, mình cũng thường gặp khó khăn trong việc xác định vấn đề cốt lõi của thân chủ, đôi khi những gì ta thấy ta nghe mới chỉ là đặc điểm bề mặt.
Chia sẻ từ Vân Anh – quản lý dự án GMHM
Học tham vấn tâm lý hay học tâm lý học lâm sàng dễ hay khó phụ thuộc vào vài yếu tố chẳng hạn:
- Mức độ hiểu biết về sự khác nhau giữa tham vấn khác và lâm sàng
- Và yếu tố quan trọng nhất là ở bản thân em: Khả năng, năng lực của bản thân (thế mạnh của bản thân là gì, phù hợp với tham vấn hay lâm sàng ….), động cơ, nhu cầu, mục đích học tập của em và ý chí/quyết tâm đạt được mục tiêu của em vì học gì thì cũng cần dành thời gian, sức lực cho nó. Học với chất lượng như thế nào.
- Yếu tố hỗ trợ: tài chính, thời gian, công việc, ủng hộ của gia đình, mạng lưới kết nối, tài liệu tiếp cận …
- Yếu tố môi trường: Nhu cầu thị trường, triển vọng tương lai với ngành… (có thể tác động đến động cơ và ý chí, quyết tâm của em..)