Ba mẹ có nên cho con đi học trước khi vào lớp một không?

Ba mẹ có nên cho con đi học trước khi vào lớp một không?

 

Biên tập: Vũ Ngọc

Học trước chương trình lớp một (đọc thông, viết thạo) ngay khi còn học lớp lá  (lớp năm tuổi) đang là một thực trạng nhức nhối tại Việt Nam. Theo một khảo sát  của báo Thanh niên online, có 62% phụ huynh cho con học trước chữ; lớp 50 em có  46 em đã biết đọc, viết trước (Hằng, 2023). 

Theo lý thuyết các giai đoạn phát triển của Erikson, lớp lá (năm tuổi) và lớp một (sáu tuổi) là hai giai đoạn phát triển riêng biệt, kế tiếp của trẻ (Hà, 2013) nên trẻ học  lớp lá khó có thể làm tốt vai trò của học sinh lớp một. Điều này được thể hiện qua khía cạnh sau: 

Thứ nhất, sự phát triển thể chất và vận động của trẻ năm tuổi chưa phù hợp viết các chữ tinh xảo như viết hoa, chữ ghép vần. Mặc dù các ngón tay có thể hoạt  động tự do và cầm được bút để viết nhưng hệ cơ của trẻ còn yếu đặc biệt là vùng quanh khớp, khớp còn nông, dây chằng lỏng lẻo, xương  mềm (Ánh, 2013) nên việc viết các nét phức tạp trở nên quá sức với trẻ. Hơn nữa,  tiểu học mới là thời gian để hoàn thiện các kỹ năng vận động tinh như viết, vẽ, lắp  ghép (Hà, 2013). Ở lớp lá, các em nên được học các nét viết cơ bản: cong, thẳng,  móc, hình đơn giản, tô màu, xé dán để làm nền tảng cho lớp một (Phát Triển Vận  Động Của Trẻ Giai Đoạn 0 Tuổi – 6 Tuổi, n.d.) 

Thứ hai, sự phát triển tâm lý của trẻ chưa phù hợp với việc học tập học thuật (học có chú ý, nỗ lực). Giai đoạn này, hoạt động chủ đạo của trẻ là chơi. Thông qua việc chơi, trẻ khám phá thế giới, phát triển tư duy trực quan hình ảnh, khả năng sáng  tạo (Hà, 2013). Tuy nhiên việc đọc thông, viết thạo là hoạt động học tập học thuật nhằm phát triển tư duy trừu tượng. Đây là đặc điểm phát triển tâm lý của giai đoạn  trẻ đã bước vào tuổi nhi đồng (từ 6 đến 11 tuổi) (Hà, 2013).

Thứ ba, việc quá tập trung vào học và dạy trước không phù hợp với sự phát triển nhận thức của  con người. Theo nhà tâm lý học vĩ đại L. X. Vugotxki, phát triển nhận thức diễn ra thuận tiện thì giáo dục tốt nhất phải hướng vào vùng phát triển gần nhất (khoảng  cách giữa mức phát triển hiện có và mức phát triển có thể đạt được của trẻ) (Hà,  2013). Việc học trước mâu thuẫn với quan điểm trên. Kiến thức lớp lá đang nằm  trong vùng phát triển gần nhất của trẻ năm tuổi nhưng được dạy qua loa, vội vàng  do phải dành thời gian học thêm kiến thức lớp một đang nằm trong vùng phát triển  gần nhất của trẻ nhi đồng. 

Bên cạnh đó, việc các bậc phụ huynh quá chú trọng việc học trước có thể đem lại nhiều hệ lụy. Thứ nhất, theo tâm lý học nhân  cách, nếu trẻ không được phát triển và đáp ứng đầy đủ ở một giai đoạn, trẻ có thể bị cắm chốt ở giai đoạn đó (Larsen, 2020). Tức thể chất phát triển, nhưng tâm trí bị dừng lại. Điều này có thể bộc lộ qua hành vi của trẻ: trẻ muốn chơi, không muốn học, viết tự do (những điều trẻ năm tuổi được làm). Thứ hai, theo tâm lý học hoạt  động, con người là chủ thể của hoạt động tích cực (Hà, 2013), tức có hoạt động mới phát triển. Khi trẻ được học trước, trẻ giảm sự tò mò, ham học hỏi và hoạt động khi  được học chính thức. Giảm sự tò mò trẻ sẽ trở nên lười hoạt động và suy nghĩ, không  còn là chủ thể hoạt động tích cực nữa. Thứ ba, việc bố mẹ yêu cầu con học tập  nghiêm túc khi đang tuổi chơi là một hành động “cướp” đi tuổi thơ của trẻ, trẻ không thực sự được sống với lứa tuổi mà buộc phải “chín ép”. 

Ngoài ra, việc học trước chương trình cũng vi phạm quy định pháp luật tại  điều 4, thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, nghị định số 138 (Hoàng, 2023). Tuy nhiên, vẫn còn quan điểm nên cho con đi học trước để con không thua  kém bạn bè, tự tin (Dương T., 2021). Tâm lý lo lắng của phụ huynh có thể hợp lý trong trường hợp này. Nhưng  đã lập luận ở trên, giai đoạn mẫu giáo và tiểu học là hai giai đoạn kế tiếp với nhiều sự thay đổi ở trẻ cả việc học lẫn phát triển thể chất và tâm lý. Đồng thời chương  trình học của hai bậc cũng khác nhau (VnExpress, n.d.-b). Việc chuẩn bị cho con vào lớp một cần thiết nhưng phải đúng cách. Bố mẹ nên trang bị cho con tâm thế tự tin, kĩ năng tự lập, sự hào hứng… (Đức, 2015) chứ không phải quá chú trọng vào kiến thức. Không  chỉ dừng lại ở việc lo lắng, có người cho con học trước để con vượt trội, đạt thành  tích tốt (Trường Phổ thông Liên cấp FPT Bắc Ninh, 2023). Đây có lẽ là một quan điểm sai lầm bởi lẽ việc giáo dục trẻ tiểu học cốt mang lại niềm yêu thích học  tập chứ không phải nhồi nhét kiến thức để trở thành một chuyên gia nhí. Nếu là ba mẹ, các bạn sẽ làm gì trước ngưỡng của con vào lớp  một? Hãy bày tỏ quan điểm của bạn dưới phần bình luận nhé. Cảm ơn các bạn.

 

Từ khóa:

Vào lớp một, học trước, phát triển của trẻ, thương con đúng cách.

Tài liệu tham khảo: 

[1] Hằng T. (2023, May 11). 62% phụ huynh cho con học chữ trước khi vào lớp 1.  thanhnien.vn. https://thanhnien.vn/62-phu-huynh-cho-con-hoc-chu-truoc-khi-vao lop-1-1852305111738549.htm 

[2] tailieuxanh.com. (2013, May 20). Sự phát triển về thể chất của trẻ ở lứa tuổi mầm non  (từ 4-6 tuổi). https://tailieuxanh.com/vn/tlID1463571_su-phat-trien-ve-the-chat cua-tre-o-lua-tuoi-mam-non-tu-46-tuoi.html 

[3] Phát triển vận động của trẻ giai đoạn 0 tuổi – 6 tuổi. (n.d.). Vinmec.  https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/nhi/phat-trien-van-dong cua-tre-giai-doan-0-tuoi-6-tuoi/ 

[4] VnExpress. (n.d.). Những khác biệt giữa mẫu giáo và lớp một. vnexpress.net.  https://vnexpress.net/nhung-khac-biet-giua-mau-giao-va-lop-mot-2744815.html Hoàng M. (2023). Quy định về dạy thêm học thêm của bộ giáo dục 2023. Luật Sư Xhttps://luatsux.vn/quy-dinh-ve-day-them-hoc-them-cua-bo-giao-duc/

[5] Dương T. (2021, July 19). Có nên dạy trẻ đọc thông viết thạo trước khi vào lớp 1? Giáo  Dục Việt Nam. https://giaoduc.net.vn/co-nen-day-tre-doc-thong-viet-thao-truoc khi-vao-lop-1-post219443.gd 

[6] Đức P. H. (2015, June 1). Nên làm gì khi con chuẩn bị vào lớp 1. Giáo Dục Việt Namhttps://giaoduc.net.vn/nen-lam-gi-khi-con-chuan-bi-vao-lop-1-post158791.gd Hà, T. T. K. (2013). Giáo trình tâm lý học phát triển. NXB ĐHQGHN Larsen, R. J., Buss, D. M., Wismeijer, A., Song, J., & Van den Berg, S. (2020).  Personality psychology: Domains of knowledge about human nature. McGraw Hill Education. 

[8] Trường Phổ thông Liên cấp FPT Bắc Ninh. (2023c). Có nên cho con học trước các kiến thức lớp  1 trước khi chuyển cấp? Trường Phổ Thông Liên Cấp FPT Bắc Ninh. https://bacninh school.fpt.edu.vn/co-nen-cho-con-hoc-truoc-cac-kien-thuc-lop-1-truoc-khi-chuyen-cap/ 

[9] Ánh, T. K. (2013). Thực trạng phụ huynh chuẩn bị cho trẻ vào lớp 1 tại một số trường  mầm non trên địa bàn Tp HCM. Hồ Chí Minh.

[10] https://www.pinterest.com/pin/681450987379052012/

Để lại một bình luận