Hướng nội và hướng ngoại: Sự khác biệt từ cốt lõi
Ở trong lòng của của một hộp đêm náo nhiệt, đám đông lắc lư theo những giai điệu đầy mê hoặc, đắm chìm trong bầu không khí sôi động. Họ trao nhau những nụ cười, tiếng nhạc, tiếng hát và cười nói đầy ắp cả không gian. Dường như hơi lạc lõng so với bầu không khí rạo rực đó, một vài bóng người tách biệt một cách tinh tế với nguồn năng lượng dồi dào xung quanh. Đó là người hướng nội đang xoay sở trong thế giới của người hướng ngoại. Họ có vẻ như chỉ tìm thấy niềm an ủi khi ở bên những người bạn thân của mình.
Ban đầu, những người hướng nội cũng tận hưởng âm nhạc như bao người khác. Nhưng càng về sau tiếng ồn ào của âm nhạc vang dội trong tai dẫn trở nên choáng ngợp đè nặng lên các giác quan của họ. Đám đông trở nên ngột ngạt. Những khuôn mặt hòa vào một biển người lạ. Cuộc nói chuyện, mặc dù thú vị trong giây lát, giờ lại giống như một bài kiểm tra sức chịu đựng, làm cạn kiệt nguồn năng lượng xã hội hạn chế của họ.
Khao khát được ở một mình, về sự thoải mái trên chiếc giường của riêng mình, những người hướng nội lặng lẽ chuẩn bị rút lui, tìm kiếm niềm an ủi trong sự yên tĩnh của sự cô độc để nạp lại năng lượng. Trái lại, những người bạn hướng ngoại của họ như hòa làm một trong không khí sống động này, tìm thấy năng lượng và sự thỏa mãn trong các tương tác xã hội. Nhưng tại sao, cùng một tình huống nhưng phản ứng rất khác nhau những người hướng nội và hướng ngoại? Câu trả lời liên quan đến một số khác biệt trong cốt lõi của tâm lý và hành vi: cách mà bộ não của họ kết nối.
Thuật ngữ hướng nội – hướng ngoại
Thuật ngữ ‘hướng nội’ (introvert) và ‘hướng ngoại’ (extrovert) lần đầu tiên được sử dụng bởi một nhà tâm thần học, tâm lý học phân tích người Thụy Sĩ Carl Jung. Lý thuyết của Jung về các loại hình tâm lý dựa trên ý tưởng nền tảng là mỗi người bẩm sinh có những xu hướng tiếp nhận và xử lý thông tin khác nhau. Một trong những khía cạnh nổi tiếng trong lý thuyết này là sự khác biệt giữa hướng nội và hướng ngoại.
Theo Jung hướng nội là khuynh hướng hướng tập trung sự chú của mình vào những suy nghĩ và cảm xúc nội tâm, trong khi hướng ngoại có là khuynh hướng nhìn ra thế giới bên ngoài, hướng sự tập trung vào con người và những tình huống.
Tuy nhiên xu hướng hướng nội và hướng ngoại không phải những đường ranh rõ ràng, và mối người đều mang cả hai khuynh hướng trên nhưng khác nhau ở mức độ giữa các khung hướng. Yếu tố ảnh hưởng đến khuynh hướng này là cách tiếp nhận thông tin và cách đưa ra quyết định.
Lý thuyết của Jung về hướng nội và hướng ngoại đã trở nên phổ biến và được phát triển bởi những nhà tâm lý học khác, được sử dụng trong đời sống hằng ngày và trong nghiên cứu cho đến hiện nay. Trong tâm lý học hiện đại, khái niệm hướng nội hướng ngoại được phát triển sâu hơn từ lý thuyết gốc của Jung. Những nghiên cứu hiện tại cho thấy rằng hướng nội và hướng ngoại có thể khác nhau từ cơ sở sinh học, như các hoạt động của não bộ, chất dẫn truyền thần kinh và hệ thần kinh.
Sự khác biệt trong hoạt động của Não bộ
Các nghiên cứu cho thấy có nhiều sự khác biệt trong hoạt động của não bộ giữa hai kiểu người, cho thấy sự khác biệt trong hành vi, tính cách giữa họ.
Người hướng nội có phần trùy trán và phần trước đồi thị hoạt động tích cực. Những bộ phận phụ trách xử lý các quá trình trong não về nhận thức, sự chú ý, trí nhớ, ngôn ngữ (internal processing) (Johnson và cộng sự, 1999). Nghiên cứu của Beaty và cộng sự (2014) cũng phát hiện ra rằng những người hướng nội thể hiện hoạt động tích cực hơn trong mạng chế độ mặc định (DMN) của não so với những người hướng ngoại. Hoạt động tích cực ở thùy trán và DMN của những người hướng nội có thể góp phần vào thiên hướng như quan sát nội tâm, tập trung vào những điều diễn ra bên trong mình, nhận thức sâu sắc và chiêm nghiệm của họ. Tương tự như vậy, sự gia tăng hoạt động phía trước của đồi thị có thể phản ánh sự tham gia của vùng này trong việc kiểm soát sự chú ý, lọc thông tin giác quan và điều chỉnh sự tập trung. Điều này khiến cho những người hướng nội có xu hướng nhạy cảm hơn với các kích thích bên ngoài và có xu hướng tìm kiếm những môi trường yên tĩnh và ít kích thích hơn để tránh bị quá tải. Có thể thấy rằng, bộ não được kết nối để tiếp nhận kích thích (xử lý thông tin) một cách sâu sắc, nên họ có xu hướng tập trung vào suy nghĩ bên trong.
Trong khi đó, nghiên cứu chỉ ra não của những người hướng ngoại hoạt động tích cực ở vùng hồi đai trước, thùy thái dương và đồi thị sau – những khu vực phụ trách xử lý giác quan (sensory processing). Thùy thái dương là vùng của não nằm ở phía trước thùy trán, đóng vai trò xử lý thính giác, tổ chức thông tin và nhận thức xã hội. Vùng đồi thị sau, nằm ở phía sau vùng đỉnh, liên quan đến quá trình xử lý cảm giác và chuyển tiếp thông tin đến các vùng não khác nhau và hướng sự ý về không gian bên ngoài. Hồi đai trước phụ trách điều chỉnh cảm xúc, đánh giá rủi ro kiểm soát xung động trong quá trình xử lý thông tin. Sự hoạt động mạnh ở các khu vực này có thể liên quan đến xu hướng phản ứng nhanh hơn với các tín hiệu xã hội và thính giác bên ngoài, tạo điều kiện cho họ tương tác với người khác và thích thú với các tương tác xã hội, phản ứng tích cực kích thích giác quan bên ngoài và xu hướng tìm kiếm những trải nghiệm mới lạ của họ.
Ngoài ra, những người hướng ngoại có xu hướng hoạt động tích cực ở những vùng não phụ trách về xử lý phần thưởng (reward processing) và đưa ra quyết định (decision-making) đó là: hạch hạnh nhân (the amygdala), nhân cạp (nucleus accumbens) và độ dày vỏ não lớn ở cực trán trung gian (greater cortical thickness in the medial orbitofrontal cortex (OFC).
Hạch hạnh nhân (amygdala) được biết đến với vai trò xử lý cảm xúc và tạo động lực tích cực hơn ở những người hướng ngoại, góp phần vào xu hướng tìm kiếm và đạt được niềm vui từ các tương tác xã hội và trải nghiệm thú vị của người hướng ngoại. Các nhà nghiên cứu tại Đại học Amsterdam đã yêu cầu các tình nguyện viên và sử dụng một bài kiểm tra tính cách chuẩn hoá để xác định những người này là người hướng nội hay hướng ngoại. Các nhà nghiên cứu đã cho các tình nguyện viên đánh bạc, trong khi các nhà nghiên cứu theo dõi hạch hạnh nhân và nhân cạp trong não của họ. Hạch hạnh nhân gắn liền với cảm xúc và nhân cạp gắn liền với việc xử lý dopamine. Cả hai khu vực này đều liên quan đến sự phấn khích và phần thưởng. Họ đã phát hiện ra rằng những người tham gia được xác định là người hướng ngoại có phản ứng mạnh hơn ở hai khu vực đó khi họ đánh bạc. Điều này có nghĩa là bộ não của người hướng ngoại được kết nối để tìm kiếm phần thưởng thông qua các hoạt động xã hội hoặc các hoạt động ‘thú vị’ hơn, như gặp gỡ những người mới hoặc thử các hoạt động mới. Mặt khác, một người hướng nội có thể tìm thấy nhiều niềm vui hơn khi đọc sách so với việc ra ngoài vì cách hoạt động bộ não của họ không quá thích hợp để tiếp xúc với nhiều sự kích thích nhằm gia tăng sự phấn khích như tham gia các hoạt động xã hội (Cohen và cộng sự, 2005).
Chất dẫn truyền thần kinh yêu thích
Sự khác biệt chính giữa bộ não của người hướng nội và người hướng ngoại là cách họ phản ứng với chất dẫn truyền thần kinh dopamine. Dopamine là một chất dẫn truyền thần kinh đem lại cảm giác dễ chịu, cung cấp động lực để tìm kiếm những phần thưởng bên ngoài như kiếm tiền, thăng tiến trong xã hội, thu hút bạn đời hoặc được chọn cho một dự án nổi bật tại nơi làm việc. Không phải là người hướng nội có ít dopamine trong não hơn người hướng ngoại. Trên thực tế, cả người hướng nội và người hướng ngoại không có sự khác biệt về lượng dopamine có sẵn. Tuy nhiên, những người hướng ngoại có xu hướng có hệ thống dopamine hiệu quả hơn ở hệ thống khen thưởng (brain reward system) so với người hướng nội (Fischer, Lee và Verzijden, 2018). Phản ứng dopamine đối với phần thưởng mạnh mẽ hơn nên họ thường xuyên kích hoạt những cảm xúc tích cực mạnh mẽ hơn để theo đuổi mục tiêu (Depue and Fu, 2013). Nghiên cứu của Deque cũng chỉ ra rằng người hướng ngoại có sự kết nối mạnh mẽ hơn với bối cảnh gắn với phần thưởng lớn hơn so với người hướng nội, theo thời gian, những người hướng ngoại sẽ có được một mạng lưới ký ức bối cảnh phần thưởng rộng lớn hơn để kích hoạt hệ thống phần thưởng trong não của họ. Điều đó có nghĩa là người hướng ngoại sẽ có xu hướng tiếp tục tham gia vào những bối cảnh đó nhiều lần, tạo nên một đặc trưng tính cách của nhóm người này. Điều này có thể diễn giải rằng người hướng ngoại thích tham gia vào các hoạt động có tính cạnh tranh, có phần thưởng lớn hoặc những thử thách mới. Họ có thể có xu hướng tìm kiếm những trải nghiệm mới mẻ và không sợ rủi ro.
Người hướng nội, mặt khác, ‘ưa thích’ một chất dẫn truyền thần kinh khác gọi là acetylcholine. Giống như dopamine, acetylcholine cũng liên quan đến cảm giác dễ chịu, khoái cảm. Sự khác biệt là, acetylcholine làm cho họ cảm thấy dễ chịu khi họ hướng vào bên trong (turn inward) tập trung vào những suy nghĩ, cảm xúc và trạng thái tâm lý bản thân. Độ nhạy cảm cao với acetylcholine này có thể góp phần khiến những người hướng nội ưa thích những môi trường yên tĩnh hơn, ít kích thích hơn và xu hướng quan sát nội tâm, mức độ tập trung cao và suy tư của họ. Nó cũng có thể giải thích tại sao những người hướng nội có thể cảm thấy choáng ngợp hoặc kiệt sức trong các tình huống xã hội hoặc kích thích cao, vì những tình huống này có thể dẫn đến tăng giải phóng acetylcholin và kích thích. (Kacker & Chatterjee, 2021b)
Hệ thần kinh đối lập
Acetylcholine được liên kết với hệ thống thần kinh đối giao cảm (parasympathetic nervous system), có biệt danh là phía “giảm ga” (throttle down) hoặc “nghỉ ngơi và tiêu hóa” (rest-and-digest). Khi sử dụng phía đối giao cảm, cơ thể con người bảo tồn năng lượng và họ rút lui khỏi môi trường bên ngoài. Cơ bắp được thư giãn; năng lượng được lưu trữ; thực phẩm được chuyển hóa; đồng tử co lại để hạn chế ánh sáng tới; và nhịp tim và huyết áp của họ thấp hơn. Về cơ bản, cơ thể của họ đã sẵn sàng cho trạng thái nghỉ ngơi và chiêm nghiệm – hai trong số những điều mà người hướng nội thích nhất (Kacker & Chatterjee, 2021b).
Cả người hướng nội và người hướng ngoại đều sử dụng cả hai bên hệ thống thần kinh của họ vào những thời điểm khác nhau, giống như việc họ sử dụng cả hai chất dẫn truyền thần kinh. Tuy nhiên, người hướng ngoại có xu hướng chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi ưa thích phía ngược lại hệ thần kinh: phía giao cảm (the sympathetic side) được gọi là hệ thống “tăng ga” hoặc “fight, flight, freeze”. Phía này thúc đẩy họ khám phá những điều mới và khiến họ trở nên năng động, táo bạo, và tò mò. Bộ não trở nên tỉnh táo và siêu tập trung vào môi trường kích thích xung quanh. Lượng đường trong máu và axit béo tự do tăng lên để cung cấp cho chúng nhiều năng lượng hơn và quá trình tiêu hóa bị chậm lại. Khả năng suy nghĩ giảm đi và họ sẵn sàng đưa ra những quyết định nhanh chóng. Trong khi những người hướng ngoại phát triển mạnh nhờ những cảm xúc tích cực do dopamine tạo ra khi họ tương tác với phía giao cảm, thì đối với những người hướng nội, điều đó là quá tải (Kacker & Chatterjee, 2021b).
Lời kết
Trong bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu về sự khác biệt cốt lõi giữa hướng nội và hướng ngoại. Hướng nội là xu hướng tập trung vào bên trong, tự nghiên cứu và khám phá bản thân, trong khi hướng ngoại là sự tập trung vào xã hội, tương tác với người khác và thế giới xung quanh. Mỗi hướng điều mang lại những giá trị và trải nghiệm độc đáo.
Tuy nhiên, không có hướng nội hay hướng ngoại nào tuyệt đối tốt hơn. Quan trọng là nhận biết và khai thác sự cân bằng giữa hai hướng này để phát triển tối đa tiềm năng bên trong mình. Hiểu rõ về sự khác biệt cốt lõi giữa hướng nội và hướng ngoại cũng giúp chúng ta tự nhận thức và chấp nhận bản thân mình cũng như người khác. Bằng cách hòa nhập hai thiên hướng này, chúng ta có thể trở thành những cá nhân toàn diện và góp phần vào một thế giới đa dạng và phát triển.
Tài liệu tham khảo
Ross, C. A., & Francis, L. J. (2010). The relationship of intrinsic, extrinsic, and quest religious orientations to Jungian psychological type among churchgoers in England and Wales. Mental Health, Religion & Culture, 13(7–8), 805–819. https://doi.org/10.1080/13674670802207462
Fischer, R., Lee, A. & Verzijden, M.N., 2018. Dopamine genes are linked to Extraversion and Neuroticism personality traits, but only in demanding climates. Nature News. Available at: https://www.nature.com/articles/s41598-017-18784-y [Accessed February 23, 2021]
Richard A. Depue, Yu Fu. 2013. On the nature of extraversion: variation in conditioned contextual activation of dopamine-facilitated affective, cognitive, and motor processes. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3682132/
Chatterjee, Kacker P. Personality style and its relation with level of anxiety. Int J Soc Rehabil 2020;5:17-20. https://www.ijsocialrehab.com/article.asp?issn=WKMP-0125;year=2020;volume=5;issue=2;spage=17;epage=20;aulast=Chatterjee