Có bao giờ bạn nghi ngờ trí nhớ của mình? Hãy thử nhắm mắt và nghĩ về một sự kiện quan trọng với bạn cách đây một năm, tốt nhất là sự kiện mà có nhiều người khác cũng biết. Điều bạn còn nhớ được về sự kiện đó là gì? Hãy liệt kê ra càng nhiều chi tiết càng tốt, sau đó hãy hỏi và so sánh với những chi tiết mà những người tham gia cùng với bạn nhớ được.
Làm xong bài tập trên bạn thấy thế nào? Liệu bạn có còn hoàn toàn tin tưởng vào trí nhớ của mình?
Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu về ký ức, cơ chế và những yếu tố tác động đến cơ chế hình thành ký ức dưới góc nhìn khoa học não bộ để thu được cái nhìn toàn diện hơn về trí nhớ của mình.
1, Trí nhớ là gì?
Trí nhớ là một khả năng của tâm trí con người, nó cho phép chúng ta lưu trữ thông tin hoặc tái hiện quá khứ dựa trên quá trình học tập hoặc mã hóa, lưu trữ thông tin trong một thời gian nhất định và truy xuất thông tin sau đó [1]. Trí nhớ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta, nó ảnh hưởng tới khả năng học tập, giao tiếp và trải nghiệm cuộc sống của mỗi người.
2, Tiến trình hình thành ký ức và những yếu tố ảnh hưởng
Tiến trình của trí nhớ trải qua ba giai đoạn: Mã hóa, lưu trữ và truy xuất.
Giai đoạn mã hóa (encode): Đây là giai đoạn đầu tiên của quá trình trí nhớ, trong đó thông tin từ môi trường bên ngoài như thông tin tiếp nhận từ các giác quan (thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, và xúc giác) được chuyển đổi thành tín hiệu điện hóa và được ghi nhận bởi các neuron trong não bộ. Mã hoá giúp chuyển đổi thông tin cảm giác thành dạng có thể được lưu trữ vào trí nhớ. Mã hóa chỉ xảy ra khi chúng ta chú ý tới thông tin mình coi là quan trọng và cần thiết, còn gọi là chú ý có chọn lọc (selective attention). Vì sự chú ý của chúng ta bị hạn chế chúng ta có thể không nhận thức hoặc bỏ qua các chi tiết quan trọng trong thông tin mà chúng ta không chú ý. Ví dụ, khi chúng ta đọc một bài báo dài, chúng ta có xu hướng chỉ chú ý vào các đoạn văn bản hoặc từ khóa quan trọng, trong khi bỏ qua các chi tiết khác. Điều này có thể dẫn đến việc bỏ qua hoặc không ghi nhớ các thông tin chi tiết hoặc đầy đủ trong bài báo. Hoặc trong một cuộc thảo luận, chúng ta có thể chỉ tập trung vào quan điểm của mình hoặc của người khác mà không chú ý đến các lập luận hay thông tin bổ sung khác, dẫn đến việc đưa ra quyết định hoặc đánh giá không đầy đủ. Mã hóa còn bị ảnh hưởng bởi những cảm xúc ví dụ như khi căng thẳng hay sợ hãi tột độ sẽ ngăn cản tiến trình ghi nhớ [2]. Với những ký ức mang tính cảm xúc mạnh, sự chú ý của ta thường tập trung vào cốt lõi của trải nghiệm đó, chúng ta có thể quên đi một số chi tiết bên lề ví dụ khi chứng kiến một vụ cướp, chúng ta có thể có thể quên quần áo của thủ phạm nhưng không thể quên cây súng.
Giai đoạn lưu trữ (store) là nơi lưu trữ thông tin, lưu trữ trong bao lâu, có thể lưu trữ được bao nhiêu (dung lượng) và loại thông tin nào được lưu trữ. Cách thức chúng ta lưu trữ thông tin sẽ ảnh hưởng tới cách chúng ta truy xuất chúng. Ví dụ thông tin có thể được lưu trữ trong khoảng thời gian ngắn (0-30s) trong trí nhớ ngắn hạn nhưng những thông tin trong trí nhớ dài hạn có thể được lưu trữ cả đời.
Giai đoạn truy xuất (retrieval) là lấy thông tin ra khỏi kho lưu trữ và nó có thể bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như lo lắng, căng thẳng hoặc mệt mỏi. Quá trình truy xuất thường bắt đầu với sự chú ý; nếu chúng ta không chú ý đến điều gì đó, chúng ta sẽ ít có khả năng truy xuất được nó. Truy xuất là một bước cần thiết trong quá trình hình thành ký ức dài hạn.
Một vấn đề có thể gặp phải khi truy xuất ký ức đó là hiệu ứng thông tin sai lệch (Misinformation effect) là khuynh hướng những thông tin chính xác được trộn lẫn với những thông tin không chính xác, làm bóp méo trí nhớ của một sự kiện cụ thể [3]. Hiệu ứng thông tin sai lệch cho thấy ký ức có thể bị ảnh hưởng dễ dàng như thế nào. Nó cũng làm dấy lên lo ngại về độ tin cậy của ký ức—đặc biệt khi ký ức của các nhân chứng được sử dụng để xác định tội hình sự, được gọi là lời khai của nhân chứng (eyewitness testimony) [4].
Hiệu ứng thông tin sai lệch có thể dẫn đến những ký ức không chính xác và trong một số trường hợp, dẫn đến việc hình thành những ký ức giả (False memory). Trong nghiên cứu của Julia Shaw và những cộng sự, những người lớn được yêu cầu nhớ lại một tội lỗi họ đã mắc phải ở tuổi vị thành niên, dù những tội lỗi này hoàn toàn là giả và được các nhà nghiên cứu bịa ra. Nhà nghiên cứu đã dùng câu hỏi dẫn dắt trong buổi trò chuyện và 70% người tham gia đã chấp nhận rằng họ đã phạm những tội ác đó. Và nhiều người còn nghĩ ra những chi tiết phong phú nhưng hoàn toàn là giả [5].
Tiến trình quên lãng (Forgetting) là lỗi liên quan đến truy xuất bộ nhớ, mặc dù thông tin nằm đâu đó trong bộ nhớ dài hạn của bạn, nhưng bạn không thể thực sự truy xuất và ghi nhớ nó.
Nhà tâm lý học Hermann Ebbinghaus là một trong những người đầu tiên nghiên cứu về sự lãng quên và nổi tiếng với đề xuất đường cong quên lãng (forgetting curve) – biểu đồ mô tả sự suy giảm khả năng lưu trữ trí nhớ của não bộ theo thời gian [6]. Theo mô hình này thì tỷ lệ ký ức giảm mạnh nhất sau khi học. Nếu không ôn tập hoặc củng cố sau khi học thì khả năng lưu trữ thông tin của chúng ta sẽ giảm đi nhiều. Ví dụ bạn có thể rời khỏi một cuộc hội thảo với đầy những dữ kiện và số liệu mới, chỉ để nhận ra rằng bạn có thể nhớ rất ít về nó chỉ sau vài giờ.
3, Giải thích tiến trình ghi nhớ từ góc nhìn của khoa học về não bộ
Ký ức không phải được lưu trữ ở một nơi cụ thể, nó nằm trong các mạng lưới thần kinh phức tạp và được định vị ở nhiều khu vực khác nhau trong não. Bao gồm một số vùng não sau:
Phần não liên quan đến việc hình thành, hệ thống và lưu trữ sơ bộ, lâu dài các ký ức mới bao gồm cả việc củng cố ký ức khi ngủ là hồi hải mã (hippocampus). Bên cạnh đó là hạch hạnh nhân (amygdala) vùng não kiểm soát những cảm xúc mạnh đặc biệt là lo lắng và sợ hãi. Khi ta có những trải nghiệm giàu cảm xúc thì hạch hạnh nhân sẽ tăng cường điều chỉnh hồi hải mã cho phép nó tạo ra một trí nhớ chi tiết và mạnh mẽ hơn. Đó là lý do tại sao chúng ta sẽ ghi nhớ tốt hơn khi một trải nghiệm đi kèm với một cảm xúc. Và khi ta quá căng thẳng và sợ hãi thì ta cũng khó ghi nhớ hơn. Cấu trúc này khiến ta dễ giải thích tại sao cảm xúc lại ảnh hưởng đến tiến trình ghi nhớ. Ví dụ chúng ta sẽ thường nhớ “dai” nhất những lời lăng mạ, sỉ nhục mình: Adrenaline mà chúng ta tiết ra để tự bảo vệ trước các mối đe dọa tiềm ẩn đã giúp ta khắc họa sự cố đó vào tâm trí mình. Chúng ta càng tiết ra nhiều Adrenalin thì bộ nhớ của ta càng chính xác [7].
* Chú thích: Adrenalin, còn được gọi là epinephrine, là một loại hormone và dẫn xuất của catecholamine được sản xuất bởi tuyến thượng thận (adrenaline) và một số neuron trong hệ thần kinh trung ương. Nó có vai trò quan trọng trong phản ứng cơ thể với tình huống căng thẳng hoặc nguy hiểm, được gọi là “phản ứng chiến hoặc biến” (fight-or-flight response).
Ngoài ra, vùng vỏ não (cortex) cũng tham gia vào quá trình xử lý thông tin đưa vào ký ức ví dụ như vùng vỏ não thính giác (auditory cortex) thuộc thùy thái dương (temporal lobe) liên quan đến ghi nhận và lưu trữ thông tin âm thanh, và vùng vỏ não thị giác (visual cortex) thuộc thùy chẩm (occipital lobe) liên quan đến ghi nhận và lưu trữ thông tin về hình ảnh, vùng vỏ não cảm giác thân thể (Somatosensory cortex) thuộc thùy đỉnh (parietal lope) liên quan đến tiếp nhận và xử lý thông tin về xúc giác, định vị cảm giác trên cơ thể. Ngoài ra còn một số vùng não khác nữa.
Hãy phân tích ví dụ dưới đây để bạn hình dung rõ ràng hơn về tiến trình ghi nhớ và cách xử lý thông tin trong não bộ. Ví dụ bạn trình diễn một bản nhạc trên sân khấu, những thông tin về giác quan sẽ được xử lý ở những phần khác nhau trong não, ví dụ âm thanh mà tiếng đàn bạn phát ra – thuộc vùng vỏ não thính giác, cảm nhận phím đàn dưới những ngón tay – cảm nhận vùng vỏ não sau (post cortex), khuôn mặt của những khán giả – vùng nếp cuộn hình thoi (fusiform gyrus), sự lo lắng khi trình diễn trên sân khấu – hạch hạnh nhân (amygdala)…Và khi bạn nhớ lại sự kiện này thì thùy thái dương trung gian (medial temporal lobe) kết hợp tất cả các phần này lại với nhau một lần nữa. Và câu chuyện cuộc đời bạn là toàn bộ những khoảnh khắc được tái hiện như thế này.
Tuy nhiên, khi ta phải đối diện với nỗi khiếp sợ, hay một sự kiện mà có thể gây ra chấn thương thì bộ nhớ của ta có thể bị quá tải. Lúc này bộ não cảm xúc nơi không có kiểm soát ý thức sẽ nắm quyền chi phối đồng thời sự kiện gây chấn thương lại ngắt kết nối giữa các vùng não khác nhau cần thiết cho việc lưu trữ và hợp nhất thông tin đầu vào ví dụ như vùng hồi hải mã [8] điều này khiến cho những trải nghiệm chấn thương không được tổ chức thành câu chuyện liền mạch hợp lý, mà trở thành những dấu vết cảm xúc và cảm giác rời rạc về: hình ảnh, âm thanh và cảm giác thể chất. Đã có nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra những ký ức về chấn thương có thể bị kìm nén và chỉ xuất hiện sau nhiều năm hoặc nhiều thập niên [9].
Ký ức là thứ định hình nên con người và trải nghiệm của chúng ta trong quá khứ, cũng ảnh hưởng tới cách chúng ta nhìn nhận và đánh giá về tương lai. Đó là nguồn cung cấp cho chúng ta những kinh nghiệm, kiến thức, và nhận thức về bản thân mình và thế giới xung quanh. Tuy nhiên, ký ức không phải lúc nào cũng chính xác và đáng tin cậy. Nhiều yếu tố có thể góp phần làm bóp méo ký ức, làm cho chúng ta nhớ sai hoặc thậm chí tạo ra những kí ức hoàn toàn sai lệch ví dụ như môi trường, tâm trạng, cảm xúc hay quá trình hình thành ký ức trong não. Việc hiểu những giới hạn của ký ức giúp chúng ta có những đánh giá và nhìn nhận lại về chính bản thân mình, cũng như chấp nhận những khiếm khuyết trong tư duy của mình.
Biên tập viên: Nguyễn Thảo
Nguồn tài liệu tham khảo
1, https://dictionary.apa.org/memory
2,https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0959438804000479?via%3Dihub
3, https://dictionary.apa.org/misinformation-effect
4,https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/0010028575900237?via%3Dihub
5,https://journals.sagepub.com/doi/abs/10.1177/0956797614562862?journalCode=pssa
6, https://dictionary.apa.org/forgetting-curve
7, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0166223697012149
8, https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0010945208708773
9, https://link.springer.com/article/10.1007/BF02102887