Vì sao nhà hàng lại bật nhạc?

Biên tập: Cẩm Vân

Thi thoảng khi ghé thăm một nhà hàng nào đó, ta lại nghe thấy đâu đó tiếng nhạc. Lúc thì nhẹ nhàng du dương, có khi lại sôi động ồn ào. Rồi ta quan sát, có vẻ mọi người đều đang bận dùng bữa và chẳng mấy ai quan tâm đến điều ấy, và ta lại tự hỏi rằng bật nhạc lúc này thì có tác dụng gì chăng? Và liệu chúng có đơn thuần chỉ là sự lựa chọn ngẫu nhiên? 

Trong bài viết của bác sĩ tâm thần Neel Burton, M.D. trên Psychology Today vào năm 2014, ông đã chỉ ra rằng âm nhạc thực sự có những tác động nhất định đến thực khách của các nhà hàng. Cụ thể, âm nhạc có thể giúp cho khách hàng cảm thấy ngon miệng hơn, tạo nên một bầu không khí đặc trưng cho từng kiểu nhà hàng. Bên cạnh đó, âm nhạc còn ảnh hưởng đến sự lựa chọn trên menu của thực khách, và cũng có thể khiến họ ăn nhanh hơn, từ đó gia tăng hệ số quay vòng bàn (table turnover ratio) – số lần bàn được dọn để phục vụ cho một khách hàng mới trong một khoảng thời gian nhất định cho một nhà hàng nào đó.

Các nhà hàng sẽ tùy vào đặc điểm của khách hàng và những ấn tượng mà nhà hàng muốn để lại cho họ để chọn những thể loại nhạc phù hợp: nhẹ nhàng, sôi động, nhạc có lời, không lời hay thậm chí là không bật gì cả. Những bài hát nhẹ nhàng, du dương với âm lượng vừa đủ sẽ giúp thực khách ý thức hơn trong việc lựa chọn món ăn cho mình, từ đó họ sẽ có xu hướng lựa chọn những thực phẩm lành mạnh hơn. Ngược lại, những bài nhạc sôi động sẽ khiến sự tiêu thụ các thức ăn không lành mạnh gia tăng và tác động đến cả tốc độ dùng bữa của khách hàng, khiến họ ăn nhanh hơn, nhưng đồng thời cũng sẽ gọi ít món ăn hơn và ít có cảm giác hưởng thụ hơn. 

Những nhà hàng cao cấp sẽ có xu hướng lựa chọn những bản nhạc không lời (Instrumental Music) để phục vụ khách hàng vì chúng đã được chứng minh là có tác động rất lớn đến cái nhìn của thực khách về các món ăn và rượu. Theo nghiên cứu của Trung tâm nghiên cứu Liên giác quan (Crossmodal Research Laboratory) tại Đại học Oxford vào năm 2009, mọi người thường liên kết những âm thanh với tần số cao, thánh thót như những nốt cao của đàn piano hoặc tiếng sáo với cảm giác ngọt ngào, còn với những âm thanh với tần số thấp hơn, dày, tối và vang hơn lại có xu hướng gợi cho chúng ta về hương vị đắng nhiều hơn. Ngoài ra, so với những ca khúc có lời, những bản nhạc không lời thường sẽ không gây khó chịu cho khách hàng khi cuộc trò chuyện giữa họ có thể bị làm phiền bởi tiếng nhạc hay làm gián đoạn tâm trạng, suy nghĩ và cảm xúc của họ. 

Các nghiên cứu đã cho thấy việc sử dụng âm nhạc có thể đem lại nhiều hệ quả tích cực, nhưng một số nhà hàng lại lựa chọn không sử dụng hình thức này, vì sao? Ngoài một số ít nhà hàng có thể không biết về những ảnh hưởng về tâm lý mà âm nhạc tạo nên, thì số còn lại có thể là vì họ đã có những phương tiện khác nhằm gia tăng trải nghiệm của khách hàng mà không cần đến âm nhạc. Có thể món ăn của họ đã đủ hấp dẫn, hương vị đủ quyến rũ thực khách đến độ khi thêm bất kì yếu tố nào khác sẽ chỉ tạo nên tác dụng ngược. Âm nhạc khi không còn là phương tiện hỗ trợ thì ta tốt hơn là nên tắt nó đi trước khi nó khiến cho khách hàng của bạn cảm thấy phiền toái. Vậy nên, đối với những nhà hàng hay mang vẻ nhộn nhịp hoặc thậm chí hơi ồn ào, họ thường không cần bật thêm nhạc để củng cố thêm bầu không khí làm gì nữa.

Tóm lại, âm nhạc có thể đem lại những cảm giác tích cực hoặc những hệ quả tiêu cực tùy theo cách các nhà hàng lựa chọn sử dụng âm nhạc có phù hợp hay không. Vậy thì lần sau mỗi lần lắng nghe những bản nhạc tại một nhà hàng nào đó, hãy thử chú ý xem nó đã khiến bạn có những trải nghiệm như thế nào nhé!

 

Nguồn tham khảo:

[1] Neel Burton, M.D. (2019). “The Psychology of Restaurant Music.” Psychology Today. Psychology Today, 4 July 2014.  <https://www.psychologytoday.com/us/blog/hide-and-seek/201407/the-psychology-restaurant-music>

[2] Crisinel, A.-S., & Spence, C. (2009). Implicit association between basic tastes and pitch. Neuroscience Letters, 464(1), 39–42.

[3] University of South Florida (USF Health). “Cheeseburger or salad? How music volume impacts your decision.” ScienceDaily. ScienceDaily, 23 May 2018. <www.sciencedaily.com/releases/2018/05/180523160058.htm>.

[4] Flinders University. “Noise can put you off your food: Soft music can improve dining experience: Study.” ScienceDaily. ScienceDaily, 29 September 2020. <www.sciencedaily.com/releases/2020/09/200929123508.htm>.

Để lại một bình luận