Thật dễ để tìm đại một châm ngôn nào đó khiến ta cảm thấy có động lực hơn cho một ngày mới. Có những câu nói rất hay, dĩ nhiên, nhưng cũng tồn tại những trích dẫn mà sâu bên trong đó là lớp ẩn mình của một nét văn hóa độc hại: Văn hóa của sự hối hả (hay còn được gọi là Hustle culture).
“Không có áp lực, không có kim cương”
Thời gian gần đây, vấn đề này dường như là một chủ đề đã được khắp mạng xã hội xôn xao bàn tán. Cùng với đó, bên dưới phần bình luận, ta không khó để bắt gặp những ý kiến trái chiều cho quan điểm này. Nếu là dạo trước, phần đông mọi người sẽ luôn cho rằng khao khát trở thành kim cương là một điều mà ai cũng nên có, và dốc cạn sức mình để làm việc ngày đêm là một sự hi sinh xứng đáng để đổi lại “trái ngọt” thì ngày nay, đa phần các bình luận đều ủng hộ cho việc từ chối chịu đựng áp lực để đổi lấy sự yên bình cho bản thân.
Bên cạnh đó, một ý tưởng rất hay đã được nêu ra trong số những ý kiến trái chiều ấy, đó là để thành kim cương thì trước hết ta phải là Carbon. Mà trong những khối Carbon thì có khối là nguyên chất, có khối lại bị pha tạp, và mỗi loại đều sẽ cần những “áp lực” với cường độ khác nhau để có thể trở thành kim cương. Con người chúng ta cũng thế. Có người sẽ cảm thấy có động lực hơn khi được giao deadline nhiều hơn, nhưng cũng có người sẽ làm việc hiệu quả hơn khi được giao ít deadline hơn…
Bản thân những áp lực mà ta gặp phải nó là một điều tốt, nhưng để cho bản thân phải chịu nhiều áp lực hơn cần thiết thì lại không tốt chút nào. Có những người vì phải chịu quá nhiều áp lực mà trở nên vụn nát, nhưng điều đó, tiếc thay, dường như vẫn đang được ủng hộ và thực hành rất nhiệt tình bởi phần đông xã hội hiện tại. Hustle culture đang dần trở thành một nét “văn hóa” phổ biến trong cuộc sống của chúng ta. Vậy nó có nghĩa là gì?
Hustle culture (văn hóa hối hả) là một cụm từ thường được sử dụng trong truyền thông xã hội ngày nay, mà trước kia thường được biết đến rộng rãi hơn với thuật ngữ Workaholism, Ngoài ra, một số từ khóa khác cũng khá quen thuộc như Burnout Culture, Toxic Productivity… là những cụm từ đều ám chỉ đến một trạng thái:
- Dành quá nhiều thời gian và sức lực cho công việc và quá ít cho những việc quan trọng khác trong cuộc sống như nghỉ ngơi, chăm sóc bản thân…
- Nghĩ rằng bản thân chỉ có giá trị khi năng suất làm việc càng cao và những thành tựu liên quan đến công việc càng nhiều.
“Bạn có phải là người mỗi khi thức dậy là bước ra khỏi giường ngay lập tức, vừa kiểm tra chiếc điện thoại của mình vừa nhấp nhanh ngụm cà phê, miệng thì vẫn ngậm bánh mì trong khi vội vã ra khỏi nhà cùng vô số dòng suy nghĩ khác nhau như muốn phát nổ trong đầu bạn?
Bạn có phải là người tự đặt cho mình những chiếc deadline quá tầm với, hay quá tải bản thân với số lượng công việc không tưởng, làm mọi thứ với tốc độ ánh sáng nhưng vẫn than vãn về việc không đủ thời gian? […]
Nếu câu trả lời cho bất kì câu hỏi nào trên đây là có, bạn có thể đã là thành viên của nền văn hóa hối hả” – Bryan E. Robinson Ph.D.
Cũng theo Tiến sĩ Bryan, một điều đáng buồn khác đang diễn ra đó là việc nền văn hóa này đang dần được xem là một điều bình thường trong xã hội. Nó tương tự vào những năm 1930, thông qua những chiếc quảng cáo đã khiến người ta nghĩ rằng việc hút thuốc và uống rượu sẽ khiến họ hấp dẫn và lôi cuốn hơn, cho đến khi nó được chứng minh về những tác hại khôn lường của nguy cơ ung thư và đột quỵ.
Vì sao chúng ta lại cho phép bản thân làm việc quá sức?
Tôn thờ công việc (Workism)
Là khi công việc không chỉ đơn thuần là phương tiện kiếm sống, mà đối với ta nó còn là bản sắc cá nhân, là mục đích sống của đời mình. Ta được củng cố niềm tin rằng chỉ khi làm việc nhiều hơn ta mới trở nên hạnh phúc hơn, nhưng thực tế đã cho thấy điều ngược lại. Khi ta đặt công việc làm guồng quay chính của cuộc sống, cũng là lúc ta đã đánh mất sự cân bằng cho những yếu tố quan trọng khác như sự phát triển của bản thân, sức khỏe, gia đình và bạn bè…
Mất sự gắn kết với xã hội xung quanh
Thế giới hiện đại đã khiến mọi thứ trở nên đơn giản hơn bao giờ hết. Mua gì ư? Lên mạng là có ngay. Còn đồ ăn? 5 phút sẽ được giao tới. Sự tiện lợi này có thể giúp ta dành hàng ngày, hàng tuần, thậm chí hàng tháng làm việc mà không cần phải gặp gỡ những người xung quanh.
Sự nam tính độc hại: Kẻ mạnh chính là kẻ sống sót
Và như thế, kẻ “chịu thua” trước áp lực công việc sẽ được mặc định là yếu đuối. Không chỉ có vậy, áp lực là kẻ mạnh còn khiến đàn ông có xu hướng dồn nén cảm xúc và nỗi đau hơn là giãi bày chúng, chôn vùi quá khứ bị tổn thương qua những thời gian biểu và lịch trình công việc dày đặc. Làm việc quá sức cũng là cách con người dùng để tránh né việc đối diện với cảm xúc thật của chính mình.
Để không trở thành một phần của văn hóa hối hả, ta cần làm gì?
“Deadline không làm chủ bạn – Bạn phải làm chủ deadline.”
Tái định nghĩa giá trị của bản thân và cuộc sống
Hãy nhớ rằng, thành công không chỉ là những gì có thể thấy được, và định nghĩa về thành công của mỗi người cũng rất đa dạng và khác nhau. Đối với bạn, thế nào là thành công? Bản thân bạn chú trọng điều gì, ưu tiên điều gì, và mong muốn điều gì? Mục đích sau cùng của việc kiếm tiền của bạn là gì, và nó có khiến bạn hạnh phúc không?
Luyện tập chánh niệm
Chánh niệm là một phương pháp có lợi để giải quyết cho vấn đề này. Khi bạn tập trung hết mình cho hiện tại, là lúc tâm trí bạn sẽ không tự động chạy số đến những việc trong quá khứ và tương lai. Một cách yên tĩnh và không phán xét, bạn tập trung vào những gì đang diễn ra ngay lúc này, quan sát từng hành động của chính mình một cách có chủ ý. Nhờ luyện tập chánh niệm và hạn chế tối đa làm nhiều việc cùng lúc, bạn có thể làm chủ được tâm trí của mình, làm chủ được những việc bạn cần làm và cả cách mà bạn sẽ làm nó. Một khi đã dần quen, bạn sẽ có thể làm việc mà không phải chỉ để hoàn thành deadline, quá trình bạn thực hiện công việc cũng sẽ dần biến thành những trải nghiệm thú vị.
Thiết lập ranh giới cho bản thân
Không quan trọng bạn có thể hoàn thành bao nhiêu công việc trong 1 ngày, mà là bạn muốn hoàn thành bao nhiêu công việc trong 1 ngày, để có thể dành thời gian cho những yếu tố khác trong cuộc sống. Giới hạn cả thời gian làm việc, không nhận cuộc gọi, tin nhắn trong khoảng thời gian nhất định hay cho phép bản thân được nghỉ ngơi sau một ngày dài mệt mỏi là những ví dụ cho những ranh giới lành mạnh cần thiết.
Để biết được khi nào mình đang bị cuốn vào công việc quá mức và có nguy cơ trở thành một phần của nền văn hóa độc hại này hay không, bạn có thể thường xuyên tự hỏi chính mình những câu hỏi sau:
- Bạn có thích làm việc hơn các hoạt động khác như dành thời gian cho những người thân yêu hoặc những việc khiến bạn thư giãn không?
- Bạn có làm việc vào cuối tuần, kỳ nghỉ và buổi tối không?
- Bạn có nói về công việc nhiều hơn bất cứ điều gì khác không?
- Bạn có sử dụng chất kích thích để giúp bạn có thể làm việc trong nhiều giờ hơn không?
- Bạn có gặp khó khăn khi giao nhiệm vụ cho nhân viên vì bạn sợ rằng họ sẽ không thực hiện chúng một cách chính xác như bạn muốn không?
- Bạn có thấy mình đang làm nhiều việc cùng lúc để hoàn thành được nhiều việc hơn không?
- Thời gian làm việc kéo dài của bạn có đang khiến sức khỏe của bạn xấu đị hoặc đe dọa đến sự bền chặt của các mối quan hệ hay không?
- Bạn có nghĩ về công việc hoặc các nhiệm vụ khác trong khi lái xe, trò chuyện cùng bạn bè, khi bạn đang buồn ngủ hay thậm chí đang ngủ không?
- Bạn có dễ bị kích động hay không, đặc biệt khi mọi thứ không diễn ra như kế hoạch?
- Bạn có cảm thấy bồn chồn trong thời gian rảnh của mình không?
- Bạn có thường trả lời rằng ” Tôi bận” khi mọi người hỏi thăm về bạn không?
Nguồn tham khảo:
- Bryan E. Robinson Ph.D. (2019). The ‘Rise and Grind’ of Hustle Culture. Psychology Today.
- Adi Jaffe Ph.D. (2019). Burnout Generation? Redefining Success and Work Culture. Psychology Today.
- https://www.forbes.com/sites/forbesbusinesscouncil/2022/03/31/hustle-culture-can-be-toxic-heres-how-to-navigate-it-successfully/?sh=63ce74744e10