Bạn biết gì về Sự suy nghiệm cảm xúc the (affect heuristic)?
Cách cảm xúc chi phối những quyết định (tưởng chừng là) lý trí của bản thân.
Có thể bạn đã từng nghe những điều tương tự như: “sống và ra quyết định một cách lý trí” hay “hãy có một cái đầu lạnh”,… bạn cảm thấy điều này dễ hay khó? Có thể bạn cho rằng nó cũng không phải là việc quá khó khăn vì bạn đã từng đưa ra những quyết định thật sự lý trí và phân tích rõ ràng về mặt lợi ích cũng như thiệt hại của các lựa chọn.
Nhưng có thật sự là như thế không?
Có thật là bạn đã phân tích một cách lý trí trước khi quyết định hay bạn đã đưa ra quyết định ngay từ đầu rồi sau đó mới bổ sung những phân tích lập luận vào để tạo nên sự thuyết phục cho lựa chọn của bản thân? Bạn có thể phân biệt được mình đã đưa ra quyết định theo cách nào hay không?
Cá nhân tôi cho rằng đưa ra kết luận hoặc quyết định lý trí là một điều khó thực hiện. Nhưng tại sao việc này lại khó khăn như vậy?
Vì các lựa chọn (quyết định, hành động) của chúng ta bị chi phối nhiều bởi cảm xúc kể cả khi ta cho rằng ta thật sự lý trí khi đưa ra lựa chọn đó. Và quá trình này diễn ra một cách khá tinh vi nên chúng ta khó lòng phát hiện.
Mời các bạn cùng với Psyme tìm hiểu về “Sự suy nghiệm cảm xúc” (the affect heuristic), điều đã đôi lần (hoặc nhiều lần) chi phối và đánh lừa bộ não lý trí của chúng ta.
1. Sự suy nghiệm cảm xúc là gì?
“Bạn vẫn tưởng: Bạn luôn suy tính giữa rủi ro và lợi ích, và luôn lựa chọn để tối ưu hóa lợi nhuận trong khi giảm thiểu những thiệt hại.
Sự thật là: Bạn phụ thuộc vào cảm xúc khi xác định một thứ là tốt hay xấu, thường đánh giá cao những lợi ích tiềm tàng và bị ám ảnh bởi ấn tượng ban đầu.”
Xu hướng thiên về trực giác, đưa ra những quyết định không chính xác, và bỏ qua thực tế được gọi là sự suy nghiệm cảm xúc (the affect heuristic).” (McRaney, D. 2017). Theo Solvic và cộng sự (2007), người đầu tiên nhấn mạnh tầm quan trọng của cảm xúc đến việc ra quyết định là Zajonc (1980). Zajonc lập luận rằng các phản ứng mang tính xúc cảm đối với các kích thích thường là những phản ứng rất sơ khai, xảy ra tự động, sau đó điều này sẽ chi phối quá trình xử lý thông tin và đưa ra kết luận của chúng ta. Zajonc cho rằng, mọi nhận thức đều được chi phối bởi một số ảnh hưởng của cảm xúc. Chúng ta không chỉ nhìn thấy ‘một ngôi nhà’: Chúng ta thấy một ngôi nhà đẹp hoặc một ngôi nhà xấu. ‘‘Đôi khi chúng ta tự huyễn và cân nhắc tất cả các ưu điểm cũng như khuyết điểm của các lựa chọn khác nhau, nhưng điều này có thể hiếm khi xảy ra trong trường hợp thực tế. Một điều điều diễn ra khá thường xuyên là: ‘‘Tôi quyết định ủng hộ X’’ không khác biệt với việc ‘‘Tôi thích X …’’ (việc chúng ta ủng hộ X có thể tương tự như chúng ta thích X). Chúng ta mua những chiếc xe mà chúng ta ‘‘thích’’, chọn công việc và nhà ở chúng ta thấy ”hấp dẫn” và sau đó biện minh cho những lựa chọn này bởi nhiều lý do khác nhau …”.
2. Nghiên cứu về sự suy nghiệm cảm xúc
Năm 1994, một nghiên cứu được xuất bản trên Tạp chí về Tính cách và Tâm lý học Xã hội do Veronika Denes-Raj và Seymour Epstein thực hiện để tìm hiểu về “Sự suy nghiệm cảm xúc”, nghiên cứu được mô tả như sau:
Khách thể nghiên cứu sẽ được yêu cầu nhặt những viên kẹo màu đỏ ra khỏi một trong 2 cái bát chứa đầy kẹo, với mỗi viên kẹo nhặt được người tham gia sẽ được 1 đô la.
Bát 1: Một chiếc bát khổng lồ chứa hàng trăm viên kẹo đỏ lẫn lộn với hàng trăm viên kẹo màu khác.
Bát 2: Một chiếc bát nhỏ hơn với 50 viên kẹo và có tỷ lệ kẹo đỏ cao hơn bát thứ nhất.
Trên mỗi chiếc bát đều được dán khả năng bốc trúng kẹo đỏ, với bát to khả năng là 7% và bát nhỏ là 10%. Người tham gia trò chơi sẽ chỉ được chọn một trong 2 chiếc bát.
Veronika Denes-Raj và Seymour Epstein phát hiện ra rằng mọi người có xu hướng chọn chiếc bát to mặc dù rõ ràng tỷ lệ kẹo đỏ có trong bát nhỏ lớn hơn. Khi được hỏi nguyên do, những người tham gia nói rằng họ có cảm giác khả năng thắng sẽ lớn hơn nếu chọn chiếc bát to bởi trong đó có nhiều kẹo đỏ hơn, mặc dù họ đã nắm chắc tỷ lệ chiến thắng thật sự của mỗi lựa chọn. (McRaney, D. 2017)
3. Sự kết hợp với Hiệu ứng hào quang
“Sự suy nghiệm cảm xúc” kết hợp với “hiệu ứng hào quang” có thể tạo ra một bộ đôi hoàn hảo đánh vào cảm xúc và lý trí của chúng ta thông qua cái được gọi là “ấn tượng ban đầu”. Tại sao “ấn tượng ban đầu” lại khó phai như vậy?
Tôi đã đôi lần thấy một câu nói thế này: “Người ta có thể sẽ quên những việc bạn làm nhưng họ sẽ nhớ cảm xúc mà bạn để lại trong họ”, cảm xúc là điều lưu lại trong ký ức của chúng ta lâu bền và mạnh mẽ.
Ấn tượng đầu của bạn về một ai đó có thể là tích cực hoặc tiêu cực, nhưng bạn không nắm bắt toàn bộ con người họ mà nắm bắt một cách rời rạc những đặc điểm nổi bật của họ và rồi “hào quang” của đặc điểm đó phủ lên toàn bộ nhận định của bạn về người đó. Nếu đó là người tạo ra ấn tượng tích cực với bạn đầu tiên, ấn tượng tích cực này càng mạnh mẽ thì bạn sẽ có xu hướng nghĩ về họ theo hướng tích cực cùng cảm giác dễ chịu, bạn sẽ dễ bỏ qua những thiếu sót hoặc vấn đề của họ. Và ngược lại, với ấn tượng tiêu cực cũng vậy.
Bạn thấy đó, những điều bạn biết, bạn “cho rằng…” bị chi phối bởi khá nhiều yếu tố, kể cả khi bạn không nhận ra mình đang bị chi phối bởi những phản ứng rất tự nhiên của tâm trí mình.
4. Sự suy nghiệm cảm xúc và ứng dụng trong đời sống
Khi ai đó cố gắng nâng cao quan điểm, tâng bốc một mặt tích cực nào đó của vấn đề, hay bắt đầu sử dụng ngôn từ bay bổng, hãy luôn nhớ rằng chúng ta dễ đưa ra sự đánh giá vội vàng và bị ấn tượng ban đầu về một đối tượng (sự vật,sự việc,…) chi phối. Bạn luôn để ý tới nguy cơ và lợi ích, nhưng khi bạn muốn tin rằng một điều gì đó là tốt, bạn sẽ vô thức phớt lờ những khuyết điểm của nó, và ngược lại. Bất kỳ một mối nguy quen thuộc nào cũng có thể che khuất những nguy hiểm mới, và những ấn tượng ban đầu thì rất khó để thay đổi (McRaney, D. 2017).
Tính cách là tập hợp của những hành động, hành động của một người lại phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có môi trường, hoàn cảnh và mục đích của chính họ. Tạo ra một ấn tượng tốt là một điều có lợi cho bản thân và cũng không gây hại cho người khác, nhưng tạo ra một ấn tượng tốt với mục đích dẫn đến sự tổn hại cho đối phương lại là một việc khác.
Có người, thậm chí là một nhóm người sẵn sàng dành ra rất nhiều thời gian và tâm sức để tạo ra ấn tượng tốt với bạn, xây dựng hình ảnh và ấn tượng ban đầu hoàn hảo, mục đích là để có được lòng tin từ bạn và rồi trục lợi từ đó, thứ họ muốn có thể là tiền bạc, thời gian, công sức và niềm tin mù quáng của bạn vào họ,… Vì đó là mục đích của họ và họ được lợi từ đó. Do “sự suy nghiệm cảm xúc” của bản thân mà bạn sẽ vô thức bỏ qua những nguy hiểm tiềm tàng và có thể tin tưởng một cách vô điều kiện, đôi khi bạn sẽ có cảm giác là “hình như không đúng lắm” hoặc “có gì đó sai sai” nhưng rồi sự mập mờ và khả năng bị chi phối bởi dấu ấn ban đầu làm bạn phớt lờ đi những tín hiệu cảnh báo của lý trí. Một nguyên nhân khác khiến bạn dễ tin tưởng một cách vô điều kiện, bên cạnh “sự suy nghiệm cảm xúc” và “hiệu ứng hào quang” là sự thiếu hụt thông tin, bạn không có nhiều thông tin về lĩnh vực/vấn đề đó, thậm chí hầu như tất cả những thông tin mà bạn có được là do người/những người có chủ đích trục lợi cung cấp cho bạn, và, một câu hỏi mà tôi từng nhắc ở “Hiệu ứng hào quang”: “Họ nói với bạn những điều đó vì mục đích gì?”.
Những vấn đề phát sinh do “sự suy nghiệm cảm xúc” gây ra có thể bạn đã từng trải qua, từ việc nhỏ nhặt đến những việc nghiêm trọng hơn. Vậy làm sao để hạn chế được những rắc rối do sự suy nghiệm cảm xúc mang lại?
Bạn có thể sử dụng những cách thức tương tự như khi đối phó với “hiệu ứng hào quang”, đó là sự Tách bạch: Hãy tách bạch từng yếu tố/đặc điểm khác nhau của một người để phân tích, bên cạnh đó, cùng là người đó, hãy tách bạch hành động của họ trong những tình huống và thời điểm khác nhau. Có thể họ để lại một ấn tượng đầu rất tốt với bạn không có nghĩa là họ không thể lừa dối bạn hoặc có mục đích trục lợi từ bạn, khiến bạn rơi vào hoàn cảnh khó khăn.
“Tại sao chúng ta lại bị lừa? Vì chúng ta đã tin tưởng sai người.
Vậy những kẻ lừa đảo có thể làm thế nào để có thể khiến chúng ta tin tưởng?
Hãy nghĩ thử xem vì nó có thể rất tinh vi đấy.”
4. Kết luận
Suy nghiệm cảm xúc là một hiện tượng quen thuộc với chúng ta nhưng ít khi chúng ta thật sự để ý và tìm hiểu cách nó chi phối cuộc sống của bản thân một cách rõ ràng. Có người sử dụng nó để hỗ trợ bản thân trong công việc và cuộc sống, cũng có người sử dụng với mục đích trục lợi, lừa đảo,… Những ví dụ minh họa, những ứng dụng và sự nhắc nhở chỉ là một phần nhỏ dựa trên kiến thức và trải nghiệm của người viết, bạn có thể bổ sung thêm vào những mục đó dựa vào kinh nghiệm và kiến thức của bản thân để đầy đủ, hữu ích và phù hợp với bạn. Bài viết với mục đích chia sẻ, gợi ý cho bạn những hiệu ứng tâm lý gần gũi xuất hiện trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Chủ đề và nội dung bài viết lấy ý tưởng từ quyển sách “Bạn không thông minh lắm đâu” của tác giả David McRaney, do NXB Thế Giới xuất bản năm 2017.
Biên tập: Rena Nguyen
Tài liệu tham khảo
- McRaney, D. (2017). Bạn không thông minh lắm đâu. (Voldy dịch). Hà Nội: Thế Giới.
- Slovic, P; Finucane, M.L; Peters, E; & MacGregor, D.G. (2007). The affect heuristic. European Journal of Operational Research, 117(3). Truy xuất từ https://vi.booksc.org/book/3579788/b24d75
- Hình ảnh: https://thedecisionlab.com/biases/affect-heuristic; https://thedecisionlab.com/biases/halo-effect