Rối loạn giải thể nhân cách

(Nguồn: Pinterest Rối loạn giải thể nhân cách)

Bạn đã từng trải qua cảm giác mình như bị mất kết nối với mọi thứ xung quanh hoặc mất kết nối với chính mình? Bạn cảm thấy không thuộc về cơ thể này khi nhìn xuống đôi bàn tay của mình?

Nếu bạn từng có trải nghiệm như vậy thì có thể đó là dấu hiệu của một trong hai chứng rối loạn phân ly DPDR: Rối loạn giải thể nhân cách & Tri giác sai thực tại – DPDR (Depersonalization & Derealization Disorder), được mô tả bởi Allen và Smith năm 1993 là “sự bóp méo trải nghiệm của bản thân, kết hợp với cảm giác không thực tế hoặc sự xa lạ và tách rời hoàn toàn với cơ thể, tức là cảm giác như bạn đang quan sát từ bên ngoài cơ thể, giống một người máy, như thể trong một giấc mơ”.

   Theo Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, Rối loạn giải thể nhân cách/Tri giác sai thực tại là một ch ứng rối loạn phân ly đặc trưng bởi cảm giác bị tách rời với cơ thể và cảm giác vô thực với thế giới bên ngoài. Mặc dù DPDR được xem như một chứng rối loạn nhưng nó cũng có 2 mặt phân biệt có thể xuất hiện độc lập hoặc cùng tồn tại trong một cơ thể. Khoảng 50% dân số thế giới từng trải nghiệm ít nhất một trong những triệu chứng của chúng nhưng chỉ có khoảng 2% được chẩn đoán rối loạn (Yang, 2022). Khả năng xảy ra của rối loạn này là gần như giống nhau giữa nam và nữ. DPDR được cho rằng xuất hiện trong thời thanh thiếu niên hoặc sớm hơn nhưng dữ liệu rộng hơn thì chưa được xác minh (Innov Clin Neurosci, 2014). 

   Các biểu hiện có thể xảy ra ở những người khỏe mạnh, như những trải nghiệm thoáng qua, khi họ bị căng thẳng hoặc kiệt quệ về thể chất (Maslach & Jackson, 1981). Khi các triệu chứng xảy ra một cách dai dẳng, gây ra sự lo âu và suy giảm chức năng cho người bệnh thì nó được chẩn đoán lâm sàng như một rối loạn tâm thần (Hiệp hội Tâm thần Hoa Kỳ, 2013). Mặc dù có những điểm khác biệt nhưng rối loạn giải thể nhân cách và tri giác sai thực tại thường đi kèm với nhau, đôi khi bị trộn lẫn và gây khó hiểu. Vậy đâu là sự khác biệt giữa 2 khái niệm này?

Định nghĩa

   Giải thể nhân cách (Depersonalization) là khi người bệnh cảm thấy bị tách rời với bản thân. Họ cảm giác như thể mình đang quan sát cuộc sống của chính mình từ bên ngoài hoặc đang xem qua một màn hình. Họ không thể kiểm soát cử động của cơ thể hoặc cứng nhắc như robot. Họ bị tách khỏi trí nhớ và không nhớ một cách rõ ràng, chẳng hạn không thể nhớ mình đang làm gì hay cần làm gì.

   Một số triệu chứng của giải thể nhân cách bao gồm:

  • Mất khả năng diễn đạt cảm xúc, không có khả năng nhận thức hay mô tả cảm xúc.
  • Cảm thấy như người máy, không thể kiểm soát lời nói hay hành động.
  • Cảm thấy mất kết nối với cơ thể, suy nghĩ, cảm xúc hoặc cảm giác.
  • Mất khả năng kết nối các cảm xúc với trí nhớ hoặc sở hữu ký ức (những trải nghiệm xảy ra).
  • Cảm giác cơ thể và tay chân bị biến dạng.
  • Cảm giác đầu như bị bọc trong vải.

(Nguồn: Pinterest) Rối loạn giải thể nhân cách

   Tri giác sai thực tại (Derealization) xảy ra khi bạn cảm thấy mất kết nối với mọi thứ xung quanh bao gồm đồ vật và con người. Người bệnh như ở trong một giấc mơ hoặc có một bức tường bằng kính ngăn cách họ với bên ngoài. Khía cạnh này của sự phân ly có thể tạo ra sự méo mó trong cái nhìn, các giác quan khác cũng như cảm nhận thời gian của người bệnh. Mọi thứ trở nên vặn vẹo, không thực tế. Họ có thể thấy mọi vật xung quanh dường như nhỏ hơn hoặc lớn hơn thực tế. Thời gian có thể trôi qua rất chậm hoặc rất nhanh.

   Một số triệu chứng của tri giác sai thực tại bao gồm:

  • Nhìn nhận méo mó về khoảng cách và kích thước hoặc hình dạng của sự vật.
  • Cảm giác sai lệch về thời gian (trôi qua quá nhanh hoặc quá chậm), hoặc cảm thấy những sự kiện mới đây như thể đã xảy ra từ rất lâu.
  • Mọi thứ xung quanh dường như mờ nhòe đi, không có màu sắc, không có thật, hai chiều, hoặc giống như hoạt hình.

Chẩn đoán

   Theo Liên minh quốc gia về bệnh tâm thần (NAMI), khoảng 3 trong 4 người lớn trải qua cảm giác phân ly trong cuộc sống của họ, nhưng chỉ có khoảng 2% người có đủ tiêu chuẩn chẩn đoán DPDR. Bên cạnh đó, một số nguyên nhân khác có thể làm xuất hiện các triệu chứng này như sử dụng chất, các vấn đề sức khỏe tinh thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn stress sau sang chấn, hoặc rối loạn nhân cách thể bất định. Sau khi loại trừ các nguyên nhân tiềm ẩn, bác sĩ lâm sàng xem xét các tiêu chí DPDR theo DSM-5, bao gồm 3 tiêu chí:

  • Sự dai dẳng hoặc tái lặp lại các biểu hiện của giải thể nhân cách/tri giác sai thực tại.
  • Khả năng nhận thức của cá nhân về điều mà họ đang cảm thấy không có thật.
  • Có sự đau khổ hoặc suy giảm chức năng đáng kể về xã hội hoặc hoạt động nghề nghiệp do các triệu chứng gây ra.

   Ngoài ra, các bài đánh giá tâm lý, phỏng vấn có cấu trúc đặc biệt và bảng hỏi cũng được dùng để chẩn đoán DPDR. 

(Nguồn: Pinterest Tri giác sai thực tại)

Nguyên nhân

   Thông thường, người mắc DPDR đã từng trải qua chấn thương trong cuộc sống của họ (như bị lạm dụng hoặc bỏ rơi về mặt cảm xúc hay thể chất thời thơ ấu; mất người thân hoặc chứng kiến bạo lực gia đình). Nghiên cứu đã chỉ ra, có một mối liên hệ mạnh mẽ giữa chấn thương (đặc biệt là chấn thương liên quan đến bị lạm dụng và/hoặc bị bỏ rơi thời thơ ấu) và các rối loạn phân ly (Farina & c.s., 2019). Stein cũng cho rằng có mối liên quan giữa mất kết nối và rối loạn stress sau chấn thương (PTSD). Theo Allen và Smith, sự phân ly ở cá nhân có thể được xem như một nỗ lực để “ngăn chặn sự tràn ngập của ý thức tại thời điểm gặp chấn thương”. Chấn thương kéo dài là nguyên nhân gốc rễ của rối loạn phân ly và sự mất kết nối xảy ra như một cơ chế lập trình cho phép cá nhân tự tách mình khỏi chấn thương mà họ dường như không thể chịu đựng nổi. Sự mất kết nối vẫn tiếp tục khi mối nguy hiểm thực sự không tồn tại nữa. Nó có thể kéo dài hoặc thậm chí ngăn chặn sự phục hồi khỏi sự lạm dụng và bỏ rơi (Stein & c.s.,2013).

   Spiegel đã phác thảo mô hình sinh học thần kinh 3 cấp được ghi lại một cách nhất quán trong DPDR như sau: (1) kích hoạt ở các vùng liên kết cảm giác vỏ não sau (đặc biệt là thùy đỉnh dưới); (2) kích hoạt vùng trước trán và (3) ức chế hệ viền. 3 cấp này phù hợp với trải nghiệm “xuất vía” mô phỏng liên quan đến thùy đỉnh phía dưới. Ngoài ra, những thay đổi về khía cạnh sinh học thần kinh khác cũng được Simeon và cộng sự báo cáo lại bao gồm sự suy giảm rõ rệt của norepinephrine để đáp ứng với sự lo lắng và căng trương lực.

Điều trị 

   Brand và cộng sự trong một đánh giá về tài liệu điều trị rối loạn phân ly đã kết luận rằng, khi việc trị liệu được điều chỉnh một cách cụ thể để giải quyết những chấn thương phức tạp và  mức độ phân ly cao của bệnh nhân, thậm chí các cá nhân bị phân ly nghiêm trọng cũng có thể cải thiện.

  Trị liệu tâm lý là hình thức hiệu quả nhất để can thiệp rối loạn giải thể nhân cách. Trong giai đoạn các triệu chứng ở mức tương đối nhẹ, có thể sử dụng phương pháp tâm động học (tập trung vào việc giúp thân chủ có thể tự quán chiếu và tự nhìn nhận). Trong tình trạng phân ly ở giai đoạn căng thẳng, thường xuyên, và/hoặc đi kèm trầm cảm, lo lắng nghiêm trọng, các biện pháp can thiệp hỗ trợ khác như can thiệp khủng hoảng, củng cố các kỹ năng và chiến lược đối phó có sẵn sẽ phù hợp hơn. Không có liệu pháp dược lý được biết đến để điều trị DPDR. Hầu hết các loại thuốc được kê đơn cho bệnh nhân mắc DPDR đều thuộc nhóm thuốc chống trầm cảm và giải tỏa lo âu giúp làm giảm bớt các triệu chứng lo âu và tâm trạng kèm theo (đặc biệt là hoảng sợ và ám ảnh).

Kết luận

   Người mắc rối loạn DPDR thường gặp đau khổ bởi các triệu chứng của chúng, có thể gây ra sự suy giảm nghiêm trọng về thể chất và tinh thần. Nó còn ảnh hưởng tới cuộc sống, công việc và mối quan hệ của người bệnh. Người bệnh có thể xuất hiện những suy nghĩ tự sát vì cảm thấy không có lối thoát nào cho các triệu chứng này. Tuy nhiên, người mắc DPDR cần hiểu rằng những triệu chứng đó là có nguyên nhân và sẽ được cải thiện nếu có các biện pháp hợp lý. Lúc này những nỗ lực là cần thiết để nhắc nhở bản thân rằng hoàn toàn có các cách để điều trị chứng rối loạn giải thể nhân cách. 

 

Dưới đây là cuộc đối thoại giữa một nhà tâm thần học và bệnh nhân của mình

Bà M. là một người phụ nữ 49 tuổi đã ly hôn với quá khứ từng bị lạm dụng tình dục bởi người anh trai lớn hơn bà 3 tuổi; sự lạm dụng xảy ra từ lúc bà 11 tuổi đến khi 16 tuổi. Trong suốt thời niên thiếu và trưởng thành, bà M. đã trải qua một vài mối quan hệ không lành mạnh và có tính lạm dụng, bắt đầu với việc mang thai khi đang học cấp 3 đã khiến bà phải nghỉ học ngay trước khi tốt nghiệp và trở thành mẹ đơn thân mà không có bất kỳ hỗ trợ xã hội nào. Bà đã ly hôn 2 lần và hiện tại ở trong mối quan hệ với một người đàn ông hơn bà 10 tuổi. Bà M. đã có mặt tại văn phòng của nhà tâm thần, mặc dù lo lắng nhưng bà vẫn có thể trả lời các câu hỏi về con cái và môi trường sống của mình. Bà có tương tác bằng mắt khá tốt và có những phản hồi thích hợp với các câu hỏi ở phần đầu của buổi phỏng vấn. Khi nhà tâm thần hướng chủ đề tới những năm tháng trưởng thành và gia đình ban đầu của bà, bà M. đã do dự và khựng lại trước khi trả lời; bà cũng có biểu hiện run rẩy và thở nhanh hơn.

 

NTT: Dường như bạn đang cảm thấy rất bối rối. Bạn có thể chia sẻ với tôi điều gì đang xảy ra ngay lúc này.

BN: (ngập ngừng) Tôi biết tôi đang ngồi trên ghế ngay trước mặt bác sĩ, nhưng tôi không ở trong cơ thể mình. Tôi đang lơ lửng trong không khí. Tôi đang quan sát 2 chúng ta từ trên cái cây ở văn phòng.

NTT: Điều gì khiến việc này xảy ra?

BN: Tôi nghĩ bác sĩ sẽ giúp tôi nói về những gì xảy ra chứ.

NTT: Khi chúng ta gặp mặt, bạn có thể quyết định chúng ta nói về điều gì. Nếu tôi hỏi bạn một câu hỏi và bạn không muốn trả lời thì, hãy nói cho tôi biết. Đây là nhiệm vụ của bạn. Vậy giờ tôi có thể làm gì để giúp bạn lúc này?

BN: Tôi không muốn nói đến.

NTT: Tôi hoàn toàn hiểu được sự lo lắng của bạn khi phải đối mặt với vấn đề này. Nhưng tôi cũng muốn bạn hiểu rằng, bạn an toàn ở đây, trong căn phòng này.

 

Sau một thời gian có sự cải thiện đáng kể, bà M. có mặt tại phiên trị liệu hàng tuần với tình trạng đau khổ, khóc và lo âu rõ rệt.

 

BN: (khóc) Tôi không thể tiếp tục làm gì nữa. Tôi đã quên sạch mọi thứ và không thể đi ra ngoài nữa. Tôi đã nghĩ rằng mình đỡ rồi!

Nhà tâm thần: Chuyện gì đã xảy ra từ khi chúng ta gặp nhau tuần trước?

BN: Bác sĩ đã bảo tôi có tiến bộ và tôi tốt hơn. Nhưng bác sĩ sai rồi! Giờ tôi còn tệ hơn cả lần đầu tôi đến đây nữa. Tôi không biết phải làm gì bây giờ.

NTT: Tôi hiểu rằng bạn đang phải đấu tranh ngay lúc này. Bạn có thể nói về điều gì đã xảy ra từ khi chúng ta gặp mặt?

BN: Tôi đã nghĩ mình tốt hơn vì vậy tôi đi đến cửa hàng. Tôi chưa bao giờ làm vậy một mình trước đây. Tôi cần mua một vài đồ và tôi đợi cho đến khi tôi nghĩ mọi người đều đi làm hoặc tới trường và đi bộ đến cửa hàng. Tôi đang thanh toán thì chuyện đó xảy ra! (khóc)

NTT: Tôi hiểu bạn đang cảm thấy đau khổ, nếu có thể, tôi muốn bạn giúp tôi hiểu hơn về vấn đề này. Bạn có thể nói với tôi điều gì đã xảy ra khi bạn đang thanh toán cho các món hàng hóa của mình?

BN: Nó xảy ra ngay tại cửa hàng! Tôi lơ lửng ở góc nhà và nhìn xuống, thấy chính mình đang đứng ở quầy thu ngân. Tôi chưa bao giờ bối rối đến vậy!

NTT: Bạn nghĩ những người khác ở cửa hàng có biết chuyện đang xảy ra với bạn không?

BN: Tôi không biết, nhưng bác sĩ nói tôi đã cải thiện và rõ ràng là không phải như thế. Chuyện này thường xảy ra ở nhà và nó chưa từng xảy ra ở nơi khác.

NTT: Bạn hãy nói cho tôi biết chuyện này đã diễn ra như thế nào.

BN: Tôi quên mất điều tôi phải nói và tôi sợ tôi sẽ không biết trả lời các câu hỏi như thế nào, hoặc có đủ tiền không, hoặc nhớ danh sách của tôi. Tôi bắt đầu hốt hoảng và thu ngân hỏi tôi một câu. Tôi không nhớ nó là gì nhưng tôi không chắc mình trả lời thế nào. Sau đó tôi bắt đầu lơ lửng trong góc nhà, và những người khác vẫn ở đó, chắc chắn họ biết tôi có vấn đề. Tôi không thể cử động hay nói gì hết! Giờ thì mọi người đều biết cả rồi! (khóc)

NTT: Hẳn là bạn đang cảm thấy rất thất vọng. Tôi lấy làm tiếc vì bạn phải trải qua điều đó. Tôi thắc mắc rằng, liệu đó có phải lần đầu tiên xảy ra ở bên ngoài gia đình bạn vì bạn đã cảm thấy khá hơn, và bạn ra ngoài giao tiếp với cộng đồng nhiều hơn trước đây?

BN: Tôi không hiểu ý bác sĩ là gì.

NTT: Nó chỉ xảy ra ở nhà vì bạn dành hầu hết thời gian ở nhà. Nhà là một nơi an toàn, giống như việc đến đây trị liệu. Khi bạn cảm thấy tốt hơn, bạn bắt đầu nghĩ đến việc ra ngoài vì vậy bạn có thể … Nếu bạn dành nhiều thời gian hơn ở ngoài, chuyện này có thể xảy ra ở những nơi khác nữa.

BN: Tôi đang rất bối rối. Tôi không chắc là bác sĩ có thể hiểu được.

NTT: Tôi muốn hiểu chuyện gì xảy ra với bạn. Tôi cũng muốn giúp bạn vì vậy bạn có thể tiếp tục.

BN: Tôi đang lơ lửng ở góc trần của cửa hàng.

NTT: Chuyện gì xảy ra tiếp theo đó?

BN: Tôi nghĩ cuối cùng cũng nhớ ra phải nói gì, để trả lời câu hỏi và lấy tiền, vì vậy tôi đã trả tiền.

NTT: Những người khác nhận ra điều đó chứ?

BN: Tôi không thấy ai nói gì. Người thu ngân cầm lấy tiền và tôi rời đi. Tôi nghĩ có lẽ mất 1-2 phút, như lúc đó cảm giác nó kéo dài cả thế kỷ.

NTT: Có vẻ như đây là một bước quan trọng cho bạn để tự mình bước ra ngoài. Bạn đã nghĩ đến việc này bằng cách nào?

BN: Có vẻ như đây là một bước tiến lớn thì phải, nếu theo lời của bác sĩ. Có lẽ không ai để ý đến tôi nhiều như tôi nghĩ. Tôi lo lắng mỗi lần trải qua sự việc như vậy rằng tôi sẽ không bao giờ trở lại cơ thể của mình nữa.

Để lại một bình luận