Cảm giác thuộc về dưới góc nhìn tâm lý học 

Biên tập: Thu Hiền

Đã bao giờ bạn ngẫm nghĩ và tự hỏi điều gì đã duy trì nỗi sợ nói trước đám đông và khiến nó ám ảnh bạn?

Có lẽ ai trong số chúng ta cũng đều một lần trải nghiệm cảm giác hồi hộp, lo lắng hay thậm chí là sợ hãi trước một bài thuyết trình quan trọng hay đơn giản chỉ là việc phát biểu ý kiến trong một lớp học. Khi được hỏi điều gì khiến chúng ta sợ hãi, hầu hết mọi người đều đưa ra những lý do liên quan đến sự đánh giá của người khác như sợ bị cười nhạo, sợ bị chế giễu hay sợ sai hoặc không tự tin mình sẽ làm tốt. Tuy nhiên, có thể bạn chưa biết, nguồn gốc sâu xa nỗi sợ được cho là đến từ sự lo lắng bị xã hội từ chối – là sản phẩm của “nhu cầu được thuộc về” ở mỗi cá nhân.

Phần lớn chúng ta đều cố gắng cư xử và thay đổi hành vi của mình để phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực của một nhóm xã hội hay một cộng động mà chúng ta là thành viên trong đó. Một cách vô tình chúng ta đang bộc lộ nhu cầu được thuộc về của mình thông qua sự tự điều chỉnh để cố gắng hoà nhập vào nhóm.

Hagerty và cộng sự (1992) định nghĩa cảm giác thuộc về là trải nghiệm của cá nhân về sự tham gia vào một hệ thống hay môi trường bao gồm gia đình, bạn bè, trường học, nơi làm việc, cộng đồng, nhóm văn hoá và một địa điểm cụ thể để cá nhân cảm thấy mình là một phần không thể thiếu của hệ thống hoặc môi trường đó. Cảm giác thuộc về tập trung vào việc đạt được sự chấp nhận, thừa nhận chúng ta như một thành viên tích cực hay có giá trị.

Đứng trước các tình huống hoặc sự kiện mà cảm giác được thuộc về bị đe doạ, cá nhân có thể trở nên lo lắng và sợ hãi vô cớ, điều này lý giải tại sao chúng ta lại sợ nói trước đám đông. Việc nói trước đám đông có thể tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến khiến cảm giác này bị đe doạ ví dụ như chúng ta không được nhóm chấp nhận do nói sai hoặc có những suy nghĩ và quan điểm đi ngược lại với số đông – thứ làm chúng ta khác với đa số và có khả năng bị loại trừ khỏi nhóm. Chính vì thế nỗi sợ hãi trước đám đông tồn tại trong mỗi chúng ta.

Các nhà tâm lý học đã đồng ý rằng cảm giác thuộc về là nhu cầu cơ bản của con người mà hầu như tất cả mọi người đều tìm cách thoả mãn (Allen và cộng sự, 2020). Nó thúc đẩy cá nhân tìm kiếm các mối quan hệ ổn định, lâu dài cũng như tham gia vào các hoạt động xã hội như câu lạc bộ, nhóm thể thao, nhóm tôn giáo và các tổ chức cộng động.

Chúng ta có thể nhìn thấy rất rõ điều này ở các cá nhân trong độ tuổi thanh thiếu niên. Thanh thiếu niên là lứa tuổi chuyển tiếp từ trẻ em sang người lớn, chứa đựng nhiều vấn đề tâm lý và các giai đoạn khủng hoảng. Ở một số gia đình, việc giao tiếp giữa con cái ở tuổi thiếu niên và cha mẹ gặp nhiều khó khăn thậm chí là mâu thuẫn. Cảm giác “mình là người lớn” không được cha mẹ chấp nhận và tôn trọng, khiến các em dễ cảm thấy cô đơn và không có ai hiểu mình. Khi nhu cầu được chấp nhận không được đáp ứng trong bối cảnh gia đình hoặc nhà trường, các em có nguy cơ dễ tham gia vào các nhóm xã hội, bạn bè xấu và có các hành vi nguy cơ – nơi mà nhu cầu được thuộc về, được chấp nhận và thấu hiểu của các em được đáp ứng. Ở đây các cá nhân được cảm thấy là chính mình, những suy nghĩ và quan điểm được tôn trọng càng củng cố niềm tin rằng đây là nơi mình thuộc về. Từ đó cá nhân có thể bắt đầu cư xử theo các chuẩn mực và quy tắc nhóm đặt ra – bằng cách tham gia các hoạt động của nhóm như uống rượu, đua xe hoặc lạm dụng các chất gây nghiện.

Như vậy, việc cảm giác thuộc về ở mỗi cá nhân được thỏa mãn là vô cùng quan trọng. Bên cạnh việc giúp cá nhân trải nghiệm cảm giác được chấp nhận là chính mình nó còn giúp điều chỉnh hành vi sao cho phù hợp với các  chuẩn mực của nhóm. Trở thành thành viên của các nhóm xã hội có giá trị có thể giúp cá nhân trở nên tốt hơn bằng cách đáp ứng các quy tắc của nhóm và từ đó hoàn thiện bản thân.

Tài liệu tham khảo

Allen, K.-A., Kern, M. L., Rozek, C. S., McInerney, D. M., & Slavich, G. M. (2021). Belonging: A review of conceptual issues, an integrative framework, and directions for future research. Australian Journal of Psychology, 73(1) ,87–102. https://doi.org/10.1080/00049530.2021.1883409

Hagerty, B. M. K., Lynch-Sauer, J., Patusky, K. L., Bouwsema, M., & Collier, P. (1992). Sense of belonging: A vital mental health concept. Archives of Psychiatric Nursing, 6(3), 172–177. https://doi.org/10.1016/0883-9417(92)90028-H

Healthfully. (2017). The Importance of Belonging in Teenagers. Truy cập 31/10 từ https://healthfully.com/1002787-importance-belonging-teenagers.html

Verywell mind. (2021). What Is the Sense of Belonging?. Truy cập 31/10/2022 từ https://www.verywellmind.com/what-is-the-need-to-belong-2795393

Wike, T. L., & Fraser, M. W. (2009). School shootings: Making sense of the senseless. Aggression and Violent Behavior, 14(3), 162–169. https://doi.org/10.1016/j.avb.2009.01.005

 

Để lại một bình luận